- 1 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 2 Thông tư 150/2020/TT-BCA quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành do Bộ Công an ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 826/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 24 tháng 5 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỢT CAO ĐIỂM VỀ TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA AN TOÀN VỀ PCCC ĐỐI VỚI KHU DÂN CƯ, HỘ GIA ĐÌNH, NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH
Thực hiện Kế hoạch số 151/KH-BCA-C07 ngày 12/4/2021 của Bộ Công an về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và trực tiếp kiến thức pháp luật về PCCC đến chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh.
- Kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định.
- Nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại địa phương và có biện pháp đề xuất.
2. Yêu cầu
- Công tác tuyên truyền phải đa dạng về hình thức, nội dung cần rõ ràng, dễ hiểu và truyền đạt thông tin trực tiếp đến người dân.
- Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC phải bảo đảm khách quan, toàn diện, tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC.
- Nội dung hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC phải cụ thể, phù hợp, sát với thực tế trên cơ sở các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN
1. Đối tượng: Chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư; hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Thời gian: Từ ngày ban hành Kế hoạch đến hết ngày 15/10/2021.
III. HÌNH THỨC, NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA
1. Công tác tuyên truyền
1.1. Hình thức:
Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong khu dân cư; lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, tổ chức chính trị - xã hội tại khu dân cư; tờ rơi, băng rôn; loa phát thanh của phường, xã và trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Quảng Bình; Cổng thông tin điện tử tỉnh; các website của các sở, ban, ngành, đoàn thể...).
1.2. Nội dung:
Tập trung phổ biến những quy định của pháp luật về PCCC (trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người dân; các biện pháp PCCC; các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vi phạm phải bị xử lý theo quy định); các nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến cháy, nổ; các vụ cháy điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; kiến thức cơ bản về PCCC; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt và biện pháp xử lý khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình; kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với Chủ tịch UBND cấp xã và lực lượng Công an cấp xã.
2. Công tác kiểm tra
2.1. Hình thức:
Thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
2.2. Nội dung:
- Đối với nhà ở hộ gia đình: Trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân và các điều kiện an toàn về PCCC quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ (NĐ136/CP).
- Đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở hoạt động trong phạm vi ngôi nhà và các điều kiện an toàn về PCCC quy định tại khoản 1 và 2, Điều 7, NĐ136/CP.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về PCCC và trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân trong công tác PCCC; hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, các khu nhà trọ lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập đổ công trình. Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.
- Thành lập các đoàn liên ngành (thành phần gồm Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh hoặc Công an huyện, thành phố, thị xã; đại diện UBND cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị, điện lực và phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị), tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn về an toàn PCCC đối với các đối tượng nêu trên. Kết thúc kiểm tra, lập biên bản theo mẫu số Mẫu số PC10 ban hành kèm theo NĐ136/CP và yêu cầu chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
- Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong Nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.
- Phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH đối với Chủ tịch UBND cấp xã và lực lượng Công an cấp xã. Hướng dẫn trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an Quy định về trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành. Hướng dẫn trang bị phương tiện và giải pháp đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ gia đình, các nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại nhà ở và khu dân cư. Nâng cao chất lượng các chuyên mục về an toàn PCCC, xây dựng các chủ đề, phóng sự, tiểu phẩm, clip hướng dẫn kỹ năng PCCC, thoát nạn; giới thiệu gương người tốt, việc tốt về PCCC...; tăng thời lượng, nội dung, phát sóng chương trình vào giờ cao điểm để người dân có thể theo dõi và thực hiện.
3. Sở Công Thương
Chỉ đạo các đơn vị điện lực tiến hành tổng kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại các khu dân cư để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp Công an tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH cho Chủ tịch UBND cấp xã và lực lượng Công an cấp xã.
- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC đến quần chúng Nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.
- Chỉ đạo UBND cấp xã tiến hành kiểm tra các cơ sở và các khu dân cư trên địa bàn quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, xử lý các vi hành vi vi phạm quy định PCCC theo thẩm quyền.
- Đầu tư ngân sách cho hoạt động PCCC và CNCH tại các khu dân cư; trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an; bảo đảm các điều kiện về thông tin báo cháy, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) theo các mốc thời gian sau: Giai đoạn 1, từ ngày ban hành kế hoạch đến hết ngày 15/7/2021, báo cáo trước ngày 20/7/2021; tổng kết đợt cao điểm đến hết ngày 15/10/2021, báo cáo trước ngày 20/10/2021.
2. Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1810/QĐ-UBND năm 2019 quy định về An toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 2 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nhà cho thuê trọ do thành phố Cần Thơ ban hành
- 3 Kế hoạch 131/KH-UBND năm 2021 thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 4 Quyết định 23/2021/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 5 Quyết định 450/QĐ-UBND năm 2021 quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận