Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 09 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA - XÃ HỘI ASEAN ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch hành động triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. Mục đích- yêu cầu:

1. Mục đích

a) Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị; Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

b) Nhằm phát huy vai trò của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu của ASEAN, đặc biệt là phát huy vai trò chủ động của tỉnh Kiên Giang trong tiến trình hội nhập, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng đầu tư, những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh Kiên Giang đến với cộng đồng các nước trong khối ASEAN. Tranh thủ tối đa các cơ hội và nguồn lực để hội nhập và phát triển.

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; nhằm mang lại lợi ích cho người dân, hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội với các tiêu chí về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, văn hóa, thông tin. Thông qua công tác tuyên truyền, giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, môi trường, chính sách về y tế, an sinh xã hội... góp phần tích cực và chủ động hội nhập ASEAN của tỉnh.

d) Quán triệt đầy đủ mục tiêu, giải pháp thực hiện các nội dung gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập bền vững, tự lực, tự cường và năng động trong quá trình hội nhập.

đ) Mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của tỉnh; tổ chức các hoạt động khuyến khích người dân tích cực tham gia hưởng ứng, nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng một xã hội bền vững về môi trường mang lại hiệu quả tích cực cho người dân.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quá trình hội nhập quốc tế. Nhà nước đảm bảo thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội.

b) Đề ra các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mục tiêu và tiến trình phát triển của tỉnh.

c) Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về triển khai và thực hiện các mục tiêu phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người; đặc biệt kéo giảm bất bình đẳng trong mức sống giữa các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh.

d) Huy động tối đa các nguồn lực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN thúc đẩy sự phát triển và tăng cường việc gắn kết các thể chế và khuôn khổ chính sách, nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

- Huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân

a) Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

b) Nâng cao năng lực cho tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh tới địa phương và toàn dân để tăng cường sự tham gia trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật và hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

c) Từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân; củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ nhân dân.

2. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập

a) Giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

b) Thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giảm nghèo bền vững và môi trường hòa nhập cho tất cả mọi người.

c) Thúc đẩy, bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế và những đối tượng đặc thù.

3. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững

a) Bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

b) Xây dựng thành phố bền vững về môi trường hướng tới ASEAN xanh, sạch, đẹp.

c) Xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường bền vững với sự tham gia tích cực của các sở, ban ngành tỉnh, cộng đồng, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.

d) Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững với việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý rác thải và sử dụng nhiên liệu hiệu quả.

4. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng tự lực tự cường

a) Tăng cường khả năng dự báo, ứng phó, thích ứng và khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả.

b) Tăng cường khả năng ứng phó với các nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân, như: Nguy cơ sinh học, hóa học, phóng xạ, hạt nhân và các nguy cơ tiềm ẩn hoặc mới phát sinh.

c) Nâng cao năng lực của các bộ máy, cơ quan, tổ chức và người dân để có thể thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.

d) Tăng cường an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, những người sống trong khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và biến đổi môi trường khác.

đ) Tăng cường và phát huy tối đa vai trò của hệ thống tài chính, dự phòng lương thực, thực phẩm, nước, năng lượng và chuẩn bị lưới an sinh xã hội để ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra.

e) Nỗ lực tổ chức thực hiện các biện pháp hướng tới một ASEAN “Không ma túy”.

5. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động

a) Xây dựng một xã hội mở và thích ứng, trong đó áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, khuyến khích các hoạt động tình nguyện và thúc đẩy hình ảnh của ASEAN.

b) Xây dựng một xã hội sáng tạo, đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và đào tạo.

c) Từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trong ASEAN.

IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện:

Kế hoạch hành động triển khai Đề án được thực hiện trên toàn tỉnh Kiên Giang.

2. Thời gian thực hiện:

a) Năm 2017: Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020 của các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

b) Năm 2020: Đánh giá giữa kỳ; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Đề án giai đoạn 2021- 2025.

c) Năm 2025: Đánh giá cuối kỳ; tổ chức tổng kết thực hiện Đề án.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Rà soát, lồng ghép và tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025 trong kế hoạch, chính sách, chương trình của tỉnh

a) Rà soát các chính sách, chương trình, chiến lược, tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy thực hiện trên cơ sở các mục tiêu và biện pháp chiến lược của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

b) Nghiên cứu và lựa chọn các biện pháp chiến lược thực hiện phù hợp với ưu tiên của Việt Nam.

c) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện các mục tiêu.

d) Tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động.

2. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Đề án

a) Phát hành các ấn phẩm truyền thông về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các hoạt động, thành tựu của cơ quan chuyên ngành, tiến độ thực hiện Đề án.

b) Tổ chức tập huấn, diễn đàn đối thoại, hội thảo với các cơ quan truyền thông, báo chí để truyền thông về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

3. Tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu

a) Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, giao ban định kỳ giữa các cơ quan liên quan.

b) Nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị về chủ trương, chính sách hợp tác AESAN.

c) Định kỳ đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu.

4. Thúc đẩy vận động, thu hút nguồn lực

a) Đa dạng hóa việc vận động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác của ASEAN.

b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Đề án.

5. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để thực hiện Đề án

a) Bố trí nhân lực chuyên trách về hợp tác ASEAN đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN và việc thực hiện Đề án.

b) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho công chức, viên chức làm công tác hợp tác ASEAN nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về nghiệp vụ và ngoại ngữ để tham gia tích cực vào hợp tác khu vực.

c) Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ hợp tác ASEAN trong khuôn khổ khu vực, đa phương và song phương.

d) Nâng cao năng lực điều phối chung để thực hiện các mục tiêu của quốc gia và các mục tiêu chung của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, trợ giúp kỹ thuật của các đối tác bên ngoài và các nhà tài trợ quốc tế, song phương, khu vực và các nhà tài trợ trong nước.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

a) Là cơ quan Thường trực; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu, để xuất cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Đề án hàng năm; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2017- 2020 và tổng kết giai đoạn 2017- 2025 và báo cáo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ.

2. Các sở, ban ngành cấp tỉnh: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Nội vụ; Ngoại vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Tỉnh Đoàn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, có trách nhiệm:

a) Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đã được phê duyệt trong giai đoạn 2017 - 2020 và 2021- 2025.

c) Tạo điều kiện, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và mọi người dân tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án, trên cơ sở phù hợp chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định.

d) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các sở, ban ngành có liên quan tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan vận động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức để thực hiện Đề án.

5. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước trong Cộng đồng ASEAN; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng đầu tư, những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của Kiên Giang đến với Cộng đồng; tranh thủ các nguồn lực trong Cộng đồng ASEAN để tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; đồng thời thúc đẩy sự hội nhập của tỉnh vào Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
- Vụ Hợp tác QT- Bộ LĐ-TB&XH;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành cấp tỉnh (Đảng, CQ, ĐT và DNNN);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: VT, tvhung.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Mai Văn Huỳnh