Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 895/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC NĂM HỌC 2021-2022

Căn cứ Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19;

Căn cứ Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo;

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 về phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị;

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Giáo dục năm học 2021-2022 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chủ động phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập và lây lan của dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo đảm an toàn sức khỏe cho người học, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, đồng thời khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

2. Yêu cầu

a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục để tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 và thực tiễn ở địa phương, cơ sở giáo dục.

b) Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, theo dõi và quản lý chặt chẽ sức khỏe của người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan trong các cơ sở giáo dục.

c) Đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức thực hiện các văn bản, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục

a) Quán triệt đầy đủ, sâu sắc tới người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục và tổ chức thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ GDĐT. Cập nhật chính xác tình hình dịch bệnh, các thông tin dự báo để chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn ở địa phương, cơ sở giáo dục nhằm phòng, chống và sẵn sàng ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch đối với lĩnh vực GDĐT.

b) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hệ thống hóa các văn bản, chính sách có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục để xây dựng thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn tình hình, diễn biến dịch bệnh tại địa phương, cơ sở giáo dục.

c) Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành Giáo dục được giao tại số Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc thực hiện nhiệm vụ năm học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và các hoạt động hỗ trợ người học

a) Triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 64/KH-BGDĐT ngày 06/02/2020 của Bộ GDĐT; đồng thời cập nhật thực hiện theo các văn bản hướng dẫn mới nhất của Chính phủ và Bộ Y tế.

b) Chủ động thông tin rộng rãi, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Giải thích, hướng dẫn rõ biện pháp phòng, chống, ứng phó với đại dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục để tạo sự đồng thuận, nghiêm túc thực hiện đối với người học, gia đình người học và cán bộ, nhà giáo, nhân viên.

c) Đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời từ các nguồn thông tin chính thống, tin cậy về tình hình dịch bệnh (website của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): http://vncdc.gov.vn; website của Bộ Y tế: https://www.moh.gov.vn). Thông báo rộng rãi tới người học, gia đình người học số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn có thể thu dung, điều trị dịch COVID-19.

d) Biên tập, xây dựng sổ tay, tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng người học, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục để tổ chức thực hiện.

đ) Thực hiện việc phát ngôn đảm bảo thống nhất theo các văn bản chỉ đạo từ trung ương đến địa phương; quán triệt cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, người học không được tuyên truyền, chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, không rõ nguồn gốc gây tâm lý chủ quan hoặc hoang mang trong dư luận về phòng, chống dịch COVID-19.

e) Phát huy mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, hoạt động của các câu lạc bộ truyền thông trong nhà trường, Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự tham gia của người học, cán bộ, nhân viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục.

f) Tăng cường các hoạt động hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tổ chức tư vấn sức khỏe, tâm lý và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; quan tâm, hỗ trợ kịp thời đối với người học có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp F0, F1, sống trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế.

3. Thực hiện các hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục

a) Rà soát, kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của cơ sở giáo dục do Thủ trưởng cơ sở giáo dục làm Trưởng ban chỉ đạo; thành lập các Tổ an toàn COVID-19 để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và các phương án xử trí theo các tình huống: khi chưa có ca bệnh, khi có trường hợp nghi mắc, F0, F1, F2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GDĐT1.

b) Thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật thường xuyên trên hệ thống bản đồ An toàn phòng, chống dịch, ứng dụng (App) Antoancovid theo hướng dẫn của Bộ GDĐT2.

c) Tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ an toàn COVID-19, đội ngũ nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm công tác y tế trường học về công tác phòng, chống dịch, xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19, cách lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và phối hợp tổ chức được các hoạt động tiêm chủng tại trường học.

d) Rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

4. Phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19

a) Chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành giữa ngành Giáo dục - Y tế và ban, ngành liên quan tại địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phân công rõ đầu mối, trách nhiệm cụ thể của ngành Y tế, bảo hiểm xã hội các cấp ở địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.

b) Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục.

c) Các cơ sở giáo dục chủ động đề xuất và phối hợp với cơ quan y tế ở địa phương trong công tác tiêm chủng phòng COVID-19 cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên và tiêm chủng cho HSSV khi có đủ điều kiện; sẵn sàng phối hợp với các địa phương để hỗ trợ về nhân lực, nhất là đội ngũ giảng viên, sinh viên y khoa tham gia công tác phòng, chống dịch; làm khu thu dung, khu cách ly, bệnh viện dã chiến khi được huy động để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cấp bách của địa phương.

5. Công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19

a) Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác y tế trường học tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

b) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch; áp dụng bộ công cụ, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục trên các ứng dụng "An toàn COVID-19", NCOVI, Bluezone và Vietnam health declaration.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Vụ Giáo dục thể chất chủ trì:

- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

- Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục; xây dựng, cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, tài liệu truyền thông phòng, chống dịch và tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn cho địa phương, cơ sở giáo dục; phối hợp hướng dẫn thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người học khi có đủ điều kiện.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

- Lập dự toán kinh phí chi tiết cho các hoạt động; huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho các hoạt động của Kế hoạch.

b) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì:

- Chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chủ động tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các nội dung, thông tin xấu, độc trên không gian mạng và bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục.

c) Văn phòng Bộ chủ trì:

- Triển khai kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại cơ quan Bộ GDĐT.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19.

d) Cục Công nghệ Thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất hướng dẫn áp dụng bộ công cụ, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục trên các nền tảng công nghệ thông tin. Xây dựng phần mềm quản lý thông tin kết nối với hệ thống giám sát, theo dõi và đánh giá quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

đ) Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT theo Kế hoạch này. Các đơn vị chủ động cân đối, lồng ghép, tích hợp tối đa với các nhiệm vụ của từng đơn vị.

e) Các Vụ cấp học chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

2. Các Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện báo cáo đột xuất hoặc định kỳ về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục thể chất) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

b) Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành Giáo dục - Y tế và ban, ngành liên quan tại địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

c) Củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế trường học, nâng cao năng lực chuyên môn về phòng, chống dịch cho đội ngũ nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm về y tế trường học, cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo.

d) Kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

3. Các cơ sở giáo dục

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục.

b) Rà soát và bổ sung trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phòng y tế của nhà trường phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và điều kiện thực tiễn địa phương, quy mô của trường, đảm bảo ứng phó hiệu quả nhất đối với dịch bệnh.

c) Xây dựng cơ chế phối hợp với cơ sở y tế đóng trên địa bàn về chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho người học.

d) Chủ động phối hợp với trạm y tế xã/phường/thị trấn, trung tâm y tế địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên trong cơ sở giáo dục.

đ) Theo dõi, kiểm tra, giám sát và báo cáo thường xuyên các hoạt động y tế trường học và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục.

e) Phối hợp chặt chẽ với gia đình người học trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

4. Kinh phí

Kinh phí để thực hiện Kế hoạch từ ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn thu, tài trợ, viện trợ hợp pháp khác.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị tổng hợp, báo cáo Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục thể chất) để xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo Quốc gia PC COVID-19 (để b/c);
- Các bộ, ngành, cơ quan trung ương của các tổ chức
chính trị - xã hội (để p/h);
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (để p/h);
- Các sở GDĐT; Để thực hiện
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GDĐT; Để thực hiện
- Các cơ sở giáo dục đại học; Để thực hiện
- Các trường cao đẳng sư phạm; Để thực hiện
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT; Để thực hiện
- Lưu: VT, Vụ GDTC. Để thực hiện

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 



1 Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 về việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại cơ quan, công sở:

Quyết định số 2566/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2020 về việc phê duyệt Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT ngày 23/11/2020 về việc phê duyệt các tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và công tác y tế trong trường học.

2 Công văn số 1467/BGDĐT-GDTC ngày 28/4/2020 về viện ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; Công văn số 4594/BGDĐT-GDTC ngày 30/10/2020; Công văn số 5210/BGDĐT-GDTC ngày 02/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.