Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ
HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI DOANH NGHIỆP CỦA CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ CÔNG LẬP THUỘC THÀNH PHỐ

Thực hiện các Kế hoạch của UBND Thành phố: số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020; số 171/KH-UBND ngày 20/9/2016 thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong chuyên nghiệp đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động.

- Lựa chọn các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trên địa bàn Thành phố, thí điểm tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Xây dựng, phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác phối hợp tổ chức đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực để nhân rộng thực hiện trong tất cả các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố nói riêng và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thành phố nói chung, nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Góp phần tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong lực lượng lao động chung, hướng đến mục tiêu lao động qua đào tạo đạt từ 70 - 75% vào năm 2020.

2. Yêu cầu

- Các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố, các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng phải đảm bảo các điều kiện, năng lực tổ chức đào tạo nghề.

- Nghề tổ chức đào tạo phải là những nghề thế mạnh, phù hợp giữa đơn vị đào tạo và sử dụng lao động; ưu tiên lựa chọn các nghề theo hướng công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn hoặc các nghề thể hiện được nét đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

- Đảm bảo tối thiểu 90% học sinh, sinh viên (HSSV) được bố trí làm việc ngay sau khi tốt nghiệp phù hợp chuyên môn, ngành nghề được đào tạo; có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng.

- Hình thức, nội dung tổ chức đào tạo phải đảm bảo tính khả thi, thiết thực và phù hợp thực tế.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Giai đoạn 2017 - 2018

Lựa chọn 06 trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố thí điểm tổ chức đào tạo 385 học sinh, sinh viên. Trình độ đào tạo: Trung cấp 175 học sinh; cao đẳng 210 sinh viên. Cụ thể:

- Năm 2017: Tổ chức đào tạo 05 nghề; 175 học sinh, sinh viên (mỗi nghề 35 học sinh, sinh viên). Trình độ trung cấp 02 nghề; cao đẳng 03 nghề.

- Năm 2018: Tổ chức đào tạo 06 nghề; 210 học sinh, sinh viên (mỗi nghề 35 học sinh, sinh viên). Trình độ trung cấp 03 nghề; cao đẳng 03 nghề.

2. Giai đoạn 2019 - 2020: 09 trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố tổ chức đào tạo nghề thí điểm tối thiểu 630 học sinh, sinh viên ở trình độ trung cấp, cao đẳng.

III. NỘI DUNG

1. Đối tượng

a) Người học

Học sinh, sinh viên tham gia khóa đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp tuyển dụng phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

- Đảm bảo các điều kiện quy chế tuyển sinh đúng quy định.

b) Đơn vị đào tạo

Đơn vị tham gia đào tạo theo kế hoạch bao gồm 09 trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố, thực hiện theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 2017 - 2018, gồm 06 đơn vị: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội.

- Giai đoạn 2019 - 2020, gồm 09 đơn vị: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội; Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội; Trường Trung cấp nghề May và Thời trang Hà Nội.

c) Doanh nghiệp phối hợp đào tạo, tuyển dụng lao động

Doanh nghiệp phối hợp các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động do đơn vị đào tạo đề xuất, lựa chọn. Một doanh nghiệp có thể đồng thời phối hợp 02 hoạt động đào tạo và tuyển dụng (ưu tiên) hoặc 01 trong 02 hoạt động. Trong thời gian đào tạo, có thể kết hợp nhiều doanh nghiệp để phù hợp với mô đun, môn học và phù hợp nhu cầu xã hội. Nội dung hoạt động chính phối hợp giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp:

- Công tác đào tạo: Tuyển sinh; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ trang thiết bị, điều kiện thực hành, thực tập; bố trí cán bộ đủ điều kiện để hướng dẫn thực hành hoặc tham gia vào quá trình giảng dạy; đánh giá chất lượng đào tạo; những vấn đề khác liên quan đào tạo.

