Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ; NHIỆM KỲ 2011-2016

Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ nội dung, chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016 của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã của tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. HĐND chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Việc thực hiện quyền lực của HĐND phụ thuộc vào chất lượng của HĐND và từng đại biểu HĐND do dân bầu ra. Để làm tốt chức năng của mình, người đại biểu HĐND cần phải được bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho hoạt động của mình.

2. Yêu cầu:

Tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm cung cấp hệ thống tri thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND; trang bị các phương pháp, kỹ năng cần thiết của đại biểu HĐND để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cũng như của từng đại biểu.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1. Nội dung chương trình: Gồm có 06 chuyên đề.

- Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi và hội nhập quốc tế; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

- Chuyên đề 2: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.

- Chuyên đề 3: Kỹ năng tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu HĐNĐ.

- Chuyên đề 4: Kỹ năng thuyết trình, chất vấn và thảo luận của đại biểu HĐND.

- Chuyên đề 5: Kỹ năng thẩm tra và giám sát ngân sách địa phương của HĐND.

- Chuyên đề 6: Kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân cho đại biểu HĐND.

2. Kế hoạch triển khai:

2.1. Đối với đại biểu HĐND và báo cáo viên cấp huyện:

- Đại biểu HĐND các huyện, thị xã và thành phố gồm có 303 đại biểu.

- Mỗi huyện, thị xã, thành phố cử thêm 08 người gồm: Lãnh đạo Phòng Nội vụ, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị, Giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị và báo cáo viên của các huyện, thị xã, thành phố.

- Số lượng và thời gian mở lớp: Mở tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh 04 lớp, thời gian mỗi lớp 03 ngày.

* Lớp thứ nhất: Từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 02 năm 2012. Thành phần:

+ Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.

+ Mỗi huyện, thị xã, thành phố cử thêm 08 người gồm: Lãnh đạo Phòng Nội vụ, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị, Giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị và báo cáo viên của các huyện, thị xã, thành phố.

* Lớp thứ hai: Từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 02 năm 2012.

+ Mỗi huyện, thị xã, thành phố cử 1/3 số đại biểu HĐND cấp huyện.

* Lớp thứ ba: Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 02 năm 2012.

+ Mỗi huyện, thị xã, thành phố cử 1/3 số đại biểu HĐND cấp huyện.

* Lớp thứ tư: Từ ngày 29 tháng 02 đến ngày 02 tháng 3 năm 2012.

+ Các huyện, thị xã, thành phố cử số đại biểu HĐND cấp huyện còn lại.

2.2. Đối với đại biểu HĐND cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là 3.835 đại biểu.

- Căn cứ vào số đại biểu HĐND cấp xã, các Phòng Nội vụ phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho các đại biểu HĐND cấp xã trình UBND cấp huyện; tổ chức các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch.

- Thời gian mở lớp trong tháng 3 năm 2012.

3. Kinh phí:

- Kinh phí in ấn tài liệu cho đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, kinh phí mở 04 lớp bồi dưỡng tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh do Ngân sách của tỉnh cấp.

- Kinh phí mở các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã do Ngân sách các huyện, thị xã, thành phố cấp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để giúp cho UBND tỉnh theo dõi, triển khai kế hoạch tổ chức mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, nhiệm kỳ 2011-2016 đạt được kết quả và có chất lượng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ:

1. Sở Nội vụ chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch; chiêu sinh, mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện; theo dõi và tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ.

- Phối hợp Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh dự trù kinh phí biên soạn, in ấn tài liệu cho cấp huyện, cấp xã và kinh phí mở 04 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, nhiệm kỳ 2011-2016.

2. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh: Căn cứ tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016 của Bộ Nội vụ, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh phân công giảng viên biên soạn và in ấn tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND và báo cáo viên cấp huyện.

- Phân công giảng viên phụ trách giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.

- Cấp Giấy chứng nhận cho các đại biểu đã tham dự khóa bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.

3. Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt để mở các lớp bồi dưỡng theo đúng kế hoạch.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cử đại biểu HĐND và báo cáo viên tham dự các lớp theo kế hoạch của UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã ở địa phương mình gửi Sở Nội vụ, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Sở Nội vụ, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh để hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Trường CT Nguyễn Chí Thanh;
- Sở Nội vụ;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- CVP, các PCVP và CV: GD, TC, KH;
- Lưu: VT, NV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao