Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Thái Bình, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI, TẬP TRUNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN 2030

- Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

- Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

- Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”;

- Căn cứ Quyết định số 1458-QĐ/TU ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ban thường vụ tỉnh ủy Thái Bình về việc thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh;

- Căn cứ Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Thái Bình;

- Căn cứ Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 11 tháng 2 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2019.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải.

- Chế độ báo cáo ngành giao thông vận tải được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết về giao thông đường bộ được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên cổng dịch vụ công; các dịch vụ công phổ biến thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Hoàn chỉnh môi trường làm việc trực tuyến để bảo đảm 100% văn bản không mật được xử lý, trao đổi hoàn toàn điện tử; giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

- Bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông vận tải; trong đó 100% hệ thống được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước.

- Kế hoạch quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng giao thông được cập nhật thường xuyên, kiểm tra số liệu, báo cáo kết quả xử lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

- Hình thành trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh.

- Số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành.

- Tự động hóa công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải.

b) Tầm nhìn đến năm 2030

- Các hoạt động quản lý, điều hành trong cơ quan nhà nước của ngành giao thông vận tải được chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể triển khai vận hành chủ yếu trực tuyến trên môi trường mạng.

- Hoàn chỉnh hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành.

- Hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho các công tác thực hiện quy hoạch, dự báo sớm trong chỉ đạo, điều hành ngành giao thông vận tải dựa trên việc phân tích kho dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.

- Người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm, khai thác sử dụng hầu hết các loại dữ liệu của ngành giao thông vận tải trên cổng cung cấp dữ liệu mở.

- Hệ thống giao thông thông minh được triển khai trên địa bàn tỉnh, kết nối với trung tâm điều hành giao thông quốc gia, có sự phối hợp, chia sẻ, liên thông với các trung tâm quản lý, điều hành của đô thị thông minh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông

- Nâng cấp mở rộng Trung tâm Dữ liệu điện tử của tỉnh hiện đại, an toàn, bảo mật, đảm bảo triển khai hiệu quả các hệ thống dùng chung, các cơ sở dữ liệu của tỉnh, các sở ngành và lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh tích hợp cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành phục vụ, công tác quản lý, điều hành chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông, Y tế ...

- Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng, đảm bảo chất lượng đường truyền Internet phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước.

- Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hệ thống cơ quan nhà nước; gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

- Triển khai cập nhật ứng dụng phần mềm quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Quản lý hồ sơ công trình trực tuyến trên phần mềm. Kết nối tích hợp với các hệ thống công nghệ hỗ trợ giám sát an ninh giao thông đường bộ, cầu, cống, thực trạng mặt đường bộ và kiểm soát tải trọng phương tiện trên phần mềm.

- Xây dựng, đưa vào sử dụng các hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh để bảo đảm việc vận hành, khai thác an toàn cho mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh bảo đảm khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực.

- Cung cấp thông tin cho người dân về tình trạng giao thông thông qua ứng dụng công nghệ trên môi trường mạng.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận tải, người lái và phương tiện

- Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch công tác quy hoạch mạng lưới và quản lý đăng ký khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký biển hiệu, phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải, trong đó có xe taxi, xe kinh doanh vận tải theo phương thức sử dụng hợp đồng điện tử.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý lái xe sử dụng hình thức tính điểm để, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo quy định của pháp Ịuật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai hệ thống giám sát từ xa bằng hình ảnh đối với các trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hình thành hệ sinh thái kết nối các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng thể của nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải; triển khai ứng dụng toàn diện các hệ thống giám sát hành trình phương tiện, hệ thống camera giám sát hình ảnh trên phương tiện kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý, điều hành bến xe và hệ thống quản lý, điều hành xe của các doanh nghiệp vận tải.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Tăng cường khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Tập trung triển khai dịch vụ trực tuyến mức 3, 4 liên thông, tích hợp với các phần mềm chuyên ngành trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.

- Cung cấp môi trường tương tác với người dân và doanh nghiệp thông qua trực tuyến; cung cấp các dịch vụ thông minh, thông tin cảnh báo và hướng dẫn để người dân biết và tham gia xây dựng.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Năm 2020 - 2025:

- Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Dữ liệu điện tử của tỉnh; xây dựng, đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; triển khai nhân rộng các hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp cổng thông tin chính phủ.

- Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi, giám sát tập trung kết cấu hạ tầng giao thông.

- Triển khai lắp đặt Camera giám sát giao thông tích hợp hệ thống giao thông thông minh của tỉnh.

- Thực hiện kết nối liên thông các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông với hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành, địa phương có liên quan thuộc tỉnh góp phần số hóa các thủ tục hành chính trên địa bàn.

- Thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu, đăng ký khai thác, ngừng khai thác tuyến vận tải khách cố định trên phần mềm dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải. Triển khai lắp Camera trên xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ trở lên và xe đầu kéo, xe công-ten-nơ.

- Thực hiện dịch vụ công trực tuyến để học viên đăng ký học lái xe. Ứng dụng sử dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết và trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo lái xe ô tô.

- Duy trì hoạt động Camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, triển khai lắp đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào sát hạch lái xe.

- Tích hợp, chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, sức khỏe, vi phạm của lái xe giữa ngành giao thông vận tải, y tế và cảnh sát giao thông để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để đổi cấp lại giấy phép lái xe trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

2. Năm 2025 - 2030:

- Triển khai nhân rộng các hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp cổng thông tin chính phủ.

- Duy trì, nâng cấp phần mềm quản lý, theo dõi, giám sát tập trung kết cấu hạ tầng giao thông.

- Hoàn chỉnh hệ thống Camera giám sát giao thông tích hợp hệ thống giao thông thông minh của tỉnh trên các tuyến phố trung tâm các huyện, thị trấn.

- Duy trì cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên phần mềm dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải.

- Duy trì dịch vụ công trực tuyến để học viên đăng ký học lái xe. Thực hiện quản lý thời gian học lý thuyết và thực hành lái xe ô tô bằng công nghệ nhận diện.

- Quản lý giám sát thi lý thuyết, thực hành bằng công nghệ nhận diện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch. Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông và cung cấp dịch vụ giao thông vận tải đường bộ.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện thẩm định các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình theo quyết định 838/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó lồng ghép với các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông vận tải để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, tránh trùng lặp với các nhiệm vụ ngành giao thông vận tải đã triển khai.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành liên quan cung cấp dữ liệu bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ chuyên ngành trên cơ sở dữ liệu dùng chung liên quan đến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Thái Bình theo quy định hiện hành.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí đầu tư phát triển, bảo trì cho các chương trình, dự án về công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch theo quy định của luật ngân sách và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin và các nhiệm vụ trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn quản lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Trên đây là Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, yêu cầu các đơn vị triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành có liên quan;
- UBND huyện, thành phố;
- LĐ VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Hưng