- Tuyển dụng, bố trí vị trí việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp phù hợp chuyên môn, ngành nghề được đào tạo.

2. Nghề, trình độ, chỉ tiêu và đơn vị tham gia đào tạo, tuyển dụng

a) Năm 2017

Lựa chọn 05 nghề là thế mạnh của 05 trường tổ chức đào tạo nghề cho 175 học sinh, sinh viên (mỗi nghề 35 người) ở 02 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp:

- Nghề Cắt gọt kim loại: Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, đào tạo trình độ trung cấp.

- Nghề Điện tử công nghiệp: Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Nghề Cơ điện tử: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Nghề Điện công nghiệp: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Nghề Công nghệ ô tô: Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội, đào tạo trình độ trung cấp.

b) Năm 2018

Lựa chọn 06 trường thực hiện tổ chức đào tạo nghề cho 210 học sinh, sinh viên (mỗi trường đào tạo 35 học sinh, sinh viên) ở 02 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp; tên nghề đào tạo và đơn vị tham gia phối hợp đào tạo, tuyển dụng do đơn vị đào tạo liên hệ, chủ động xác định theo đặt hàng của doanh nghiệp sử dụng lao động:

- Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, đào tạo trình độ trung cấp.

- Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đào tạo trình độ cao đẳng.

- Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, đào tạo trình độ trung cấp.

- Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội, đào tạo trình độ trung cấp.

c) Các năm tiếp theo

- 09 trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố tổ chức đào tạo thí điểm tối thiểu 315 học sinh, sinh viên/01 năm học (mỗi trường đào tạo tối thiểu 35 học sinh, sinh viên/01 năm học) ở 02 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp.

- Nghề đào tạo và đơn vị tham gia phối hợp đào tạo, tuyển dụng do đơn vị đào tạo liên hệ, chủ động xác định theo đặt hàng của doanh nghiệp sử dụng lao động.

- Trình độ đào tạo: Các trường trung cấp đào tạo ở trình độ trung cấp; các trường cao đẳng đào tạo ở trình độ cao đẳng.

3. Chương trình, thời gian và phương thức đào tạo

- Chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt ban hành sử dụng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn khác. Nội dung chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu chung theo từng cấp trình độ; đồng thời, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ năng nghề do doanh nghiệp sử dụng lao động đặt hàng đào tạo.

- Chương trình đào tạo phải đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định.

- Thời gian, phương thức đào tạo theo từng cấp trình độ do cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phối hợp tổ chức đào tạo thống nhất và được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Là đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch.

- Chỉ đạo, đôn đốc các trường dạy nghề thuộc Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo hàng năm của các trường dạy nghề.

- Phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệu quả của công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp.

- Kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn.

2. Các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố

- Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2017 - 2020, chủ động liên hệ lựa chọn các doanh nghiệp để ký hợp đồng phối hợp đào tạo, tuyển dụng đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch; đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt thực hiện.

- Chủ động tăng cường hợp tác, gắn kết đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp trong công tác xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy thực hành cho học sinh, sinh viên.

- Tổ chức thực hiện đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt đúng quy định, đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả.

3. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo thí điểm

- Đảm bảo các điều kiện về thiết bị và nguyên vật liệu cho học sinh, sinh viên thực hành tại doanh nghiệp; giáo viên dạy nghề được hướng dẫn cho học sinh thực tập tại doanh nghiệp.

- Phối kết hợp cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, định hướng tư vấn nghề nghiệp và đặt hàng nghề đào tạo.

- Phối kết hợp cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo; giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học nghề.

- Tiếp nhận sử dụng lao động sau đào tạo vào làm việc tại doanh nghiệp.

Yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các trường dạy nghề thuộc Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm Sở Lao động và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Bộ LĐTB&XH;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản;
- Sở LĐTB&XH, Sở TT&TT;
- Các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP N.N.Kỳ, T.V.Dũng, KGVX, KT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX(Tuệ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý