Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 924/KH-UBND

Bến Tre, ngày 08 tháng 3 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015

Căn cứ Nghị Quyết số 13/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015.

Để thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015, cụ thể như sau:

I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH BẾN TRE

Năm 2011, lực lượng lao động trong độ tuổi có 891.668 người, lao động đang làm việc trong nền kinh tế có 752.343 người, chiếm 84,37%, số còn lại chiếm 15,63% là lao động thiếu việc làm, lao động không tham gia hoạt động kinh tế do đi học, mất sức lao động, nội trợ... Trong đó, chưa qua đào tạo: 421.312 người, chiếm 56% so tổng số; đã qua đào tạo 331.030 người, chiếm 44% so tổng số, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 17,1%.

Chia ra đào tạo ngắn hạn: 243.010 người, chiếm 73,41% so với lao động qua đào tạo; sơ cấp nghề: 26.019 người, chiếm 7,86% so với lao động qua đào tạo; trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề: 26.615 người, chiếm 8,04% so với lao động qua đào tạo; cao đẳng và cao đẳng nghề: 14.301 người, chiếm 4,32% so với lao động qua đào tạo; đại học trở lên: 21.087 người, chiếm 6,37% so với lao động qua đào tạo.

- Khu vực I (nông, lâm, thuỷ sản): Số người trong độ tuổi lao động làm việc trong khu vực I là: 373.693 người. Trong đó:

+ Chưa qua đào tạo: 202.915 người, chiếm 54,3% so tổng số;

+ Đã qua đào tạo 170.778 người, chiếm 45,7% so tổng số.

- Khu vực II (công nghiệp, xây dựng): Số người trong độ tuổi lao động làm việc trong khu vực II là: 177.311 người. Trong đó:

+ Chưa qua đào tạo: 102.486 người, chiếm 57,8% so tổng số;

+ Đã qua đào tạo: 74.825 chiếm 42,2% so tổng số.

- Khu vực 3 (thương mại, dịch vụ): Số người trong độ tuổi lao động làm việc trong khu vực III là 201.339 người. Trong đó:

+ Chưa qua đào tạo: 112.549 người, chiếm 55,9% so tổng số;

+ Đã qua đào tạo 88.790 chiếm 44,1% so tổng số.

II. KẾ HOẠCH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN 2012-2015

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

2.1. Nâng cao trí lực và kỹ năng lao động:

Tạo ra nguồn nhân lực có năng lực tự học, tự đào tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng nhanh, chủ động, sáng tạo trong môi trường sống và làm việc theo hướng công nghiệp; có hành vi và ý thức chính trị - xã hội theo yêu cầu phát triển con người toàn diện; trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hoá, đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ.

Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 44% năm 2011 lên 50% vào năm 2015. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động được đào tạo ở khu vực I chiếm 47%, khu vực II chiếm 23%, khu vực III chiếm 30%.

Phát triển đồng bộ đội ngũ lao động với chất lượng ngày càng cao ở tất cả các lĩnh vực; tập trung ưu tiên ở các ngành, lĩnh vực kinh tế đặc thù (tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, du lịch, công nghệ thông tin, nhân lực tham gia xuất khẩu lao động ...). Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chủ thể tham gia phát triển.

Tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học. Phấn đấu đến năm 2015 tỉnh có 200 sinh viên/vạn dân.

2.2. Nâng cao thể lực nhân lực:

Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao chất lượng phòng và điều trị bệnh, nhất là tuyến y tế ở cơ sở, xem đây là mục tiêu quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đến năm 2015, đạt tối thiểu 29,66 giường bệnh/1 vạn dân; 7,15 bác sỹ/1 vạn dân; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% người dân có bảo hiểm y tế.

Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 14% vào năm 2015. Số người tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35% vào năm 2015.

Tuổi thọ trung bình đạt 74 tuổi vào năm 2015; chiều cao trung bình của thanh niên là 1,63 mét vào năm 2015.

2.3. Nâng cao đạo đức, lối sống:

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có năng lực tổ chức điều hành, công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân, xem đây là nhân tố cơ bản bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh, hiệu quả và bền vững.

Đảm bảo đến năm 2015 có 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị đủ kiến thức quy định theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, công chức các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương; các kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ; kiến thức về văn hoá công sở; trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ; 100% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải được bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và thái độ làm việc phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm.

3. Nhu cầu lao động qua đào tạo đến năm 2015:

Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% so với tổng dân số hoạt động kinh tế. Để đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động hợp lý dự kiến nhu cầu đào tạo nhân lực tỉnh đến năm 2015 được xác định cụ thể như sau:

 

2011

2012

2013

2014

2015

I. LAO ĐỘNG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ

752.343

755.608

758.887

762.181

765.527

1. LĐ chưa đào tạo

421.312

415.584

406.005

396.334

382.764

2. LĐ qua đào tạo

331.031

340.024

352.882

365.847

382.764

- Đào tạo ngắn hạn

243010

243797

246735

248995

253083

- Sơ cấp nghề

26019

29174

33030

37280

42410

- Trung cấp nghề và TCCN

26615

28460

30736

33109

35903

- Cao đẳng và cao đẳng nghề

14301

16185

18456

20963

23961

- Đại học trở lên

21087

22374

23925

25536

27406

II. CƠ CẤU (%)

 

 

 

 

 

1. LĐ chưa đào tạo

56

55

53,5

52

50

2. LĐ qua đào tạo

44

45

46,5

48

50

- Đào tạo ngắn hạn

73,41

71,7

69,92

68,06

66,12

- Sơ cấp nghề

7,86

8,58

9,36

10,19

11,08

- Trung cấp nghề và TCCN

8,04

8,37

8,71

9,05

9,38

- Cao đẳng và cao đẳng nghề

4,32

4,76

5,23

5,73

6,26

- Đại học trở lên

6,37

6,58

6,78

6,98

7,16

4. Nhu cầu đào tạo giai đoạn 2012-2015:

4.1. Nhu cầu đào tạo khối ngành nông - lâm - thuỷ sản (khu vực I):

Đào tạo mới 23.196 người: Đào tạo ngắn hạn 4.974 người; sơ cấp nghề 10.509 người; trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp 2.546 người; cao đẳng, cao đẳng nghề 2.969 người; đại học trở lên 2.198 người. Đào tạo lại 3.985 người.

4.2. Nhu cầu đào tạo khối ngành công nghiệp - xây dựng (khu vực II):

Đào tạo mới 17.663 người: Đào tạo ngắn hạn 5.861 người; sơ cấp nghề 4.055 người; trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp 2.891 người; cao đẳng, cao đẳng nghề 2.565 người; đại học trở lên 2.291 người. Đào tạo lại 3.244 người.

4.3. Nhu cầu đào tạo khối ngành thương mại - dịch vụ (khu vực III):

Đào tạo mới 15.398 người: Đào tạo ngắn hạn 2.889 người; sơ cấp nghề 4.640 người; trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp 2.992 người; cao đẳng, cao đẳng nghề 2.431 người; đại học trở lên 2.446 người. Đào tạo lại 3.296 người.

4.4. Các nhóm nguồn nhân lực đặc biệt:

- Đội ngũ cán bộ - công chức: 10.377 người, bao gồm: Sau đại học 136 người; đại học 701 người; trung học 862 người; cao cấp chính trị 775 người; trung cấp chính trị 1.461 người; bồi dưỡng 6.442 người; tin học, ngoại ngữ đào tạo theo yêu cầu thực tế.

- Đội ngũ cán bộ ngành y tế: 2.294 người, bao gồm: Sau đại học 354 người; đại học 1.350 người; đào tạo lại, bồi dưỡng 590 người.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục: 2.280 người, bao gồm: Đại học 500 người, cao đẳng 1.330 người, trung cấp chuyên nghiệp 450 người; đào tạo lại, bồi dưỡng 2.020 người.

5. Nhu cầu kinh phí thực hiện:

5.1. Dự báo nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư:

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong đề án, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 là 1.059 tỷ đồng. Trong đó: Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 là 540 tỷ đồng; nhu cầu cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 là 519 tỷ đồng.

Đơn vị tính: Triệu đồng

 

Nhu cầu đầu tư

Giai đoạn 2012-2015

2012

2013

2014

2015

Tổng vốn

266.000

261.000

263.000

269.000

1.059.000

Trong đó:

 

 

 

 

 

1. Ngân sách TW

79.000

79.000

79.000

80.000

317.000

- % so tổng số

30

30

30

30

30

2. Ngân sách địa phương

27.000

26.000

26.000

27.000

106.000

- % so tổng số

10

10

10

10

10

3. Doanh nghiệp

27.000

26.000

26.000

27.000

106.000

- % so tổng số

10

10

10

10

10

4.Chương trình, dự án

53.000

52.000

53.000

54.000

212.000

- % so tổng số

20

20

20

20

20

5. Dân cư

53.000

52.000

53.000

54.000

212.000

- % so tổng số

20

20

20

20

20

6. Nguồn khác

27.000

26.000

26.000

27.000

106.000

- % so tổng số

10

10

10

10

10

5.2. Nguồn vốn:

Tăng cường huy động các nguồn lực cho mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo cơ cấu vốn như: Vốn Trung ương hỗ trợ 30%; vốn ngân sách địa phương 10%; vốn doanh nghiệp 10%; vốn chương trình, dự án 20%; vốn dân cư đóng góp 20%; các nguồn vốn khác 10%.

III. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giải pháp:

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của phát triển và sử dụng nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội: Quán triệt quan điểm con người là nền tảng, là yếu tố quyết định nhất trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và sự phát triển đi lên của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị có trách nhiệm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân, để mọi người thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác đào tạo và sử dụng nhân lực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo… để giúp mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực.

- Tăng cường quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và sử dụng tốt nguồn nhân lực: Hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của tỉnh nhà, hội nhập với khu vực và cả nước. Đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, đặc biệt là mạng lưới dạy nghề ở cấp huyện. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

- Thực hiện các chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đột phá, hỗ trợ, khen thưởng phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, khai thác tốt tiềm lực lao động trí tuệ; thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh về công tác tại tỉnh nhà. Có chế độ chính sách phù hợp nhằm thu hút đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển. Vận dụng tốt các chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề, các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề. Tiếp tục xã hội hoá trong lĩnh vực dạy nghề.

- Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương, với tỉnh, thành phố; mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực.

- Triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên: Xúc tiến nhanh việc thực hiện Đề án thành lập trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khẩn trương triển khai thực hiện các đề án, dự án, quy hoạch đã được phê duyệt về đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

- Huy động vốn: Tăng cường huy động các nguồn lực cho mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo cơ cấu sau: Vốn Trung ương hỗ trợ 30%; vốn ngân sách địa phương 10%; vốn doanh nghiệp 10%; vốn chương trình, dự án 20%; vốn dân cư đóng góp 20%; các nguồn vốn khác 10%.

2. Tổ chức thực hiện:

2.1. Phân công trách nhiệm:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổng hợp kế hoạch đào tạo nhân lực giai đoạn 2012-2015, kế hoạch hàng năm của các ngành, các cấp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển và xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

b) Sở Tài chính:

- Căn cứ kế hoạch đào tạo nhân lực hàng năm của các ngành, các cấp đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt cân đối kinh phí để triển khai thực hiện.

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả.

c)Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phân bổ chỉ tiêu và theo dõi, quản lý việc triển khai kế hoạch đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xã hội hoá công tác dạy nghề tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển dạy nghề.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và đào tạo hàng năm; kế hoạch nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cho học sinh, sinh viên các cấp.

- Theo dõi, quản lý việc triển khai kế hoạch đào tạo và huy động các nguồn vốn đầu tư nhằm xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng kế hoạch mở lớp hàng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

* Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Huy động các nguồn vốn đầu tư để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất đặc biệt cho tuyến y tế cơ sở. Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong y học, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, từng bước nâng cao thể lực cho người lao động.

* Sở Khoa học Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.

- Phối hợp với các ngành huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các mô hình nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh.

* Ban quản lý các KCN: Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; triển khai thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp tập trung gắn phát triển với đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thông qua hệ thống đào tạo trong tỉnh.

* Các sở còn lại, các ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố: Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 có trách nhiệm đề xuất nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực hàng năm của đơn vị gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ xem xét tổng hợp chung vào kế hoạch của tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

2.2. Chế độ thông tin báo cáo:

- Các sở, ban ngành và huyện, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hàng năm (vào trước ngày 15 tháng 7 của năm trước năm kế hoạch) và báo cáo định kỳ tình hình thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ (vào ngày 15 tháng 6 và tháng 12 hàng năm).

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch đào tạo nhân lực hàng năm của các ngành, các cấp. Trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch hàng năm của tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện. Đồng thời tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo định kỳ và tiến hành sơ kết giữa kỳ, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015, đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị cùng phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Nghĩa