- 1 Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Ban Bí thư ban hành
- 2 Kế hoạch 579/KH-UBND năm 2022 thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/KH-UBND | Bắc Ninh, ngày 24 tháng 3 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG “TỈNH AN TOÀN GIAO THÔNG”
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
(1) Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông"; tăng cường chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các huyện, thành phố, thị xã trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phấn đấu kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
(2) Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
(3) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng quy mô kinh tế, xã hội của tỉnh và mật độ phương tiện. Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông vận tải. Ứng dụng chuyển đổi số và khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
2. Yêu cầu
(1) Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương các cấp bám sát nhiệm vụ, giải pháp và nội dung kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Việc triển khai trước hết từ trong hệ thống chính trị lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo...
(2) Quá trình triển khai phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; ngành Công an, Giao thông vận tải là chủ công, trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt, thường trực, chủ trì tham mưu thực hiện. Sau 01 năm triển khai, tiến hành sơ, tổng kết, đánh giá hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU, TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Công tác quán triệt, triển khai
(1) Tổ chức Hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã quán triệt Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đến 100% các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị, xã hội và các Chi bộ (Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 3/2023.
(2) Thành lập Tổ thường trực xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông” (Công an tỉnh chủ trì tham mưu).
Thời gian hoàn thành: Tháng 3/2023.
(3) Tổ chức phổ biến quán triệt nội dung Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đến từng cán bộ, đảng viên, người lao động; tổ dân phố, thôn, xóm, hộ gia đình, người dân để nắm và thực hiện (Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, xã).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(4) Tổ chức cho cán bộ, đảng viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; không can thiệp đến việc xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông (Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, xã).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(5) Xây dựng các Bộ tiêu chí tỉnh an toàn giao thông: (1) Cơ quan, đơn vị, trường học an toàn giao thông; (2) Xã, phường, thị trấn an toàn giao thông; (3) Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề an toàn giao thông; (4) Doanh nghiệp an toàn giao thông; (5) Tuyến đường tự quản an toàn giao thông; (6) Dòng họ, giáo xứ an toàn giao thông… (Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, sở, ngành, địa phương liên quan).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(6) Bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hạ tầng giao thông, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch công tác năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm 2023 và những năm tiếp theo (Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(7) Bổ sung vào quy chế quản lý cán bộ nội dung xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của đảng, pháp luật, của từng ngành, địa phương đối với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; có hình thức quản lý, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong các cơ quan, đơn vị, trường học vi phạm pháp luật về giao thông khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng (Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(8) Xây dựng tiêu chí chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một trong những nội dung quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại, thi đua khen thưởng đối với tổ chức, tập thể, cá nhân theo tinh thần Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư; theo dõi kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm (Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(9) Đề nghị Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh, Tòa giám mục Bắc Ninh phối hợp tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết của BTV, Kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” (Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(10) Mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 01 đơn vị cấp xã xây dựng điểm Xã (phường, thị trấn) an toàn giao thông; Quý II/2023 hoàn thành việc xây dựng 30% số đơn vị cấp xã; Quý III/2023 hoàn thành 70% số đơn vị cấp xã; Quý IV/2023 hoàn thành 100% số đơn vị cấp xã (Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố).
Thời gian thực hiện: Bản đăng ký, lịch xây dựng Xã (phường, thị trấn) an toàn giao thông UBND cấp huyện gửi về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh) trước 15/4/2023.
2. Công tác tuyên truyền; xây dựng và triển khai Bộ quy tắc “Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc
(1) Xây dựng và triển khai chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; tổ chức công bố, duy trì hoạt động đường dây nóng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Ban ATGT phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(2) Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện Cao điểm hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, xây dựng chuyên mục, hàng tuần xây dựng phóng sự, viết bài tuyên truyền về kết quả triển khai xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông"; hàng tháng đưa nội dung này vào giao ban báo chí của tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh; đề nghị Ban Tuyên giáo phối hợp chỉ đạo).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2023.
(3) Xây dựng Bộ quy tắc “Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Bộ quy tắc trong toàn tỉnh trên báo chí và các phương tiện truyền thông, tổ chức các cuộc thi, xây dựng các tiểu phẩm, tình huống giao thông đối với 100% quy tắc văn hóa giao thông, phát trên các kênh truyền thông, mạng xã hội... tạo phong trào hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông).
Thời gian thực hiện: Hoàn thành Bộ quy tắc trong tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(4) Tổ chức khảo sát nhận thức, nhu cầu tuyên truyền, phương thức tuyên truyền đối với từng đối tượng, địa bàn đặc thù, nhất là tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo...; xây dựng báo cáo phân tích, xác định các nhóm đối tượng, tuyến, địa bàn thường xuyên vi phạm, xảy ra tai nạn giao thông (từ năm 2020-2022) để phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(5) Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo chức năng của lực lượng Công an; xây dựng các bài tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu đăng tải lên các trang mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cấp xã để tạo đồng thuận dư luận xã hội trong xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông"; tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tập trung, trực tiếp tại các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm (Công an tỉnh).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2023.
(6) Tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tập trung tại các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo... chú trọng các đối tượng, địa bàn đặc thù để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; sử dụng người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động cá biệt (Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2023.
(7) Tổ chức ký cam kết, giao ước thi đua đối với 100% các Phòng Giáo dục và đào tạo, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong công tác tuyên truyền, giáo dục và chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện Bộ quy tắc "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc, trong đó: (1) Các Phòng Giáo dục và đào tạo ký cam kết với Sở; (2) Nhà trường ký cam kết với Sở, Phòng giáo dục và đào tạo; (3) Giáo viên ký cam kết với nhà trường; (4) Học sinh, phụ huynh học sinh ký cam kết với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường.
Nội dung cam kết tập trung vào: (1) Quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; (2) Duy trì thường xuyên mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, lực lượng chức năng và gia đình học sinh trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; (3) Gia đình không giao xe mô tô cho học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn; không sử dụng điện thoại di động, tai nghe khi điều khiển phương tiện; đi đúng phần đường, làn đường, không chuyển hướng bất ngờ; không vượt đèn đỏ... (Sở Giáo dục và đào tạo).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(8) Xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua hàng năm của nhà trường, lớp học, giáo viên, học sinh, sinh viên... gắn với thực hiện các nội dung bảo đảm TTATGT (Sở Giáo dục và đào tạo).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(9) Xây dựng Kế hoạch giao chỉ tiêu, bài giảng, lịch giảng, hoạt động ngoại khóa cụ thể đối với các nhà trường trong giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên phù hợp với từng độ tuổi, bậc học (Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Từ tháng 4/2023.
(10) Xây dựng tài liệu dành cho phụ huynh để chủ động hướng dẫn, giáo dục học sinh, sinh viên tại nhà thực hành quy tắc an toàn, văn hóa giao thông từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(11) Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả về ATGT tại trường học. Rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ 15 hàng tháng tổng hợp số liệu gửi Công an các địa phương, không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện hoạt động đưa đón học sinh; Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2022-2025 (Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Công an tỉnh).
Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.
(12) Tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đối với 100% doanh nghiệp, cán bộ, lao động và nhân dân trong khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Đưa nội dung này là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc hàng tháng đối với từng cán bộ, lao động trong cơ quan, doanh nghiệp… (Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp; các khu, cụm công nghiệp).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(13) Xây dựng Kế hoạch, giao chỉ tiêu, tuyên truyền chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát động phong trào, tổ chức các cuộc thi, hàng tháng có các hoạt động hưởng ứng xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” trong đoàn viên, hội viên; xung kích đi đầu thực hiện Bộ quy tắc "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc (đề nghị Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị, xã hội triển khai thực hiện).
Thời gian hoàn thành: Trong tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện
(1) Rà soát, thống kê, kiến nghị xử lý toàn bộ các bất cập trong tổ chức giao thông theo từng tuyến, địa bàn trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ quản lý, theo dõi chặt chẽ công tác giải quyết kiến nghị về tổ chức giao thông; đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý để xảy ra TNGT nghiêm trọng tại những vị trí đã kiến nghị nhưng không được giải quyết (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện).
Thời gian thực hiện: Hoàn thành rà soát trong tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(2) Phân công, phân cấp cụ thể, xử lý dứt điểm các kiến nghị về bất cập trong tổ chức giao thông, bổ sung hệ thống biển báo đúng quy chuẩn; hộ lan, phân làn đường, vạch sơn kẻ đường, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang... lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường theo quy định. Những bất cập không thuộc phạm vi quản lý, phải kiến nghị ngành chức năng, đơn vị có thẩm quyền để giải quyết kịp thời; đặc biệt là các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông. Tham mưu bố trí các điểm đỗ, bãi trông giữ xe đáp ứng yêu cầu của nhân dân (Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện).
Thời gian hoàn thành: Xử lý dứt điểm các kiến nghị trong tháng 07/2023; kiến nghị các bất cập không thuộc thẩm quyền trong tháng 3/2023 và thực hiện thường xuyên.
(3) Rà soát cắm lại đầy đủ hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến đê theo đúng quy định; quản lý, duy tu, bảo dưỡng đối với những đoạn mặt đường trên đê đã xuống cấp gây khó khăn trong lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2023 và thực hiện thường xuyên.
(4) Tổ chức kiểm tra, rà soát và kiến nghị ngành chức năng bổ sung, sửa chữa các hư hỏng về hệ thống báo hiệu, bố trí biển cảnh báo tránh đâm va vào các cầu trên tuyến đường thủy và kết cấu hạ tầng liên quan đến công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa (Sở Giao thông vận tải).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(5) Rà soát, triển khai các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt (Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND cấp huyện và cơ quan liên quan).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(6) Xây dựng Kế hoạch tổ chức Cao điểm giải tỏa các vi phạm về hành lang an toàn giao thông, xây dựng trái phép công trình, đặt biển quảng cáo, tập kết hàng hóa, vật tư, vật liệu, phơi thóc, lúa, rơm, rạ... trên các tuyến đường (Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Thời gian thực hiện: Mở cao điểm trong tháng 4, 5/2023 và duy trì thực hiện thường xuyên.
(7) Tổ chức giải tỏa các bến, bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các tuyến sông không nằm trong quy hoạch, đình chỉ các bến khách, đò ngang hoạt động trái phép; thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép, xử lý kiên quyết các tổ chức, cá nhân vi phạm (Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan).
Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2023 và thực hiện thường xuyên.
(8) Tổ chức xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, bố trí cảnh báo tại đường ngang giao cắt với đường sắt trên địa bàn tỉnh (Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, ngành Đường sắt, UBND cấp huyện).
Thời gian thực hiện: Theo Kế hoạch số 579/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh.
(9) Xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đã được phê duyệt, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình theo phân cấp (Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(10) Lập Kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tất cả các lĩnh vực về kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT, quản lý vận tải, phương tiện và người lái; nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình công tác bảo trì đối với đường huyện, đường xã (Sở Giao thông vận tải chủ trì).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(11) Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, bảo đảm khả năng đáp ứng, kết nối giao thông đô thị; bảo đảm quy mô diện tích đỗ xe trong đô thị, các công trình xây dựng, không gian vỉa hè, lối đi bộ; thiết kế, thi công và bảo hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông. Tăng cường kiểm tra thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng liên quan đến an toàn giao thông và xử lý vi phạm theo thẩm quyền phục vụ xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” (Sở Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(12) Tổ chức rà soát, kiến nghị các ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông và đảm bảo kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng khác; rà soát, kiến nghị xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; rà soát kiến nghị bố trí các tuyến xe bus có điểm dừng đón, trả khách trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; UBND cấp huyện).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(13) Triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý phương tiện và người lái, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, bốc xếp vận chuyển hàng hóa. Nâng tỷ lệ cấp phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện công tác quản lý; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thường xuyên giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, phụ xe; có hình thức khen thưởng biểu dương kịp thời đối với gương người tốt, việc tốt và lên án, phê phán, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm. Đề nghị các doanh nghiệp vận tải tổ chức khám sức khỏe, test ma túy cho lái xe và ký cam kết việc quản lý sức khỏe của lái xe (Sở Giao thông vận tải).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023 và thực hiện thường xuyên.
(14) Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, nhất là nội dung đạo đức nghề nghiệp, siết chặt công tác sát hạch cấp GPLX, tổ chức tốt công tác quản lý lái xe kinh doanh vận tải; phát động phong trào bổ túc tay lái; ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, duy trì, nâng cấp và phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình quy đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền yêu cầu các chủ xe, chủ hàng, các bến, bãi, công ty, xí nghiệp thực hiện việc bốc xếp hàng hóa lên xe đúng tải trọng; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường xử lý ngay tại các bến, bãi, cảng, nơi xuất phát hàng hóa (Sở Giao thông vận tải).
Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên; hoàn thành phát động phong trào bổ túc tay lái trong tháng 4/2023.
(15) Tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình (Sở Giao thông vận tải).
Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.
4. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(1) Nâng cấp, lắp đặt thêm các điểm camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông thông qua camera (phạt nguội) đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, đảm bảo 100% các tuyến, địa bàn phức tạp, "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông, khu vực gầm cầu các đường quốc lộ trên toàn tỉnh đều có hệ thống giám sát (Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông).
Thời gian thực hiện: Tháng 6/2023 và hoàn thành trong năm 2023, 2024.
(2) Kết nối, chia sẻ dữ liệu Camera giám sát, dữ liệu giám hành trình, dữ liệu đăng kiểm, giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh sang Công an tỉnh, phục vụ công tác quản lý, “phạt nguội” bằng hình ảnh (Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
(3) Xây dựng hệ thống bản đồ số trong công tác tổ chức, điều hành giao thông, tích hợp về Phòng Cảnh sát giao thông để thường xuyên cập nhật, chủ động phân tích đưa ra những cảnh báo, phương án phân luồng giao thông hợp lý trên địa bàn tỉnh (Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 9/2023.
(4) Triển khai 100% các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giao thông, trong năm 2023 đảm bảo 70% thủ tục hành chính được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến (Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh phối hợp Sở Thông tin và truyền thông).
Nâng cao hiệu quả sử dụng Dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với công tác xử lý vi phạm và đăng ký xe (Công an tỉnh chủ trì).
Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.
(5) Rà soát, sửa chữa hệ thống truyền thanh đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông. Có lộ trình nâng cấp, thay thế công nghệ truyền thanh cơ sở truyền thống bằng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông (hoạt động trên môi trường internet) phù hợp với chủ trương số hóa, chuyển đổi số tại địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã).
Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
(6) Nâng cấp phòng, trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông của toàn tỉnh đặt tại Phòng CSGT kết nối với hệ thống trung tâm điều khiển cả nước để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, trật tự và phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự ATGT (Công an tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan).
Thời gian hoàn thành: Tháng 9/2023.
(7) Xây dựng Kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc xử lý vi phạm qua hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; triển khai hình thức "dán thông báo phạt nguội" đối với các phương tiện vi phạm quy định về dừng đỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 4/2023.
5. Tăng cường thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông
(1) Huy động lực lượng, phương tiện thực hiện Cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong tất cả các lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023. Trên tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", không giải quyết bất cứ trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua lỗi vi phạm. Trong đó: (1) Tuyệt đối không để tái diễn tình trạng xe "cơi nới" thành thùng, xe quá khổ, quá tải hoạt động phức tạp; (2) Thực hiện quyết liệt chuyên đề nồng độ cồn, tạo thói quen “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân; (3) Chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ; (4) Xử lý nghiêm theo quy định những trường hợp cố tình đâm, xô phương tiện vào cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, chống đối, gây rối, lăng mạ lực lượng thực thi công vụ... Qua đó, kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, hình thành "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc (Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2023.
(2) Huy động lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cơ động, Hình sự, Ma túy... tuần tra vũ trang, kết hợp với tuần tra kiểm soát giao thông, phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng trộm cắp, cướp giật, sử dụng rượu, bia, ma túy điều khiển phương tiện, tụ tập lạng lách, đánh võng, tàng trữ, sử dụng dao kiếm, vũ khí thô sơ đâm đánh nhau, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... (Công an tỉnh).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2023.
(3) Tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân, lỗi của các bên liên quan trong các vụ va chạm, tai nạn giao thông, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự, để răn đe, phòng ngừa chung (Công an tỉnh).
Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.
(4) Tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các lực lượng cảnh sát khác và Công an các huyện, thành phố trong công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa hậu quả (Công an tỉnh).
Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2023.
(5) Nâng cao năng lực, tăng cường trang bị phương tiện, kinh phí, xây dựng lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong sạch, vững mạnh. Tập huấn cho Công an cấp xã trong phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT theo thẩm quyền (Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải).
