ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 911/KH-UBND | Hà Nam, ngày 16 tháng 4 năm 2018 |
ĐỐI THOẠI CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỚI NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch đối thoại của người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam như sau:
1. Mục đích
- Trực tiếp nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở
- Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với nhân dân, phát huy quyền của nhân dân được tham gia góp ý trực tiếp, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Yêu cầu
- Việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân phải đúng quy định của pháp luật; đảm bảo kịp thời, dân chủ, công khai minh bạch, khách quan, hiệu quả, tránh hình thức.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác đối thoại.
- Phổ biến, tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thông tin kịp thời các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (trừ thông tin mật) của tỉnh đến nhân dân; nâng cao nhận thức về thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh khi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan cần tập trung nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu, đảm bảo đúng quy định.
- Lãnh đạo, cán bộ tiếp dân và công dân chấp hành nghiêm túc nội dung, phương pháp thực hiện buổi đối thoại do Lãnh đạo UBND tỉnh quán triệt trước khi tiến hành đối thoại.
1. Người thực hiện đối thoại
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp đối thoại với nhân dân, trường hợp bận công tác đột xuất thì ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.
Thành phần tham dự: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi được ủy quyền, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, Ban, ngành, địa phương có liên quan; các tổ chức, công dân có kiến nghị, phản ánh.
2. Nội dung đối thoại
Các Sở, Ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, dư luận xã hội báo cáo UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung chủ yếu các nội dung về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính; công tác quản lý, công khai trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai (thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..), các vấn đề về chủ trương, chính sách, việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng...
3. Hình thức, thời gian, địa điểm thực hiện đối thoại
- Hình thức đối thoại: Trao đổi, đối thoại trực tiếp với nhân dân.
- Thời gian và địa điểm: Trên cơ sở nội dung, đối tượng đối thoại và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh có thông báo cụ thể.
4. Trình tự đối thoại với nhân dân
4.1. Trước khi đối thoại
Tổ thư ký (Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh) giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Tiến hành rà soát, thống kê, tổng hợp, đánh giá những vấn đề bức xúc của nhân dân, chú trọng những vấn đề đã được nhân dân kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết dứt điểm.
- Tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất nội dung; đối tượng đối thoại. Tổ thư ký thông báo đến các Sở, Ban, ngành, địa phương có liên quan để chuẩn bị nội dung trả lời và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Tổ thư ký) chậm nhất là 05 ngày làm việc trước khi tổ chức buổi đối thoại.
4.2. Chương trình đối thoại
- Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự.
- Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi được ủy quyền) - Chủ trì buổi đối thoại quán triệt, thống nhất nội dung, phương pháp thực hiện buổi đối thoại. Tổ thư ký tiếp nhận, tổng hợp ý kiến và đăng ký phát biểu.
- Công dân phát biểu ý kiến theo thứ tự, nội dung đã đăng ký và theo sự điều hành của Người chủ trì.
- Người chủ trì phân công đại diện Lãnh đạo các đơn vị, địa phương trả lời, giải thích những ý kiến, kiến nghị của nhân dân nêu ra theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
- Chủ trì kết luận những nội dung đã đối thoại, những nội dung đã được giải quyết. Đối với những nội dung nêu ra chưa được giải quyết thì chỉ đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết, trả lời bằng văn bản.
- Tổ thư ký lập biên bản kết thúc buổi đối thoại.
4.3. Sau khi đối thoại
Chậm nhất 05 ngày làm việc sau khi kết thúc buổi đối thoại, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo và thông báo ý kiến kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh - Chủ trì buổi đối thoại (nếu có).
Chậm nhất là 10 ngày làm việc, các cơ quan, đơn vị nhận được Thông báo ý kiến kết luận của Người chủ trì đối thoại, có trách nhiệm xem xét giải quyết, trả lời kiến nghị của công dân, tổ chức và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp những vụ việc cần có thêm thời gian thì phải thông báo cho công dân, tổ chức và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về thời gian dự kiến trả lời. Việc gia hạn thời gian căn cứ vào nội dung vụ việc và các quy định pháp luật điều chỉnh liên quan.
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh
- Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nắm chắc tình hình, tổng hợp, phân tích, đánh giá các vấn đề vướng mắc, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh (qua Tổ thư ký) để tổ chức đối thoại.
- Chuẩn bị nội dung, tham dự buổi đối thoại và trả lời giải quyết những vấn đề liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
- Trả lời kiến nghị của nhân dân và báo cáo kết quả đối với các nội dung có liên quan theo ý kiến kết luận của Chủ trì tại buổi đối thoại.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề mà nhân dân quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội; an ninh, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại và tham gia đối thoại.
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, phân loại nội dung kiến nghị, phản ánh, giao các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giải quyết; phối hợp chuẩn bị nội dung chương trình và phát hành giấy mời, thông báo cho nhân dân có nhu cầu tìm hiểu tham dự, phục vụ buổi tiếp xúc, đối thoại; thông báo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau khi tiếp xúc, đối thoại; đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết yêu cầu, kiến nghị của nhân dân.
4. Thanh tra tỉnh
Rà soát, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan tổng hợp các vụ việc trên địa bàn tỉnh cần thiết phải tổ chức đối thoại, trọng tâm là các lĩnh vực nhạy cảm (đất đai, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chính sách xã hội, cải cách hành chính...) và những vấn đề bức xúc trong nhân dân; báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về chủ trương mục đích, ý nghĩa của buổi đối thoại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung của kế hoạch để nhân dân được biết.
6. Công an tỉnh
Xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự cho buổi đối thoại và an toàn cho nhân dân và các thành phần tham dự đối thoại.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đối thoại với nhân dân trên địa bàn. Chủ động nắm tình hình, tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh, những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện; nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2017 về đối thoại của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 2 Kế hoạch 59/KH-UBND tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư 06 tháng đầu năm 2017 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3 Quyết định 21/2017/QĐ-UBND Quy chế đối thoại giữa chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 1 Quyết định 21/2017/QĐ-UBND Quy chế đối thoại giữa chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 2 Kế hoạch 59/KH-UBND tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư 06 tháng đầu năm 2017 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3 Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2017 về đối thoại của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 4 Kế hoạch 6654/KH-UBND về tổ chức Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021