Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Chỉ thị số 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm việc quản lý điều hành phương tiện, người điều khiển theo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông về kinh doanh vận tải, tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý, điều hành vận tải góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa giao thông, ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Yêu cầu:

- Công tác quản lý kinh doanh vận tải, phải được tăng cường và triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ.

- Tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

II. MỤC TIÊU

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải đường bộ tại các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố. Công tác quản lý vận tải hiệu quả, ổn định; cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

- Tạo môi trường lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải. Bộ máy quản lý, các bộ phận điều hành, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông tại các đơn vị vận tải làm việc hiệu quả, nắm chắc hoạt động của các phương tiện vận tải nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

- Lái xe, nhân viên phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, các quy định pháp luật về vận tải, an toàn giao thông.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức tuyên truyền và học tập, quán triệt:

Tuyên truyền sâu rộng các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dưới nhiều hình thức đến các đối tượng để thực hiện. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, tránh việc tuyên truyền hình thức, không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin. Yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trong việc chấp hành pháp luật về vận tải, an toàn giao thông, đặc biệt là việc chấp hành quy định về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe.

2. Kiểm soát điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:

Thẩm định kỹ các điều kiện trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải, đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, trong đó đặc biệt lưu ý các đơn vị kinh doanh vận tải là các hợp tác xã. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kiên quyết thu hồi Giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân không duy trì được các điều kiện hoạt động.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các đơn vị vận tải :

Tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, đặc biệt là buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện và người lái xe, đơn vị không bảo đảm điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh vận tải không có giấy phép, không có bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông hoặc có nhưng không hoạt động, không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khoán trắng cho lái xe... Kết quả thanh tra, xử lý phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Sở Giao thông Vận tải :

- Thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đóng trên địa bàn tỉnh về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo điều hành, cán bộ quản lý làm việc tại đơn vị vận tải.

- Trong quá trình thẩm định hồ sơ trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, trong đó đặc biệt lưu ý các đơn vị kinh doanh vận tải là hợp tác xã.

- Định kỳ kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, không bảo đảm điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh vận tải không có giấy phép, không có bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông hoặc có nhưng không hoạt động, không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khoán trắng việc kinh doanh và quản lý phương tiện cho lái xe...

- Trong tháng 10/2013 tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tiến hành kiểm tra hoạt động của bộ phận quản lý điều hành, theo dõi an toàn giao thông, việc ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và thực hiện xét nghiệm ma túy đối với đội ngũ lái xe.

2. Công an tỉnh :

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm, các bến xe khách. Tập trung kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông như phương tiện không đủ điều kiện an toàn, người điều khiển không có giấy phép lái xe phù hợp, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá trọng tải, sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác...

- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý chủ phương tiện vi phạm các quy định về quản lý phương tiện; lái xe sử dụng ma túy.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội :

Xây dựng Kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô về hợp đồng lao động, thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc của lái xe, nhân viên phục vụ...

4. Sở Y tế :

Xây dựng Kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô về kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra xét nghiệm ma túy của đội ngũ lái xe. Kịp thời thông báo với các cơ quan chức năng những đối tượng, đơn vị vận tải có lái xe sử dụng chất ma túy.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố :

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đóng trên địa bàn nhằm nâng cao trình độ quản lý, đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và cán bộ làm việc tại đơn vị vận tải.

- Quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kinh doanh vận tải, bến xe khách trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, kiên quyết thu hồi đăng ký kinh doanh của các cá nhân, hợp tác xã không duy trì được các điều kiện về kinh doanh vận tải.

6. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh :

Tăng cường thời lượng tuyên truyền các quy định của Nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nội dung cụ thể phù hợp với từng đối tượng, tiến hành biên dịch các quy định liên quan ra tiếng dân tộc để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến đối với người dân tộc thiểu số.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, cấp mình để tổ chức thực hiện.

- Giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải theo quy định./.

 

 

Nơi nhận :
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu VT-GT. C.55

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Chẩu Văn Lâm