Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 963/KH-UBND

Hà Nam, ngày 09 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐỢT CAO ĐIỂM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, KINH DOANH, VẬN CHUYỂN CÁT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

Trong thời gian qua, hoạt động khai thác cát, nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa trên tuyến sông Hồng nói chung và địa bàn xã Chân Lý, huyện Lý Nhân nói riêng đã có những diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh để khai thác, nạo hút cát tự do, trái pháp luật vào ban đêm làm ảnh hưởng đến môi trường sống, các công trình đê, kè ven sông, gây mất an ninh trật tự, bức xúc cho nhân dân.

Để đảm bảo ổn định tình hình chính trị tại địa phương và đưa hoạt động khai thác cát trên sông Hồng vào nề nếp. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao hiệu quả về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình.

- Thống nhất các giải pháp phối hợp chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương và các tỉnh bạn nhằm ổn định tình hình địa phương và trật tự xã hội các xã dọc các tuyến sông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dọc tuyến sông Hồng.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ đại diện của các sở, ngành, địa phương liên quan.

- Hồ sơ, tài liệu và các điều kiện phải được chuẩn bị công khai, đầy đủ để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật và xử lý triệt để tình trạng khai thác cát và kinh doanh bến bãi VLXD không đúng quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về Luật Khoáng sản, thực hiện sự giám sát của nhân dân trong công tác quản lý, khai thác, nạo vét trên địa bàn tỉnh.

2. Thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các cơ quan: lãnh đạo Công an tỉnh là Tổ trưởng; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường là Tổ phó; lãnh đạo các Sở: Giao thông vận tải, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh là thành viên; giúp việc cho Tổ là Trưởng các phòng chuyên môn trực thuộc các Sở, ngành trên.

Tổ công tác cấp huyện do lãnh đạo UBND huyện, thành phố là Tổ trưởng; các thành viên khác như thành phần Tổ công tác của tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra các hoạt động khai thác cát, hút cát trái phép trên sông; vận chuyển vật liệu quá tải trọng, kinh doanh bến bãi VLXD các tuyến sông trên địa bàn huyện, thành phố để xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Tổ công tác cấp xã do Ban Công an xã đảm nhận, cử công an viên thường xuyên kiểm tra, trực 24/24 giờ dọc trên các tuyến sông thuộc địa bàn của xã.

3. Thông qua tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, hút cát trái phép gây mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đê, kè và các công trình giao thông thủy lợi; đề xuất UBND tỉnh xử lý, đình chỉ hoặc tước hoặc thu hồi giấy phép khai khoáng sản đối với các đối tượng có những sai phạm trong khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và kiến nghị dừng hoạt động đối với tổ chức thực hiện dự án nạo vét thuộc thẩm quyền của Cục đường thủy nội địa - Bộ Giao thông Vận tải nếu có vi phạm hoặc hoạt động kém hiệu quả.

4. Tổ chức xác định vị trí một số điểm địa giới hành chính khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh, thả phao tại các khu vực nhạy cảm có điểm nóng về khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, mất an ninh trật tự trong khu vực.

5. Phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình đề xuất giải pháp giải quyết triệt để hoạt động hút cát trái phép tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh. Tổ chức xác định cắm mốc, thả phao đường địa giới khu vực bãi sông giữa tỉnh và tuyến sông Hồng, gắn với việc thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Công bố công khai quy hoạch khai thác cát tại UBND các xã ven sông Hồng, UBND các huyện Duy Tiên, Lý Nhân. Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan xác định địa giới hành chính của tỉnh ở khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh, tổ chức xác định mốc giới các mỏ cát được cấp phép có sự chứng kiến của người dân trong khu vực và các cơ quan liên quan.

- Rà soát hồ sơ cấp phép, hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp được cấp phép và hoạt động nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa, xử lý và đề xuất biện pháp xử lý vi phạm đối với các tổ chức được cấp phép vi phạm các quy định của pháp luật khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý, đình chỉ hoặc tước hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp có sai phạm trong hoạt động khoáng sản, kiến nghị dừng hoạt động đối với dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa nếu có vi phạm hoặc hoạt động kém hiệu quả.

- Rà soát, kiểm tra lại cao trình, độ sâu được phép khai thác, nạo vét; xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với những trường hợp khai thác, nạo vét vượt quá độ sâu cho phép; khi thực hiện công việc này thông báo và mời đại diện chính quyền địa phương; đại diện Chi ủy chi bộ và xóm trưởng nơi sở tại tham gia giám sát.

- Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Thái Bình thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh giữa 3 tỉnh nhằm bảo vệ tài nguyên chưa khai thác, đảm bảo tốt an ninh trật tự khu vực giáp ranh; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Quy chế phối hợp 3 tỉnh; thời gian dự kiến Quý III năm 2016.

- Cung cấp các tài liệu quy hoạch, hồ sơ cấp phép liên quan đến các dự án khai thác cát cho các sở, ngành, UBND huyện, xã có liên quan; hồ sơ dự án nạo vét để các cơ quan quản lý và người dân giám sát (lưu ý: hồ sơ cắm mốc, giao đất mỏ đối với từng dự án)

- Cung cấp số điện thoại nóng của lãnh đạo sở để tiếp nhận xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khoáng sản, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. Công an tỉnh

- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành, xây dựng Kế hoạch chi tiết, quy chế hoạt động, các điều kiện đảm bảo để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 10/5/2016 kiểm tra hoạt động khai thác cát và kinh doanh bến bãi VLXD trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động xây dựng phương án phối hợp lực lượng công an 3 tỉnh giáp ranh để có giải pháp xử lý triệt để hoạt động khai thác cát trái phép.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện Lý Nhân, Duy Tiên tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các phương tiện khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ cát trái phép; đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh thuộc địa bàn xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

- Tổ chức điều tra và xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy và hoạt động khoáng sản.

- Bố trí phương tiện và duy trì hoạt động của đoàn công tác liên ngành trong đợt cao điểm có hiệu quả.

3. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc xác định đường địa giới hành chính 3 tỉnh, trước mắt tổ chức thả phao, cắm mốc tại khu vực giáp ranh thuộc địa bàn xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, sau khi tiến hành việc thả phao thì bàn giao phao, mốc cho địa phương quản lý.

- Cùng các sở, ngành, địa phương liên quan có kế hoạch phối hợp với Sở ngành, địa phương liên quan các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên để tham mưu cho UBND các tỉnh tổ chức xác định, cắm mốc, thả phao đường địa giới 3 tỉnh trên tuyến sông Hồng, gắn với việc thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sở Công Thương

Kiểm tra, rà soát hoạt động của các dự án khai thác cát theo đúng thiết kế mỏ, quy trình công nghệ được duyệt. Đề xuất xử lý các tổ chức khai thác khoáng sản không đúng thiết kế, không đúng quy trình công nghệ.

5. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát đề xuất khu vực tạm giữ phương tiện đường thủy để phục vụ công tác xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.

- Khảo sát xác định vị trí cần thiết bảo vệ các công trình giao thông, các tuyến bờ sông, bờ kè, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy để tham mưu cho UBND tỉnh cắm biển cấm các phương tiện đường thủy, thiết bị, phương tiện khai thác khoáng sản neo đậu, hoạt động không đúng quy định.

- Phối hợp với cơ quan Công an thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện tàu cuốc, tàu hút, phương tiện giao thông vận chuyển khoáng sản vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhất là các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải, không thực hiện việc che kín thùng xe, làm vệ sinh xe trước khi ra khỏi mỏ và tránh làm rơi vãi khoáng sản, đất, đá trên đường.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thành lập tổ công tác có sự tham gia của chính quyền và đại diện nhân dân địa phương các xã ven sông kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hiện trạng công trình kè trên dọc tuyến sông Hồng địa bàn tỉnh, xong trước 20/5/2016.

- Có văn bản trả lời Cục đường thủy nội địa Việt Nam về những nội dung theo Công văn số 645/CĐTNĐ-KHĐT ngày 01/4/2016, đồng gửi UBND tỉnh, UBND xã Chân Lý.

- Chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm Luật đê điều; nạo vét, kinh doanh cát lòng sông liên quan đến đê, kè. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra hoạt động phá hoại, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến đê, kè; khai thác cát lòng sông trái phép gây ảnh hưởng đến đê, kè.

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý và giải tỏa các hoạt động vi phạm Luật đê điều.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên mở các đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Luật đê điều; khai thác, vận chuyển và kinh doanh vật liệu xây dựng liên quan đến đê điều.

7. Sở Xây dựng

Rà soát quy hoạch ngành với quy hoạch bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; các cầu cảng, máng rót tự phát..., đề xuất các giải pháp xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy hoạch được duyệt.

8. Các sở, ngành liên quan

Các sở, ngành liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của ngành; phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong công tác quản lý hành chính và hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thành lập tổ công tác cấp huyện để kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát và kinh doanh bến bãi VLXD trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh nếu vượt thẩm quyền.

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan; thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo các phòng ban, các đơn vị chức năng của huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tuyến sông nội tỉnh và dọc tuyến sông Hồng khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình tổ chức kiểm tra rà soát, phát hiện, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Kiên quyết giải tỏa, thu hồi những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động trái phép, không phù hợp quy hoạch.

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

10. Ủy ban nhân dân các xã ven sông

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa được phép khai thác theo thẩm quyền; bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản và tại địa phương.

- Quản lý mốc giới, đường địa giới hành chính, chứng kiến việc thả phao và quản lý mốc giới (trên sông và trên đất liền) tại các khu vực giáp ranh thuộc địa bàn.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn kịp thời.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Kế hoạch này là cơ sở để các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện đợt cao điểm quản lý khai thác cát trên các tuyến sông, đặc biệt là dọc tuyến sông Hồng thuộc tỉnh.

1. Thời gian triển khai thực hiện từ ngày 10/5/2016 đến 30/6/2016. Sau thời gian này các huyện tiếp tục duy trì tổ công tác thường xuyên để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

2. Giao Công an tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp để thực hiện tốt Kế hoạch này và Kế hoạch chi tiết do Tổ trưởng Tổ liên ngành của tỉnh phê duyệt. Định kỳ hàng tuần (sáng thứ 4), hàng tháng, hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU (để b/c);
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Các Sở, ngành: TN, GT, NN, XD, TP, KH, TC,
NV, CA tỉnh, Cục thuế tỉnh; Thanh tra tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Nam;
- VPUB: LĐVP, KTTH, TN, GT, NC;
- Lưu VT, NN (HA).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Minh Hiến