
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/KH-UBND | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VỀ ĐẨY MẠNH PHÂN QUYỀN, PHÂN CẤP THEO QUY ĐỊNH TẠI LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp được quy định tại các Luật kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả;
- Tăng cường trách nhiệm của các Sở, ngành, chính quyền cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chủ động đề xuất phân cấp, ủy quyền các lĩnh vực ưu tiên, cấp bách để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các Sở, ngành, chính quyền cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp;
- Xác định rõ, cụ thể nội dung công việc, thời gian hoàn thành, trách nhiệm chủ trì, phối hợp để thực hiện thống nhất, hiệu quả;
- Trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền, xác định rõ các nội dung tại các văn bản của Thành phố ban hành, làm cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.
II. NỘI DUNG
1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền
1.1. Rà soát danh mục và xác định thời gian sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Thành phố để thống nhất với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
a) Nội dung: Tổ chức rà soát, xác định nội dung tại các điều, khoản, điểm của các VBQPPL của HĐND Thành phố, UBND Thành phố chưa phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đề xuất điều chỉnh thống nhất.
b) Đơn vị thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Tư pháp;
- Chủ trì: Các Sở, ngành;
- Phối hợp: Chính quyền địa phương cấp cơ sở.
c) Sản phẩm: Danh mục các VBQPPL của Thành phố cần sửa đổi, bổ sung để thống nhất với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
d) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15/4/2025.
1.2. Đề xuất nội dung các VBQPPL của Thành phố điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, ngành, chính quyền cơ sở đối với một số vấn đề ưu tiên, cấp bách để phân cấp, ủy quyền
a) Nội dung: Các Sở, ngành, chính quyền cơ sở chủ động đề xuất các nội dung cần điều chỉnh ngay về nhiệm vụ, quyền hạn tại các VBQPPL của HĐND Thành phố, UBND Thành phố để điều chỉnh theo thẩm quyền căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
b) Cơ quan thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Nội vụ;
- Chủ trì: Các Sở, ngành;
- Phối hợp: Chính quyền địa phương cấp cơ sở.
- Trình tự, thủ tục trình Nghị quyết, Quyết định: Theo quy trình rút gọn.
c) Sản phẩm: Danh mục Nghị quyết, Quyết định của Thành phố cần ban hành để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các địa phương, đơn vị.
d) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15/4/2025.
1.3. Trình HĐND Thành phố, UBND Thành phố ban hành các Nghị quyết, Quyết định.
a) Yêu cầu: Nội dung của Nghị quyết, Quyết định xác định rõ các điều, khoản, điểm, nội dung cụ thể điều chỉnh về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, ngành, chính quyền cơ sở để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
b) Cơ quan thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Tài chính;
- Chủ trì thực hiện: Các Sở, ban, ngành.
- Phối hợp thực hiện: Chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức liên quan.
c) Sản phẩm: Các Nghị quyết, Quyết định.
d) Thời gian hoàn thành: Trước ngày 31/12/2025.
2. Nâng cao năng lực thực thi của chính quyền địa phương cấp cơ sở
2.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, quyền hạn và thực hiện hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền.
a) Cơ quan thực hiện: Các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở.
b) Sản phẩm: Hội nghị, cuộc họp, tin/bài trên Trang thông tin điện tử.
c) Thời gian thực hiện: Trước ngày 30/4/2025.
2.2. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý theo hướng phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
a) Cơ quan thực hiện: Các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở
b) Sản phẩm: Lớp đào tạo, bồi dưỡng.
c) Thời gian thực hiện: Trước ngày 31/8/2025.
2.3. Tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm, xác định biên chế để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền
a) Cơ quan thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Nội vụ;
- Chủ trì thực hiện: Các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở.
b) Sản phẩm: Các Đề án vị trí việc làm, các văn bản giao biên chế.
c) Thời gian thực hiện: Trước ngày 30/9/2025.
2.4. Rà soát, đảm bảo nguồn lực để thực hiện quy định phân cấp
a) Cơ quan thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Tài chính;
- Chủ trì thực hiện: Các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở.
b) Sản phẩm: Các quyết định phân bổ ngân sách năm gắn với nhiệm vụ chi.
c) Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
2.5. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý
a) Cơ quan thực hiện:
- Đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ: Sở Khoa học và Công nghệ;
- Chủ trì thực hiện: Các Sở, ban, ngành.
- Phối hợp thực hiện: Chính quyền địa phương cấp cơ sở và các cơ quan, tổ chức liên quan.
b) Sản phẩm: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
c) Thời gian thực hiện: Theo kế hoạch chuyển đổi số của Thành phố.
3. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo quy định tại Luật Tổ chức Tổ chức chính quyền địa phương.
3.1. Nội dung: Trên cơ sở các nội dung rà soát, đề xuất tại phần 1, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
3.2. Cơ quan thực hiện:
- Các Sở, ban, ngành đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện, theo dõi, hướng dẫn, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương cấp cơ sở theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Sở Nội vụ: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kế hoạch này, báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
3.3. Thời gian thực hiện: Trong năm 2025.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm giúp UBND Thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành; chính quyền địa phương cấp cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ.
2. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp cơ sở tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo các nội dung tại Kế hoạch.
3. Chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm.
3.1. Chính quyền địa phương cấp cơ sở báo cáo các Sở đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi định kỳ 6 tháng (trước ngày 10 tháng 6) và định kỳ hằng năm (trước ngày 10 tháng 12).
3.2. Các Sở: Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ gửi Sở Nội vụ định kỳ 6 tháng (trước ngày 14 tháng 6) và định kỳ hằng năm (trước ngày 14 tháng 12) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) để được tổng hợp, hướng dẫn giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |