Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 698/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” TRONG NGÀNH GIÁO DỤC NĂM 2016

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Công văn số 2496/BTP-PBGDPL ngày 27/7/2016 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2016; Công văn số 3115/BTP-PBGDPL ngày 12/9/2016 của Bộ Tư pháp về việc tổ chức đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2016; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong ngành giáo dục năm 2016 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn ngành về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật (ngày 09 tháng 11 hằng năm), đảm bảo Ngày Pháp luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống chính trị- pháp lý của đất nước, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội;

b) Thông qua các hoạt động tổ chức Ngày Pháp luật, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực giáo dục, chú trọng các văn bản liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nhà giáo, người học, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức;

b) Hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của nhà giáo, người học, cán bộ quản lý giáo dục; gắn với công tác xây dựng, thi hành pháp luật trong ngành.

II. CHỦ ĐỀ NGÀY PHÁP LUẬT NĂM 2016 VÀ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Chủ đề

Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

2. Khẩu hiệu

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và tình hình thực tế tại địa phương, các cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật; tham khảo một số khẩu hiệu do Bộ Tư pháp cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://www.moj.gov.vn ).

III. THỜI GIAN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC

1. Thời gian

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần được tổ chức trong cả năm bảo đảm tính thường xuyên, liên tục và tập trung trong 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11/2016; cao điểm trong tuần lễ từ ngày 07/11 đến ngày 12/11/2016.

2. Nội dung

Gắn với quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016-2020) và các luật, pháp lệnh mới ban hành; kết hợp chặt chẽ với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện; tập hợp, vận động người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành giáo dục thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, trọng tâm là:

- Quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung chính sách trong các văn bản pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế, chú trọng các quy định liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; các chính sách, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; các quy định pháp luật, các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

- Chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về giáo dục và đào tạo; các Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 của ngành giáo dục, các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học theo từng cấp học và các quy định có liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Giáo dục ý thức và lợi ích của việc tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành.

- Tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

(Tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo www.moet.gov.vn; trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp www.moj.gov.vn).

3. Hình thức

Tiếp tục triển khai các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật có hiệu quả như: Qua mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin; thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, sân khấu hóa); ngày hội pháp luật; tổ chức các tọa đàm, hội thảo về xây dựng, thực thi pháp luật; áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn tại cơ quan, đơn vị, trường học; ra quân tình nguyện, hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp; tư vấn pháp luật, tham dự phiên tòa xét xử lưu động; lồng ghép qua sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có sự tham gia rộng rãi của người học để tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, vi phạm kỷ luật học đường, vi phạm pháp luật. Tùy điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, có thể sử dụng các hình thức khác như:

- Tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua các hoạt động chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, nhà trường; chú trọng xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; vinh danh, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành vào bảo vệ pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Bộ luật Dân sự cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần đưa các quy định của Bộ luật vào cuộc sống, trong thời gian từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/11/2016.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm căn cứ điều kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và khả năng nguồn lực để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trong cơ quan, đơn vị, nhà trường với nội dung, hình thức phù hợp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

2. Giao Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai các hoạt động Ngày Pháp luật tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; Biên soạn bản tin, đĩa dữ liệu, đĩa hình, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật.

3. Các đơn vị thuộc Bộ lồng ghép nội dung việc thực hiện Kế hoạch với triển khai các nhiệm vụ của đơn vị.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng PHPBGDPLTW (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp;
- Các sở giáo dục và đào tạo (để t/h);
- Các đại học, học viện, trường đại học;
các trường sư phạm (để t/h);
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng,
và các đơn vị thuộc Bộ (để t/h);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu VT, PC (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Mạnh Hùng