Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 23-KL/TW

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2012

 

KẾT LUẬN

HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XI VỀ “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI, TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CẢI CÁCH ĐẾN NĂM 2020”

Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành với Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ “Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; đồng thời khẳng định, nhấn mạnh một số nội dung sau:

I- VỀ TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Qua gần 10 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo các Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 (khoá IX) và Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Chính sách tiền lương chưa động viên được cán bộ, công chức, người lao động gắn bó, tận tâm với công việc. Mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Quan hệ tiền lương hiện hành vẫn mang tính bình quân và thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương trên thị trường. Hệ thống thang, bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn phức tạp và lạc hậu. Việc nâng bậc, nâng ngạch chưa theo yêu cầu của vị trí việc làm, chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc mở rộng đối tượng và số lượng các loại phụ cấp đã tạo ra bất hợp lý trong tương quan chung. Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập hiện còn nhiều bất cập. Tiền lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra sự bất hợp lý với người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ, công chức.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tuy có tăng nhưng còn thấp so với số người trong độ tuổi lao động. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tuy đã được điều chỉnh tăng nhanh hơn tiền lương tối thiểu, nhưng đời sống người có công vẫn thấp so với mức bình quân chung của xã hội. Đời sống của một bộ phận người có công còn khó khăn.

2- Những hạn chế, yếu kém trên đây có nguyên nhân khách quan là do đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách tăng nhanh, trong khi khả năng của nền kinh tế không đáp ứng kịp, nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do chậm cụ thể hoá quan điểm chi tiền lương là chi cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và minh bạch hoá các quan hệ xã hội; chưa tìm được giải pháp đột phá trong việc tạo nguồn bảo đảm cho cải cách tiền lương. Chưa quản lý tốt các nguồn thu nhập ngoài lương; chưa thực sự gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tái cấu trúc nền tài chính công, tái cấu trúc đơn vị sự nghiệp công và doanh nghiệp nhà nước.

II- VỀ QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG ĐẾN NĂM 2020

1- Quan điểm

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo đã được nêu tại các Kết luận Hội nghị Trung ương 8 (khoá IX) và Hội nghị Trung ương 6 (khoá X); đồng thời nhấn mạnh:

 - Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công là vấn đề lớn, rất quan trọng và có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến đời sống của người hưởng lương, người nghỉ hưu và người có công. Xác định đúng và làm tốt vấn đề này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.

- Cải cách chính sách tiền lương phải có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là đối với khu vực hành chính và sự nghiệp công; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư công, kể cả đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước; kiểm soát chặt chẽ và phấn đấu giảm đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước; thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ; quản lý chặt chẽ biên chế gắn với cải cách hành chính, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

- Nhà nước bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Mở rộng đối tượng và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.

2- Định hướng cải cách

2.1- Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. Điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu.

2.2- Nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương tối thiểu - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường; trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp.

2.3- Áp dụng một bảng lương chung, thực hiện chính sách đặc thù ngành nghề bằng chế độ phụ cấp; nghiên cứu, mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp.

2.4- Rà soát, xác định rõ các ngành nghề đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ).

2.5- Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Đối với khu vực hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế, khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính; khẩn trương nghiên cứu chuyển những khoản thu nhập ổn định thành lương. Đối với khu vực sự nghiệp công, cần đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị, có phân biệt từng loại đơn vị theo Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá X); thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị và người đứng đầu.

2.6- Xác định khung tiền lương cơ bản có khống chế mức lương tối đa đối với viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn; quản lý chặt chi trả lương và các khoản thu nhập ngoài lương của doanh nghiệp.

2.7- Về tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ sở, tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), qua đó, nghiên cứu đề ra giải pháp tổng thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, trình Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) (tháng 5-2013). Trước mắt, nghiên cứu xử lý một số bất hợp lý của chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

2.8- Về bảo hiểm xã hội, nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.

Về trợ cấp ưu đãi người có công, nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công để chính sách người có công thực sự là chính sách ưu đãi của Nhà nước, đồng thời bảo đảm tương quan hợp lý về chính sách giữa những người có công; đơn giản hoá thủ tục hành chính và có biện pháp khắc phục được những tiêu cực trong việc xác nhận và thực hiện chính sách người có công.

2.9- Về giải pháp tạo nguồn

a) Thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước để tạo nguồn cải cách tiền lương theo hướng ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chi trả lương cho khu vực hành chính, lực lượng vũ trang, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thực hiện tiết kiệm tối đa để tạo thêm nguồn thực hiện chính sách tiền lương.

b) Đối với khu vực sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hoá, giao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, biên chế và tiền lương cho các đơn vị, có lộ trình thích hợp từng bước tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của người dân theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) và Kết luận của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở quan điểm và định hướng trên đây, Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ:

1- Trong năm 2012 và năm 2013, tiếp tục thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khoá X); khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục các bất hợp lý trong chính sách tiền lương hiện hành, như: Tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu; chưa bổ sung thêm các loại phụ cấp theo ngành, nghề; sửa đổi chế độ nâng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; xử lý một số bất hợp lý của chế độ phụ cấp, trên cơ sở đó thực hiện khoán số lượng chức danh và quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; sửa đổi cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công; sửa đổi cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng tiền lương, phụ cấp không gắn với kết quả sản xuất, kinh doanh, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động. Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cùng với mức tăng và thời điểm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức...

2- Khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020 để trình Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI).

 

 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ




Nguyễn Phú Trọng