Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 871/KH-UBND

Gia Lai, ngày 23 tháng 3 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CẬP NHẬT THÔNG TIN BIẾN ĐỘNG CUNG, CẦU LAO ĐỘNG VÀ ĐIỀU TRA NHU CẦU HỌC NGHỀ CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2015

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/07/2010 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn kinh phí và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động;

Để triển khai thực hiện việc cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn năm 2015 trên bàn tỉnh đạt kết quả tốt. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2015 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Thu thập thông tin biến động chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động lao động trên địa bàn của tỉnh, huyện, xã, thôn, làng và tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động trong phạm vi doanh nghiệp làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ tin cậy để phân tích đánh giá tình hình lao động, việc làm, dạy nghề và hoạch định chính sách về phát triển kinh tế xã hội, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo các nhóm nghề, cấp trình độ; Dự báo nhu cầu việc làm sau khi học nghề lao động nông thôn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.

2. Yêu cầu:

a) Phải đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, không bỏ sót hộ, thành viên trong hộ. Cập nhật phải bao quát được toàn bộ sự biến động thông tin cung lao động trên địa bàn thôn/làng/buôn; xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố.

b) Cập nhật đầy đủ thông tin về cầu lao động của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn của xã, phường, huyện, thị xã, thành phố.

c) Thực hiện điều tra, ghi phiếu điều tra theo nguyên tắc phỏng vấn trực tiếp đúng theo danh sách phân bổ không được bỏ sót, không ghi sai hoặc bỏ sót những nội dung điều tra đã quy định trong phiếu điều tra nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP CẬP NHẬT BIẾN ĐỘNG, ĐIỀU TRA

1. Đối với cập nhật thông tin biến động về cung lao động:

a) Đối tượng: Bao gồm tất cả những người từ đủ 10 tuổi đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú có thời hạn (KT3).

b) Phạm vi thu thập: Tất cả các hộ gia đình, hộ tập thể đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú có thời hạn (KT3) trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Phương pháp cập nhật biến động: Việc cập nhật thông tin biến động vào Sổ ghi chép, biểu mẫu theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung, cầu lao động.

2. Thu thập thông tin về cầu lao động và cập nhật biến động thông tin về cầu lao động:

a) Đối tượng thu thập thông tin:

- Toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tại thời điểm thu thập thông tin nhưng chưa được thu thập thông tin cầu lao động năm 2014.

- Phương pháp thu thập: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn chủ sử dụng lao động và ghi chép thông tin theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Đối tượng cập nhật biến động thông tin về cầu lao động:

- Toàn bộ các doanh nghiệp đã được thu thập thông tin về cầu lao động năm 2012 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố và trong khu kinh tế

- Phương pháp cập nhật biến động: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn chủ sử dụng lao động và ghi chép thông tin theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn:

a) Đối tượng thu thập thông tin: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn từng hộ và ghi chép thông tin theo mẫu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Đối tượng điều tra nhu cầu học nghề: Điều tra toàn bộ lao động khu vực nông thôn (ở các xã): Những người thường trú tại hộ, độ tuổi: Từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ và có khả năng lao động.

III. NỘI DUNG THÔNG TIN CẦN CẬP NHẬT VÀ ĐIỀU TRA:

1. Cập nhật biến động thông tin về cung lao động:

a) Cập nhật sự biến đổi thông tin của các thành viên trong hộ gia đình:

+ Thành viên từ đủ 10 tuổi mới nhập khẩu vào hộ gia đình, người trong hộ mới chuyển đi hoặc chết, những người trong danh sách hộ khẩu vừa đủ 10 tuổi;

+ Thay đổi về trình độ học vấn phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật và lĩnh vực đào tạo;

+ Thay đổi tình trạng việc làm: từ thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế sang có việc làm; từ có việc làm, không tham gia hoạt động kinh tế sang thất nghiệp hoặc từ có việc làm, thất nghiệp sang không tham gia hoạt động kinh tế;

+ Thay đổi về công việc cụ thể đang làm, nơi làm việc, vị thế công việc, loại hình kinh tế, nguyên nhân không tham gia hoạt động kinh tế.

b) Cập nhật mới thông tin của các hộ chuyển đến, hộ chuyển đi trên địa bàn:

+ Tất cả những hộ mới chuyển đến/chuyển đi;

+ Tất cả những hộ mới tách/nhập hộ.

2. Thu thập thông tin và cập nhật biến động về cầu lao động:

a) Đối với các doanh nghiệp chưa được thu thập thông tin: Tiến hành thu thập các thông tin theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các nội dung chính sau:

+ Thông tin về tên, điện thoại, địa chỉ của doanh nghiệp;

+ Thông tin về loại hình doanh nghiệp;

+ Thông tin về ngành nghề sản xuất - kinh doanh hoặc sản phẩm chính của doanh nghiệp;

+ Thông tin về tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp;

+ Thông tin về số lao động làm việc trong doanh nghiệp chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật;

+ Thông tin về số lao động làm việc trong doanh nghiệp chia theo lĩnh vực giáo dục - đào tạo;

+ Thông tin về số lao động làm việc trong doanh nghiệp chia theo nhóm nghề chính;

+ Thông tin về tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm tại thời điểm ghi chép.

b) Đối với các doanh nghiệp đã được thu thập thông tin năm 2015:

Điều tra viên kiểm tra, rà soát thông tin biến động về lao động tại các doanh nghiệp trên cơ sở phiếu điều tra được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp so với thông tin đã được thu thập năm 2014.

3. Điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn:

Các thông tin cần điều tra, khảo sát người lao động được cụ thể hoá trong các phiếu điều tra, khảo sát với những nội dung chính như sau:

+ Thông tin về tên, tuổi, dân tộc của người lao động nông thôn;

+ Thông tin về trình độ chuyên môn đã được đào tạo;

+ Thông tin về lĩnh vực đang làm việc;

+ Thông tin về dự định áp dụng kiến thức kỹ năng sau khi được đào tạo;

+ Thông tin nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 theo từng nhóm nghề: Cơ khí, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ khác…

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Việc cập nhật biến động về cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn bắt đầu từ ngày 01/04/2015. Thời gian điều tra là 45 ngày kể từ ngày 01/04/2015. Tiến độ thực hiện như sau:

1. Từ ngày 01/4 - 10/4/2015: Tổ chức tập huấn các cuộc điều tra, cập nhật biến động thông tin về cung cầu lao động và nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

2. Từ ngày 10/4 - 15/5/2015:

- Tiến hành tổ chức cập nhật biến động và ghi vào sổ, thu thập thông tin về cung, cầu lao động.

- Tiến hành điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

3. Từ ngày 15/5 - 30/5/2015:

3.1. Nhập tin cung, cầu lao động.

- Đối với nhập tin cung lao động: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố gửi kết quả điều tra đã được cập nhật vào biểu mẫu A3 về Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để nhập tin và chuyển tin về Cục việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đối với nhập tin cầu lao động: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố gửi phiếu điều tra cầu lao động tại các doanh nghiệp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nhập tin.

3.2. Đối với điều tra nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn.

- Từ ngày 15/5 - 20/5/2015, các điều tra viên tổng hợp ở thôn, làng gửi phiếu điều tra và bảng tổng hợp cho UBND xã.

- Từ ngày 20/5 - 30/5/2015, các xã tổng hợp kết quả điều tra nhu cầu học của lao động nông thôn gửi phiếu điều tra về huyện. (Các phiếu điều tra được giữ lại tại xã để từ đó phục vụ nhu cầu học nghề của người lao động tại xã. Các phiếu điều tra được lưu trữ theo luật lưu trữ).

4. Từ ngày 01/6 - 15/6/2015: Các huyện gửi bảng tổng hợp kết quả điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn của từng huyện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai điều tra và cập nhật thông tin cung, cầu lao động; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn.

- Cung cấp danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện cập nhật biến động về cầu lao động.

- In Sổ ghi chép, phiếu cập nhật biến động thông tin cung, cầu lao động, phiếu tổng hợp của xã, huyện; phiếu điều tra nhu cầu học nghề của lao cho lao động nông thôn, phiếu tổng hợp của thôn, xã, huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra khảo sát, thu thập thông tin cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho điều tra viên của các huyện, thị xã, thành phố.

- Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện cập nhật dữ liệu về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh theo quy định.

- Tổ chức nghiệm thu phiếu và nhập tin về phần cầu lao động.

- Tổng hợp kết quả điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

- Kiểm tra, giám sát quá trình điều tra, cập nhật và xử lý thông tin cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

- Thực hiện thanh toán kinh phí chương trình.

2. Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ quan liên quan trong việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức việc điều tra, cập nhật biến động thông tin cung, cầu lao động và nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện; xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn mình quản lý.

- Kiểm tra, giám sát việc điều tra, cập nhật biến động thông tin tại các địa bàn quản lý, xử lý thông tin, tổng hợp và lập báo cáo định kỳ và đột xuất lên các cơ quan cấp trên theo quy định.

- Bố trí điều tra viên để thực hiện điều tra, thu thập thông tin về cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

- Đảm bảo nguồn kinh phí cho việc cập nhật biến động thông tin cung, cầu lao động và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Căn cứ kế hoạch triển khai điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn triệu tập các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các điều tra viên cấp huyện, điều tra viên cấp xã tham dự họp triển khai kế hoạch.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trực thuộc lập kế hoạch khảo sát theo tiến độ thời gian quy định và chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ cho việc điều tra, khảo sát cung cấp cho từng điều tra viên:

+ Sơ đồ địa bàn điều tra.

+ Bảng kê hộ gia đình cần điều tra (có thể dựa theo kết quả điều tra dân số tính đến 01/4/2013), tiến hành đối chiếu với sổ đăng ký hộ khẩu của Công an nhân dân các xã, phường, thị trấn để xác định đối tượng lao động cần điều tra thuộc các hộ gia đình.

- Đảm bảo cán bộ điều tra viên tham gia giám sát quá trình điều tra các hộ gia đình, phối hợp với điều tra viên cấp xã tiến hành điều tra các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện, thành phố.

4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố:

- Có trách nhiệm tham mưu giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch điều tra.

- Tham gia tập huấn, nhận sổ ghi chép và phiếu điều tra, phiếu tổng hợp, cập nhật biến động thông tin cung cầu lao động - phần cung lao động; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn của huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về điều tra, cập nhật biến động thông tin cung - cầu lao động, điều tra lao động tiền lương và điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

- Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn trong công tác, hướng dẫn việc điều tra, cập nhật biến động thông tin vào sổ ghi chép và phiếu cập nhật thông tin về cung lao động; nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

- Kiểm tra, giám sát công tác thu thập và xử lý thông tin ở các xã, phường, thị trấn.

- Chuyển kết quả ghi chép thu thập thông tin biến động về cung lao động về cho Trung tâm dịch vụ việc làm để nhập tin.

- Chuyển phiếu điều tra thu thập thông tin, cập nhật biến động về cầu lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiệm thu, đánh mã và nhập tin.

- Báo cáo kết quả ghi chép thông tin điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

- Tổng hợp báo cáo kết quả điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn (theo mẫu hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

- Thành lập Tổ công tác cập nhật biến động thông tin cung, cầu lao động - phần cung lao động ở xã, phường, thị trấn (do đồng chí lãnh đạo UBND làm Tổ trưởng, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội làm Tổ phó thường trực; tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, bản, làng là các thành viên đồng thời là cán bộ cập nhật biến động thông tin về cung lao động.

- Trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh, kế hoạch của huyện, thị xã, thành phố, Tổ công tác cập nhật biến động thông tin ở xã, phường, thị trấn đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện trên phạm vi địa bàn, báo cáo UBND xã, phường xem xét, quyết định.

- Quản lý Sổ ghi chép và cập nhật sự biến động của từng thành viên trong hộ gia đình của tất cả các hộ đã đăng ký hộ khẩu trên địa bàn quản lý của mình hàng năm.

- Xử lý tổng hợp thông tin và lập báo cáo định kỳ và đột xuất lên các cơ quan cấp huyện theo quy định.

- Căn cứ kế hoạch triển khai của UBND huyện, thị xã, thành phố, đơn vị xây dựng kế hoạch và lập phương án điều tra khảo sát phù hợp với các điều kiện thực tế của địa phương.

+ Triển khai thực hiện điều tra khảo sát các hộ gia đình trong địa bàn.

+ Tổng hợp kết quả điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn xã (theo mẫu hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

6. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh:

- Chuẩn bị nhân sự, thiết bị để nhập dữ liệu thông tin cập nhật sự biến động về cung lao động theo sự phân công, hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và quản lý cơ sở dữ liệu thị trường lao động của tỉnh và truyền tải thông tin về Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đôn đốc các địa phương chuyển kết quả thu thập thông tin biến động về cung lao động về Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để nhập tin theo đúng thời gian quy định.

7. Trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp trong việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp theo yêu cầu của điều tra viên trong việc thu thập thông tin theo kế hoạch điều tra.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Nguồn hỗ trợ từ kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề và do ngân sách các địa phương hỗ trợ để đảm bảo thực hiện cuộc điều tra.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động - phần cung lao động trên địa bàn tỉnh năm 2015, yêu cầu các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: LĐ-TB&XH; Tài chính;
Công thương;
- Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Báo Gia Lai; Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NC, KTTH, VHXH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên