Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 894/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 27 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN LỘ TRÌNH NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2024

Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020 - 2025); trên cơ sở Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2024 của các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Đắk Nông năm 2024, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ

1. Khái quát về số liệu đội ngũ

a) Đối với các cơ sở giáo dục công lập

- Giáo dục Mầm non: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 2.218 người, trong đó có 238 cán bộ quản lý; 1830 giáo viên; 150 nhân viên.

- Tiểu học: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 3.915 người, trong đó có 295 cán bộ quản lý; 3.289 giáo viên; 331 nhân viên.

- Trung học cơ sở: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 2.579 người, trong đó có 167 cán bộ quản lý; 2.185 giáo viên; 227 nhân viên.

b) Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập

- Giáo dục Mầm non: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 588 người, trong đó có 64 cán bộ quản lý; 426 giáo viên; 98 nhân viên.

- Tiểu học: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 50 người, trong đó có 04 cán bộ quản lý; 35 giáo viên; 11 nhân viên.

- Trung học cơ sở: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 39 người, trong đó có 03 cán bộ quản lý; 27 giáo viên; 09 nhân viên.

c) Thực trạng trình độ đào tạo giáo viên các cấp học các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập

- Cấp Mầm non: Trong số 2.558 giáo viên và cán bộ quản lý có 222 người trình độ Trung cấp, 245 người trình độ Cao đẳng, 2.082 người trình độ Đại học và 09 trình độ Thạc sĩ. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn (trình độ trung cấp) chiếm 8,67%.

- Cấp Tiểu học: Trong số 3.623 giáo viên và cán bộ quản lý có 89 người trình độ Trung cấp, 181 người trình độ Cao đẳng, 3.305 người trình độ Đại học và 48 trình độ Thạc sĩ. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn (trình độ trung cấp, cao đẳng) chiếm 7,45%.

- Cấp Trung học cơ sở: Trong số 2.360 giáo viên và cán bộ quản lý có 89 người trình độ Cao đẳng, 2.228 người trình độ Đại học và 43 trình độ Thạc sĩ. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn (trình độ trung cấp, cao đẳng) chiếm 3,77%.

2. Đánh giá chung

- Ưu điểm:

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, có trách nhiệm cao trong giảng dạy, có năng lực đáp ứng việc giảng dạy trong các nhà trường, có tâm huyết và tận tụy với công việc.

Tỷ lệ giáo viên có thâm niên tay nghề chiếm phần lớn, có nhiều kinh nghiệm, là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, số lượng giáo viên đạt chuẩn tăng theo từng năm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học,... Do đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ giáo viên cơ bản tích cực tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm trong thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học; học tập, tiếp thu các phương pháp dạy học mới, các phương pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó nâng cao năng lực phát triển nghề nghiệp.

- Hạn chế:

Năng lực đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận nhỏ giáo viên chưa tốt, cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Chất lượng đội ngũ giáo viên còn không đồng đều giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi và vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Một số giáo viên lớn tuổi ngại học tập, bồi dưỡng nhất là năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, do đó ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Số lượng người làm việc được giao chưa bảo đảm theo định mức quy định, chưa đáp ứng yêu cầu khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác và sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN LỘ TRÌNH NÂNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIÁO VIÊN

1. Mục tiêu

- Thực hiện có hiệu quả lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Đắk Nông theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học và trung học cơ sở chưa đạt chuẩn để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019.

2. Đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo

- Giáo viên Tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

- Giáo viên Trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

3. Chỉ tiêu cụ thể

Trong năm 2024, cử 14 giáo viên chưa đạt chuẩn tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, cụ thể như sau:

- Cấp Tiểu học: Cử 09 giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để được cấp bằng cử nhân.

- Cấp Trung học cơ sở: Cử 05 giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để được cấp bằng cử nhân.

Danh sách giáo viên tiểu học, trung học cơ sở được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn năm 2024 do Ủy ban nhân dân các huyện phê duyệt.

(Chi tiết theo phụ lục gửi kèm)

4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

a) Về cử giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn

Căn cứ Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định cử giáo viên các cấp học đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo đúng đối tượng, đúng chỉ tiêu quy định.

b) Sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, đảm bảo thuận lợi cho giáo viên vừa làm, vừa học

Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục có kế hoạch bố trí đội ngũ giáo viên một cách hợp lý, bảo đảm nguyên tắc có đủ giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn. Giải quyết các chế độ, chính sách đối với giáo viên được cử đi học bảo đảm đúng quy định.

c) Trách nhiệm của giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn

- Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo; cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian quy định.

- Trong thời gian tham gia đào tạo, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo; trường hợp giáo viên không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài. Việc đền bù chi phí đào tạo thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

5. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

Nguồn kinh phí thực hiện: Trên cơ sở danh sách giáo viên các cấp học tiểu học, trung học cơ sở được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch xây dựng dự toán kinh phí đào tạo nâng chuẩn theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện quyết định bố trí kinh phí thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ văn bản ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định giao kinh phí thực hiện nâng trình độ chuẩn giáo viên của Ủy ban nhân dân các huyện, tiến hành đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên trên nguyên tắc xác định số lượng và đơn giá để ký hợp đồng đặt hàng.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

2. Sở Nội vụ: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp và báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng hằng năm gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ theo quy định.

3. Sở Tài chính: Tham mưu cấp có thẩm quyền kinh phí thực hiện nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở theo đúng quy định hiện hành.

4. Ủy ban nhân dân các huyện

- Căn cứ Kế hoạch này và các quy định khác có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện ban hành các văn bản, gồm: Quyết định cử giáo viên các cấp học đi đào tạo nâng trình độ chuẩn và Quyết định giao kinh phí thực hiện nâng trình độ chuẩn; các Quyết định này gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để có cơ sở tiến hành đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên.

- Ủy ban nhân dân các huyện căn cứ hợp đồng của Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết với các cơ sở đào tạo giáo viên, tiến hành ký hợp đồng chi tiết của đơn vị với cơ sở đào tạo giáo viên đã chọn và thực hiện thanh quyết toán trực tiếp với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên được cử đi học ở các cơ sở giáo dục và thực hiện việc thu hồi tiền đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Trên đây là Kế hoạch về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Đắk Nông năm 2023; các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, NV, TC;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện: Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R’Lấp;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX(Vn).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

PHỤ LỤC

THỐNG KÊ GIÁO VIÊN TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ CỬ ĐI ĐÀO TẠO NÂNG CHUẨN NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 894/KH-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

TT

Huyện/thành phố

Giáo viên Mầm non

Giáo viên Tiểu học

Giáo viên THCS

Công lập (trung cấp)

Ngoài công lập (trung cấp)

Công lập

Ngoài công lập

Công lập (cao đẳng)

Ngoài công lập

Trung cấp

Cao đẳng

1

Tuy Đức

0

0

1

0

0

1

0

2

Đắk Song

0

0

0

0

0

2

0

3

Đắk R’Lấp

0

0

5

3

0

2

0

Cộng

 

 

6

3

0

5

0

Tổng cộng: 14