ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/KH-UBND | Hậu Giang, ngày 13 tháng 4 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng hiện đại và hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gắn việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của địa phương, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động” góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh để từng bước xây dựng các ngành có sẵn tiềm năng, lợi thế trở thành những ngành kinh tế dịch vụ được phát triển cả về chất và lượng. Tìm giải pháp để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và thị hiếu tiêu dùng văn hóa của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hậu Giang.
Tập trung phát triển một số ngành sẵn có như: Nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa... nhằm tạo thêm việc làm cho xã hội, tăng nguồn thu ngân sách. Từng bước xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của những ngành có tiềm năng; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế của địa phương.
Đối với những ngành có tính phức hợp, quy mô hoạt động lớn, có điều kiện kinh doanh phức tạp như: In ấn xuất bản; sản xuất sản phẩm nghề truyền thống; thời trang; phần mềm công nghệ thông tin; sản phẩm phát thanh và truyền hình... xây dựng định hướng và từng bước phát triển để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025
2.1. Ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm đặc trưng, chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống
Khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, chương trình nghệ thuật, tổ chức các sự kiện..., tăng cường hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực liên quan với nghệ thuật biểu diễn; đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm từng loại hình nghệ thuật. Từng bước xã hội hóa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để các đoàn tiến đến tự chủ về tài chính, chuyển đổi hoạt động biểu diễn theo định hướng phục vụ theo nhu cầu thực tế của xã hội, tham gia vào thị trường văn hóa hội nhập. Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích tài năng, sáng tạo, ưu đãi văn nghệ sĩ; chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn.
Tăng cường các cuộc biểu diễn giao lưu của các đoàn nghệ thuật trong tỉnh (được dàn dựng tốt, điển hình) với các tỉnh bạn trong nước và các nước khu vực nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025. Đầu tư nâng cấp, xây mới và trang bị thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại, có khả năng thích ứng với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ số đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Tìm nguồn vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa xây mới cụm rạp chiếu phim.
Tăng cường đổi mới hoạt động của Đội Phát hành phim và Chiếu bóng để mở rộng hoạt động phục vụ. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý, công nhân kỹ thuật, tuyên truyền điện ảnh, phát hành phim có đủ năng lực phẩm chất, có tính chuyên nghiệp.
Tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Có chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các đoàn làm phim nhiều tập, quay phim quảng cáo trong và ngoài nước đến tỉnh Hậu Giang thực hiện các cảnh quay tại các điểm du lịch nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.
2.2. Ngành quảng cáo
Xây dựng và ban hành “Đề án tổng thể quảng cáo ngoài trời và xây dựng, lắp đặt bảng chỉ dẫn các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040” để làm cơ sở pháp lý đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo trực quan phát triển.
Đẩy mạnh hoạt động quảng cáo trên đài truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, trang thông tin điện tử... để tạo nguồn thu cho các cơ quan truyền thông và ngân sách.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động. Bảng quảng cáo được ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhưng phải phù hợp với bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, để có sự đồng bộ trong quảng cáo và tạo nên giá trị tổng thể phù hợp với kiến trúc quy hoạch của tỉnh.
Tăng cường quảng cáo ở các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của địa phương. Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch. Tạo điều kiện cho đội ngũ thiết kế maket tuyên truyền, thiết kế quảng cáo có khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa.
2.3. Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm
Quy hoạch và xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc; phát triển mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường. Đào tạo đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp.
Hỗ trợ cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm để từng bước phát triển kinh doanh tác phẩm; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển cho các nghệ sĩ có nhu cầu mở phòng trưng bày triển lãm và kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh quê hương, văn hóa, con người Hậu Giang nhằm quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và giao lưu quốc tế. ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Đưa nhiếp ảnh của tỉnh hội nhập sâu rộng với nhiếp ảnh khu vực và thế giới.
Xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ có thương hiệu trong nước nhằm xúc tiến quảng bá, trao đổi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch. Tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.
2.4. Ngành du lịch văn hóa
Dựa vào tiềm năng du lịch văn hóa như lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch sinh thái… sẵn có xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh để thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu du lịch cho tỉnh. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.
Chú trọng phối hợp liên ngành trong việc quản lý, khai thác và phát huy một cách phù hợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch.
3. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030
Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
Phát triển ngành du lịch: Phấn đấu đến năm 2030, tổng số lượt khách đến tỉnh 1,5 triệu lượt, trong đó 70.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, tạo ra khoảng 12.600 việc làm.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn lực trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương.
2. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp; phòng ngừa, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để trục lợi, hoạt động trái pháp luật.
3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh; quảng cáo; du lịch văn hóa.
Tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả.
Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn đến tỉnh làm việc.
4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ
Nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng và chuyển giao thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.
5. Thu hút và kêu gọi đầu tư
Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, sản phẩm làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
6. Phát triển thị trường
Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng.
7. Mở rộng giao lưu trong khu vực và cả nước
Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại địa phương, có uy tín khu vực và cả nước, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.
Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của Hậu Giang tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế, tuần văn hóa Việt Nam tại các nước; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao của tỉnh.
8. Thực hiện giải pháp phát triển ngành du lịch
Hình thành không gian các vùng trọng điểm du lịch, trên cơ sở phát huy, bảo tồn các giá trị du lịch: nhân văn, cảnh quan, môi trường…
Phát triển du lịch trên diện rộng, để cả tỉnh Hậu Giang là một vùng du lịch đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng, điểm và tuyến du lịch đặc thù. Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng nam Sông Hậu.
Giải pháp cụ thể:
Phát triển du lịch kênh xáng Xà No.
Phát triển khai thác Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và chợ nổi Ngã Bảy.
Phát triển xây dựng các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Tích hợp phát triển du lịch cùng với các ngành đô thị, nông nghiệp, bất động sản.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch.
IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Tùy theo tình hình thực tế kinh phí được phân bổ của Trung ương, của tỉnh và từ nguồn vận động xã hội hóa, dự kiến thực hiện:
1. Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong tỉnh. Nguồn huy động từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
2. Ngân sách của tỉnh tùy theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ, tham gia hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc sử dụng ngân sách của tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này. Rà soát, đề xuất các kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách; đặc biệt cơ chế phối hợp liên ngành, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới.
- Hàng năm định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu tổ chức sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất, kiến nghị, sửa đổi nội dung (nếu có).
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì tham mưu kế hoạch và bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, cơ sở thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
3. Sở Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chung của kế hoạch, có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng kế hoạch cụ thể đối với các ngành thuộc lĩnh vực quản lý nêu tại Kế hoạch này; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực phục vụ ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ.
5. UBND huyện, thị xã, thành phố
Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này tại địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa trái quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo định kỳ gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến hết ngày 15/11 hàng năm. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền đề nghị phản hồi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |