Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/KH-UBND

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LẬP QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch; Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch; Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 23/5/2019 hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung cơ bản như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên trên địa bàn Thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.

- Quy hoạch thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, phát huy được tối đa về tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

- UBND Thành phố là cơ quan tổ chức và chỉ đạo các hoạt động lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu: Việc triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần đảm bảo các yêu câu về quy trình, thủ tục, nội dung, tiến độ theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản pháp lý có liên quan. Cụ thể:

- Về nội dung: Nội dung chủ yếu của Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tuân thủ theo Điều 27, Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quy hoạch. Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải thể hiện các dự án cấp quốc gia đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia; các dự án cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định ở quy hoạch vùng; định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

- Về quy trình, thủ tục: Việc xây dựng nhiệm vụ, dự toán, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch cần tuân thủ Luật Quy hoạch, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ, ngành Trung ương.

- Về tiến độ thực hiện: Thời gian lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; lập, trình thẩm định quy hoạch theo các quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành, báo cáo Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch Thành phố (nếu có), UBND Thành phố xem xét trước khi trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo quy định.

II. TỔ CHỨC XÂY DỰNG QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. UBND Thành phố xem xét thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch Thành phố để chỉ đạo hoạt động tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan lập quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã trong quá trình xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch, xây dựng Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản pháp lý liên quan.

3. Tổ chức xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; triển khai lập Quy hoạch thành phố theo đúng quy định của Luật quy hoạch và các pháp luật có liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

- Giao Sở Tài chính rà soát, bổ sung dự toán kinh phí thực hiện xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố từ nguồn chi nghiệp vụ ngoài định mức năm 2020.

- Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc UBND Thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan lập quy hoạch, triển khai thực hiện theo quy định.

4. Triển khai lập quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045:

a) Cơ quan lập quy hoạch căn cứ nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện, tư vấn giám sát theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp lý có liên quan.

b) Xây dựng các nội dung quy hoạch:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng các nội dung quy hoạch được quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch, Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn xây dựng các nội dung quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật chuyên ngành để thực hiện tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- UBND Thành phố xem xét, quyết định lựa chọn phương án tích hợp quy hoạch trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc tích hợp các nội dung đề xuất vào quy hoạch Thành phố.

c) Xây dựng Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: Giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị tư vấn tiến hành lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình lập quy hoạch, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về môi trường.

5. Trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch:

Sau khi hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố: (1) Báo cáo Thành ủy theo quy chế làm việc của BCH Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2016-2020; (2) Gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh thành lân cận; (3) phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Quy hoạch theo các ý kiến đóng góp; (4) báo cáo UBND Thành phố xem xét, gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch; (5) hoàn thiện quy hoạch theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố cho ý kiến thông qua; (5) Lấy ý kiến cộng đồng; (6) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch sau khi có ý kiến của Quốc hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách và các hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành, thực hiện việc bố trí kế hoạch vốn cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, đánh giá Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng quy định.

2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiên cứu, xây dựng các phương án quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch Thành phố, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu về nội dung, chất lượng, tiến độ.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan đơn vị cần kịp thời gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây;
- VPUB: CVP, Các PCVP; các phòng TH, KT, ĐT, NC, TKBT;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung