Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 816/ KH-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 7 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC, NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Thực hiện Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Công văn số 3062/BYT-MT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kế hoạch triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân, UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2013 - 2015 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về Phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân" đồng thời tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Phong trào vệ sinh yêu nước; góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.

2. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2015

2.1. Nhóm mục tiêu về vệ sinh cá nhân, môi trường cộng đồng

- 100% các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

- 85% số hộ gia đình thành thị và 80% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 40% theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02: 2009/BYT) của Bộ Y tế.

- 90% số hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà tiêu - điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh (QCVN 01: 2011/BYT) của Bộ Y tế.

- 45% số hộ nông dân chăn nuôi chuồng trại hợp vệ sinh; không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi thủy sản.

- 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng (trạm y tế xã, trường học mầm non, phổ thông, nhà ga, chợ, bến tàu...) có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng.

- 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên.

- Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các thôn, ấp, bản làng có điểm thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh và thực hiện phong trào phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. 45% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch xà phòng.

2.2. Nhóm mục tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm

Tăng sự hiểu biết của người dân về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng số các hộ dân cam kết không sản xuất rau không an toàn; số các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết không thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; số cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm cam kết thực hiện không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.

2.3. Mục tiêu về vệ sinh trong lao động

- 100% cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh nhà xưởng, sắp xếp nơi làm việc gọn gàng.

- 100% người lao động được tuyên truyền vệ sinh cá nhân tại nơi làm việc, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân theo quy định

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng

1.1. Thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe

Vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý và rèn luyên thân thể. Đẩy mạnh thực hiện nội dung "3 sạch" trong phong trào "5 không, 3 sạch". Cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường, sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.2. Cải thiện vệ sinh môi trường:

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng.

- Vận động người dân xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, chấm dứt đi tiêu bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; thực hành ủ phân hợp vệ sinh.

- Vận động người dân thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải, xóa bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết; quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học... tạo thói quen nề nếp trong nhân dân.

- Thành lập các tổ thu gom rác sinh hoạt ở các địa phương

- Triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn cung cấp nước, ăn uống và sinh hoạt, vận động người dân sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, dụng cụ chứa nước. Thực hiện tốt việc xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa lũ.

- Phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng, đường phố, đường làng, trong khuôn viên từng hộ gia đình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo quản và phát triển cây xanh theo đúng quy hoạch xây dựng đô thị.

2. Vệ sinh an toàn thực phẩm

- Triển khai phong trào "Ba không": các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.

- Thực hành tốt về vệ sinh trong nuôi trồng, giết mổ và sản xuất thực phẩm. Đảm bảo vệ sinh trong chế biến và phân phối thực phẩm

- Thực hiện tốt vệ sinh trong dịch vụ ăn uống. Tổ chức tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ hội và ăn uống tập thể. Triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động thúc đẩy "bữa ăn an toàn".

3. Vệ sinh trong lao động

Triển khai phát động phong trào vệ sinh yêu nước tại nơi làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. Đảm bảo vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân cho người lao động.

V. GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai Phong trào "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân" trên địa bàn.

Tổ chức quán triệt triển khai Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân và các văn bản có liên quan; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.

Hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các tiêu chí về vệ sinh yêu nước vào Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", các quy định trong Hương ước, Quy ước văn hoá của thôn, bản, tổ dân phố.

2. Phối hợp liên ngành

Tăng cường sự tham gia, phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị trong việc triển khai thực hiện phong trào.

3. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người dân tham gia các vấn đề về vệ sinh liên quan đến sức khoẻ.

Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức, các biện pháp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như truyền thông trực tiếp qua hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình, trên đài truyền thanh huyện, thành phố và hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố… Chú ý nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, đảm bảo an toàn thực phẩm… Hướng dẫn đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan trong việc thực hiện công tác vệ sinh. Vận động nhân dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người xoá bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu gây mất vệ sinh, không có lợi cho sức khoẻ cộng đồng. Nghiên cứu bổ sung, lồng ghép các nội dung giảng dạy về vệ sinh trong nhà trường cho phù hợp với từng cấp học.

4. Tổ chức ngày tổng vệ sinh

Thực hiện duy trì phong trào vệ sinh hàng tuần, hàng tháng vào một ngày nhất định ở các đường làng, ngõ xóm, các cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp… nhằm tạo thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân.

Hằng năm tổ chức hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân (Ngày 02/7) theo chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khoẻ.

5. Triển khai các hoạt động liên quan đến vệ sinh môi trường

Triển khai các hoạt động giải quyết các vấn đề về vệ sinh liên quan đến ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh trong các khu dân cư, làng nghề, khu vực có nhà máy, nông lâm trường, xí nghiệp.

Phát động phong trào sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh nguồn nước, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước. Xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh trong các hộ gia đình và khu vực công cộng, không phóng uế bừa bãi. Xây dựng chuồng trại chăn nuôi và xử lý phân gia súc, gia cầm hợp vệ sinh. Không vứt rác bừa bãi, tiến hành thu gom, xử lý chất thải theo quy định, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.

Lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu thu gom rác thải tập trung. Tăng cường vận động xã hội hoá đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung; tập trung đầu tư cho các vùng thiếu nước sinh hoạt, nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh... Khuyến khích các hộ dân đầu tư hệ thống xử lý nước sinh hoạt quy mô nhỏ tại gia đình.

6. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong lao động

Quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm, các lò mổ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch và bố trí các chợ, điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn bảo đảm hợp lý, thuận tiện cho nhân dân; tổ chức quản lý cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xây dựng, củng cố hệ thống cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền an toàn thực phẩm; tập trung phát triển đội ngũ tuyên truyền viên thuộc các tổ chức xã hội, các hiệp hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người dân tộc ít người nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm đến các nhóm đối tượng.

Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015. Xây dựng kế hoạch và tổ chức việc đo, kiểm tra môi trường lao động, khám sức khoẻ tuyển dụng, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nâng cao trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh.

7. Công tác kiểm tra và giám sát

Các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Hàng năm tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào. Định kỳ sau 5 năm tiến hành tổng kết đánh giá thực hiện phong trào ở các cấp.

8. Kinh phí thực hiện

Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình Quốc gia về y tế, văn hoá, nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường ngân sách Nhà nước cho thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân. Sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu, các nhiệm vụ, dự án có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường xã hội hoá, huy động nguồn lực của các tổ chức cá nhân đề triển khai thực hiện phong trào.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế là cơ quan thường trực thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với việc thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch; hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm đảm bảo phong trào được phát triển sâu rộng, hiệu quả và duy trì bền vững.

Tham mưu chỉ đạo nhằm đạt được mục tiêu thuộc phạm vi quản lý của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân hàng năm (ngày 02/7) theo chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp bách về vệ sinh liên quan đến sức khoẻ.

Chỉ đạo hệ thống y tế các cấp tăng cường hoạt động tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai phong trào và là lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện phong trào ở địa phương.

Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Phong trào về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo nhằm đạt được các mục tiêu về vệ sinh và nâng cao sức khỏe của Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn. Đẩy mạnh vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nơi ở; không sử dụng phân tươi và các hoá chất độc hại cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng, chế biến thực phẩm. Thực hiện tốt vệ sinh trong lao động nông nghiệp; hướng dẫn, tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo cung cấp cho người dân thực phẩm sạch, an toàn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề vệ sinh liên quan đến chương trình chống biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch các địa điểm, quy trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư liên quan đến ô nhiễm môi trường. Có kế hoạch từng bước giảm thiểu, kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh trong các làng nghề, khu dân cư nông thôn và đô thị. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo nghiên cứu thực hiện chương trình giảng dạy lồng ghép kiến thức và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường để tạo thói quen vệ sinh có lợi cho sức khoẻ, góp phần xây dựng cộng đồng có nếp sống hợp vệ sinh, văn minh. Hình thành, xây dựng và phát triển các phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh và nâng cao sức khoẻ trong trường học, tại cộng đồng. Chỉ đạo các trường học, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cung cấp đủ nước hợp vệ sinh cho giáo viên, học sinh và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương thực hiện lồng ghép phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" với Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tuyên truyền và vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của phong trào. Nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người lao động và nhân dân thực hiện đúng quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với các loại máy móc, thiết bị, các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, dễ cháy nổ.

7. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, các đơn vị thông tin cơ sở, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia các hoạt động của Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình thường xuyên tuyên truyền các hoạt động của Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tăng cường thời lượng phát sóng, số lượng tin bài và các hoạt động của phong trào để mọi người dân tích cực tham gia.

9. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo cho thực hiện kế hoạch; chủ động hướng dẫn, kiểm soát việc bố trí ngân sách của các địa phương cho Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường nông thôn; thẩm định, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư liên quan đến sức khoẻ con người, môi trường sống trước khi chấp thuận đầu tư. Phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí cho các hoạt động của phong trào.

11. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép nội dung Kế hoạch Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

12. UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2015 của tỉnh để chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của huyện, thành phố. Hàng năm tổ chức hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân (ngày 02/7) theo chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết vệ sinh liên quan đến vấn sức khoẻ. Bố trí kinh phí cho các hoạt động của phong trào tại địa phương. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động của kế hoạch.

13. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tự giác tham gia phong trào. Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Định kỳ hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch này về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013- 2015. Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình; xây dựng kế hoạch trong đó xác định các mục tiêu cụ thể, sát thực để triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH, Báo Quảng Bình;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng