ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/KH-UBND | Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2007 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT CƯ TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Ngày 29/03/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Cư trú khi có hiệu lực pháp luật 01/07/2007. Để việc tổ chức thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả, phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời tạo tiền đề cơ bản, quan trọng trong việc xây dựng đề án quản lý dân cư của Thành phố, UBND Thành phố triển khai Kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Quán triệt, triển khai nghiêm túc Luật Cư trú, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động quản lý của các ngành, các cấp chính quyền, làm cho mọi công dân nắm vững và chấp hành đúng quy định của Luật Cư trú.
2. Các biện pháp triển khai thực hiện Luật Cư trú phải thiết thực hiệu quả, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự ATXH ở Thủ đô, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của công dân và các cơ quan quản lý cư trú.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú với mục tiêu: Phục vụ người dân nhanh nhất, thuận tiện nhất, không để phát sinh tiêu cực hoặc lạm dụng sổ hộ khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác quản lý, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cư trú, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cư trú của các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện Đề án quản lý dân cư.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI:
1. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn về Luật Cư trú:
- Tuyên truyển phổ biến sâu rộng về Luật Cư trú, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Công an, các điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú tạm vắng, thông báo lưu trú, quyền và nghĩa vụ của công dân và các cơ quan quản lý cư trú tới các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lưu trú và toàn thể nhân dân Thủ đô để mọi người tự giác thực hiện.
- Hình thức tuyên truyền: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Website điện tử, họp tổ dân phố, tổ đội sản xuất, niêm yết tại các trụ sở tiếp dân đăng ký hộ khẩu. Tổ chức nghiên cứu, tập huấn cho các lực lượng Công an làm công tác quản lý cư trú và cán bộ của các ngành khác có liên quan đến quản lý cư trú.
- Công an Thành phố nghiên cứu lập trang thông tin điện tử (Website) để công khai các điều kiện thủ tục hồ sơ, hướng dẫn biểu mẫu, lịch, địa điểm tiếp dân.
2. Củng cố, hoàn thiện tổ chức, cải tiến lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ làm công tác đăng lý, quản lý cư trú.
- CATP bổ sung đủ về số lượng, cán bộ làm công tác đăng ký cư trú có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có văn hóa ứng xử, có tinh thần ý thức phục vụ nhân dân.
- Cải tiến phương pháp làm việc, các trình tự thủ tục đăng ký thường trú tạm trú phải kịp thời, chính xác công khai, minh bạch, không gây phiền hà, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú.
- Củng cố lực lượng Công an làm công tác quản lý cư trú ở cơ sở (CSKV, CAPT xã) bổ sung cán bộ phụ trách địa bàn hiện còn thiếu.
- Bồi dưỡng cán bộ cơ sở (bảo vệ dân phố, dân phòng, CA xã …) làm tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng.
- Thời gian thực hiện: Trong quý III/2007
3. Tổ chức đăng ký hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú.
- Đảm bảo mọi công dân cư trú trên địa bàn Thủ đô phải được đăng ký hộ khẩu dưới các hình thức: thường trú, tạm trú, tạm vắng, thông báo lưu trú.
- Đăng ký thường trú phải căn cứ vào các điều kiện Luật quy định. Tuy nhiên địa bàn Thủ đô có đặc thù riêng, Hà Nội tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, dạy nghề, người lao động tự do vì vậy khi đăng ký thường trú cho học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh vào nhà thuê, mượn, ở nhờ phải kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh hộ khẩu danh nghĩa, KT2 hoặc xảy ra mâu thuẫn tranh chấp gây phức tạp.
- Đăng ký tạm trú, lưu trú phải nâng cao hiệu quả, phát huy tính tự giác của các hộ gia đình, các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tỉnh ngoài, cơ sở kinh doanh lưu trú, nâng cao trách nhiệm của UBND Phường, Xã, Thị trấn và lực lượng Công an cơ sở.
- Thời gian thực hiện: bắt đầu thực hiện từ 01/7/2007.
4. Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho các hoạt động đăng ký quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Chỉnh trang các trụ sở tiếp công dân đăng ký hộ khẩu ở Công an Thành phố, Công an quận, huyện đảm bảo khang trang, văn minh lịch sự, có đủ diện tích, bàn ghế, phương tiện làm việc.
- Củng cố các điểm khai báo tạm trú tạm vắng ở các cụm dân cư, thôn, xóm đội sản xuất, có đủ các điều kiện, phương tiện làm việc. Các khu dân cư, đô thị mới, khu vực tái định cư phải lập các trụ sở khai báo tạm trú, tạm vắng.
- Trang bị đủ các điều kiện phương tiện làm việc, hồ sơ sổ sách phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú.
- Từng bước triển khai đề án quản lý dữ liệu dân cư trên máy tính.
- Hoàn chỉnh đề án quản lý tăng dân số cơ học của Thành phố.
- Thời gian thực hiện: Trong quý III/2007
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Công an Thành phố: Tổ chức đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng. Rà soát, sửa đổi, đề nghị bãi bỏ các văn bản quy định trước đây trái với Luật Cư trú và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí sửa chữa, nâng cấp trụ sở tiếp dân đến đăng ký hộ khẩu, trụ sở khai báo tạm trú, phương tiện làm việc phục vụ quản lý lưu trú; báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
- Rút kinh nghiệm thí điểm ở quận Thanh Xuân, hoàn chỉnh dự án quản lý dữ liệu dân cư trên máy tính để triển khai toàn Thành phố (Dự án đã được duyệt).
- Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất, Sở Quy hoạch, kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Chi cục Thống kê, Ủy ban dân số gia đình và trẻ em hoàn thành đề án quản lý dân cư, trình UBND Thành phố duyệt.
2. Sở Quy hoạch, kiến trúc: Khi công bố quy hoạch cần gửi tài liệu cho Công an Thành phố để biết; Các chủ đầu tư Khu đô thị mới, khu chung cư có trách nhiệm bàn giao sớm cho UBND quận, huyện quản lý, bố trí người đến ở và thông báo cho Công an Thành phố.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Xây dựng quy chế quản lý người lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, người lao động tự do, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
4. Sở Tư pháp: Hướng dẫn UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các Phòng Công chứng nhà nước, Văn phòng Công chứng tư nhân thực hiện đúng quy định về việc cấp lại, đính chính các giấy tờ về hộ tịch, công chứng, chứng thực các giấy tờ mua bán, chuyển nhượng nhà đất, xác nhận giấy tờ cho thuê, mượn, ở nhờ nhà …
- Phối hợp với Công an thành phố biên tập tài liệu, tổ chức tuyên truyền Luật Cư trú đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
5. Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố: Phối hợp với Công an Thành phố hướng dẫn các đơn vị Công an, quân đội có trụ sở trên địa bàn Hà Nội tiến hành thủ tục đăng ký cư trú theo quy định cho cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân nghĩa vụ, công nhân viên quốc phòng công tác tại đơn vị.
6. UBND các quận, huyện: Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện một số công tác sau:
- Xác nhận tình trạng nhà (mua bán, cho thuê, ở nhờ, mượn có mẫu xác nhận kèm theo) cho công dân, kể cả người tỉnh ngoài để phục vụ đăng ký cư trú.
- Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà cho thuê trọ, thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, quy định cam kết về ANTT, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Huy động các ngành, đoàn thể, tổ dân phố tham gia công tác quản lý cư trú, hướng dẫn đôn đốc nhân dân thực hiện việc đăng ký cư trú, tạm trú.
7. Giao Công an Thành phố chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tổng hợp tình hình thực hiện, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật cư trú, định kỳ hàng quý báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo giải quyết.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |