Hệ thống pháp luật

Kết hôn đồng giới là gì? Việt Nam có công nhận kết hôn đồng giới không?

Ngày gửi: 29/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39945

Câu hỏi:

Kết hôn đồng giới là gì? Việt Nam có công nhận kết hôn đồng giới không? Trình tự, thủ tục thực hiện kết hôn đồng giới tại Việt Nam?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Hiện nay, kết hôn đồng giới không còn là vấn đề quá xa lạ trong xã hội hiện đại ngày nay tuy nhiên, việc công nhân quan hệ kết hôn đồng giới ở Việt Nam vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Những quy định trước luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành đã cấm hành vi kết hôn đồng giới và có những chế tài xử phạt hành vi này. Sau đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bãi bỏ quy định cấm này nhưng cũng không công nhận quan hệ hôn nhân này. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Nhà nước đã thừa nhận quan hệ kết hôn đồng giới.

Dưới góc độ quyền con người, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có những bước phát triển so với các quy định trước đây. bài viết dưới đây, Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam sẽ giới thiệu đến quý khách hàng các quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề kết hôn đồng giới

1. Căn cứ pháp lý

Luật hôn nhân và gia đình 2014

2. Nội dung tư vấn

1. Hôn nhân đồng giới là gì?

Để hiểu về hôn nhân đồng giới, trước hết chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn về những người đồng giới (đồng tính). Đồng giới không phải là một loại bệnh như định kiến của nhiều người. Đây là xu hướng tình dục, xu hướng tình yêu, bị chi phối bởi tâm lý và cấu tạo sinh lý của cơ thể con người mà họ không thể lựa chọn khác được. Những người đồng tính cũng như những người bình thường khác về mặt thể chất, tinh thần, chỉ khác về xu hướng tình dục.

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng giới. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.

2. Thực trạng hiện nay về hôn nhân đồng giới

Những người đồng tính là một bộ phận nằm trong cộng đồng LGBT: đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), song tính (thích của hai giới nam và nữ), chuyển giới (là người có sinh ra có cảm nhận về tâm hồn thể xác trái ngược với giới tính sinh học của mình). Tính đến nay trên thế giới đã có 26 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân giữa người cùng giới tính. Họ có thể kết hôn hợp pháp với nhau và được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan như các cặp vợ chồng khác. Ở khu vực châu Á, vào năm 2017, Quốc hội Đài Loan trở thành cơ quan đầu tiên đồng ý hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Những người đồng tính được công nhận, được có các quyền và nghĩa vụ pháp lý, được pháp luật bảo vệ như các cặp vợ chồng thông thường.

Ở Việt Nam hiện chưa có một cuộc nghiên cứu chính thức nào về giới tính mà đặc biệt là thống kê những người đồng tính nam và đồng tính nữ. Theo một thống kê chưa chính thức từ tổ chức phi chính phủ CARE ước tính đến năm 2012 thì Việt Nam có khoảng từ 50.000 – 125.000 người đồng tính. Hiện nay là năm 2020 thì những con số này đã tăng lên rất nhiều, một phần là do xã hội đã cởi mở và ít kỳ thị hơn nên những người đồng tính công khai ngày càng nhiều hơn. Số lượng các cặp đôi công khai hôn nhân đồng tính của mình ngày càng tăng. Nước ta cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn về cuộc sống hôn nhân giữa họ bởi họ thực sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, là những người có ích cho xã hội.

3. Quy định của pháp luật về hôn nhân đồng giới

 Cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của toàn xã hội về vấn đề kết hôn đồng giới. Hiện nay, nước ta đã có cái nhìn cởi mở hơn về những người đồng tính cũng như hôn nhân giữa họ. Điều này đã được thể hiện trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành. Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định hôn nhân đồng giới thuộc vào các trường hợp bị cấm kết hôn. Tại khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định:

– Đây là một điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Quy định này đã mở ra cơ hội được “kết hôn” cho Cộng đồng LGBT tại Việt Nam, tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa về mặt thực tế nhưng không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Bởi lẽ, nếu không được Nhà nước thừa nhận thì cuộc hôn nhân đó sẽ không được pháp luật bảo vệ trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Vậy Cộng đồng LGBT Việt Nam nên mừng hay lo khi cuộc hôn nhân của họ không được pháp luật bảo vệ!

 Thứ nhất, về quan hệ nhân thân, giữa họ sẽ không có một ràng buộc nào về mặt pháp lý. Tất nhiên, quan hệ giữa họ không được gọi là quan hệ vợ chồng cho nên sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng. Họ sẽ không được cấp “giấy đăng ký kết hôn”. Điều này đặt ra câu hỏi, đứa con do họ nhận nuôi sẽ được cấp giấy khai sinh như thế nào? Vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngõ vì không xác định được cha và mẹ.

Thứ hai, về quan hệ tài sản, giữa họ cũng sẽ không có “chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân”. Tức là quan hệ tài sản giữa họ “trong thời kỳ hôn nhân” không được pháp luật bảo vệ. Như vậy, nếu có phát sinh tranh chấp, tài sản giữa họ sẽ được giải quyết theo Bộ luật dân sự.

– Một vấn đề được đặt ra, khi mà Bộ luật dân sự 2015 cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính thì liệu rằng cuộc hôn nhân hợp pháp của vợ chồng khi một trong hai người (vợ hoặc chồng) chuyển giới có còn hợp pháp hay không?

Thứ nhất, chúng ta cần xác định nếu trường hợp vợ hoặc chồng sau khi chuyển giới thì cuộc hôn nhân đó sẽ trở thành hôn nhân đồng giới.

Thứ hai, căn cứ vào Khoản 2, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hai người này đã vi phạm điều kiện kết hôn. Do đó, đây thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật theo Khoản 6, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.”

Việc xử lý và hậu quả pháp lý của việc xử lý kết hôn trái pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

3. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Điều 12: Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này”.

4. Có nên công nhận kết hôn đồng giới tại Việt Nam?

Quyền kết hôn được xem là một quyền thiêng liêng trong đời sống của mỗi cá nhân. Gắn với quyền này, một gia đình sẽ được hình thành, gắn kết với nhau bằng tình cảm, san sẻ giữa những thành viên trong gia đình. Do vậy, bảo vệ quyền của người đồng tính sẽ đảm bảo được giá trị xã hội của pháp luật, hướng đến tính công bằng – mục tiêu cao cả của pháp luật.

Một số quan điểm cũng lo ngại hôn nhân cùng giới sẽ ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Tuy nhiên, quan ngại này thực sự không hoàn toàn đúng đắn, ngược lại, hôn nhân cùng giới tốt cho gia đình và xã hội. Thực tế ở các nước thừa nhận quan hệ đồng giới như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy… đã chứng minh điều này. Hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến quan niệm xã hội về tầm quan trọng của hôn nhân truyền thống. Hôn nhân đồng giới có tính bình đẳng tương đối cao vì hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới.

Hiện nay, nhu cầu công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam là rất lớn. Các cặp đôi đồng tính tại nước ta đều kỳ vọng rằng pháp luật Việt Nam cho phép kết hôn đồng giới như 26 quốc gia khác trên thế giới. Những người trong cộng đồng LGBT đều khao khát được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên để Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng giới thì cần rất nhiều thời gian. Bản thân nước ta là nước có nền văn hóa Á Đông, nếu thừa nhận có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng duy trì nòi giống của gia đình. Hiện tại, mọi người tuy đã có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn về cộng đồng LGBT nhưng để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì lại là một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng.

Dưới góc độ pháp lý, nếu thừa nhận hôn nhân đồng giới thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, như xác định quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ con. Cùng với đó là các vấn đề sửa đổi hộ tịch sẽ phát sinh, gây ra việc khó khăn trong việc thực thi, quản lý.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn