Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Thái Bình, ngày 20 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN 2019 - 2021

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị); Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khả năng quản lý của chính quyền các cấp. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

2. Yêu cầu

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn; phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; không gây xáo trộn lớn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp Ủy Đảng.

- Gắn sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Cấp ủy chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân.

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã căn cứ theo nguyên tắc, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Đồng thời phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Trong quá trình thực hiện phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm đúng quy định về số lượng cấp phó và định mức biên chế.

II. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động và sự đồng thuận của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh.

1.1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu tổ chức Hội nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Thời gian hoàn thành: Trước ngày 25/8/2019.

1.2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện có đơn vị hành chính sắp xếp tập trung thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Thời gian thực hiện: Từ khi Kế hoạch này được ban hành đến khi tổng kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vào năm 2021.

2. Xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

2.1. Ủy ban nhân dân huyện chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu hướng dẫn của Sở Nội vụ.

2.2. Sau khi có phương án sắp xếp, Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn liên quan lập và niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến cử tri theo quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2019.

- Nội dung lấy ý kiến cử tri được hướng dẫn theo mẫu thống nhất chung trong toàn tỉnh.

- Tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo Điều 12 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2019 của Chính phủ; tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri được đăng tải công khai và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, khu dân cư tại các xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp.

- Danh sách cử tri được lập tại thời điểm lấy ý kiến cử tri.

- Thời gian niêm yết danh sách cử tri và thời gian lấy ý kiến cử tri thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2.3. Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, nếu có trên 50% số cử tri đồng ý thì Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét thông qua một số nội dung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (trường hợp có từ dưới 50% số cử tri đồng ý thì báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xin ý kiến cấp trên). Thời gian hoàn thành trước ngày 07/10/2019.

2.4. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân các huyện trước ngày 12/10/2019, hồ sơ gồm (03 bộ):

- Tờ trình của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

- Kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn.

- Bản đồ hiện trạng đơn vị hành chính cấp xã trước khi thực hiện việc sắp xếp.

2.5. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng Đề án chi tiết, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy. Thời gian hoàn thành trước ngày 19/10/2019.

2.6. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện đối với Đề án chi tiết, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Ủy ban nhân dân huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 24/10/2019, hồ sơ gồm (02 bộ):

- Tờ trình của Ủy ban nhân dân huyện.

- Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.

- Phương án sắp xếp cụ thể của từng nhóm đơn vị hành chính xã, thị trấn.

- Tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của Hội đồng nhân dân có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện.

- Bản đồ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

- Toàn bộ hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân huyện.

2.7. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân huyện, Sở Nội vụ hoàn thiện Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước ngày 30/10/2019.

2.8. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền theo quy định trước ngày 05/11/2019.

3. Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau khi thành lập đơn vị hành chính

Chậm nhất không quá 30 ngày sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương tổ chức lễ công bố Nghị quyết; kiện toàn, sắp xếp xong tổ chức bộ máy các cơ quan của đơn vị hành chính mới.

4. Giải pháp về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp của các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp

4.1. Giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã

a) Tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức khác

- Tổ chức Đảng: Đảng bộ đơn vị hành chính cấp xã mới sắp xếp tương ứng với đơn vị hành chính mới. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy của đơn vị hành chính cấp xã mới theo quy định tại điểm 16.5 Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện hiệp y thống nhất với Đảng ủy cấp xã quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của đơn vị hành chính cấp xã mới; công nhận danh sách Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã (lâm thời); đồng thời căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để quy định thời hạn tổ chức đại hội nhưng không quá 3 tháng kể từ khi Ủy ban lâm thời được thực hiện.

- Các đoàn thể chính trị - xã hội:

+ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị hành chính mới sắp xếp tương ứng với đơn vị hành chính mới. Ban Thường vụ cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị hành chính cấp xã mới theo hướng dẫn của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh.

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh của đơn vị hành hình cấp xã mới sắp xếp tương ứng với đơn vị hành chính mới. Ban Thường vụ cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch tổ chức hội của đơn vị hành chính cấp xã mới theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh.

b) Tổ chức chính quyền địa phương: Đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định tại Điều 134, Điều 137 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân cấp xã mới tiến hành bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân).

c) Tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế

- Ổn định tổ chức các trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, bảo đảm chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học; nghiên cứu, điều chỉnh đề án sắp xếp các trường học trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện cho phù hợp với sắp xếp đơn vị hành chính.

- Nhập nguyên trạng Trạm Y tế cấp xã nhưng vẫn duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các vị trí cũ. Căn cứ yêu cầu phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương tại các đơn vị hành chính cấp xã mới, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện thực hiện việc hợp nhất các Trạm Y tế, trước mắt vẫn duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các vị trí cũ. Số lượng biên chế tại Trạm Y tế ở đơn vị hành chính cấp xã mới trước mắt không vượt quá tổng số biên chế có mặt tại các Trạm y tế khi sáp nhập, sau đó giảm theo lộ trình 05 năm theo quy định tại Nghị quyết số 32/NQ-CP, ngày 14/5/2019 của Chính phủ.

4.2. Giải pháp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

a) Cán bộ cấp xã:

- Đối với đơn vị hành chính cấp xã mới khi sắp xếp bố trí tối đa không quá 11 người để đảm nhiệm 11 chức vụ cán bộ, cụ thể như sau: Bí thư Đảng ủy 01 người; Phó Bí thư Đảng ủy 01 người; Chủ tịch Hội đồng nhân dân (do Bí thư Đảng ủy hoặc Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm); Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân 01 người; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 01 người; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân không quá 02 người; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 01 người; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 01 người; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ 01 người; Chủ tịch Hội Nông dân 01 người (nơi có hoạt động nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh 01 người.

- Phương án bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã dôi dư do sắp xếp:

+ Tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức cấp xã (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định);

+ Xét chuyển thành công chức cấp huyện trở nên (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định);

+ Tuyển dụng vào viên chức đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Chính phủ;

+ Giải quyết chế độ, chính sách nghỉ việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP của Chính phủ nếu cán bộ cấp xã có nguyện vọng nghỉ công tác hưởng chế độ tinh giản biên chế;

+ Nghỉ hưu theo quy định.

b) Công chức cấp xã:

- Nhập nguyên trạng đội ngũ công chức cấp xã.

- Phương án bố trí đội ngũ công chức dôi dư trong giai đoạn 2020-2025 để đảm bảo theo đúng quy định:

+ Điều động đến các đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu

+ Xét chuyển thành công chức cấp huyện trở lên (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định);

+ Tuyển dụng vào viên chức đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Giải quyết chế độ, chính sách nghỉ việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP của Chính phủ nếu công chức cấp xã có nguyện vọng nghỉ công tác hưởng chế độ tinh giản biên chế;

+ Nghỉ hưu theo quy định.

(Đối với chức danh công chức quy định có 01 người đảm nhiệm (Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an đối với nơi chưa bố trí công an chính quy) thì ưu tiên sắp xếp bố trí Trưởng Công an trước để thực hiện bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã).

c) Số lượng người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp bố trí đúng theo quy định.

4.3. Giải pháp sử dụng cơ sở vật chất, công sở làm việc

- Không đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp (trừ các công trình đã triển khai thực hiện)

- Về phương án lựa chọn, bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính cấp xã mới: Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất với Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã có liên quan; trước mắt sử dụng trụ sở cũ của một trong các đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp; Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch chỉ đạo việc cải tạo, sửa chữa để sau khi đơn vị hành chính mới được thành lập thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc và liên hệ giao dịch của nhân dân; đồng thời có phương án quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của đơn vị hành chính cũ cho phù hợp, hiệu quả. Rà soát, thực hiện phương án tiếp nhận, bàn giao sử dụng, các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai khi đưa vào khai thác sử dụng.

4.4. Giải pháp về chính sách hỗ trợ: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Trung ương.

5. Thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã

5.1. Các sở, ban, ngành tỉnh có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, kịp thời hướng dẫn chính quyền địa phương các cấp triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

5.2. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tại những đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và không thu phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục chuyển đổi do thay đổi đơn vị hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi.

5.3. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

6. Bảo đảm nguồn kinh phí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Kinh phí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tổ chức tuyên truyền, vận động về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng Đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên trong khoản ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện việc sắp xếp, nếu vẫn còn khó khăn, các địa phương báo cáo Sở Nội vụ, Sở Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xem xét, thẩm định trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ kinh phí thực hiện từ ngân sách trung ương.

7. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, các huyện tổ chức tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 báo cáo Bộ Nội vụ (Thực hiện theo Kế hoạch tổng kết của Trung ương).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Là cơ quan Thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2021.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện.

- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, bảo đảm thời gian, tiến độ đề ra.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng phương án, đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính; hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri. Hướng dẫn sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; định kỳ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

- Tổng hợp, xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh

- Trình ký các văn bản và phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính.

- Phối hợp với Sở Nội vụ: Dự thảo các văn bản của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan và các huyện xây dựng chuyên trang, chuyên mục; tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền trong suốt quá trình trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh trong giai đoạn 2019-2021.

4. Sở Tài chính

- Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

- Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất, bàn giao công nợ xây dựng cơ bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập tại các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong việc cung cấp các loại bản đồ, sơ đồ, số liệu có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính; chuẩn bị các loại bản đồ, sơ đồ liên quan để gửi kèm Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh để trình Bộ Nội vụ.

6. Sở Xây dựng

- Xây dựng báo cáo đánh giá tiêu chuẩn của loại đô thị trong trường hợp sắp xếp theo quy định trong trường hợp sắp xếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Hướng dẫn lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị, phân loại đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đối với việc thành lập, mở rộng đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện các nội dung công việc theo chức năng của đơn vị và nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng quy trình và lộ trình công việc.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện phối hợp có hiệu quả với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực hiện Kế hoạch này.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện có đơn vị hành chính sắp xếp tập trung thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các huyện chỉ đạo các đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới sau sắp xếp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ công.

9. Các sở, ban, ngành liên quan

- Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện có đơn vị hành chính sắp xếp tập trung thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

- Cung cấp các số liệu và phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng phương án, đề án.

- Hướng dẫn công tác bàn giao, tiếp nhận và chuyển đổi các loại giấy tờ cho nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp... theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

- Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp hướng dẫn các huyện để chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện, giải quyết có hiệu quả những vấn đề, khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách của huyện, cấp xã trong quá trình triển khai thực hiện.

10. Ủy ban nhân dân huyện

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

- Xây dựng phương án, đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến cử tri; tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) và Hội đồng nhân dân cùng cấp.

- Trình Hội đồng nhân dân huyện xem xét, thông qua phương án, Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

- Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ để chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

- Chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền.

11. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn liên quan (Phụ lục kèm theo)

- Thông tin, tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

- Lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn thôn, tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến cử tri; chịu trách nhiệm về kết quả lấy ý kiến cử tri; tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân cùng cấp.

- Trình Hội đồng nhân dân xã, thị trấn xem xét, thông qua một số nội dung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

- Sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

- Tạo điều kiện cho người dân trong sinh hoạt và giao dịch ở đơn vị hành chính mới; chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Trên đây là Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2019-2021. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

(Có Phụ lục phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2019-2021 kèm theo).

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình;
- Báo Thái Bình;
- Huyện Ủy các huyện;
- UBND các huyện;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN TỔNG THỂ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh)

Stt

Phương án sắp xếp

Đơn vị hành chính mới sau sắp xếp

Ghi chú

I

Huyện Tiền Hải

1

- Xã Đông Hải (5,747km2, 3.010 người)

- Xã Đông Trà (4,971km2, 3.845 người)

10,718km2,  6.855 người

 

2

- Xã Tây An (3,76km2, 3.227 người)

- Xã Tây Sơn (4,045km2,  3.721 người)

- Thị trấn Tiền Hải (1,583km2, 6614 người)

9,388km2,  13.562 người

 

II

Huyện Đông Hưng

1

- Xã Đông Phong (2,583km2, 2.357 người)

- Xã Đông Huy (3,422km2, 2.515 người)

- Xã Đông Lĩnh (4,605km2, 3.652 người)

