Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 02 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 33-CT/TU NGÀY 21/8/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 21/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 33-CT/TU); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 33-CT/TU nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU phải quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đạt bước chuyển biến trong toàn hệ thống chính trị. Quán triệt nghiêm túc, sâu sắc đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; nắm vững nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 33-CT/TU để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao.

- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý hoạt động khoáng sản

- Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và Chỉ thị số 33-CT/TU nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý hoạt động khoáng sản; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

- Tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương thực hiện các chuyên mục về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

2. Các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường theo Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 19/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy[1] và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 26/5/2023 của UBND tỉnh[2].

3. Thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

- Các ngành, các cấp tham mưu UBND tỉnh thực hiện lập, điều chỉnh và triển khai thực hiện Phương án thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, bảo đảm nguyên vật liệu vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện quy hoạch các mỏ khoáng sản đưa vào thăm dò, khai thác phải đảm bảo gắn với bến bãi, bến thủy nội địa phục vụ cho công tác tập kết, vận chuyển khoáng sản, nhất là đối với các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi) gần khu vực sông thuận tiện việc vận chuyển bằng đường thủy.

- Các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương, quản lý bến bãi, vận tải, hành lang an toàn đê liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Bố trí ngân sách bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

- Tập trung bố trí nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản; đảm bảo đến năm 2028, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.

4. Các ngành, các cấp rà soát, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương, đơn vị. Rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định, cơ chế, quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh bảo đảm phù hợp, thuận tiện, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện, gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

5. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, phải sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn quản lý, phát huy dân chủ ở cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, có hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, để xảy ra sai phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý hoặc không kiên quyết trong xử lý các sai phạm về khoáng sản.

6. Các ngành, các cấp tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề và giải quyết đơn thư đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 12/2024/QĐ-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh.

- Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, công tác tính thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; mua bán hóa đơn trái phép.

- Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khi chưa đủ điều kiện; khai thác vượt công suất, trữ lượng, vượt ra ngoài phạm vi ranh giới khu vực mỏ được cấp phép; hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu khoáng sản trái phép và hoạt động mua bán khoáng sản, vật liệu không có nguồn gốc và các hoạt động khác nhằm mục đích hợp thức hóa nguồn khoáng sản trái phép. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực theo quy định.

- Tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực khoáng sản thuộc thẩm quyền, không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người, bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp theo quy định.

(Chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp tại Phụ lục kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, cơ quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai, thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 01/12 hàng năm có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Sở, cơ quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch này để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo theo quy định; tham mưu UBND tỉnh thực hiện sơ kết thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU vào quý IV/2026 và tổng kết 05 năm vào quý III/2029./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UB MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP (CVP, PCVP-PT);
+ TH, KTN;
+ Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, TN. Toàn

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ô Pích

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 02/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)

STT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện và hoàn thành

1

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và Chỉ thị số 33-CT/TU, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản

Các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã

Các cơ quan báo chí, Trung tâm thông tin

Thường xuyên

2

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã

Thường xuyên

3

Tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật

UBND cấp huyện, UBND cấp xã

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông

Thường xuyên

4

Xây dựng các chuyên mục về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông

Thường xuyên

5

Tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường theo Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 19/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 26/5/2023 của UBND tỉnh.

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã

 

Thường xuyên

6

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

 

 

 

6.1

Rà soát điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản trong Phương án bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh và phù hợp quy hoạch khoáng sản cả nước, gắn với bến bãi, bến thủy nội địa

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Từ năm 2025 và những năm tiếp theo

6.2

Rà soát, điều chỉnh khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố

Năm 2025

6.3

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo hướng gắn trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã, người đứng đầu và quyền lợi của người dân địa phương nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Sau khi Luật Khoáng sản và Địa chất có hiệu lực thi hành

6.4

Tập trung bố trí nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Từ năm 2025 và những năm tiếp theo

6.5

Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Năm 2028

6.6

Tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đê liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Thường xuyên

6.7

Tăng cường công tác quản lý bến bãi, vận tải liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản

UBND cấp huyện

Các Sở, ngành

Thường xuyên

6.8

Bố trí ngân sách bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Sở Tài chính

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện

Thường xuyên

7

Rà soát, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại các địa phương, đơn vị

Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện

 

Thường xuyên

8

Rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định, cơ chế, quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh bảo đảm phù hợp, thuận tiện, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện, gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện

Thường xuyên

9

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của ngành và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn

Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện

 

Thường xuyên

10

Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, có hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, để xảy ra sai phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý hoặc không kiên quyết trong xử lý các sai phạm về khoáng sản

Sở Nội vụ

Các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện

Thường xuyên

11

Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề và giải quyết đơn thư đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 12/2024/QĐ-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

 

Thường xuyên

11.1

Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, công tác thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; mua bán hóa đơn trái phép

Cục Thuế tỉnh

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Thường xuyên

11.2

Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khi chưa đủ điều kiện; khai thác vượt công suất, ra ngoài ranh giới cấp phép; hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu khoáng sản trái phép và hoạt động mua bán khoáng sản, vật liệu không có nguồn gốc và các hoạt động khác nhằm mục đích hợp thức hóa nguồn khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường

UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh

Các Sở, ngành

Thường xuyên

11.3

Thực hiện rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực theo quy định

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Thường xuyên

11.4

Tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực khoáng sản thuộc thẩm quyền, không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người, bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp theo quy định

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện

Thường xuyên

 



[1] Về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[2] Về thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 19/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 09/12/2022 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.