Thời gian hoàn thành: Tháng 6/2023 và thực hiện thường xuyên.
(6) Thực hiện thống kê, trao đổi thông tin người vi phạm về TTATGT (phân theo xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, đảng viên, sinh viên, học sinh…) để phục vụ công tác đánh giá, phân loại, xem xét thi đua của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan (Công an tỉnh).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2023.
(7) Tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới. Tổ chức thanh tra đột xuất các doanh nghiệp có phương tiện gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng để chấn chỉnh, răn đe các chủ phương tiện (Sở Giao thông vận tải).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2023.
(8) Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực phối hợp với cơ quan Công an thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn, ma tuý trong máu, nước tiểu theo quy định; cung cấp thông tin cho ngành Công an và các cơ quan tư pháp khi có yêu cầu; xây dựng Kế hoạch, phương án nâng cao năng lực hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông tại các tuyến giao thông; phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tập huấn hướng dẫn sơ cấp cứu tại hiện trường tai nạn cho người tham gia giao thông; hướng dẫn trang bị bộ dụng cụ cứu thương trên các phương tiện giao thông (Sở Y tế).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2023.
6. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
(1) Sở Tài chính cân đối ngân sách, phối hợp với các đơn vị tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai “Tỉnh an toàn giao thông” theo phân cấp quản lý ngân sách và các quy định hiện hành (hoàn thành trong tháng 3/2023).
(2) Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động xây dựng dự toán kinh phí triển khai, phối hợp Sở Tài chính trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định (từ tháng 3/2023).
(3) Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, nhất là hành khách công cộng (hoàn thành trong tháng 6/2023).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này đề nghị MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lĩnh vực, địa bàn và phân công trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện nghiêm túc và gửi Kế hoạch về UBND tỉnh (qua Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh) trước ngày 31/3/2023.
2. Thành lập Tổ thường trực xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã để chỉ đạo triển khai thực hiện (hoàn thành tháng 3/2023). Tổ thường trực của tỉnh chủ động Giao ban với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai “Tỉnh an toàn giao thông”.
3. Thời gian thực hiện: Năm 2023.
4. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 15 để tổng hợp báo cáo.
5. Sau 01 năm triển khai, UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện.
6. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo theo quy định.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh) để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CÁC NỘI DUNG CẦN ĐẦU TƯ TRIỂN KHAI "TỈNH AN TOÀN GIAO THÔNG"
STT | NỘI DUNG ĐẦU TƯ | ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ | ĐƠN VỊ PHỐI HỢP | DỰ KIẾN NGUỒN KINH PHÍ |
1 | Khắc phục bất hợp lý trong tổ chức giao thông, “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông, bố trí đèn chiếu sáng, cọc tiêu, biển bảo, hộ lan, kẻ vạch kẻ đường, lắp 100% gờ giảm tốc từ ngõ ra đường theo quy định. | Sở Giao thông vận tải | - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch đầu tư - Công an tỉnh | Đề xuất UBND tỉnh |
2 | Đề xuất Bộ Công an trang cấp bổ sung phương tiện, vật tư, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" (máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn, camera cầm tay, đeo ngực, xe ô tô cẩu kéo, kinh phí xăng dầu, cân trọng tải...). | Công an tỉnh | Đơn vị thuộc Bộ Công an | Đề xuất Bộ Công an |
3 | Đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Công an tỉnh phục vụ triển khai "Tỉnh an toàn giao thông" | Công an tỉnh | - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch đầu tư | Đề xuất UBND tỉnh |
4 | Xây dựng nâng cấp, lắp đặt thêm các điểm camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông thông qua camera (phạt nguội) trên toàn tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. | Công an tỉnh | - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch đầu tư - Sở Thông tin và Truyền thông | Đề xuất UBND tỉnh |
5 | Xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, bố trí cảnh báo tại đường ngang giao cắt đường sắt trên địa bàn tỉnh
| Sở Giao thông vận tải | - Sở Tài chính - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Văn phòng Ban ATGT tỉnh - Các đơn vị ngành đường sắt - UBND cấp huyện | Đề xuất UBND tỉnh |
- 1 Chỉ thị 18-CT/TW năm 2012 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Ban Bí thư ban hành
- 2 Kế hoạch 579/KH-UBND năm 2022 thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025