10,61km2, 8.524 người

 

2

- Xã Bạch Đằng (4,575km2, 3.286 người)

- Xã Hồng Châu (3,923km2, 3.565 người)

8,498 km2, 6.851 người

 

3

- Xã Hoa Nam (3,179km2, 2.988 người)

- Xã Hoa Lư (3,3km2, 3.000 người)

6,479 km2, 5.988 người

 

4

- Xã Minh Châu (3,125km2, 3.215 người)

- Xã Đồng Phú (4,002km2, 4.325 người)

7,127 km2, 7.540 người

 

5

- Xã Đông Giang (3,916km2, 3.852 người)

- Xã Đông Hà (5,297km2, 5.315 người)

9,213 km2, 9.167 người

 

6

- Xã Đông Dương (2,31km2, 2.672 người)

- Xã Đông Quang (3,575km2, 5.302 người)

5,885 km2, 7.974 người

 

III

Huyện Thái Thụy

1

- Xã Thụy Hồng (4,347km2, 3.930 người)

- Xã Thụy Dũng (4,768km2, 3.819 người)

- Xã Hồng Quỳnh (3,059km2, 2.622 người)

12,174km2, 10.371 người

 

2

- Xã Thái Dương (4,043km2, 3.335 người)

- Xã Thái Hồng (6,482km2, 3.556 người)

- Xã Thái Thủy (4,295km2, 2.459 người)

14,82km2, 9.350 người

 

3

- Xã Thụy Phúc (3,157km2, 3.181 người)

- Xã Thụy Dương (4,18km2, 5.003 người)

7,337 km2, 8.184 người

 

4

- Xã Thụy Tân (5,495km2, 3556 người)

- Xã Thụy An (4,111km2, 3.960 người)

9,606 km2, 7.516 người

 

5

- Xã Thái Hà (4,325km2, 3.909 người)

- Xã Thái Sơn (5,885km2, 5.589 người)

10,21 km2, 9.498 người

 

6

- Xã Thái Thành (7,266km2, 3.840 người)

- Xã Thái Thuần (5,148 km2, 3.341 người)

12,414 km2, 7.181 người

 

7

- Xã Thái Học (3,822km2, 3.191 người)

- Xã Thái Tân (4,063km2, 3.370 người)

7,885 km2, 6.561 người

 

8

- Xã Thái An (2,764km2, 2.733 người)

- Xã Thái Hòa (4,858km2, 6.260 người)

7,622 km2, 8.993 người

 

9

- Xã Thụy Lương (3,534km2, 4.927 người)

- Xã Thụy Hà (7,09km2, 6.080 người)

- Thị trấn Diêm Điền (2,201km2, 11.163 người)

12,825km2, 22.170 người

Diện khuyến khích

IV

Huyện Kiến Xương

 

 

1

- Xã An Bồi (4,313km2, 3.040 người)

- Thị trấn Thanh Nê (6,95km2, 9.214 người)

11,263km2, 12.254 người

 

2

- Xã Minh Hưng (4,15km2, 3447 người)

- Xã Quang Hưng (4,07km2, 6.003 người)

8,22 km2, 9.450 người

 

3

- Xã Quyết Tiến (2,188km2, 2401 người)

- Xã Lê Lợi (6,467km2, 7.263 người)

8,655 km2, 9.664 người

 

4

- Xã Đình Phùng (3,373km2, 2.917 người)

- Xã Nam Cao (4,326km2, 6.020 người)

7,699 km2, 8.937 người

 

5

- Xã Vũ Sơn (2,697km2, 2.734 người)

- Xã Vũ Tây (7,044km2, 9.138 người)

9,741 km2, 11.872 người

 

V

Huyện Quỳnh Phụ

1

- Xã Quỳnh Châu (3,033km2, 3.368 người)

- Xã Quỳnh Sơn (4,992 km2, 4.970 người

8,025km2, 8.338 người

 

2

- Xã Quỳnh Bảo (3,646km2, 3.689 người)

- Xã Quỳnh Nguyên (4,766km2, 6.086người)

8,412 km2, 9.775 người

 

(Ghi chú: Xã được bôi đậm là những xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021)