Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ ÁP DỤNG QUY PHẠM THỰC HÀNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỐT (VIETGAP) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân ban hành Kế hoạch hỗ trợ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý, của người sản xuất về việc sản xuất ra hàng hóa mang tính chất an toàn thông qua việc áp dụng quy phạm VietGAP trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ người nuôi thủy sản tham gia áp dụng đúng theo quy trình Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Từ đó, tạo điều kiện để người nuôi thủy sản tham gia chuỗi sản phẩm sạch góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề tiến lên nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị theo chuỗi, mở rộng và duy trì các vùng sản xuất an toàn thực phẩm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Hỗ trợ các hộ nuôi đối tượng chủ lực tham gia áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giúp ngành thủy sản theo hướng nuôi bền vững, làm tăng giá trị hàng hóa và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện hiện đại, sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân trên nhiều lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh cao. Tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung từ đó doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư và bao tiêu sản phẩm giúp cho nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất kinh doanh ổn định bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 65 hộ nuôi và 04 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực đạt Chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).

- Tổ chức sơ kết, đánh giá kế hoạch đã thực hiện hàng năm và tổng kết đánh giá kế hoạch giai đoạn đã thực hiện.

III. YÊU CẦU

- Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng áp dụng theo quy định hiện hành.

- Có gắn kết với chương trình khuyến nông 2022 - 2025 để thực hiện lồng ghép, cộng hưởng các nguồn lực.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức và cá nhân có liên quan để thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất.

- Đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

2. Địa điểm: các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

3. Đối tượng

Các cơ sở nuôi cá tra, cá rô phi, cá thát lát, lươn và các đối tượng thủy sản khác do Ủy ban nhân dân thành phố quy định (ưu tiên các hộ là thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác) có áp dụng VietGAP và hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm.

V. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản

Tiếp tục tổ chức từ 04 đến 06 lớp Tập huấn nâng cao nhận thức về áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản để tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của việc sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGap từ đó thúc đẩy người dân đăng ký tham gia.

2. Xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP

- Lựa chọn tổ chức chứng nhận phải được Tổng cục Thủy sản chỉ định và có uy tín trong đánh giá chứng nhận VietGAP;

- Ký hợp đồng, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết và kinh phí thực hiện.

3. Lập danh sách, hướng dẫn và giám sát các cơ sở nuôi thương phẩm áp dụng VietGAP

a) Lập danh sách

- Khảo sát thực tế tại các cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực và thủy đặc sản; các cơ sở nuôi thủy sản đã tham gia hoặc các cơ sở nuôi có định hướng phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ trên địa bàn thành phố;

- Lập danh sách các cơ sở nuôi, nắm thông tin cụ thể về tình hình hoạt động (diện tích, hình thức nuôi, hồ sơ pháp lý cơ sở nuôi...);

- Lựa chọn các cơ sở đáp ứng được yêu cầu cơ bản của VietGAP:

Phải nằm trong vùng quy hoạch thủy sản của thành phố;

Phải đảm bảo phù hợp theo QCVN 02-20:2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878) trong ao; QCVN 02 - 22:2015/BNNPTNT về Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt; QCVN 02 - 26:2017/BNNPTNT Cơ sở nuôi cá rô phi; QCVN 01-80:2011/BNNPTNT về Cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm ...

b) Hướng dẫn và giám sát các cơ sở nuôi thực hiện theo yêu cầu VietGAP

- Hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ pháp lý của các cơ sở nuôi;

- Hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện theo VietGAP (xây dựng hồ sơ, ghi chép các biểu mẫu, nhật ký,...);

- Giám sát việc thực hiện các tiêu chí VietGAP tại cơ sở nuôi.

c) Tham gia đoàn đánh giá của tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP

- Tham gia cùng đoàn đánh giá chính thức việc áp dụng VietGAP tại cơ sở nuôi thương phẩm được phê duyệt;

- Nắm được những khuyến cáo từ đoàn đánh giá để hỗ trợ cơ sở trong việc khắc phục những nội dung chưa phù hợp.

d) Giám sát và hỗ trợ các cơ sở nuôi khắc phục những nội dung khuyến cáo

- Hướng dẫn các cơ sở nuôi khắc phục các nội dung khuyến cáo (nếu có);

- Phối hợp với cơ sở tự đánh giá nội bộ và hoàn thiện hồ sơ để nộp cho tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP.

4. Hoạt động đánh giá - chứng nhận VietGAP

a) Đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu theo VietGAP của từng cơ sở

- Xem xét hồ sơ đăng ký đánh giá chứng nhận VietGAP của các cơ sở;

- Đánh giá các điều kiện cơ sở hạ tầng, chương trình quản lý nuôi;

- Đề ra những khuyến cáo sơ bộ đối với các cơ sở có phát sinh lỗi để làm căn cứ khắc phục;

- Đánh giá tài liệu và hồ sơ những biện pháp khắc phục của cơ sở (nếu có).

b) Đánh giá chính thức và cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở nuôi

- Đánh giá việc áp dụng VietGAP tại các cơ sở nuôi: xem xét sự phù hợp theo yêu cầu của VietGAP đối với từng cơ sở (đánh giá toàn bộ hiện trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chương trình quản lý của từng cơ sở; Lấy mẫu các chỉ tiêu môi trường, chỉ tiêu an toàn thực phẩm của từng cơ sở để thẩm định kết quả áp dụng);

- Lập biên bản đánh giá chứng nhận VietGAP: Lập biên bản và danh sách các chỉ tiêu đánh giá VietGAP của từng cơ sở, nêu các khuyến cáo và biện pháp khắc phục nhằm làm căn cứ để được đánh giá chứng nhận VietGAP;

- Căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp: sẽ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đạt; Đề ra những khuyến cáo cần khắc phục đối với những cơ sở có phát sinh lỗi sau đó dựa trên việc khắc phục lỗi của cơ sở nếu đạt sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận.

5. Kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá kế hoạch

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch.

- Tổng kết, đánh giá kế hoạch: Dự kiến tổ chức vào tuần thứ 2 tháng 12 hàng năm.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 là: 1.600.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm triệu đồng) từ nguồn ngân sách thành phố.

VII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ

- Căn cứ Kế hoạch này, hàng năm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và sử dụng kinh phí được giao theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với Tổ chức đánh giá chứng nhận:

Thực hiện đánh giá sơ bộ điều kiện nuôi tại cơ sở.

Thực hiện đánh giá chính thức và cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đạt yêu cầu.

Đăng ký các cơ sở đạt VietGAP trên trang mạng chính thức của Tổng Cục Thủy sản.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tổ chức tổng kết, đánh giá Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính

Thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch này theo đúng quy định.

3. Tổ chức đánh giá chứng nhận

- Thực hiện đánh giá sơ bộ điều kiện nuôi tại cơ sở;

- Thực hiện đánh giá chính thức và cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đạt yêu cầu.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp cùng Chi cục Thủy sản thành phố khảo sát và lập danh sách các cơ sở nuôi cá tra, cá rô phi, cá thát lát, lươn được hỗ trợ;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ các cơ sở nuôi được hỗ trợ trên địa bàn hoàn thiện các yêu cầu pháp lý có liên quan theo quy định của VietGAP;

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin trên địa bàn quản lý, giới thiệu các mô hình đạt chứng nhận VietGAP để phát triển việc áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn trên địa bàn.

5. Các cơ sở nuôi

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức chứng nhận trong quá trình thực hiện;

- Tuân thủ theo quy định VietGAP, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Thủy sản và chuyên gia đánh giá. Khắc phục những điểm chưa phù hợp (nếu có) và duy trì ổn định.

Trên đây là Kế hoạch hỗ trợ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan liên quan chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- CT, PCT UBND thành phố (1AC);
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Tài chính;
- UBND quận, huyện;
- VP. UBND thành phố (2E,3B);
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT.HN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè