UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 14 tháng 4 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu; Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Công văn số 1982a/BCT-KHCN ngày 10/3/2017 của Bộ Công Thương về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng rượu.
2. Yêu cầu
- Sở Công Thương, Sở Y tế, các ngành chức năng, UBND các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến và pha chế, rượu không rõ nguồn gốc và xuất xứ; chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
- Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm rượu.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, lựa chọn sử dụng rượu.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sơ sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Ngăn chặn kịp thời việc đưa ra lưu thông trên thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn hàng hóa, rượu giả, rượu nhập lậu kém chất lượng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
3. Tổ chức giám sát, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là có nguyên nhân từ rượu, cồn, methanol và các chất liên quan khác.
4. Tăng cường rà soát, nâng cao hiệu quả lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, thẩm định, kiến nghị cấp có thẩm quyền công nhận làng nghề sản xuất rượu tại một số địa phương có nghề truyền thống; tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, lưu thông, tiêu thụ rượu nhập khẩu trên địa bàn.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí phục vụ cho hoạt động kiểm tra, tuyên truyền được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên của các huyện, thành phố và các sở, ngành; kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng dự toán kinh phí để mua sắm các Test, Kit thử nhanh, kinh phí thực hiện việc xét nghiệm đối với các mẫu sản phẩm rượu có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Việc sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức (hướng dẫn pháp luật, vận động ký cam kết, phát tờ rơi, khuyến cáo,...) đối với các sơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công không có nhãn hàng hóa, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các điểm phân phối rượu.
Mở đợt kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu như: Nhãn hàng hóa, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng cồn công nghiệp, nguồn gốc nguyên liệu, hương liệu và sản phẩm rượu thành phẩm (bao gồm cả rượu thủ công); phối hợp cơ quan Y tế dùng test thử nhanh phát hiện hàm lượng Methanol và các chất khác, lấy mẫu xét nghiệm phân tích đánh giá, kịp thời cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Phối hợp với cơ quan báo chí kịp thời đưa tin về hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng rượu, góp phần hạn chế ngộ độc rượu trên địa bàn; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng rượu, các loại cồn sử dụng trong công nghiệp, thực phẩm, các chất phụ gia sử dụng trong bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm lưu thông trên thị trường nội địa.
- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, nhất là công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, cấp Giấy xác nhận thực hiện quảng cáo đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu; rà soát quy hoạch mạng lưới sản xuất, kinh doanh rượu.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Y tế
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc Methanol, đặc biệt là đối với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu; tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn khi lựa chọn sử dụng rượu; tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhằm ngăn chặn kịp thời việc đưa ra lưu thông trên thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan truy xuất nguồn gốc rượu, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định để xử lý vi phạm, cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các cấp tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản nguyên liệu sản xuất các loại rượu, cồn và men liên quan; tiếp tục hướng dẫn phát triển làng nghề, hợp tác xã, trong đó có làng nghề, hợp tác xã sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh, chú trọng các địa bàn có truyền thống sản xuất rượu thủ công làm nguyên liệu chế biến rượu công nghiệp nhằm quản lý tốt lĩnh vực phát triển nông thôn gắn với việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, đưa tin về hoạt động kiểm tra, kết quả kiểm tra, xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng rượu, góp phần hạn chế ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh.
5. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
- Thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo về nguy cơ ngộ độc từ rượu, cồn trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.
- Tăng thêm thời lượng tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm; đưa tin kịp thời các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng nhằm tăng khả năng răn đe.
6. Các ngành chức năng trên khu vực biên giới
- Thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu rượu, quản lý xuất nhập cảnh, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng rượu, nguyên liệu nhập khẩu sản xuất rượu, cồn, men rượu và các loại phụ gia chế biến thực phẩm khác.
- Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu qua địa bàn, dân cư biên giới chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến mặt hàng rượu, an toàn thực phẩm.
7. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tuyên truyền, xử lý các đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh rượu bất hợp pháp.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao của huyện, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất rượu, an toàn thực phẩm, chú trọng tuyên truyền lưu động tại vùng nông thôn với các hình thức trực quan, thiết thực.
- Chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do nhân dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng biết những tác hại của những mặt hàng rượu nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; định hướng cho người tiêu dùng biết và lựa chọn những sản phẩm rượu an toàn.
9. Các sở, ban ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bất hợp pháp, gian lận thương mại, hàng giả không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm hoặc đột xuất về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 1754/KH-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 2 Kế hoạch 1044/KH-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 3 Chỉ thị 02/CT-BCT năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do Bộ Công thương ban hành
- 4 Công văn 1982A/BCT-KHCN năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu do Bộ Công thương ban hành
- 5 Công điện 371/CĐ-TTg năm 2017 về khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1560/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030
- 7 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2014 đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 2 Quyết định 1560/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030
- 3 Kế hoạch 1044/KH-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 4 Kế hoạch 1754/KH-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 5 Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Lai Châu