Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 761/KH-UBND

Bến Tre, ngày 15 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM CẤP TÍNH TỈNH BẾN TRE NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-BYT ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính năm 2022 như sau:

I. TÌNH HÌNH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI BẾN TRE NĂM 2021

Bảng 1. Tình hình một số bệnh truyền nhiễm ở Bến Tre và so sánh cùng kỳ (số liệu đến ngày 31/12/2021)

TT

Tên bệnh

Năm 2021

Năm 2020

(%) So sánh với cùng kỳ năm 2020 (↑,↓)

Mắc

Chết

Mắc

Chết

Mắc

Chết

1

Bại liệt

0

 

0

 

Tương đương

 

2

Bạch hầu

0

 

0

 

Tương đương

 

3

Bệnh do liên cầu lợn ở người

6

 

1

 

↑ 5 ca

 

4

Cúm gia cầm

0

 

0

 

Tương đương

 

5

Rubella ( )

3

 

4

 

↓ 1 ca

 

6

Sốt xuất huyết Dengue

488

 

3.486

 

↓ 86%

 

7

Sốt rét

0

 

0

 

Tương đương

 

8

Sởi ( )

3

 

3

 

Tương đương

 

9

Tả

0

 

0

 

Tương đương

 

10

Tay - chân - miệng

714

 

1442

 

↓50,48%

 

11

Viêm màng não do não mô cầu

0

 

0

 

Tương đương

 

12

Dại

9

9

3

3

↑ 6 ca

↑ 6ca

13

Ho gà

0

 

0

 

Tương đương

 

14

Liệt mềm cấp nghi bại liệt

7

 

4

 

↑ 3 ca

 

15

Thương hàn

1

 

1

 

Tương đương

 

16

Uốn ván sơ sinh

0

 

0

 

Tương đương

 

17

Uốn ván khác

14

 

15

 

↓1 ca

 

18

Viêm não Nhật bản

3

 

3

 

Tương đương

 

19

Viêm não vi rút khác

2

 

8

 

↓ 6 ca

 

20

Bệnh do vi rút Adeno

11

 

44

 

↓ 75%

 

21

Cúm

2.320

 

3.124

 

↓ 25,73%

 

22

Cúm A/H1N1

0

 

0

 

Tương đương

 

23

COVID-19

25.799

 

1

 

↑ 25.798 ca

 

24

Lỵ amíp

1

 

6

 

↓ 5 ca

 

25

Lỵ trực trùng

1

 

2

 

↓ 1 ca

 

26

Quai bị

52

 

178

 

↓ 70,78%

 

27

Thủy đậu

224

 

268

 

↑ 16,41%

 

28

Tiêu chảy

3.809

 

7.130

 

↓ 46,57%

 

29

Viêm gan vi rút

25

 

62

 

↓ 59,67%

 

Ghi chú: ↑: tăng, ↓: giảm

Nhận xét: Tình hình bệnh truyền nhiễm tính đến ngày 31/12/2021 so với cùng kỳ năm 2020 như sau:

- Có 12 bệnh giảm, 05 bệnh tăng (bệnh do Liên cầu lợn ở người, dại, liệt mềm cấp nghi bại liệt, COVID-19, thủy đậu), 12 bệnh tương đương. Trong năm 2021 có 9 bệnh không xảy ra.

- Tính đến ngày 31/12/2021 đã xảy ra 9 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó có: 01 trường hợp tại huyện Mỏ Cày Nam, 01 trường hợp tại huyện Châu Thành, 01 trường hợp tại huyện Ba Tri và 06 trường hợp tại huyện Giồng Trôm . Hầu hết các trường hợp tử vong trên đều vì bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại.

Dự báo: Các bệnh COVID-19, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm (cúm mùa và cúm gia cầm), viêm não Nhật Bản, sốt phát ban, Zika, quai bị và thủy đậu là các bệnh có thể gây dịch trong năm 2022 tại Bến Tre.

II. MỤC TIÊU

1. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập địa bàn tỉnh.

2. Tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch COVID-19, thực hiện giám sát phát hiện sớm để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế tối đa lây lan rộng.

3. Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng.

4. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

5. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.

6. Tăng cường sự tham gia của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng dân cư trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

7. Tăng cường năng lực, đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế và vật tư y tế cho hệ thống y tế dự phòng các cấp theo tiêu chuẩn để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của hệ thống.

III. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

- 100% Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm các cấp được củng cố, có kế hoạch hoạt động, bảo đảm đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở địa địa phương. Thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động phòng, chống dịch và kiểm tra, giám sát tuyến dưới.

- 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet.

* Chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm

- Dịch COVID-19: 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

- Bệnh sốt xuất huyết: Tỷ lệ mắc/100.000 dân ≤ 150 ca; Tỷ lệ chết/mắc do SXHD dưới 0,09%.

- Tay chân miệng: 5 % số ca mắc so năm 2021, khống chế không xảy ra dịch lớn, 100% ca tay chân miệng độ 2b trở lên được điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.

- Sốt phát ban nghi sởi/rubella và Zika: khống chế không xảy ra dịch lớn, 80% ca sốt phát ban được điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.

- Bệnh tả: phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không xảy ra dịch lớn, không để tử vong do dịch tả.

- Cúm: 100% ca bệnh viêm phổi cấp tính nặng nghi do vi rút cúm được điều tra và xử lý chống dịch khi cần.100% ổ dịch cúm ở gia cầm được ngành y tế tham gia giám sát và xử lý kịp thời.

- Các bệnh truyền nhiễm khác: Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không xảy ra dịch lớn.

- Tiêm chủng mở rộng: 95 % trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin trên qui mô xã /phường.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức, chỉ đạo điều hành

- Triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn nguồn lây nhiễm xâm nhập bên ngoài và khoanh vùng, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch từ bên trong.

- Củng cố, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng chống bệnh dịch, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa phương.

- Các cấp Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ diễn tiến tình hình dịch bệnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch bệnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, không để xảy ra dịch bệnh lớn tại địa phương; nêu cao vai trò, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch; ngành Y tế phát huy tốt vai trò cơ quan đầu mối chính trong việc tham mưu phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, tranh thủ đóng góp của các ban, ngành trong việc lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch.

- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, cấp và bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh và các Chương trình mục tiêu y tế.

- Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường chỉ đạo việc thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân và cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất.

- Kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm của Ban chỉ đạo tỉnh đối với huyện, xã.

2. Chuyên môn kỹ thuật

2.1. Công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm

2.1.1. Dịch COVID-19

- Phát hiện sớm các trường hợp dương tính với SARS -CoV-2, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Ứng phó kịp thời với dịch COVID-19 trong tình hình mới.

- Thực hiện Kế hoạch số 802/KH-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

2.1.2. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác

- Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch.

- Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh; kế hoạch giám sát nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, vi khuẩn học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động; Chương trình cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh, kế hoạch các hoạt động phòng chống dịch, bệnh thuộc Chương trình mục tiêu Y tế quốc gia; kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và các sự kiện chính trị xã hội, thiên tai, bão lụt.

- Xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh, tốt nhất là thực hiện xét nghiệm tại chỗ.

- Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa chủ động khi chưa có dịch xảy ra.

- Tăng cường và mở rộng triển khai giám sát dựa vào sự kiện (EBS) lồng ghép với hệ thống giám sát thường xuyên (giám sát dựa vào chỉ số).

- Củng cố các đội Phản ứng nhanh của tỉnh, huyện, thành phố (đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ điều tra và xử lý chống dịch); giám sát ca bệnh và báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các chuyên đề liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện chống dịch theo quy định đối với từng loại bệnh truyền nhiễm;

- Các cơ sở điều trị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị đủ nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để tiếp nhận và điều trị tốt cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

2.2. Công tác tiêm chủng và an toàn sinh học

- Tăng cường công tác tiêm chủng, tăng số lượng vắc xin trong tiêm chủng. Đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường tiếp cận tiêm chủng dịch vụ phòng bệnh truyền nhiễm.

- Tiếp tục thực hiện các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm theo Kế hoạch Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm thuộc Y tế dự phòng.

- Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường.

