Hệ thống pháp luật

Kết hôn trái pháp luật do bị lừa dối là gì? Hủy kết hôn do lừa dối?

Ngày gửi: 31/10/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL35839

Câu hỏi:

Trước khi cưới, vợ em biết mình bị đồng tính, nhưng cố tình lừa dối để xây dựng gia đình với em. Cô ấy sẽ bị xử lý như thế nào? Thứ hai, vợ em tự ý ra tòa làm đơn ly hôn, dùng tiền chung của hai người để thuê luật sư. Như vậy vợ em sẽ bị xử lý như thế nào? 2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ điểm b) Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các hành vi cấm trong hôn nhân và gia đình như sau:

“2. Cấm các hành vi sau đây:

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;”

Theo quy định pháp luật hiện hành chỉ có định nghĩa chung về sự lừa dối, được ghi nhận tại Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015. và được áp dụng cho tất cả các giao dịch dân sự, không có định nghĩa riêng về sự lừa dối trong hôn nhân: Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Có thể hiểu rằng, lừa dối trong hôn nhân là việc một bên cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch để bên kia chấp nhận xác lập giao dịch kết hôn.

Định nghĩa này rất chung chung và khó áp dụng. Chẳng hạn, A muốn kết hôn với B; C cố ý làm cho A nhầm tưởng rằng mình là B; cuối cùng, A kết hôn với C mà cứ ngỡ rằng đã kết hôn với B. Trong giả thiết vừa nêu, A có thể yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Cũng có thể xin thể huỷ hôn nhân do có sự lừa dối, nếu người đàn ông đề nghị cưới người đàn bà để làm vợ, cuối cùng lại cư xử với người đàn bà như một người giúp việc nhà.

Thế nhưng, nếu A muốn kết hôn với B vì tin rằng B giàu có và B cũng cố ý làm ra vẻ giàu có (dù thực ra rất nghèo) để A chấp nhận kết hôn với mình, thì khó có thể nói rằng A có quyền yêu cầu huỷ hôn nhân do có sự lừa dối. Càng không thể xin hủy hôn nhân do có sự lừa dối, nếu A tin rằng B là một chàng trai tơ và B cũng cố tình làm ra vẻ như vậy, dù trên thực tế, B đã có một (thậm chí nhiều) đời vợ.

Toà án nhân dân tối cao cũng không xây dựng khái niệm lừa dối trong hôn nhân mà chỉ cho một số ví dụ gọi là lừa dối như tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, một bên nói với bên kia rằng nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp, sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; một bên không có khả năng sinh lý nhưng cố tình giấu; biết mình bị nhiễm HIV nhưng cố tình giấu;…

Như vậy, đối với trường hợp này của vợ bạn nếu vợ bạn không có khả năng sinh lý (Đồng tính có thể không có khả năng sinh) thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn đang sinh sống để hủy việc kết hôn theo quy định tại Điều 10, Luật hôn nhân và gia đình 2014.

”1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Vậy bạn có quyền làm đơn yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn đang sinh sống.

Đối với việc vợ bạn tự ý lấy tài sản chung đi thuê luật sư, khi ra Tòa bạn phải chứng minh được tài sản này là tài sản chung của hai vợ chồng thì Tòa án sẽ chia đôi tài sản chung cho hai vợ chồng, mỗi người một nửa.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn