- 1 Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 866/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1727/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 262/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 377/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 165/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 866/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1727/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 262/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 377/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8503/KH-UBND | Lâm Đồng, ngày 07 tháng 10 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2050; Quy hoạch quốc gia ngành Công Thương;
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
1.1. Tuyên truyền, quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Đề án).
1.2. Tái cơ cấu ngành Công Thương được thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện có trọng tâm trọng điểm, quyết liệt với sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
2. Yêu cầu:
2.1. Các sở ban ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thuộc phạm vi quản lý, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện để triển khai Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của ngành và địa phương; đảm bảo triển khai một cách cụ thể, kịp thời, khả thi, hiệu quả với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
2.2. Huy động tối đa các nguồn lực: ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Đề án.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành; mở rộng kết nối thị trường và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Triển khai hiệu quả các Quy hoạch quốc gia ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quy hoạch tỉnh lĩnh vực ngành Công Thương; các chương trình liên kết vùng; phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đối với lĩnh vực ngành.
Đến năm 2030, góp phần hoàn thành mục tiêu tỉnh Lâm Đồng cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tính cạnh tranh cao, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm.
b) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân từ 12-13%/năm; Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,5-14,3%/năm.
c) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 6,5% vào năm 2030.
d) Tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1-1,5%/năm.
đ) Giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt tốc độ tăng giai đoạn 2021-2030 bình quân 10,5-11,5%/năm.
e) Tỷ trọng ngành thương mại đóng góp khoảng 12% vào GRDP của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
g) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 10-11%/năm.
h) Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 12%/năm.
III. NHIỆM VỤ
1. Tái cơ cấu ngành công nghiệp
Phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại, chuyển dịch theo hướng ngành công nghiệp xanh và các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành các cụm ngành, cụm sản xuất trong một ngành công nghiệp (chế biến khoáng sản, chế biến thực phẩm,...) tạo nền tảng và cơ sở phát triển mạnh chuồi sản xuất, chuỗi giá trị và hệ thống phân phối hàng hóa; phát triển công nghiệp gắn kết với nông nghiệp, du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản theo hướng chọn lọc, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; phát triển các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, nguồn thu nội địa cao, tiết kiệm nguồn nhân lực trong phát triển công nghiệp; bảo đảm các ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp bình quân giai đoạn 2021- 2030 đạt 7,5-9%/năm.
1.1. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
a) Công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu, lâm sản
Thu hút đầu tư các dự án chế biến tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trung tâm sau thu hoạch; đến năm 2030, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 90%, trong đó, nông sản qua chế biến đạt 35% tổng sản lượng sơ chế, chế biến, cụ thể:
- Nhóm sản phẩm: rau quả cấp đông, nông sản chế biến tinh, chế biến sâu và chế biến tổng hợp như thực phẩm dùng ăn ngay; bột rau quả hòa tan, nước ép; rau, củ quả lên men; rau gia vị sấy khô các loại; thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và chất xơ; cấp đông sầu riêng, bơ, các sản phẩm trái cây,...
- Thu hút, phát triển nhóm sản phẩm Halal phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo.
- Phát triển sản phẩm đồ uống có cồn, nước ép rau quả, nước rau quả cô đặc. Nâng công suất nhà máy sản xuất bia lên 200 triệu lít/năm.
- Tỷ lệ chè chế biến công nghiệp đạt trên 90% tổng sản lượng chè búp tươi. Sản xuất sản phẩm chè Oolong và chè xanh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Thu hút dự án nhà máy chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
- Thu hút các dự án chế biến dược liệu, thực phẩm chức năng có quy mô công nghiệp, đạt chuẩn GMP từ nguồn nguyên liệu tại chỗ như atiso, diệp hạ châu, trà hoa vàng, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo,....
- Thu hút dự án sử dụng phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất phân bón hữu cơ, nhiên liệu đốt dạng viên nén, thức ăn chăn nuôi,...
- Phát triển các sản phẩm chế biến lâm sản từ nguồn nguyên liệu rừng trồng, sản phẩm nội thất cao cấp từ gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ,...; thu hút các dự án đầu tư, mở rộng, chế biến các sản phẩm lâm sản có quy mô, sử dụng các nguồn nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ và dự án sản xuất các sản phẩm ván nhân tạo phục vụ xây dựng.
Đến năm 2030, thu hút khoảng 24 dự án nhà máy chế biến nông sản, dược liệu, lâm sản, thức ăn gia súc.
b) Công nghiệp cơ khí, chế tạo
Hình thành các cơ sở cơ khí có quy mô phù hợp tại các khu, cụm công nghiệp khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất để chế tạo, lắp ráp, sửa chữa dây chuyền thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu hộ gia đình. Thu hút các dự án FDI thực hiện chế tạo, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử chất bán dẫn, chip vi mạch,... dần hình thành chuỗi cung ứng vật tư, đầu vào cho các dự án khác.
Phát triển cơ sở cơ khí, chế tạo nông cụ, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
c) Công nghiệp hóa chất cơ bản
Hoàn thành đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xút (NaOH) 20.000 tấn/năm (quy về 100%) loại nồng độ 32% dùng cho điều chế xút 45% phục vụ sản xuất công nghiệp.
Thực hiện quản lý các hoạt động hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp bảo đảm an toàn trên địa bàn tỉnh.
d) Công nghiệp ươm tơ, dệt lụa, may mặc
Duy trì sản xuất và mở rộng hợp lý quy mô ngành công nghiệp dệt may. Phát triển công nghiệp dệt may, thời trang từ lụa tơ tằm của địa phương.
Hình thành cụm ngành công nghiệp dệt, may khép kín từ ươm tơ, dệt lụa, in nhuộm, may mặc đáp ứng thị trường xuất khẩu tại thành phố Bảo Lộc, quy mô trên 3 triệu sản phẩm các loại/năm.
Đến năm 2030, thu hút ít nhất được 02 dự án ươm tơ, dệt lụa công suất 80-100 tấn sản phẩm/năm/dự án.
1.2. Ngành công nghiệp khai khoáng
Thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu các loại khoáng sản, khai thác khoáng sản sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp quy hoạch và tính khả thi cao. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn môi trường. Đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước,... bảo đảm phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản, nguồn nhân lực thực hiện. Tập trung khai thác các loại khoáng sản bôxit, vàng, thiếc-vonfram, bentonit và diatomit, trong đó:
- Khoáng sản bôxit: Tiếp tục triển khai tuyển quặng boxit để sản xuất Alumin khu vực Tây Tân Rai theo giấy phép đã cấp. Đến năm 2030, thu hút các dự án khai thác bô xít, chế biến alumin và điện phân nhôm tại các dự án cụm Lâm Đồng 1, Lâm Đồng 2, Lâm Đồng 3 tại huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh, Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc.
- Khoáng sản vàng: Thực hiện dự án khai thác và chế biến quặng vàng gốc tại Trà Năng II có diện tích là 4,3 ha, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng.
- Khoáng sản thiếc: Thu hút đầu tư dự án khai thác và chế biến quặng thiếc tại huyện Lạc Dương và huyện Di Linh, trong đó: quặng thiếc-vonfram Đa Tanky, huyện Di Linh lớn nhất với diện tích 3.052,9 ha.
- Khoáng sản vonfram: Thu hút đầu tư dự án khai thác và chế biến quặng vonfram tại xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm trên diện tích 140 ha.
- Khoáng sản bentonite và diatomit: Thu hút đầu tư dự án thăm dò, khai thác, chế biến bentonite diện tích 59 ha tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng và xã Gia Hiệp, huyện Di Linh; quặng diatomit Đại Lào, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với diện tích 150 ha. Thúc đẩy chế biến sâu bentonite.
Đến năm 2030, thu hút được 08 dự án khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó, 02 dự án khai thác bô xít chế biến alumin và điện phân nhôm; 03 dự án quặng thiếc; 01 dự án vonfram, 01 dự án bentonite và 01 dự án diatomite.
1.3. Ngành công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành dệt - may, da - giày, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất lắp ráp ô tô (nếu có); hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác chế biến khoáng sản.
Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất cơ khí, may mặc, xây dựng tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, Khu công nghiệp Phú Bình.
1.4. Ngành công nghiệp môi trường
Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư công nghiệp tái chế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp; các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường với công nghệ, thiết bị hiện đại.
Định hướng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, sử dụng thiết bị theo danh mục sản phẩm ngành công nghiệp môi trường trong các hoạt động khắc phục sự cố môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học; phục vụ xử lý chất thải; sản xuất năng lượng từ chất thải, rác thải; đo lường giám sát môi trường; hệ thống xử lý chất thải, trạm trung chuyển và công trình bảo vệ môi trường; thu gom vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, xử lý khí thải, nước thải tái sử dụng nước thải,...
1.5. Ngành công nghiệp công nghệ cao
Phát triển sản phẩm có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao. Tập trung ứng dụng các công nghệ cao thuộc Danh mục ưu tiên như năng lượng, cơ khí chế tạo và tự động hóa, công nghiệp chế biến thực phẩm; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ số tiên tiến trong sản xuất công nghiệp và thương mại.
Kêu gọi các dự án sản xuất vật liệu mới, công nghệ nano, chất bán dẫn, chip vi mạch, phần mềm công nghệ tại các khu công nghiệp.
1.6. Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp của tỉnh
Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, liên kết với vùng Đông Nam Bộ vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Miền Trung, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn; về thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, cung ứng sản phẩm đối với sản phẩm chế biến nông sản, dệt may và công nghiệp hỗ trợ (điện, điện tử, các sản phẩm cơ khí,...).
Tập trung phát triển công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó:
- Khu công nghiệp (KCN): đến năm 2030, toàn tỉnh có 03 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích 538 ha; phấn đấu lấp đầy 85-90% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (tương đương lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp của 02 KCN Lộc Sơn, Phú Hội và 70-80% KCN Phú Bình). Dự kiến thành lập mới 03 KCN giai đoạn 2026-2030: Đạ Tẻh, Tân Rai - Bảo Lâm, Lộc Châu - Đại Lào[1] . 100% các KCN hoạt động, hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh về công nghiệp hỗ trợ, may mặc, chế biến nông lâm sản, dược liệu và khoáng sản.
- Cụm công nghiệp (CCN): đầu tư, thu hút phát triển các CCN theo phương án đã được phê duyệt; trong đó, giữ nguyên 08 CCN quy hoạch trước đây; tăng, giảm diện tích 02 CCN; phát triển mới 08 CCN; tổng số 18 CCN diện tích 792,16 ha. Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN; 100% các CCN thành lập, hoạt động có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Phấn đấu thu hút lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp các KCN trọng điểm và 50% các CCN còn lại; tạo việc làm cho khoảng 8.000-8.500 lao động. Thu hút các dự án sản xuất kinh doanh lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dược liệu, chế biến tơ tằm, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm công nghiệp hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.
1.7. Hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh
Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn của tỉnh liên kết dẫn dắt phát triển ngành, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản, liên kết sản xuất nông nghiệp (mô hình nông hộ, hợp tác xã doanh nghiệp) với nhà máy sơ chế, chế biến, cấp đông và xuất khẩu các nông sản có lợi thế của tỉnh. Hình thành các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cung cấp các linh kiện, phụ tùng và vật tư công nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành chuỗi liên kết cung ứng - kinh doanh - tiếp thị, liên kết với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghiệp nhằm thực hiện chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước về quản lý và kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng; thực hiện kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia vào quá trình thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất của ngành.
1.8. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công địa phương
Tăng cường hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Mở rộng nội dung và tăng định mức hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công. Tập trung hỗ trợ đầu tư nhà xưởng và máy móc thiết bị sơ chế, chế biến nông sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có điều kiện hình thành vùng sản xuất chuyên canh: cà phê, dâu tằm, sầu riêng, trái cây có lợi thế.
Thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; hình thành các đơn vị có năng lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp định hướng đầu tư phát triển công nghiệp.
2. Tái cơ cấu ngành năng lượng
a) Phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng. Phấn đấu đến năm 2030, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 1,2 triệu TOE.
b) Cơ cấu lại các nguồn năng lượng: Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo. Trong đó, phát triển năng lượng tái tạo theo hướng không tác động đến rừng tự nhiên, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không di dời dân cư và có hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2030, nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất đạt 2.345,7 MW, chiếm tỷ trọng 98.7% tổng nguồn năng lượng toàn tỉnh.
- Thủy điện: Phát huy tối đa các nguồn thủy điện hiện có; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào hoạt động đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư; nghiên cứu, đầu tư cải tạo, nâng công suất thiết kế các nhà máy thủy điện đang hoạt động nhưng chưa phát huy hết khả năng của hồ, nguồn thủy năng tại chỗ; quy hoạch và đầu tư có chọn lọc các dự án thủy điện có tiềm năng. Tiếp tục đầu tư các dự án thủy điện đã phê duyệt quy hoạch với công suất khoảng 146 MW.
- Điện gió: Triển khai đầu tư, xây dựng các dự án điện gió đá được phê duyệt quy hoạch, phát triển thêm 148,8 MW.
- Điện mặt trời: Phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà theo quy hoạch, phát triển thêm 07 MW. Khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời tự sản tự tiêu.
- Điện rác: Thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động đối với các dự án điện rác theo quy hoạch, tổng công suất đạt 10 MW.
c) Thị trường năng lượng: Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, liên thông. Đặc biệt là thị trường năng lượng cho hoạt động luyện nhôm. Phát triển hình thức mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định.
d) Phát triển hạ tầng năng lượng
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng bảo vệ an ninh hệ thống đường dây 500kV đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng được bảo đảm, giảm tổn thất điện năng; đẩy nhanh việc xóa bỏ điện kế tổng tại các cụm dân cư tập trung; tăng cường chất lượng dịch vụ cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất; tiếp tục rà soát, đưa lưới điện phân phối điện tới vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng tới 100% số hộ dùng điện từ lưới điện quốc gia.
Giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển điện nông thôn thực hiện cấp điện cho 66 xã, 446 thôn, với 20.096 hộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tổng kinh phí 560 tỷ đồng (nguồn Trung ương, địa phương và EVN) theo khoản 5 mục II của Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh.
- Lưới điện 500kV: đường dây 500kV đi qua tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 172 km. Đến năm 2030, nâng công suất trạm biến áp 500/220kV Di Linh thành 1800KVA;
- Lưới điện 220kV: duy trì, cải tạo, nâng cấp và xây mới 15 tuyến đường dây 220kV. Giai đoạn 2021-2030, nâng công suất 03 trạm biến áp 220kv lên 500 MVA/trạm (Bảo Lộc, Đức Trọng, Đa Nhim); xây mới đường dây thủy điện Đa Nhim 2x0,1km;
- Lưới điện 110kV: duy trì, nâng cấp, xây mới khoảng 46 tuyến 110kV liên kết và duy trì, cải tạo, mở rộng 24 trạm biến áp 100k trên địa bàn tỉnh.
- Lưới điện phân phối trung áp toàn tỉnh sẽ vận hành thống nhất ở 1 cấp điện áp 22kV; lưới điện 35kV sẽ duy trì cấp điện cho khách hàng chuyên dùng và phục vụ đấu nối thủy điện. Giai đoạn 2021-2030, xây dựng mới 51 xuất tuyến trung áp sau các trạm 110kV; thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung hạ áp của ngành điện trên địa bàn tỉnh; xây mới 1.239,762 km đường dây trung áp, cải tạo nâng cấp lưới trung áp 873,4km; xây dựng mới, cải tạo, nâng công suất trạm biến áp 22/0,4kV; xây mới 1.582,25km và cải tạo 506,1km đường dây hạ áp; lắp đặt 46.463 công tơ các loại. Trong đó, xây dựng mới, cải tạo nâng công suất 164 trạm biến áp, 251km đường dây trung áp, 494 km đường dây hạ áp tại vùng nông thôn, miền núi của tỉnh từ Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
đ) Nhiên liệu xăng, dầu, khí: Bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu xăng, dầu, khí đầy đủ, kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2030, sản lượng xăng, dầu cung ứng trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 453.600 m3, tăng trưởng 5% so với hiện tại (2024: 432.000 m3), phát triển thêm 15 cửa hàng xăng dầu, toàn tỉnh có 345 cửa hàng xăng, dầu; sản lượng khí đạt 620 m3, với 04 trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng được nâng công suất, tăng 32% so với hiện tại (2024: 467 m3).
e) Khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 7% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường.
g) Đối với ngành điện
Bảo đảm cân đối về cung - cầu điện phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và hiệu quả.
Phát triển ngành điện đồng bộ từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải, phân phối điện. Chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp.
Đến năm 2030, tổng công suất đặt các nguồn điện toàn tỉnh đạt khoảng 2.375,7 MW, Trong đó: nguồn thủy điện là 1.826,7 MW, nguồn điện mặt trời mái nhà là 292 MW, nguồn điện gió là 217 MW, nguồn nhiệt điện là 30 MW (nhà máy nhiệt điện của Công ty MTV Nhôm Lâm Đồng) và nguồn điện rác là 10 MW.
Thực hiện tốt các cơ chế về thị trường điện trên địa bàn tỉnh.
3. Tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu
a) Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và nhu cầu thị trường . Trong đó:
- Nhóm hàng khoáng sản: Xuất khẩu oxit nhôm, hydroxit nhôm, tiến tới xuất khẩu nhôm thỏi.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: Tập trung xuất khẩu sản phẩm nông sản qua chế biến, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chú trọng sản phẩm sợi tơ tằm, sợi lông cừu, hàng may mặc.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Nhóm hàng mới: Sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn Halal sang các thị trường Hồi giáo; trái cây tươi sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ; hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và các bon thấp.... Phân đâu đến năm 2030, có thêm khoảng 02 sản phẩm/nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực: trong đó chú trọng sản phẩm trái cây như sầu riêng, bơ,...
b) Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng. Trong đó:
Thị trường châu Á: Duy trì các thị trường hiện có (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...); đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo và sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái (Ấn Độ, các nước Nam Á khác và Trung Đông). Thúc đẩy thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới với nước ta, nhất là Trung Quốc. Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm khoảng 66% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
Thị trường châu Âu: Mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EAEU nhóm hàng thực phẩm, dệt may, đồ gỗ, thủy sản,... Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 27% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
Thị trường châu Mỹ: Mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Canada; đặc biệt nhóm hàng dệt may và nông sản chế biến. Đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 5% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường từ 10-12%/năm.
c) Nhập khẩu hàng hóa: Ưu tiên nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, xuất khẩu; kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để phòng chống gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế; đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc lớn vào một thị trường.
d) Phát triển chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu và hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu
Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, kênh phân phối xuất khẩu; liên kết từ sản xuất - sơ chế - chế biến - xuất khẩu phù hợp đặc điểm và tập quán sản xuất; khuyến khích hình thành các vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xuất xứ vùng trồng[2], chăn nuôi; xuất khẩu.
Phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản chuyên canh tập trung đối với các loại nông sản có lợi thế xuất khẩu cao để tạo nguồn nguyên liệu quy mô lớn, ổn định phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu; hình thành các trung tâm sơ chế, khu vực chế biến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại: gồm hạ tầng giao thông; hạ tầng dịch vụ logistics, nhất là đẩy mạnh phát triển hạ tầng dịch vụ logistic phục vụ cho nông nghiệp như hệ thống kho hàng sơ chế, kho lạnh dự trữ hàng hóa, đông lạnh và các dịch vụ vận chuyển hàng hóa nông sản; hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại; giảm chi phí dịch vụ logistics.
4. Tái cơ cấu thị trường nội địa
a) Phát triển nhanh, bền vững thị trường hàng hóa của tỉnh với thị trường trong cả nước, kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu; mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa của tỉnh tại các thị trường truyền thống. Tăng cường liên kết thương mại với vùng Đông; Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm; Lâm Đồng là trung tâm phân phối hàng nông sản và các mặt hàng có thế mạnh khác cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát triển các điểm bán hàng, giới thiệu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng tại các tỉnh, thành phát triển với các địa phương có cửa khẩu biên giới như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Khánh Hòa, các tỉnh Đông Nam Bộ, Cần Thơ, Kiên Giang,...
b) Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong tỉnh đồng bộ, hiện đại; chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối truyền thống sang các thuần loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn; định hướng, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; phát triển các chuỗi cửa hàng tiện ích tại các xã, thôn buôn thuộc vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển đồng bộ hạ tầng chợ phù hợp; nâng cao chất lượng phục vụ và các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm,... Hình thành và đưa vào hoạt động 02 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại; 02 trung tâm logistics; trung tâm giao dịch hoa; khuyến khích phát triển các trung tâm sơ chế nông sản, các kho bảo quản, lưu trữ, chế biến nông sản tại các địa phương; trung tâm thương mại cao cấp; trung tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng và hàng vật tư sản xuất; các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, chuỗi phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu; xây dựng sàn giao dịch thương mại, du lịch của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25%; tỷ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 96,8%.
c) Phát triển hệ thống bán buôn các mặt hàng thiết yếu bảo đảm điều tiết bình ổn cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là khi có sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến động lớn về nguồn cung trên thị trường thế giới; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bảo quản, dự trữ hàng hóa nhằm chủ động nguồn cung ứng. Thu hút các tập đoàn bán lẻ chuyên nghiệp, có thương hiệu tham gia phân phối tại tỉnh.
d) Tăng cường kết nối, hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững nguồn cung đầu vào phục vụ sản xuất và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng. Chuỗi cung ứng, kênh phân phối gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, phù hợp với từng thị trường, từng ngành hàng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
đ) Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, chủ đạo, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản; phát triển thương mại điện tử của tỉnh đạt mức khá so với cả nước. Phấn đấu tỷ lệ hàng hóa phân phối qua kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% vào năm 2030; tỷ trọng doanh số thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10% năm 2025 và 20% vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng bình quân bán lẻ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử tăng khoảng 20%; 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
e) Thực hiện tốt công tác phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế trên địa bàn tỉnh.
g) Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội trên địa bàn tỉnh để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.
5. Hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế; hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, công nghiệp môi trường,...
Chủ động, tích cực tham gia các định chế kinh tế đa phương. Gắn kết hội nhập với thực thi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của ngành và doanh nghiệp, phát triển bền vững.
6. Chuyển đổi số ngành Công Thương
Thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp chế biến, công nghiệp tiêu dùng ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý; công nghệ số trong điều hành, quản lý, giám sát cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện; sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao đối với các dự án năng lượng; triển khai hệ thống quản lý, điều hành thông minh trong lĩnh vực năng lượng; xây dựng nhà máy thông minh.
Chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trong đó tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại sổ; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong thương mại điện tử; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, dữ liệu lớn (big data) để gắn kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu trực tuyến, ứng dụng thương mại điện tử trên nền thiết bị di động, các giải pháp e-marketing.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về cơ chế, chính sách
Triển khai đầy đủ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tính cạnh tranh cao; hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Thực hiện đồng bộ các Quy hoạch quốc gia ngành công thương, Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, Quy hoạch vùng Tây nguyên tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 04/5/2024, Quy hoạch chuyên ngành khác, Quy hoạch xây dựng cấp huyện,... Rà soát, xây dựng đầy đủ các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghiệp, thương mại của tính đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai thực thi, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
a) Trong lĩnh vực công nghiệp
Cơ cấu danh mục các ngành công nghiệp có lợi thế, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030 để thực hiện chính sách ưu tiên, bố trí nguồn lực để tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023; quản lý Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023.
Triển khai chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp.
Hoàn thiện và tổ chức triển khai hiệu quả cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản, khu, cụm công nghiệp.
Triển khai hiệu quả chính sách phát triển thị trường năng lượng trên địa bàn tỉnh; năng lượng sạch, năng lượng thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Triển khai thực hiện cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp.
c) Trong lĩnh vực thương mại
Triển khai các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại chú trọng đến xúc tiến thương mại số, hỗ trợ xuất khẩu; hình thành chuỗi, kênh liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ, liên kết trong vùng, khu vực; hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với môi trường cạnh tranh, các rào cản thương mại trong quá trình tham gia và hội nhập sâu vào các thị trường.
Tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan. Triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, nhất là ở thị trường ngoài nước; trong đó, chú trọng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Triển khai các cơ chế, chính sách đẩy mạnh các hoạt động phân phối hàng Việt để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.
Khuyến khích, hỗ trợ thương nhân phát triển mạng lưới phân phối; nâng cấp, mở rộng mạng lưới chợ bán lẻ, cửa hàng tiện lợi ở địa bàn xã, cụm xã; phát triển các cụm thương mại dịch vụ tổng hợp gắn với phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển thị trường đối với các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số,... để kích cầu, mở rộng quy mô thị trường.
Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; kết nối doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước và các kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ hàng hóa nhất là hàng nông sản.
2. Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức
Chủ động, tăng cường thu hút nhà đầu tư có năng lực, tính chuyên nghiệp cao đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến sâu, năng lượng sạch, hạ tầng công nghiệp, khu/cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, trung tâm logistics, đầu tư theo chuỗi giá trị, các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa,...
Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng điện, nước, hạ tầng công nghệ thông tin,...Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Phối hợp các cơ quan trung ương và ngành điện kết hợp nguồn lực địa phương thực hiện đầu tư công trình điện cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
b) Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và công cụ tài chính, tiền tệ
Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ; chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung hỗ trợ, hình thành các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, có năng lực dẫn dắt phát triển ngành công thương.
Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất, kinh doanh, điều hành quản lý,...; đồng hành cùng cơ quan quản lý xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số dùng chung.
