ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2215/KH-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2009 |
Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy đã được tăng cường. Nhiều quận, huyện, sở, ban, ngành đã thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy, đầu tư kinh phí mua sắm các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, củng cố xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và phát động phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy, qua đó công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố đã được củng cố và từng bước đi vào nề nếp, số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản đã được kéo giảm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại do cháy gây ra vẫn ở mức cao. Trong 5 năm gần đây, thành phố xảy ra 1.765 vụ cháy, chết 40 người, bị thương 203 người và thiệt hại nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân ước tính trên 400 tỷ đồng. Riêng năm 2008, xảy ra 195 vụ cháy, chết 05 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 88 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, tình hình cháy, nổ còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường.
Để chủ động kéo giảm tới mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; đồng thời để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 23 tháng 10 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
1. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, học sinh, sinh viên… trên địa bàn thành phồ, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác phòng cháy chữa cháy.
3. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, năng lực và hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn nhằm làm giảm số vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
1.1. Sở Tư pháp chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật phòng cháy và chữa cháy; các Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy; tổ chức thi tìm hiểu về Luật phòng cháy và chữa cháy.
1.2. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên nghiên cứu những bất cập, vướng mắc trong việc thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy, các quy định về phòng cháy chữa cháy để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
1.3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các báo, đài tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và tham gia công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê phán những hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy để góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
- Xây dựng chuyên mục toàn dân phòng cháy chữa cháy, các phim phóng sự; sưu tầm các phim về hoạt động phòng cháy chữa cháy của nước ngoài phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Truyền hình thành phố.
1.4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố hàng năm tổ chức tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 4/10, định kỳ 05 năm tổ chức mittinh và Hội thao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cấp thành phố kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, Hội thao đầu tiên bắt đầu vào dịp 04 tháng 10 năm 2011.
1.5. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy vào chương trình đào tạo chính thức hoặc không chính thức của các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các Trường dạy nghề trên địa bàn thành phố.
Thời gian hoàn thành trong năm 2010.
1.6. Các sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân, học sinh, sinh viên… trong phạm vi quản lý của mình.
2. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy:
2.1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy; trong quy hoạch, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng công trình phải thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo giao thông, nguồn nước, lực lượng, trang thiết bị và phương tiện phòng cháy chữa cháy. Xây dựng và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, thường xuyên chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình phụ trách.
2.2. Trong năm 2009, các sở, ban, ngành, quận, huyện tổ chức Sơ kết Chỉ thị số 41/2006/CT-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố. Nội dung sơ kết tập trung đánh giá những kết quả đã làm được, những công việc chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, xác định nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, qua đó xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
2.3. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, nắm tình hình quản lý cơ sở, nắm chắc các cơ sở thuộc diện quản lý về công tác phòng cháy chữa cháy.
a) Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và các quận, huyện tổ chức rà soát, nắm đầy đủ tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về công tác phòng cháy chữa cháy và các khu dân cư dễ cháy, đặc biệt đối với các công trình xây dựng mới. Tổ chức phân loại cơ sở và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở này.
b) Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ trì kiểm tra, rà soát, xác định các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong năm 2009, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp, tiến độ khẩn trương, chuyển hóa hết các khu dân cư có nguy cơ cháy cao và di dời các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu vực dân cư.
c) Sở Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình cao tầng xây dựng trước năm 1996 để hướng dẫn các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.
d) Công ty Điện lực thành phố chủ trì kiểm tra, rà soát và có kế hoạch nâng cấp lưới điện và các trạm biến áp đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các đối tượng tiêu thụ điện thực hiện các biện pháp an toàn trong sử dụng điện; đảm bảo cúp điện kịp thời phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn khi có cháy xảy ra. Giao Công ty Điện lực thành phố chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực hết hợp ngoại lực, tạo cuộc cách mạng thay đổi toàn diện cơ sở hạ tầng ngành điện; làm cơ sở để chuyển hóa các hạ tầng khác: bưu chính, viễn thông… Đặc biệt chú trọng kết hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng ưu tiên lựa chọn, phát triển các công trình ngầm.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện có rừng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/2008/CT-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng năm 2008 - 2009.
e) Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy… trước khi cấp giấy phép lưu hành.
3. Nâng cao năng lực, hiệu quả trong chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn:
3.1. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chủ trì:
- Hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn tại chỗ; phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện và cơ sở tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng tại chỗ. Đảm bảo 100% đơn vị cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, khu phố, ấp có lực lượng tại chỗ đủ mạnh để xử lý kịp thời các vụ cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đáp ứng cao các yêu cầu về hoạt động phòng cháy chữa cháy của lực lượng tại chỗ, theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ.
- Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn đối với các công trình ngầm, công trình đường hầm, nhà cao tầng…, xây dựng kế hoạch tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu hộ-cứu nạn quy mô lớn có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia đối với các loại hình chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, bến cảng, sân bay, nhà cao tầng, khu dân cư…
3.2. Các quận, huyện chưa có đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính… triển khai xây dựng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận, huyện. Đến cuối năm 2010, mỗi quận, huyện có ít nhất một đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Đối với các quận, huyện có diện tích lớn, bán kính hoạt động của đơn vị Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trên 05km cần xác định địa điểm và đầu tư xây dựng thêm các Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
3.3. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, đến năm 2010 mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có một Đội Phòng cháy chữa cháy chuyên trách và trang bị đủ các xe và phương tiện chữa cháy.
3.4. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo và kiểm tra Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trụ nước chữa cháy, đến năm 2010 phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng thêm 8.000 trụ nước chữa cháy và đạt tiêu chuẩn 150m có 01 trụ nước chữa cháy theo quy định; phối hợp Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra đánh giá chất lượng hệ thống trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố; tổ chức bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trụ nước hư hỏng, mất nắp, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước và áp lực nước phục vụ công tác chữa cháy.
3.5. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung xây dựng và củng cố lực lượng; đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện chữa cháy; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho lực lượng tại chỗ; chăm lo chế độ, chính sách đối với cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.
4.1. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố:
- Tập trung tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở trọng điểm và các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; hướng dẫn cơ sở xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn tại chỗ; phúc tra việc chấp hành các kết luận, chỉ đạo, kiến nghị khắc phục vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Ngoài việc kiểm tra theo định kỳ cần tổ chức kiểm tra đột xuất ngoài giờ làm việc trong các đợt bảo vệ cao điểm vào dịp lễ, tết; kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ và chất lượng phương tiện chữa cháy tại chỗ. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập đoàn kiểm tra cấp thành phố kiểm tra, phúc tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với một số đơn vị cơ sở trọng điểm và khu dân cư dễ cháy.
- Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là đối với các đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm các kết luận phải khắc phục qua kiểm tra, vi phạm các quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ. Kiên quyết tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
4.2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình nhằm phát hiện kịp thời các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy.
5.1. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới; trong đó tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về nghiệp vụ, ngoại ngữ, khoa học - kỹ thuật, tin học đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, vững vàng về chính trị, có đạo đức, lối sống trong sạch, gương mẫu đầu tàu trong mọi lĩnh vực công tác. Xây dựng lực lượng chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn tinh thông về nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, tiếp cận và sử dụng thành thạo các trang thiết bị chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn hiện đại (đã, đang và sẽ được trang bị), mưu trí, dũng cảm và hiệu quả trong chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn.
Thời gian hoàn thành trong năm 2009.
- Phối hợp Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ nghiên cứu, đề xuất chọn cử cán bộ đào tạo chuyên viên, huấn luyện viên, tiểu giáo viên về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn; đào tạo nghiệp vụ chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn tại các nước tiên tiến về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn và các nước có quan hệ truyền thống.
- Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin chỉ huy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn, Trung tâm đào tạo, huấn luyện phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn. Tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu, khi có cháy: xuất xe nhanh, tổ chức chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn kịp thời và hiệu quả.
Thời gian hoàn thành năm 2010.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế… xây dựng và triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự và an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố; phối hợp với Công an thành phố tiến hành sơ kết Quy chế đã ký kết.
Thời gian hoàn thành trong năm 2009.
5.2. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính và Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, chế độ chính sách của lực lượng cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố.
Thời gian hoàn thành trong năm 2009.
5.3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cập nhật những thay đổi về mạng lưới giao thông, nguồn nước chữa cháy, những công trình xây dựng mới trên địa bàn thành phố vào bản đồ số chung để phục vụ cho công tác điều hành, chỉ huy phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn.
5.4. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy nghiên cứu các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn hiện đại, tiên tiến, công nghệ mới, an toàn và hiệu quả trong chữa cháy, thân thiện với môi trường để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố trang bị.
Thời gian hoàn thành năm 2010.
5.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố nâng cao năng lực chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn ngang tầm khu vực và thế giới. Trước mắt có các giải pháp thiết thực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm các phương tiện, thiết bị công nghệ mới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
6. Tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn:
Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các nước tiên tiến trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên thế giới, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống để trao đổi và học tập kinh nghiệm về công tác chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn; nghiên cứu tìm hiểu về mô hình tổ chức, công tác đào tạo, huấn luyện, Trung tâm thông tin Chỉ huy chữa cháy, các phương tiện, kỹ thuật công nghệ mới hiện đại; đề xuất các lĩnh vực, đối tượng cần hợp tác phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn trên địa bàn thành phố.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, thông qua Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân thành phố giao dự toán năm cho đơn vị thực hiện.
1. Căn cứ nội dung và nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, trong đó quy định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc. Định kỳ hàng năm các đơn vị tổ chức Sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy) trước ngày 15 tháng 11.
2. Giao Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố theo dõi, tổng hợp kết quả việc thực hiện nội dung kế họach này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2017 phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020
- 2 Kế hoạch 80/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/2012/QĐ-TTg và 44/2012/QĐ-TTg về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3 Quyết định 803/QĐ-UBND năm 2013 về đổi tên Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thành Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và kiện toàn Ban Chỉ đạo do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 4 Chỉ thị 17/2010/CT-UBND tăng cường chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 5 Chỉ thị 08/2008/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2008 - 2009 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 6 Chỉ thị 19/2007/CT-UBND tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô năm 2007 - 2008 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 7 Chỉ thị 41/2006/CT-UBND tiếp tục triển khai thực hiện luật phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 8 Nghị định 130/2006/NĐ-CP qui định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
- 9 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 1 Chỉ thị 19/2007/CT-UBND tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô năm 2007 - 2008 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 2 Quyết định 803/QĐ-UBND năm 2013 về đổi tên Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thành Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và kiện toàn Ban Chỉ đạo do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 3 Chỉ thị 17/2010/CT-UBND tăng cường chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 4 Kế hoạch 80/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/2012/QĐ-TTg và 44/2012/QĐ-TTg về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 5 Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2017 phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020