- Theo dõi, giám sát, tổng hợp, thực hiện việc chia sẻ thông tin, phân tích các trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Thực hiện việc báo cáo, chia sẻ thông tin về các trường hợp tai biến nặng sau tiêm theo đúng quy định.

2.3. Quản lý cơ sở dữ liệu

- Thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm qua phần mềm theo quy định Thông tư 54/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 28/12/2015 về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ an toàn phòng chống dịch COVID-19 đối với từng cơ sở y tế, trường học, khách sạn... để các cơ sở tự theo dõi, người dân, chính quyền giám sát thực hiện. Sử dụng phần mềm theo dõi nhập, quản lý người nhập cảnh phòng chống COVID-10 (Vietnam Health Declaration), NCOVI, Bluzone trong khai báo y tế...

- Quản lý thông tin tiêm chủng thông qua phần mềm báo cáo tiêm chủng.

3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông đến cộng đồng về phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh và tiêm chủng phòng bệnh, đặc biệt đến các nhóm đối tượng nguy cơ (trường học, khu công nghiệp, nhà trọ...). Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về bệnh dại để tất cả người dân tuân thủ việc tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động ứng phó, xử lý các tình huống thông tin y tế bất cập, kịp thời cung cấp thông tin bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân.

- Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phát động phòng chống dịch, bệnh.

- Dự trù kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có dịch, điều phối, thu dung chuyển tuyến, điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch; tích cực chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại chỗ, chuyển tuyến phù hợp, theo quy định của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động thực hiện phòng chống dịch bệnh, tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế về kết quả thực hiện.

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Triển khai các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Cần lưu ý các bệnh liên cầu lợn và bệnh dại, bệnh cúm gia cầm…

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất để thực hiện phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.

- Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, quản lý, báo cáo tình hình dịch bệnh của gia súc, gia cầm; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; thực hiện tiêu độc, khử trùng đối với các cơ sở hoạt động liên quan đến thú y, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...

- Kịp thời thông báo nhanh cho ngành Y tế về thông tin các ổ dịch gia cầm bùng phát hoặc tái phát, để cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, giáo dục công tác y tế học đường, phòng chống dịch bệnh; trong đề xuất các giải pháp khống chế dịch bệnh tại các trường học nếu có xảy ra; chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

- Phân công cán bộ phụ trách theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học. Y tế trường học chủ động thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện, cách ly, báo cáo cho cơ sở y tế gần nhất, thường xuyên cho học sinh thực hành rửa tay sạch.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động phòng chống dịch bệnh: Hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, rửa tay bằng xà phòng, lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh quai bị, thủy đậu, sởi, rubella…cho học sinh và phụ huynh; các nhà trẻ, mẫu giáo thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn phòng học, đồ chơi… bằng xà phòng, dung dịch Javel, cloramin.

- Thực hiện hệ thống giám sát, thông tin báo cáo dịch bệnh hai chiều (Y tế - Trường học, Trường học - Y tế).

4. Sở Tài chính

Cân đối ngân sách, trình UBND phê duyệt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch.

5. Sở Thông tin và truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh để mọi người dân hiểu từ đó có biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng trong việc phòng bệnh.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Đồng Khởi.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các chuyên mục phòng chống dịch bệnh. Đưa tin, bài tuyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, các khuyến cáo của ngành y tế để mọi người dân hiểu và thực hiện.

7. Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các tổ chức CT-XH tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và toàn dân hưởng ứng hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phát động nhân dân hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe Nhân dân”.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các xây dựng Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Đảm bảo kinh phí và các nguồn lực để thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

- Vận động Nhân dân tham gia thực hiện các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để tăng hiệu quả phòng bệnh và các phong trào thi đua bảo vệ, nâng cao sức khỏe tại địa phương. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sở Y tế làm việc trực tiếp với Sở Tài chính về kinh phí thực hiện. Giao Sở Tài chính thẩm định chi tiết kinh phí, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Trên đây là Kế hoạch Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính năm 2022 của tỉnh Bến Tre. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (B/cáo);
- TT.TU (B/cáo);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Đài PT&TH;
- Báo Đồng Khởi;
- MTTQ và các Tổ chức CT-XH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó CVP (KGVX);
- Phòng: KGVX, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, k.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bé Mười