ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 839/KH-UBND | An Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG SẢN PHẨM OCOP TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/08/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 03/07/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt OCOP_AG);
Căn cứ Quyết định số 2627/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020;
Căn cứ Kế hoạch số 557/KH-UBND ngày 12/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc triển khai thực hiện “Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”;
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020, với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật) tham gia Đề án OCOP_AG đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành.
- Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần triển khai thành công Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
2. Yêu cầu
- UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá tất cả sản phẩm được đề xuất tham gia Đề án OCOP_AG tại địa phương (kể cả các sản phẩm tiềm năng khác) theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành. Sản phẩm đã đánh giá tại cấp huyện có khả năng đạt 03 sao trở lên (từ 50 điểm trở lên) theo Bộ tiêu chí, được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
- Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 yêu cầu phải chặt chẽ, khách quan, đúng quy định.
- Thông qua đánh giá, công nhận và phân hạng các sản phẩm OCOP sẽ tuyên truyền đến các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư tại địa phương nắm được ý nghĩa, mục tiêu và khích lệ tham gia Đề án.
II. NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN
1. Thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
1.1. Cấp tỉnh
- Cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ đánh giá sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG từ cấp huyện hoặc thẩm định hồ sơ trực tiếp các sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu hoặc sản phẩm đạt một số danh hiệu khác do cấp tỉnh công nhận.
- Sau khi thẩm định hồ sơ sẽ tiến hành đánh giá, lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP An Giang.
1.2. Cấp huyện:
Cấp huyện tổ chức đánh giá và chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP_AG (kể cả các sản phẩm tiềm năng khác) theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành.
2. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
2.1. Cấp tỉnh:
Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh.
2.2. Cấp huyện:
- Thành lập Hội đồng (05 - 07 thành viên) đánh giá sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG (Hội đồng OCOP cấp huyện) để đánh giá chấm điểm sản phẩm theo kế hoạch đã đề ra; gồm các thành phần sau:
+ Chủ tịch Hội đồng: Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo phòng Kinh tế/Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố;
+ Các thành viên Hội đồng: Lãnh đạo các phòng Kinh tế và Hạ tầng; Y tế; Văn hóa Thông tin; đơn vị phụ trách Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số cơ quan liên quan.
- Nhiệm vụ của Hội đồng OCOP cấp huyện:
+ Xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức đánh giá, chấm điểm sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP;
+ Lựa chọn sản phẩm có khả năng đạt 03 sao trở lên (từ 50 điểm trở lên), hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng OCOP cấp tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi cục Phát triển nông thôn) để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm tại cấp tỉnh;
- Thành lập Tổ Giúp việc cho Hội đồng OCOP cấp huyện để thực hiện công tác tiếp nhận, kiểm tra hướng dẫn chủ thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP tại địa phương; tham mưu, giúp việc cho Hội đồng OCOP cấp huyện trong việc tổ chức đánh giá, chấm điểm sản phẩm. Thành viên của Tổ Giúp việc gồm các cán bộ chuyên môn của cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp huyện.
3. Thời gian thực hiện
Năm 2019: Tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm có tiềm năng từ 03 sao trở lên của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; các doanh nghiệp đã hoàn thiện việc công bố chất lượng, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc theo quy định của Nhà nước; các doanh nghiệp có các sản phẩm được công nhận tại các hội thi cấp tỉnh; các hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật.
Năm 2020: Thực hiện theo Chu trình OCOP và Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm do Trung ương ban hành; cụ thể vào thời gian như sau:
- Cấp tỉnh:
+ Tổ chức đánh giá, phân hạng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trước ngày 15/11 hàng năm.
+ Công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và trao giấy chứng nhận OCOP cho chủ thể của sản phẩm sau 10 ngày khi UBND tỉnh ký quyết định công nhận.
- Cấp huyện: Tổ chức đánh giá chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP_AG hoàn thành trước ngày 15/10 hàng năm; gửi hồ sơ đánh giá sản phẩm tại cấp tỉnh sau 10 ngày tổ chức đánh giá, phân hạng.
Tuy nhiên, tùy điều kiện thực tế Hội đồng đánh giá cấp tỉnh và cấp huyện có thể tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm vào những thời điểm thích hợp.
4. Nội dung đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Hội đồng OCOP cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG (kể cả các sản phẩm tiềm năng khác) theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành.
5. Tổ chức trao chứng nhận và vinh danh sản phẩm OCOP
Hội đồng OCOP cấp tỉnh tổ chức trao Giấy chứng nhận và vinh danh sản phẩm OCOP An Giang cho các chủ thể tham gia sản xuất, đảm bảo trang trọng và tiết kiệm.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Đối với cấp tỉnh:
- Kinh phí tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP:
+ Năm 2019: 40.100.000 đồng.
+ Năm 2020: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí phục vụ công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
- Nguồn kinh phí: Sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) hằng năm.
2. Đối với UBND các huyện, thị xã và thành phố:
Về kinh phí tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Giao Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;
- Xây dựng và ban hành quy chế đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp huyện; kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm độc lập đối với sản phẩm đã được cấp tỉnh đánh giá đạt từ 03 sao trở lên (nếu xét cần thiết).
2. Sở Tài chính:
- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và thành phố về nguồn kinh phí thực hiện.
- Tham mưu UBND tỉnh thẩm định và bố trí nguồn kinh phí thực hiện đánh giá phân hạng OCOP ở cấp tỉnh.
2. Các sở, ngành, đơn vị liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện các thủ tục đăng ký tham gia Chương trình đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp quy, hợp chuẩn...để đảm bảo chất lượng, quy định tiêu chuẩn đối với sản phẩm OCOP. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện kiểm nghiệm các sản phẩm theo tiêu chuẩn hiện hành.
3. Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành và địa phương liên quan thực hiện công tác truyền thông tuyên truyền về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của địa phương, tổ chức triển khai đến cấp xã, đơn vị sản xuất sản phẩm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố;
- Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, nhất là các sản phẩm được đề xuất tham gia Đề án OCOP_AG (tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 03/7/2019 của UBND tỉnh) và kể cả các sản phẩm tiềm năng khác;
- Thực hiện công khai hóa việc đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố;
- Hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên, tham dự đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 34/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2 Kế hoạch 5330/KH-UBND năm 2019 về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị
- 3 Quyết định 1048/QĐ-TTg năm 2019 về Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1625/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt OCOP_AG)
- 5 Quyết định 2233/QĐ-UBND năm 2019 về Quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 6 Quyết định 1604/QĐ-UBND năm 2019 về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 7 Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 1604/QĐ-UBND năm 2019 về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 2 Quyết định 2233/QĐ-UBND năm 2019 về Quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3 Kế hoạch 5330/KH-UBND năm 2019 về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị
- 4 Kế hoạch 34/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 5 Quyết định 4347/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế hoạt động của Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố Hà Nội
- 6 Kế hoạch 220/KH-UBND về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2021