Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2020-2025

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Căn cứ Kế hoạch số 6970/KH-UBND ngày 16/11/2015 về Triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh Tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020- 2025.

Căn cứ Thông báo số 231/TB-UBND ngày 13/11/2019 về buổi họp Ban Chỉ đạo kết thúc Dự án Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do JICA tài trợ (giai đoạn 2).

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kết quả Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch) với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục duy trì kết quả hoạt động của dự án Thúc đẩy Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh do JICA tài trợ.

- Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở tỉnh Quảng Ninh thông qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh”.

- Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long thông qua thực hiện các chính sách môi trường bền vững đối với các ngành trọng điểm và thực hiện chính sách phát triển ngành du lịch.

2. Yêu cầu

- Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả thực hiện của dự án Thúc đẩy Tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh; đồng thời gắn liền với mục tiêu Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh; gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

- Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2020-2025

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2025 Quảng Ninh sẽ là một trong những tỉnh thực hiện thành công các hoạt động Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long thông qua thực hiện các chính sách môi trường bền vững đối với các ngành trọng điểm và thực hiện chính sách phát hiện ngành du lịch. Phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới nền kinh tế cac-bon thấp; sẽ là một trong những tỉnh thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và xây dựng Quảng Ninh là nơi cần đến và đáng sống.

2. Các nhiệm vụ cụ thể

2.1. Về Tăng cường các hoạt động quản lý môi trường thông qua khai thác hiệu quả Quỹ Bảo vệ môi trường (Quỹ), với những quy định kiểm soát nguồn ô nhiễm

- Tăng cường hỗ trợ tài chính cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng kinh phí từ Quỹ để thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, trong đó:

+ Thực hiện hỗ trợ tài chính cho các đơn vị đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn từ Quỹ để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

+ Gửi thư ngỏ đến các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giới thiệu các hình thức hỗ trợ tài chính từ Quỹ.

+ Tổ chức các hội nghị để Quỹ tuyên truyền, giới thiệu các hình thức hỗ trợ tài chính của Quỹ, các quy định, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải đáp các vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu thập thông tin phân tích nhu cầu cần tiếp tục cải thiện và phát triển hiệu quả Quỹ.

+ Phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ tài chính cho các đơn vị đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn từ Quỹ để thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững tại tỉnh và thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh tại tỉnh và quốc gia.

- Tăng cường thực hiện kiểm soát nguồn thải; trong đó thực hiện hoàn thành, có hiệu quả dự án Điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng các nguồn thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đề xuất giải pháp quản lý đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 4042/QĐ-UBND ngày 26/9/2019 và tăng cường hoạt động quản lý kiểm soát nguồn thải theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến tác hại của rác thải nhựa và tặng thùng rác có lô gô của Quỹ để phân loại chất thải trong cộng đồng.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh. Huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực để bảo vệ môi trường, đồng thời xác định mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Thúc đẩy xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường lồng ghép mô hình kinh tế xã hội.

2.2. Về Thúc đẩy chính sách khuyến khích quản lý và tiết kiệm năng lượng

- Xây dựng kế hoạch tổng kết hàng năm với các ngành liên quan về thông tin sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kiểm tra năng lượng sơ bộ cho 05-25 cơ sở tiêu thụ năng lượng thông thường.

- Tuyên truyền trên website về nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Kiểm tra năng lượng sơ bộ đối với các cơ sở sử dụng năng lượng thông thường; Kiểm toán năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Tập huấn nâng cao năng lực về Quản lý năng lượng tại tỉnh Quảng Ninh; Trao Giấy chứng nhận cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Quảng Ninh.

- Thực hiện kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; trao Giấy chứng nhận cơ sở tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (05-25 đơn vị).

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản lý năng lượng tại Quảng Ninh (03-05 lớp).

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông công cộng, nhận thức về ứng dụng năng lượng mặt trời, hình ảnh doanh nghiệp và du lịch thân thiện môi trường. Phát động phong trào tiêu dùng tiết kiệm (trước hết là đối với nước, điện, giấy), giảm lượng nước thải, rác thải phát sinh, chống lãng phí, bảo vệ và làm giàu thêm đối với tài nguyên và của cải xã hội.

- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gầy ô nhiễm và giảm lượng rác thải, nước thải trong sinh hoạt.

- Tổ chức đào tạo và hình thức tổ chức, chuyên gia đánh giá chứng nhận, kiểm tra về nâng cao năng lực về quản lý năng lượng tại tỉnh Quảng Ninh

2.3. Về Thúc đẩy du lịch bền vững

- Tiếp tục duy trì có hiệu quả các hoạt động của Ban du lịch sinh thái cộng đồng trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn; đồng thời từng bước thúc đẩy, mở rộng các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn Tỉnh, nâng cấp hành trình khám phá, trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung triển khai tại đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà.

- Bổ sung các biển báo, tài liệu quảng bá xúc tiến; tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá và tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức hội nghị bảo tồn môi trường nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn; nghiên cứu, cải thiện hệ thống thu gom và xử lý rác tăng thêm giá trị du lịch sinh thái trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

- Tiếp tục vận hành nhãn sinh thái Cánh buồm xanh và phối hợp với UBND thành phố Hạ Long trong xây dựng nhãn hiệu, các hoạt động thúc đẩy nhãn sinh thái Cánh buồm xanh; Tổ chức thẩm định cấp nhãn sinh thái Cánh buồm xanh.

- Tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu, lồng ghép nội dung giới thiệu về nhãn sinh thái Cánh buồm xanh trong các ấn phẩm tuyên truyền của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đăng tải Bộ tiêu chí nhãn sinh thái Cánh buồm xanh trên website của Ban Quản lý vinh Hạ Long, website Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu, chất lượng tàu du lịch,....

2.4. Về thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực xây dựng công trình xanh

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn khoa học công nghệ, vốn sự nghiệp kinh tế theo phân cấp.

- Xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu có tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030.

2.5. Nâng cao nhận thức góp phần thực hiện Tăng trưởng xanh với việc thường xuyên xuất bản Sách trang về Tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch chiến lược của tỉnh đã được phê duyệt để làm nền tảng cho tăng trưởng xanh, cơ sở cho khai thác tối đa những cơ hội, tiềm năng của những yếu tố bền vững và giảm thiểu những thách thức hạn chế mà Quảng Ninh đang gặp phải. Trong quá trình thực hiện cần tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung chỉnh sửa những nội dung không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh.

- Tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhất là phục vụ tăng trưởng xanh (trong các ngành công nghiệp thương mại, du lịch, nông nghiệp sinh thái...), trước mắt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

- Hàng năm xuất bản 01 ấn phẩm Sách trắng về Tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long với chủ đề riêng từng năm; trao đổi thông tin về sách trắng với tỉnh Shiga, Nhật Bản và các hoạt động hợp tác khác.

- Mở rộng phạm vi bao phủ của Sách trắng về Tăng trưởng xanh trên toàn tỉnh; lập phụ bản cho đối tượng là học sinh phổ thông tiến hành hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng (ví dụ: Các công ty tư nhân, học sinh phổ thông, và khác).

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền và bảo vệ môi trường; Nghiên cứu, lựa chọn được các nội dung giảng dạy về tăng trưởng xanh, công nghệ xanh, khai thác tài nguyên bền vững... vào các cấp học, bậc học phù hợp; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng đối với bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về chiến lược tăng trưởng xanh, tạo ra sự chuyển biến tích cực để mỗi cá nhân, tổ chức có hành động thiết thực đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh của Tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Là cơ quan đầu mối về Kế hoạch triển khai kết quả hoạt động của Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh do JICA tài trợ, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các Huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

- Xây dựng kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động được giao của Kế hoạch này vào dự toán chi ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách gửi về Sở Tài chính.

- Có trách nhiệm tham mưu cho UBND Tỉnh tổ chức sơ kết định kỳ hàng năm, đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để quyết định kịp thời trong quá trình thực hiện.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan trình UBND Tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch này vào dự toán chi ngân sách hàng năm theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc lập dự toán và quyết toán tài chính theo quy định hiện hành.

3. Các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Công thương, Xây dựng, Ban Quản lý vịnh Hạ Long

- Có trách nhiệm triển khai các hoạt động theo Kế hoạch hoạt động của dự án Thúc đẩy Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh do JICA tài trợ theo phân công tại phụ lục đính kèm Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm có báo cáo nêu rõ các vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh.

- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện tăng trưởng xanh; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào các chương trình, kế hoạch phát triển hàng năm của ngành.

- Chủ trì, tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động lĩnh vực quản lý. Phân công tổ chức thực hiện, xác định cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể. Kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND Tỉnh những giải pháp, biện pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch.

4. UBND thành phố Hạ Long, UBND huyện Vân Đồn, UBND huyện Hải Hà:

- Có trách nhiệm triển khai các hoạt động theo Kế hoạch hoạt động theo phân công; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm có báo cáo nêu rõ các vướng mắc, khó khăn và đề xuất giải pháp thực hiện, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh.

- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện tăng trưởng xanh; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào các chương trình, kế hoạch phát triển hàng năm của ngành.

- Chủ trì, tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động lĩnh vực quản lý. Phân công tổ chức thực hiện, xác định cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể. Kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND Tỉnh những giải pháp, biện pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch.

Chủ động lập, phân bổ và quản lý dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn theo quy định về phân cấp nhiệm vụ chi của Luật Ngân sách nhà nước.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Các sở, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao chủ động lập, phân bổ và quản lý dự toán kinh phí hàng năm theo Luật Ngân sách.

- Các địa phương bố trí ngân sách theo phân cấp nhiệm vụ chi của Luật Ngân sách nhà nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT UBND Tỉnh (b/c);
- Các Sở, ban, ngành của Tỉnh;
- UBND các địa phương của Tỉnh;
- Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh (p/h đưa tin, tuyên truyền);
- V0, V1, V2, V3, MT;
- Lưu: VT, MT;
08 bản, M-KH02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Huy Hậu