Thông tin và triển khai kịp thời các chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi, các chương trình mở rộng tín dụng khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, phát thải thấp,...; các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị toàn cầu, dự án đầu tư theo cụm liên kết ngành công nghiệp, chuỗi cung ứng theo hệ thống phân phối. Thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon, công nghiệp môi trường, các ngành hàng xuất khẩu.
c) Nâng cao công tác đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công thương
Hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, điều hành của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khuyến khích các doanh nghiệp Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; có năng lực tiếp thu và sáng tạo trong công việc.
Thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, áp dụng công nghệ cao thông qua các chương trình đào tạo nghề của doanh nghiệp, của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và các chương trình hợp tác với nước ngoài.
Xây dựng đội ngũ trí thức và lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao có khả năng tiếp cận với công nghiệp mới, công nghệ cao và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất công nghiệp.
Định hướng và phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đối với lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, chip vi mạch, vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo,... đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong hoạt động ngành Công Thương
Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động tư vấn công nghiệp, khuyến công tại đơn vị sự nghiệp ngành công thương hoạt động hiệu quả, đúng quy định.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành công thương, vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu của ngành công thương với Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan và doanh nghiệp thuộc ngành.
Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương, công tác thanh tra kiểm tra chuyên ngành,... trong lĩnh vực công thương.
Thiết lập hệ thống thông tin với doanh nghiệp trong ngành nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời. Tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ngành công thương.
Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung đảm bảo các ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
4. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững
Triển khai thực hiện các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, sản xuất và tiêu dùng bền vững; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường lĩnh vực công thương, công tác quản lý an toàn vận hành các công trình thủy điện; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị và chất thải rắn đi đối với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp sinh thái. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải lớn.
Khuyến khích, thúc đẩy tiêu dùng xanh; hỗ trợ hoạt động phân phối và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh, sản phẩm các bon thấp,...; phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị xanh, thân thiện môi trường.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương: Cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm về các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đầu tư; các nhiệm vụ được phân công tại Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn đến 2030; thu hút đầu tư các dự án thuộc ngành công thương theo Danh mục các dự án ưu tiên ngành công thương giai đoạn đến năm 2030. Trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ ngân sách nhà nước cho các sơ, ngành, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; hàng năm thẩm định dự toán kinh phí của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt để thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các công trình, dự án phát triển công nghiệp, thương mại; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo Kế hoạch; các nhiệm vụ được phân công tại Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển thị trường cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp; các nhiệm vụ được phân công tại Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thuộc Kế hoạch.
7. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện kết nối hạ tầng giao thông với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng các trung tâm logistics, hạ tầng thông tin,... phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sơ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng: Chủ trì, phối hợp Sơ Công Thương và các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng thuộc Kế hoạch.
10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Rà soát, điều chỉnh, cập nhật phương án phát triển khu công nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; các dự án sản xuất kinh doanh đối với lĩnh vực công nghiệp, tham gia xuất khẩu tại các khu công nghiệp; các nhiệm vụ được phân công tại Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn đến năm 2030.
11. Cục Quản lý thị trường: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, các sở, ngành, lực lượng chức năng ở địa phương thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường có hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong khâu sản xuất và lưu thông.
12. Chi cục Hải quan Đà Lạt: Phối hợp Sở Công Thương tổng hợp, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh hàng năm.
13. Cục Thống kê: Phối hợp Sở Công Thương thống kê, đánh giá, báo cáo các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại; định hướng phát triển, xây dựng kịch bản tăng trưởng về công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
14. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư các công trình, dự án lĩnh vực công nghiệp và thương mại theo Danh mục các dự án ưu tiên ngành công thương giai đoạn đến năm 2030; xúc tiến thương mại thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.
15. Các sở, ngành khác, các hiệp hội: Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương.
16. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành: Chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ sở hữu cấp trên xem xét xây dựng kế hoạch hoặc thực hiện lồng ghép các nội dung trong Kế hoạch này với các chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị; bố trí nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện; tích cực phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nội dung có liên quan của Kế hoạch.
17. UBND các huyện, thành phố: Xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn; bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai các nội dung có liên quan của Kế hoạch; các nhiệm vụ được phân công tại Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 và Danh mục các dự án ưu tiên ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 10/12 hàng năm, báo cáo đột xuất (nếu có) về Sở Công Thương để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1 Kế hoạch 336/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2 Kế hoạch 4691/KH-UBND năm 2024 về tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030
- 3 Kế hoạch 3915/KH-UBND năm 2024 triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn đến năm 2030