Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 03-KL/TW

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016

 

KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 290 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X VỀ “QUY CHẾ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ”

Tại phiên họp ngày 23-3-2016, sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-02-2010 của Bộ Chính trị khóa X “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Ban Bí thư đã thảo luận và khẳng định Quyết định số 290 của Bộ Chính trị là quyết định đúng đắn, vẫn còn nguyên giá trị, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải tiếp tục thực hiện tốt; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

1- Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” (dưới đây gọi là Quy chế) bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có chuyển biến. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận từ Trung ương đến cơ sở được tăng cường. Nội dung công tác dân vận và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được xác định rõ hơn. Công tác cán bộ của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm hơn.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có tiến bộ; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; chú trọng việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề khó khăn, bức xúc nảy sinh; nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận và phong cách, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, quan hệ với nhân dân có chuyển biến nhất định; sự phối hợp trong công tác dân vận giữa các ngành, lực lượng vũ trang với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chặt chẽ hơn; các phong trào thi đua yêu nước gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở và xây dựng điển hình "Dân vận khéo" đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế chưa nghiêm, chưa đồng bộ; nhiều nội dung trong Quy chế chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" chưa được quán triệt thường xuyên và thực hiện tốt. Việc tổ chức lấy ý kiến, đóng góp ý kiến, tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đối với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ cơ bản của công dân thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế. Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa thật sự đồng bộ, tình trạng quan liêu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá và việc thông tin, báo cáo của một số địa phương, đơn vị về thực hiện Quy chế vẫn còn hình thức. Triển khai thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn lúng túng.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy đảng, người đứng đầu ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến dân vận và công tác dân vận. Một số nội dung của Quy chế và các văn bản của Trung ương về công tác dân vận chưa được thể chế hóa kịp thời thành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, đồng bộ. Việc phân công cán bộ phụ trách dân vận và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế ở một số cơ quan nhà nước các cấp còn hạn chế. Một số ban dân vận các cấp chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy các chủ trương, giải pháp để tổ chức thực hiện Quy chế. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch..., đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp, tác động tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Quy chế.

2- Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

2.1- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện có hiệu quả Quy chế và các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy chế công tác dân vận phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; phân công trách nhiệm cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị quán triệt sâu sắc, nắm vững và gương mẫu thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận; hướng các hoạt động về cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; tham gia cùng chính quyền giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Mọi đảng viên đều phải thực hiện tốt nhiệm vụ công tác vận động quần chúng theo quy định Điều lệ Đảng; chủ động báo cáo với chi ủy, chi bộ về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến nhân dân nơi cư trú và nơi làm việc.

2.2- Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước; tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 114, ngày 14-7-2014 của Ban Bí thư về "Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp". Thể chế hóa, cụ thể hóa Quy chế thành các văn bản, quy định để thực hiện trong hệ thống cơ quan nhà nước. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đối mới hoạt động quản lý điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân. Xây dựng và thực hiện các thiết chế tăng cường công tác dân vận; đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách và cán bộ tham mưu về công tác dân vận. Tăng cường, đổi mới công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước; bồi dưỡng nghiệp vụ dân vận cho cán bộ tham mưu về công tác dân vận của bộ, ngành, cơ quan.

2.3- Các cơ quan, tổ chức đảng ở Trung ương nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách về công tác dân vận; nâng cao chất lượng theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân để giúp Trung ương đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... để có chủ trương, chính sách phù hợp. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương với các cơ quan ở Trung ương, giữa ban dân vận cấp ủy với chính quyền và các cơ quan, ban, ngành cùng cấp trong việc xây dựng và thẩm định các đề án, dự án luật liên quan đến công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

2.4- Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên mọi lĩnh vực gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

2.5- Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy chế. Ban Dân vận Trung ương thực hiện tốt việc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ủy đảng kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận và Quy chế này.

3- Tổ chức thực hiện

- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thể chế hóa thành các quy định của pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo chủ trương, nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu để sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan chính quyền các cấp trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21-9-2000); chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Quy chế này theo quy định.

- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, căn cứ nội dung Kết luận này, cụ thể hóa thành chương trình công tác của cấp ủy, chỉ đạo triển khai, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư qua Ban Dân vận Trung ương.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác dân vận. Các học viện, trường chính trị bổ sung nội dung dân vận, công tác dân vận vào chương trình, bài giảng cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện.

Kết luận này phổ biến đến chi bộ.

 


Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Đinh Thế Huynh