Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 42-KL/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2009

 

KẾT LUẬN

VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP Y TẾ CÔNG LẬP

Tại phiên họp ngày 05 tháng 02 năm 2009, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khoá X đã nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ trình bày Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (Tờ trình số 251/TTr-BCS ngày 12/11/2008 của Ban cán sự đảng Chính phủ) và ý kiến của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

I- Về tình hình thực hiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của ngành y tế giai đoạn 2001 - 2008

1 - Bộ Chính trị thống nhất với những đánh giá về kết quả hoạt động của ngành y tế trong thời gian qua, hệ thống y tế ngày càng được củng cố và phát triển, mạng lưới bệnh viện, các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở từng bước được mở rộng; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế đã có nhiều tiến bộ; đặc biệt y tế cơ sở đã được củng cố và từng bước hoàn thiện; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người nghèo, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, bà mẹ, trẻ em được chú trọng thích đáng. Nhìn chung công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã đạt được một số thành tựu quan trọng: tuổi thọ trung bình của người dân, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ chết của trẻ em dưới 1 tuổi trong 1000 trẻ đẻ ra sống, tỷ lệ mẹ chết... được cải thiện rõ rệt, một số mục tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu thiên niên kỷ đề ra trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm đổi mới, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành y tế còn chậm đổi mới và còn lúng túng cả về nhận thức và xây dựng cơ chế hoạt động, đặc biệt là cơ chế tài chính, nên chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị y tế cũng như của cán bộ y tế; chưa huy động đầy đủ nguồn lực xã hội để vừa thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển hệ thống y tế trong nền kinh tế thị trường.

II - Về quan điểm

Bộ Chính trị tán thành các quan điểm, mục tiêu nêu trong Đề án, đồng thời nhấn mạnh:

1. Hệ thống y tế công lập phải giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt trong việc giữ vững định hướng công bằng hiệu quả, phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, hệ thống y tế công lập phải được tiếp tục được mở rộng và phát triển. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư, phát triển bệnh viện công, đổi mới cơ chế hoạt động của các bệnh viện công để hoạt động ngày càng năng động, hiệu quả. Không cổ phần hoá bệnh viện công lập hiện có; khuyến khích xã hội hoá, xây dựng và thành lập mới bệnh viện cổ phần, bệnh viện liên doanh, cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư nhằm tăng thêm số lượng cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ sở dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, tăng khả năng lựa chọn của người dân đối với các dịch vụ y tế; vừa bảo đảm có đủ cơ sở cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến ban đầu.

2 - Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn Nghị quyết 46 – NQ/TW, ngày 23-02-2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12, ngày 03-6-2008 của kỳ họp thứ ba, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá VII) về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó bảo đảm tăng tỉ trọng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho sự nghiệp y tế với tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; đồng thời cơ cấu lại phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên bảo đảm cho vùng núi, vùng khó khăn, y tế dự phòng, y tế cơ sở, thông tin - truyền thông – giáo dục sức khoẻ, dân số - kế hoạch hoá gia đình vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên chi đầu tư phát triển để nâng cấp và hoàn thiện hệ thống y tế công lập và bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

3- Đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế. Nguồn tài chính công, gồm ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế phải là nguồn chính, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng chi xã hội cho y tế, giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hoạt động của các cơ sở khám và chữa bệnh tại các bệnh viện công lập; thông qua hình thức BHYT, Nhà nước đảm bảo kinh phí khám chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi..., và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo.

III. Về một số nội dung đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, Bộ Chính trị có ý kiến như sau:

1 - Trước mắt, Chính phủ ưu tiên chi từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA để đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống y tế công lập. Bảo đảm đủ ngân sách thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh lao, bệnh phong và bệnh tâm thần, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập thu hút các nguồn vốn đầu tư khác dưới hình thức vay vốn để nâng cấp trang thiết bị và hạ tầng cơ sở. Cần tổng kết và có kết luận về việc đầu tư dưới dạng góp vốn với mọi hình thức trong các cơ sở y tế công lập.

2 - Đồng ý dựa trên cơ sở kết quả thực hiện việc tự chủ sẽ tiến hành phân loại các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân loại các nhóm bệnh viện cho phù hợp. Trong quá trình tiến hành phân loại bệnh viện, cần kịp thời phát hiện và khắc phục các khuynh hướng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư dưới mọi hình thức, khắc phục những hạn chế do việc thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính trong ngành y tế. Việc áp dụng phân loại nhóm bệnh viện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là trong các đơn vị y tế thuộc các ngành công an, quân đội.

3 - Đồng ý về nguyên tắc xây dựng khung giá và giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và phần đóng góp của người dân trong giá dịch vụ, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh ở các vùng có mức thu nhập khác nhau, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, song cần có cơ chế, chính sách quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh sự lạm dụng kỹ thuật, dịch vụ y tế, thuốc men đối với người bệnh. Cần có những giải pháp cụ thể để khuyến khích các chuyên gia, thầy thuốc giỏi, đặc biệt là các cán bộ y tế giỏi đang công tác tại các vùng khó khăn, miền núi y tế cơ sở.

4 – Cho phép thực hiện chế độ phụ cấp hợp lý đối với cán bộ y tế theo nghề (trước mắt áp dụng tương đương như với người thầy giáo), theo vùng, miền, theo các chuyên ngành độc hại, nguy hiểm đối với sức khoẻ cán bộ y tế. Chính phủ căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế để quyết định mức cơ cấu chi phí công lao động vào giá dịch vụ y tế của các nhóm bệnh viên cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

5 - Việc thực hiện chính sách luân phiên cán bộ và thực hiện nghĩa vụ xã hội của cán bộ y tế đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và vùng khó khăn là cần thiết, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tiến tới luật hoá nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ y tế đối với vùng kinh tế xã hội khó khăn của đất nước; sớm thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.

6 - Đối với y tế địa phương, Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Các đơn vị chuyên môn về y tế ở địa phương được quản lý theo ngành”. Để thực hiện điều này, Chính phủ cần nghiên cứu tổ chức thí điểm, tổng kết để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp theo hướng giao cho cơ sở y tế tỉnh, thành phố thống nhất quản lý về chuyên môn, nhân lực và tài chính, y tế, bảo đảm cho việc điều động, tiết kiệm nguồn lực (gồm cán bộ y tế, cơ sở, trang thiết bị, tài chính) tại địa phương phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm và các mục tiêu ưu tiên, đặc biệt huy động và phối hợp được các lực lượng trong trường hợp phòng chống dịch bệnh, khắc phục thảm hoạ, thiên tai và bảo đảm sự điều hành có hiệu quả các nguồn tài chính, nhân lực đầu tư cho y tế, đi đôi với việc tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế.

IV - Tổ chức thực hiện

1- Ban cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng và trình Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật cần thiết và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.

2- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

3- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc thể chế hoá những nội dung trong Kết luận này của Bộ Chính trị

4- Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và định kỳ báo cáo với Bộ Chính trị.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Tấn Sang