Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6129/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔNG ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 05 năm 2021 - 2025 của tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định ban hành chuẩn nghèo riêng áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nếu cần thiết).

2. Yêu cầu

a) Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thực hiện đúng quy trình, bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch nhằm xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

b) Điều tra viên phải là người đã được tham gia tập huấn, có hiểu biết tình hình dân cư tại địa bàn và trực tiếp đến phỏng vấn, thu thập thông tin của từng hộ để phản ảnh đúng tình hình thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ theo các tiêu chí quy định tại phiếu điều tra.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ QUY TRÌNH ĐIỀU TRA

1. Đối tượng Điều tra

Là những hộ dân trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập trung bình theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ (tiêu chí thu nhập của hộ nghèo và hộ cận nghèo: Khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng trở xuống. Chuẩn hộ có mức sống trung bình: Khu vực nông thôn trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/người/tháng), dự kiến khoảng 3.000.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và từ 2.250.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn, kết hợp với việc xác định ngưỡng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), cụ thể như sau:

a) Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thời điểm rà soát.

b) Hộ gia đình đăng ký rà soát.

c) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

d) Hộ gia đình đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo.

2. Quy trình điều tra, rà soát

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

III. THỜI GIAN, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA, DỰ KIẾN SỐ HỘ ĐIỀU TRA

1. Thời gian Điều tra

Dự kiến tháng 06 đến tháng 11/2021, sau khi có hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Phương pháp điều tra

Kết hợp các phương pháp nhận dạng nhanh, phỏng vấn trực tiếp, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân. Điều tra viên phải đến trực tiếp từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra.

3. Dự kiến số hộ điều tra

Căn cứ kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo Nghị quyết số 118/2018/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2018 của HĐND tỉnh về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2020 (chuẩn nghèo thu nhập khu vực thành thị là 1.450.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 1.200.000 đồng/người/tháng; chuẩn cận nghèo khu vực thành thị là 1.900.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 1.550.000 đồng/người/tháng; chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị là 2.550.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 2.050.000 đồng/người/tháng trở xuống) và Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh Đồng Nai dự kiến điều tra khoảng 7,5% số hộ dân trên tổng số hộ dân toàn tỉnh, khoảng 68.100 hộ, cụ thể như sau:

STT

Đơn vị

Tổng số hộ dân đầu năm 2021

Phần trăm hộ dân đưa vào điều tra/tổng số hộ dân của từng huyện (%)

Dự kiến tổng số hộ điều tra, rà soát

01

Thành phố Biên Hòa

317.276

6

19.200

02

Huyện Vĩnh Cửu

46.381

10

4.600

03

Huyện Trảng Bom

103.203

7

7.300

04

Huyện Thống Nhất

42.597

7,5

3.200

05

Thành phố Long Khánh

42.244

6

2.600

06

Huyện Cẩm Mỹ

36.424

7,5

2.700

07

Huyện Xuân Lộc

60.112

9

5.500

08

Huyện Định Quán

52.657

11

5.800

09

Huyện Tân Phú

42.141

14

5.900

10

Huyện Long Thành

72.458

7

5.100

11

Huyện Nhơn Trạch

88.111

7

6.200

Tổng cộng

903.604

7,53

68.100

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KINH PHÍ TRA

1. Tổ chức thực hiện

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ cùng các sở, ngành, liên quan tham mưu Chủ tịch UBND thành lập Ban Chỉ đạo cuộc tra cấp tỉnh (nếu cần thiết).

- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn điều tra, thiết kế phiếu điều tra, các loại biểu mẫu tổng hợp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác điều tra cho các điều tra viên, hướng dẫn viên và giám sát viên cấp huyện, cấp xã, ấp, khu phố. In và cấp phát phiếu điều tra, các loại biểu mẫu tổng hợp cho các địa phương. Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện và thanh quyết toán kinh phí tổng điều tra.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác điều tra. Tổ chức kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, khiếu nại và các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác điều tra. Tổng hợp kết quả điều tra hộ nghèo đầu giai đoạn 2022 - 2025 của UBND các huyện, thành phố tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Tài chính

Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về kinh phí để triển khai kế hoạch theo quy định.

c) Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; mục đích, ý nghĩa, quy trình của việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo.

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định.

đ) UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2022 - 2025 của địa phương. Thành lập Ban Chỉ đạo điều tra cấp huyện.

- Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra. Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra và theo dõi, kiểm tra tiến độ điều tra của UBND cấp xã. Tổ chức kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư, khiếu nại và các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác điều tra.

- Nghiệm thu, thẩm định kết quả điều tra do cấp xã gửi lên, tổng hợp và báo cáo kết quả điều tra theo từng nhóm thu nhập về Ban Chỉ đạo điều tra cấp tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

e) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Xây dựng kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 và thành lập Ban Chỉ đạo điều tra cấp xã.

- Ban chỉ đạo điều tra cấp xã thực hiện các nhiệm vụ sau: Tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo công tác điều tra trên địa bàn cấp xã. Tổ chức truyền thông rộng rãi trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, đối tượng cuộc điều tra. Chọn điều tra viên, lập danh sách hộ điều tra, triển khai và giám sát cuộc điều tra, niêm yết kết quả điều tra, tổng hợp kết quả điều tra trên toàn địa bàn, trình UBND cấp huyện phê duyệt kết quả điều tra. Lập sổ theo dõi kết quả điều tra theo mẫu thống nhất do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành.

2. Kinh phí điều tra: Do ngân sách tỉnh bố trí.

Trên đây là Kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025; yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) xem xét, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT. UBND tỉnh;
- Các đơn vị tại khoản 1, Mục IV;
- Chánh, PCVP. UBND tỉnh (VX);
- Lưu: VT, KTNS, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Bảo