Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 18 tháng 7 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI và Chương trình hành động số 119-CTr/TU ngày 25/05/2012 của Tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hàng năm hỗ trợ đào tạo cho khoảng 320 lượt người là các doanh nhân, các chủ hộ kinh doanh và các cá nhân có nhu cầu về khởi sự doanh nghiệp, về các kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh.

- Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, có từ 02 doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô, thương hiệu đạt tầm quốc gia hoặc khu vực Đông Nam Á.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân.

1.1 Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện hiệu quả Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc hợp tác với các Viện, Trường đại học đào tạo có uy tín để mở các lớp đào tạo như: khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng quản trị cho đội ngũ doanh nhân,…Trong đó, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ kiến thức pháp luật, quản trị doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, ý thức trách nhiệm với xã hội, kiến thức về hội nhập quốc tế cho doanh nhân. Đặc biệt, chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ cao cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2011-2020.

- Xây dựng Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp” để hỗ trợ, phát triển và hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, ươm tạo các doanh nghiệp trong tương lai, phát triển nhanh số lượng doanh nhân mới.

1.2. Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

- Tạo điều kiện, tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường giữa doanh nhân của tỉnh với doanh nhân trong và ngoài nước.

- Nâng cao vai trò làm đầu mối tập hợp, vận động các doanh nhân là người Đồng Tháp đang sống và sản xuất kinh doanh ở trong nước và nước ngoài cùng các doanh nhân của tỉnh hợp tác đầu tư kinh doanh.

- Phối hợp mời các giảng viên, chuyên gia thỉnh giảng, báo cáo viên cung cấp kiến thức về thị trường, kinh nghiệm về quản lý, phát triển kinh doanh cho các doanh nhân.

1.3. Sở Công thương

- Triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015.

- Phối hợp với Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử thuộc Bộ Công Thương mở lớp tập huyến chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nhân.

- Xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

1.4. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư

Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng các kỹ năng quản lý cho doanh nhân bao gồm: các kỹ năng quản trị về tài chính, nguồn nhân lực, chiến lược, sản xuất, maketting, kiến thức về công nghệ thông tin,…..nhằm hỗ trợ doanh nhân nâng cao khả năng quản lý và quản trị doanh nghiệp.

1.5. Liên minh Hợp tác xã.

Tăng cường hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã những quy định mới về Hợp tác xã, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh, quản trị tài chính.

1.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân.

- Vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia thành lập Chi hội doanh nghiệp, Chi hội doanh nhân trẻ.

2. Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2.1 Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tạo điều kiện khuyến khích các chủ hộ kinh doanh cá thể đầu tư vốn, mở rộng quy mô kinh doanh, có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

2.2 Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tạo điều kiện khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn gắn với thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn; tập trung hỗ trợ đào tạo, phát triển lực lượng doanh nhân khu vực nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố mối liên kết ngang và liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

- Tích cực triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

2.3. Sở Công thương.

- Triển khai các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới trang thiết bị, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân trong khu vực nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước thay thế công nghệ lạc hậu và làm chủ công nghệ tiên tiến. Tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến.

2.5. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư.

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ đăng ký quảng bá sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cường các hoạt động mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp thông qua các chương trình, dự án chuyển giao khoa học - công nghệ, khuyến công, khuyến nông.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (do Bộ Kinh tế Thụy Sĩ tài trợ) về kỹ thuật, tài chính nhằm mục đích năng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan thông tin kịp thời các quy định của ngân hàng, của ngành liên quan đến cung cấp tín dụng cho đơn vị doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn của Quỹ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh.

- Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2.7. Liên minh Hợp tác xã.

- Hỗ trợ kinh phí thành lập Hợp tác xã, hỗ trợ Hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.

- Hỗ trợ Hợp tác xã thực hiện xây dựng Hợp tác xã điển hình sản xuất quy mô lớn gắn với thương hiệu.

- Tạo điều kiện để các Hợp tác xã đáp ứng đủ các điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong kế hoạch công tác hàng năm, tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện; đồng thời gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.

2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh về các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Kế hoạch được thực hiện có hiệu quả và đồng bộ./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh tỉnh;
- Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Lưu VT, KTTH-HSĩ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương