Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TUYỂN CHỌN, BỔ NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2022

Thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh năm 2022 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nhằm xây dựng, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tại địa phương theo Bộ luật Lao động năm 2019.

- Giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công bằng, khách quan, hài hòa và đúng quy định.

2. Yêu cầu

- Việc tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình quan hệ lao động của địa phương.

- Thực hiện tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động đảm bảo về số lượng, chất lượng và thời gian theo Kế hoạch.

- Các cơ quan, đơn vị, cá nhân nâng cao trách nhiệm trong công tác tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

II. Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động

1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.

3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

III. Số lượng tuyển chọn, nhiệm kỳ bổ nhiệm hòa giải viên lao động

1. Số lượng tuyển chọn hòa giải viên lao động:

a) Tổng số hòa giải viên lao động: 45 người, cụ thể như sau:

- Hòa giải viên lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý: 02 người; trong đó:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 01 người;

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: 01 hòa giải viên.

- Hòa giải viên lao động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố quản lý: 43 người; trong đó:

Huyện Nho Quan: 04 người;

Huyện Gia Viễn: 08 người;

Huyện Hoa Lư: 07 người;

Thành phố Ninh Bình: 05 người;

Huyện Yên Khánh: 06 người;

Huyện Yên Mô: 04 người;

Huyện Kim Sơn: 09 người.

Trong quá trình hoạt động sẽ điều chỉnh, bổ sung số lượng hòa giải viên lao động cho phù hợp.

b) Hòa giải viên lao động được bổ nhiệm trước ngày ban hành Kế hoạch này mà đang trong thời gian bổ nhiệm thì tiếp tục làm hòa giải viên lao động cho đến hết thời hạn được bổ nhiệm.

2. Thời hạn bổ nhiệm hòa giải viên lao động: 5 năm

IV. Trình tự, thủ tục tuyển chọn hòa giải viên lao động; hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động

1. Trình tự, thủ tục tuyển chọn hòa giải viên lao động

a) Căn cứ Kế hoạch này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản thông báo công khai việc tuyển chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn thông qua cổng thông tin điện tử của Sở và trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố để phối hợp thực hiện.

b) Trong thời hạn đăng ký ghi trong thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động, cá nhân trực tiếp đăng ký hoặc được các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ ghi trong thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát người đủ tiêu chuẩn, tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định.

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định các hồ sơ dự tuyển (kể cả các hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp nhận), lựa chọn và lập danh sách vị trí bổ nhiệm của từng hòa giải viên lao động, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ nhiệm.

e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

2. Hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động

- Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;

- Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan;

- Văn bản giới thiệu tham gia làm hòa giải viên lao động của các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).

V. Chế độ, điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động

1. Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ

a) Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.

b) Được cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi đang công tác tạo điều kiện bố trí thời gian thích hợp để tham gia thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định.

c) Được áp dụng chế độ công tác phí quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định.

đ) Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức.

e) Được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng về thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định.

g) Được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động

Cơ quan cử hòa giải viên lao động quy định tại Điều 95, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện làm việc, tài liệu, văn phòng phẩm và các điều kiện cần thiết khác để hòa giải viên lao động làm việc.

3. Kinh phí

Các chế độ, điều kiện hoạt động quy định tại Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm; việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế quản lý hòa giải viên lao động.

b) Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định.

c) Lập và thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động hằng năm; tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định; thông báo và công khai việc tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động; lựa chọn, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.

d) Thẩm định hồ sơ và lập danh sách vị trí bổ nhiệm hòa giải viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ nhiệm.

đ) Cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo phân cấp quản lý; bảo đảm điều kiện làm việc đối với hòa giải viên lao động; đánh giá hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động; thực hiện chế độ bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng đối với hòa giải viên lao động theo quy định; thực hiện quản lý hồ sơ hòa giải viên lao động, hồ sơ các vụ việc giải quyết tranh chấp lao động và tài liệu liên quan khác.

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động trên địa bàn.

g) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật; hằng năm tổng hợp tình hình hoạt động hòa giải viên lao động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Thực hiện quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn theo phân cấp.

b) Lập và thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động hằng năm theo phân cấp; công khai kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

c) Cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo phân cấp quản lý; bảo đảm điều kiện làm việc đối với hòa giải viên lao động; đánh giá hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động; thực hiện chế độ bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng đối với hòa giải viên lao động theo quy định; thực hiện quản lý hồ sơ hòa giải viên lao động, hồ sơ các vụ việc giải quyết tranh chấp lao động và tài liệu liên quan khác.

d) Tổng hợp, báo cáo tình hình hòa giải viên lao động và gửi hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

3. Các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác trên địa bàn tỉnh

Căn cứ Kế hoạch này, đăng ký hoặc giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.

Trên đây là Kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; hằng năm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)./.

 


Nơi nhận:
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- TT Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, VP6.
BT_VP6

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn