Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN DÂN VẬN
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 87-KH/BDVTW

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 27-NQ/TW, NGÀY 09/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Thực hiện Kế hoạch 11-KH/TW, ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (viết tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW), Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phát huy vai trò của công tác dân vận, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

2. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu của công tác dân vận; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 

1. Nhiệm vụ và giải pháp công tác dân vận của hệ thống chính trị

1.1. Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

- Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng Đảng; nhân tố quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Thường xuyên sâu sát cơ sở, đời sống của người dân; lắng nghe ý kiến góp ý, phản ảnh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân; rà soát, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Những vấn đề phức tạp phát sinh, chưa có sự đồng thuận, cần tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu các cấp với Nhân dân để vận động, giải thích, giải quyết thỏa đáng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người còn tồn đọng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động Nhân dân, phải lấy công tác vận động và chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân làm nội dung hoạt động chủ yếu của cấp ủy, tổ chức đảng; giúp Nhân dân hiểu biết đầy đủ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân; sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để chủ động cung cấp thông tin kịp thời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

1.2. Tăng cường công tác dân vận trong việc thể chế hoá nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân

- Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng, ban hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống người dân, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Chú trọng khâu đánh giá tác động, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Quan tâm các chính sách tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng bào theo tôn giáo, người lao động thu nhập thấp, người yếu thế...

- Quá trình xây dựng chính sách, pháp luật tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện, nhất là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Đối với những vấn đề lớn, nhạy cảm phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện, tiếp thu ý kiến, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phản biện trước khi quyết định.

- Trên cơ sở đường lối của Đảng, Hiến pháp (2013), tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhất là các vấn đề liên quan đến cuộc sống Nhân dân, quyền con người, quyền công dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

1.3. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang trong thực hiện Nghị quyết và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

- Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước gắn với việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động; xây dựng văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức trong việc đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước và lấy phiếu tín nhiệm của các cơ quan dân cử.

- Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật đối với những vấn đề Nhân dân quan tâm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đối thoại giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

- Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 114-KL/TW (2015) của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, Chỉ thị số 33/CT-TTg (2021) của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

- Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; thực hiện tốt đối thoại, hòa giải tại toà án; nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường công khai, minh bạch, sự giám sát của cơ quan dân cử và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng; bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng và thi hành án theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp; giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân thực hiện nghiêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang; xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thân thiện; củng cố, tăng cường tính đoàn kết quân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân. Tích cực tham gia xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội.

1.4. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

- Phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, những vấn đề bức xúc của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

- Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và các Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 13/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 13/12/2013 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; Quy định 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân; tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, giám sát và đôn đốc việc các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được Mặt trận Tổ quốc phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

- Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy cao độ sự tham gia của Nhân dân vào công cuộc xây dựng đất nước; đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Đổi mới phương thức nắm tình hình Nhân dân; đánh giá, dự báo kịp thời diễn biến trong các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác tham mưu và phối hợp xử lý các vấn đề của Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân gắn với công tác phát triển đoàn viên, hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Xây dựng và củng cố lực lượng hòa giải ở cơ sở góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn khu dân cư. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sức mạnh của Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

1.5. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia; coi trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động và gắn với thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình hoạt động hiệu quả ở các cấp. Ban Dân vận Trung ương tiến hành tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ.

2. Nhiệm vụ và giải pháp công tác của Ban Dân vận Trung ương

2.1. Công tác quán triệt, tuyên truyền

- Lãnh đạo Ban phối hợp với Đảng ủy cơ quan tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 27-NQ/TW cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gắn với định hướng nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đưa vào chương trình, kế hoạch công tác dân vận trong nhiệm kỳ và hằng năm.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 27-NQ/TW, gắn với các văn bản của Đảng về công tác dân vận trên Tạp chí Dân vận, Dân vận điện tử và các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

- Phối hợp với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, nhất là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

2.2. Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ được giao

Ban Dân vận Trung ương được Bộ Chính trị giao “Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (thực hiện thường xuyên). Nội dung phương châm đã được Quốc hội khóa XV thể chế hóa ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số: 10/2022/QH15) có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2023. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ban Dân vận Trung ương tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác dân vận góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc tham mưu xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN (tiến hành thường xuyên). Triển khai thực hiện đề tài cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

- Tiếp tục nghiên cứu tham mưu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Đảng về công tác dân vận, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất các chủ trương, giải pháp tiếp tục mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân góp phần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (tiến hành thường xuyên).

- Thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kiến nghị đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, giải pháp tiếp tục lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tất cả các loại hình cơ sở (tiến hành thường xuyên).

- Chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan nhà nước trong việc thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng về công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân (tiến hành thường xuyên).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này lãnh đạo các vụ, đơn vị tổ chức quán triệt, cụ thể hóa đưa vào chương trình công tác hằng năm của vụ, đơn vị; nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò của Nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

2. Giao Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị theo dõi việc thực hiện Kế hoạch này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để b/cáo),
- Ban Nội chính Trung ương,
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Các đồng chí lãnh đạo Ban DVTW,
- Các vụ, đơn vị, Thư ký LĐB,
- Lưu VT.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




Phạm Tất Thắng