Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 53-KL/TW

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2012

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện chương trình công tác năm 2012, ngày 30-11-2012, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về Đề án "Phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020".

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ báo cáo về quá trình chuẩn bị Đề án, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tóm tắt Đề án và ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

1- Vị trí của tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế. Với bờ biển dài hơn 200 km, ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, là đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, được thiên nhiên ưu đãi, Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nhất là các ngành kinh tế, dịch vụ biển và du lịch. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, vừa có ý nghĩa về phát triển kinh tế, vừa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo quốc gia.

Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

2- Về kết quả phát triển tỉnh Khánh Hòa trong những năm gần đây

2.1- Trong giai đoạn 2005 - 2010 và sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tỉnh Khánh Hòa đã duy trì nhịp độ phát triển kinh tế khá trong nhiều năm liền; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch vụ 45,4%, công nghiệp 42,5%, nông nghiệp 12,05%. Các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2011 đạt 1.725 USD, tăng 2,01 lần năm 2006; thu ngân sách tăng khá, năm 2011 đạt 8.3 tỉ đồng, tăng 2,46 lần so với năm 2006, là một trong những địa phương có đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Khánh Hòa đã thực hiện tốt chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành nhiều mặt; quan hệ giữa Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ; nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất; uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân luôn được củng cố.

Bộ Chính trị hoan nghênh và biểu dương những cố gắng, thành tích đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua.

2.2- Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Khánh Hòa còn một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục:

- Kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; một số chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh triển khai chậm, hiệu quả thấp.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Quy hoạch đô thị, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường chưa theo kịp tốc độ phát triển, có mặt còn yếu kém.

- Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, công tác xã hội hóa các lĩnh vực này còn hạn chế.

- Trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp.

- Công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu kém; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Những hạn chế, yếu kém trên đây do những nguyên nhân chính sau:

- Công tác quy hoạch, đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư phát triển đô thị chưa đúng mức, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Khánh Hòa trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; thiếu nhất quán trong xây dựng chiến lược khai thác lợi thế của Khánh Hòa; chưa khai thác tốt nguồn lực cho phát triển.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Một số bộ, ngành Trung ương chưa quan tâm đúng mức cùng Khánh Hòa triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại địa phương.

- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cán bộ lãnh đạo có trình độ chuyên môn sâu còn hạn chế.

3- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

3.1- Bộ Chính trị đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước; có quốc phòng, an ninh vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

3.2- Để thực hiện phương hướng và mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển tỉnh theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch và phát triển các đô thị trong tỉnh bảo đảm có đầy đủ và đồng bộ hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải, không gây ô nhiễm, phát triển bền vững. Chủ động liên kết với các tỉnh lân cận để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, bảo đảm thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa giữ vai trò động lực.

- Phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, nhất là tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển; bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp giữa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu. Tập trung huy động các nguồn lực của địa phương và Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông (hàng không và hàng hải) nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, mở rộng hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đặc biệt là du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, xây dựng Nha Trang trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

- Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy hiệu quả các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng, phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, ngăn chặn và kịp thời làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

- Chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.

4- Về các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng Khánh Hòa trở thành tỉnh đô thị trực thuộc Trung ương và xây dựng đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong. Giao Ban cán sự đảng chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương cùng tỉnh Khánh Hòa thực hiện một số việc sau:

4.1- Khẩn trương xây dựng quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin và hạ tầng xã hội; quan tâm giải quyết tốt vấn đề môi trường; hình thành các đô thị vệ tinh kết nối với thành phố Nha Trang là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, thúc đẩy quá trình đô thị hóa toàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.

4.2- Tập trung đầu tư, sớm hoàn thành các dự án quan trọng, then chốt liên quan đến Khánh Hòa được đề cập trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02-8-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-01-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

4.3- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh có điều kiện xây dựng Đề án tổng thể về "Đặc khu hành chính - kinh tế" để trình cấp có thẩm quyền thông qua.

4.4- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng huyện đảo Trường Sa, phát triển cơ sở cung ứng vật tư, kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản xa bờ, đi biển dài ngày; cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm, y tế, giáo dục, văn hóa phục vụ dân cư trong huyện và ngư dân trên biển; từng bước mở rộng du lịch biển đảo tại Trường Sa và phát triển khu du lịch, điểm du lịch quốc gia tại Trường Sa.

4.5- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa để tỉnh có điều kiện phát huy tốt nhất các lợi thế sẵn có, đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra vào năm 2020, cụ thể:

- Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng thực hiện sớm việc chuyển đổi chức năng của các cảng biển tại khu vực thành phố Nha Trang, bảo đảm tại thành phố Nha Trang chỉ có cảng phục vụ tham quan, du lịch.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với tỉnh sớm xem xét việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng của tỉnh thành trường đại học đa ngành tại Khánh Hòa theo quy hoạch, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án đặc thù, quan trọng của tỉnh, nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị hóa tỉnh Khánh Hòa.

4.6- Việc tổ chức Đại hội thể thao bãi biển Châu Á năm 2016 phải bảo đảm tận dụng các cơ sở có sẵn, việc đầu tư mới cần được tính toán hiệu quả, sử dụng lâu dài sau Đại hội, tránh lãng phí.

Bộ Chính trị tin tưởng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng; phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Cương lĩnh và Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 do Đại hội XI của Đảng đề ra, tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh