Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 14 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 182-KH/TU NGÀY 12/4/2023 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 49-KL/TW NGÀY 28/02/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 12/4/2023 của Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện với nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm và quyết tâm hành động của Đảng bộ tỉnh trong việc quán triệt, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 12/4/2023 của Tỉnh ủy Hưng Yên; bám sát các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy Hưng Yên nhất là về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt nội tỉnh; triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong Kết luận phù hợp với thực tiễn, gắn với xây dựng phương án quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh.

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quán triệt triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Yêu cầu

Triển khai kịp thời, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan được xác định trong Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 12/4/2023 của Tỉnh ủy Hưng Yên; gắn với xây dựng phương án Quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, nội dung chủ yếu góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách đồng bộ và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố lân cận phát triển giao thông vận tải đường sắt quốc gia và đường sắt nội tỉnh hiện đại, đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên và khu vực.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2030: Phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương lân cận duy trì, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có; tham gia, phối hợp triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Hưng Yên theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị như tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi). Quy hoạch và nghiên cứu đầu tư một số tuyến đường sắt nội tỉnh như: Tuyến kết nối đô thị Văn Giang - thành phố Hưng Yên, tuyến kết nối ga Lạc Đạo - thành phố Hưng Yên và tuyến trong hành lang ĐT.378B (đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng) đảm bảo liên kết mạng lưới đường sắt nội tỉnh với đường sắt Quốc gia.

Đến năm 2045: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt nội tỉnh, đảm bảo tính kết nối giữa đường sắt nội tỉnh với đường sắt Quốc gia và kết nối vùng thủ đô Hà Nội.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Nâng cao nhận thức tầm quan trọng phát triển giao thông vận tải đường sắt

Các cấp ủy, Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai Kết luận số 49-KL/TW; Kế hoạch số 182-KH/TU. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 49-KL/TW; Kế hoạch số 182-KH/TU và Kế hoạch thực hiện này trong toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, tập trung làm rõ các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo.

Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kết luận số 49-KL/TW; Kế hoạch số 182-KH/TU và Kế hoạch thực hiện này, nhất là vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; tăng cường áp dụng nhiều hình thức, phương thức đa dạng để phổ biến thông tin và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

b) Về thể chế, chính sách

Đẩy nhanh hoàn thành các cấp độ quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng huyện để định hướng bố trí nguồn lực trong quá trình phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt. Ban hành cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các tuyến đường sắt.

Ban hành và triển khai thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tăng cường, đa dạng hoá liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

c) Về đầu tư giao thông vận tải đường sắt

Ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt; đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT, BOT, BTO, TOD...). Nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ. Chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn, khai thác, vận tải đường sắt; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phương tiện, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải đường sắt.

Nghiên cứu lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn... xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, của tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

d) Về quản lý quỹ đất

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức cắm mốc chỉ giới quy hoạch để quản lý quỹ đất dành cho đường sắt; đồng thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có cơ sở triển khai đầu tư.

e) Về tổ chức quản lý

Nghiên cứu mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nội tỉnh; tiếp tục nâng cao năng lực, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt; tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biết thông tin, quán triệt nội dung của Kết luận số 49-KL/TW; Kế hoạch số 182-KH/TU và Kế hoạch này thực hiện trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, tập trung làm rõ các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo, nhất là vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; tăng cường áp dụng nhiều hình thức, phương thức đa dạng để phổ biến thông tin và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; triển khai thực hiện nhiệm vụ, nội dung chủ yếu góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách đồng bộ và hiệu quả.

2. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố lân cận duy trì, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có và tham gia, phối hợp tổ chức cắm mốc chỉ giới quy hoạch để quản lý quỹ đất dành cho đường sắt Quốc gia; tham gia, phối hợp, triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Hưng Yên theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị như tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi).

Nghiên cứu mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nội tỉnh; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này theo định kỳ hàng năm và tổng kết đánh giá định kỳ 5 năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt, bến bãi, cảng cạn (ICD) đảm bảo tính liên kết vùng, đồng bộ, hợp lý, thuận lợi; cập nhật các cấp độ Quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong Quy hoạch xây dựng để định hướng bố trí nguồn lực trong quá trình phát triển giao thông vận tải đường sắt.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt; đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT, BOT, BTO, TOD...). Nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan quản lý quỹ đất dành cho đường sắt; đồng thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có cơ sở triển khai đầu tư; ban hành cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt.

6. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan tham mưu cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành đường sắt trên địa bàn tỉnh; tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên hành lang các tuyến vận tải đường sắt, tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả khai thác, vận tải đường sắt; phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác đầu tư, phát triển cụm công nghiệp gắn với các tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tăng cường, đa dạng hoá liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

8. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

9. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch này theo định kỳ trước 31/12 hàng năm.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện theo Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT1H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hùng Nam