Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 05/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh ban hành Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Để thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 được hiệu quả, thiết thực. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương.

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Bảo đảm an ninh du lịch, an toàn cho khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

- Phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

- Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện Kế hoạch phải bám sát nội dung và Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 15/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để xác định các nội dung, công việc trọng tâm nhằm triển khai thực hiện một cách hiệu quả và đảm bảo tiến độ.

- Khai thác các sản phẩm du lịch và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông thôn theo Kế hoạch số 254/ KH-UBND ngày 28/9/2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 và Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch, đặc biệt là do cộng đồng quản lý, khai thác và hưởng lợi dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp, chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn; phát triển du lịch nông thôn phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp, môi trường sinh thái đặc trưng gắn với chuyển đổi số và phải dựa trên các sản phẩm du lịch (vật thể và phi vật thể) để tạo ra giá trị kinh tế gia tăng.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi thực hiện

- Phạm vi về không gian: Triển khai tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

- Phạm vi về thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2025.

2. Đối tượng thực hiện

Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

1.1. Áp dụng một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Đẩy mạnh hướng dẫn, triển khai, thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

1.2. Hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

- Các mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

(Chi tiết các mô hình tại phụ lục số 02)

- Nguồn vốn: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hoá.

- Định mức hỗ trợ: Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh lào cai, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ban hành một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

1.3. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực

- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết số 10/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay), du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa.

- Rà soát, lựa chọn những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” và phù hợp với “Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP.

- Định hướng, tư vấn về tên sản phẩm, nhãn hiệu và sản xuất mẫu các sản phẩm đặc trưng để lựa chọn làm sản phẩm cho du lịch ẩm thực, làm quà tặng lưu niệm và quà tặng quảng bá.

- Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo quy định.

2. Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng

- Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các ban quản lý/hợp tác xã/tổ hợp tác du lịch cộng đồng, các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch nông thôn tại các bản du lịch cộng đồng.

- Xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ về quản lý và phát triển các hoạt động du lịch nông thôn cho các cán bộ cơ sở tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, các ban quản lý /hợp tác xã/ tổ hợp tác du lịch cộng đồng.

- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên du lịch địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

3. Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn

- Xây dựng, in ấn, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch nông thôn bằng Tiếng Việt và các ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Trung Quốc.

- Quảng bá du lịch nông thôn thông qua tổ chức các sự kiện, diễn đàn giới thiệu, chương trình Famtrip đối với các hãng lữ hành và truyền thông: Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các hãng truyền thông, các hãng lữ hành ở trong và ngoài nước hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch với các xã, huyện có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn để giới thiệu các sản phẩm du lịch nông thôn. Tổ chức các sự kiện, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp - nông thôn lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP của địa phương.

- Quảng bá du lịch nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang quảng bá thông tin du lịch của tỉnh: Tăng cường quảng bá du lịch nông thôn thường xuyên trên Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai (dulichlaocai.vn), Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn), Trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), Trang thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com) và Fanpage dulichlaocai; Trên cổng thông tin điện tử của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh (nongthonmoilaocai.vn);

- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok.

- Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn.

4. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

- Triển khai ứng dụng hiệu quả bộ 3 phần mềm du lịch thông minh “Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Lào Cai”; “Ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone” và “Hệ thống khai báo lưu trú trực tuyến”.

- Tập huấn cho các chủ thể tham gia du lịch nông thôn về chuyển đổi số trong du lịch; hỗ trợ kết nối quảng bá sản phẩm du lịch trên các website nổi tiếng về du lịch như booking.com, agoda.com...

- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh liên kết hoặc tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn của trung ương.

5. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

- Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025; huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động...) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn.

- Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường.

- Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các điểm đến du lịch nông thôn hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch nông thôn mới.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình: Theo phân cấp ngân sách quy định hiện hành; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; lồng ghép các chương trình, đề án, dự án khác; vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch thực hiện các nội dung sau:

Tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới hằng năm; tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình trong nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và hằng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Kế hoạch;

Tổ chức đánh giá, công nhận mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chương trình hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm theo quy định hiện hành.

2. Sở Du lịch

- Chủ trì thực hiện các nội dung phát triển sản phẩm du lịch, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hóa và Thể thao, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các sở, ngành đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Quy hoạch hệ thống du lịch của tỉnh; khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn lực du lịch nông thôn, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiệu quả.

- Hàng năm, báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổng hợp) tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao phụ trách.

3. Các cơ quan, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai thực hiện

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn, bố trí kinh phí thực hiện. Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (nếu có); Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, đề xuất các các giải pháp, dự án thu hút đầu tư du lịch.

- Sở Văn hóa và Thể thao: Hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn.

- Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; hướng dẫn triển khai quy hoạch, tổ chức giới thiệu địa điểm đất phù hợp với quy hoạch các dự án phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn nói riêng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp hướng dẫn xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho các dự án phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn nói riêng. Hướng dẫn, thẩm định các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường cho các dự án phát triển du lịch theo thẩm quyền. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên trong hoạt động phát triển du lịch tự nhiên tại địa phương.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ liên quan đến du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường quảng bá về du lịch nông thôn tỉnh Lào Cai (trong đó tập trung xây dựng những chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc sắc của tỉnh Lào Cai nhằm thu hút khách du lịch). Phối hợp với Sở Du lịch triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

- Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, thông tin quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh Lào Cai. Tuyên truyền nêu gương các mô hình doanh nghiệp điển hình, sáng tạo phát triển du lịch tại địa phương.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung kế hoạch trên, UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch chi tiết giai đoạn 2023-2025 và hằng năm để triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn.

- Đối với UBND các huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Văn bản, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình điểm phát triển du lịch nông thôn (Tại Phụ lục 03). Trong trường hợp UBND cấp huyện đề nghị thay đổi mô hình thí điểm du lịch nông thôn để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch có văn bản thống nhất với UBND huyện để UBND huyện triển khai thực hiện mô hình.

- Hằng năm, sơ kết, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình năm tiếp theo.

4. Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai:

- Nghiên cứu, xây dựng đưa các sản phẩm du lịch nông thôn vào khai thác, giới thiệu đến khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát huy vai trò cầu nối du lịch Lào Cai tới các doanh nghiệp, các tổ chức du lịch trong và ngoài nước.

- Liên kết hợp tác với các Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội du lịch nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- BCĐ các Chương trình MTQG TW;
- Các bộ: KHĐT, TC, NNPTNT;
- Văn phòng Điều phối NTM TW;
- Thành viên BCĐ các CT MTQG tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;
- CVP, PCVP3;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TH2,3, VX1, HT1, NLN1,2,3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

PHỤ LỤC 01

BIỂU PHỤ TRÁCH MỤC TIÊU CỤ THỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số: 71/KH-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Ghi chú

1

Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

2

50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

3

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Sở Du lịch

- Sở Thông tin và Truyền thông;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

4

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

5

Phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương.

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- VP. ĐPNTM tỉnh

- Sở Du lịch;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

6

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối NTM tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

 

PHỤ LỤC 02

DANH MỤC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số: 71/KH-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

1.1

Áp dụng một số cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

1.2

Hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

- UBND các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên; Văn bản;

- UBND TX Sa Pa; TP Lào Cai.

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

2023-2025

1.3

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

- Sở Du lịch;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2023-2025

2

Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng

2.1

Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các ban quản lý/hợp tác xã/tổ hợp tác du lịch cộng đồng, các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch nông thôn tại các bản du lịch cộng đồng

Sở Du lịch

- UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

Hàng năm

2.2

Xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM mới tỉnh.

Sở Du lịch

Hàng năm

2.3

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ về quản lý và phát triển các hoạt động du lịch nông thôn cho các cán bộ cơ sở tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, các ban quản lý/hợp tác xã/ tổ hợp tác du lịch cộng đồng

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

2.4

Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên du lịch địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

3

Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn

3.1

Xây dựng, in ấn, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch nông thôn bằng Tiếng Việt và các ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Trung Quốc.

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

- Sở Văn hóa và Thể thao;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

 

Quảng bá du lịch nông thôn thông qua tổ chức các sự kiện, diễn đàn giới thiệu, chương trình Pamtrip đối với các hãng lữ hành và truyền thông

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT,

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

- UBND các huyện, TX, TP;

Hàng năm

 

Quảng bá du lịch nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang quảng bá thông tin du lịch của tỉnh

Các sở, ban, ngành và các địa phương

 

Hàng năm

 

Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok

Các sở, ban, ngành và các địa phương

 

Hàng năm

 

Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Hàng năm

4

Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

 

Triển khai ứng dụng hiệu quả bộ 3 phần mềm du lịch thông minh “Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Lào Cai”; “Ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone” và “Hệ thống khai báo lưu trú trực tuyến”

Sở Du lịch

- Sở Thông tin và TT

- UBND các huyện, TX, TP

2023-2025

 

Tuyên truyền đến các chủ thể tham gia du lịch nông thôn về các nội dung thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; hỗ trợ kết nối quảng bá sản phẩm du lịch trên các website nổi tiếng về du lịch như booking.com, agoda.com...

Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Hàng năm

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh liên kết hoặc tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn của trung ương

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

- Sở Thông tin và TT;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

2023-2025

5

Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn

1

Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025; huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động...) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn

- Sở Tài chính;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- UBND các huyện, TX, TP.

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Sở Du lịch;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

2023-2025

 

PHỤ LỤC 03

DANH SÁCH CÁC MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
(Kèm theo Kế hoạch số: 71/KH-UBND ngày 08/02/2023 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Tên mô hình

Nội dung triển khai

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát

- Xây dựng không gian bán và giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP của huyện Bát Xát đã được công nhận;

- Xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm, biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại, trò chơi dân gian; Xây dựng lịch/chương trình biểu diễn các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian phục vụ du khách.

- Xây dựng website điểm du lịch, video clip, tờ rơi, tập gấp, cẩm nang sách ảnh giới thiệu điểm du lịch Choản Thèn; Tạo điểm checkin trên Facebook, Map, tạo địa chỉ trên các trang thông tin điện tử...; Hợp đồng quảng bá du lịch trên các trang website trong nước và quốc tế, fanpage, Youtube,... để quảng bá sản phẩm.

- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm du lịch “Làng du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát” kèm theo logo, biểu tượng phục vụ công tác quảng bá sản phẩm.

UBND huyện Bát Xát

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

2023-2025

2

Mô hình phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố huyện Bắc Hà.

- Đầu tư, nâng cấp nhà trưng bày, giới thiệu văn hóa người Mông;

- Xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thôn theo kiến trúc truyền thống;

- Hỗ trợ xây dựng 25 nhà trình tường lợp ngói âm dương phục vụ lưu trú và trải nghiệm nét văn hóa dân tộc Mông, đặc biệt là làng nghề truyền thống nấu rượu ngô Bản Phố và nghề rèn đúc của xã;

- Hỗ trợ xây dựng khu bãi đỗ xe; khu vui chơi và các hạng mục cải tạo cảnh quan, môi trường và các hạng mục dịch vụ khác phục vụ du khách.

UBND huyện Bắc Hà

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

2023-2025

3

Mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên

- Quy hoạch tổng thể không gian du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô. Phục dựng không gian văn hóa Tày ngoài trời đồng thời là điểm check in phục vụ khách du lịch.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng bảo tàng sinh thái đồng bào dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô.

- Khôi phục và duy trì tổ chức thường niên 02 lễ hội truyền thống và 01 Ngày hội văn hóa dân gian.

- Xây dựng Bảo tàng tre dọc suối Nậm Luông.

- Cắm mốc chỉ giới, khoanh vùng bảo vệ Di tích Chiến thắng Nghĩa Đô.

- Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận trên địa bàn xã Nghĩa Đô. Đề nghị công nhận 01 di tích lịch sử cấp tỉnh (phế tích thành Nhà Bầu). Hỗ trợ thành lập lần đầu và duy trì hoạt động cho 02 Câu lạc bộ và 13 Đội văn nghệ thôn bản.

- Phục dựng Home stay không gian văn hóa Tày tại các hộ kinh doanh.

- Xây dựng và triển khai dự án bảo tồn làng truyền thống tại thôn Nặm Cằm xã Nghĩa Đô.

- Phục dựng cảnh quan văn hóa truyền thống (trồng cọ) tại di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô.

- Khôi phục nghề thủ công truyền thống đồng bào dân tộc Tày xã Nghĩa Đô và các xã lân cận (đan lát, dệt thổ cẩm..).

- Xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ văn hóa, thể thao và du lịch công nhận một số sản phẩm văn hóa Tày xã Nghĩa Đô là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

UBND huyện Bảo Yên

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

2023-2025

4

Mô hình Phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà

Lưu giữ, bảo tồn các vườn cây ăn quả có giá trị và duy trì các vườn mô hình hiện có tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả.

Hoàn thiện hạ tầng Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà đảm bảo yêu cầu tối thiểu để dạt các tiêu chí công nhận điểm du lịch như hoàn thiện bản đồ địa hình có ranh giới rõ ràng, xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ có biển chỉ dẫn và hệ thống chiếu sáng, bố trí cửa hàng giới thiệu sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, đầu tư bãi đỗ xe.

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Du lịch;

- UBND huyện Bắc Hà;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

2023-2025

5

Mô hình phát triển không gian du lịch cộng đồng đội 4 - thôn Sả Xéng - xã Tả Phìn

Thiết kế cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian Đội 4 - thôn Sả Xéng - xã Tả Phìn;

Hỗ trợ bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường

Hỗ trợ tạo cảnh quan môi trường dọc các tuyến đường chính vào đội 4 - thôn Sả Xéng - xã Tả Phìn (như vệ sinh môi trường dọc 2 tuyến đường, trồng hoa dọc tuyến đường...)

Hỗ trợ gắn các biển chỉ dẫn, nội quy quản lý...

UBND thị xã Sa Pa

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

2023-2024

6

Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa xã Hợp Thành

Hỗ trợ các mô hình thí điểm thiết kế, cải tạo cảnh quan. Các điểm checkin, đường hoa, cây cảnh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó thôn Nậm Rịa.

Hỗ trợ phát triển làng nghề thêu may thổ cẩm, cắt may trang phục dân tộc và nghề Cốm gắn với điểm du lịch tại xã Hợp Thành.

Hỗ trợ bảo tồn nghề làm cốm của xã Hợp Thành; bảo tồn Làng nghề thêu, may thổ cẩm của người Xa Phó thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành

Hỗ trợ gắn các biển chỉ dẫn, nội quy quản lý...

UBND thành phố Lào Cai

- Sở Du lịch

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

2023-2025

7

Mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái xã Liêm Phú

- Quy hoạch không gian du lịch cộng đồng xã Liêm phú

- Xây dựng 01 điểm tham quan du lịch thác bay

- Phát triển 02 mô hình tắm thuốc người dao đỏ

- Xây dựng mô hình trồng các loài cây dược liệu bản địa, 02 mô hình chăn nuôi cá nước lạnh.

- Phát triển 02 mô hình ẩm thực văn hóa người Tày xã Liêm Phú

UBND huyện Văn bản

- Sở Du lịch;

- Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Các sở, ban, ngành liên quan;

- Văn phòng ĐPNTM tỉnh.

2023-2025