Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2015

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM NHẬP KHẨU VÀ VIỆC KINH DOANH, SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ TẠI HÀ NỘI, THÁNG 12/2014 - 02/2015

Thực hiện Quyết định số 252/QĐ-TTrB ngày 12/12/2014 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhập khẩu; Thanh tra việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (SPDDDCTN) tại TP.Hà Nội, từ ngày 07/01/2015 đến ngày 05/02/2015, Đoàn đã thanh tra tại TP.Hà Nội.

Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 02/3/2015 của Trưởng đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Kết luận thanh tra như sau:

I. Thông tin chung về số cơ sở được thanh tra:

Đoàn đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 20 cơ sở là đối tượng thanh tra trên địa bàn Tp.Hà Nội, bao gồm:

+ 07 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: BV đa khoa Thanh Trì, Đông Anh, Chương Mỹ, Đức Giang, Hà Đông, Quốc tế Việt Pháp và Quốc tế VINMEC (thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, sử dụng các SPDDDCTN).

+ 06 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh các SPDDDCTN;

+ 07 cơ sở nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.

II. Kết quả thanh tra:

A. Kết quả thanh tra việc thực hiện các quy định trong sử dụng các SPDDDCTN tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Đoàn đã tiến hành thanh tra tại 07 cơ sở khám, chữa bệnh, bao gồm 02 Bệnh viện tư nhân và 05 Bệnh viện công lập thuộc tuyến huyện và thành phố.

Kết quả thanh tra ghi nhận:

1. Việc thực hiện 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM):

1.1 Những mặt tích cực:

- 07/07 bệnh viện có các bảng quy định 10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công và các bảng quy định NCBSM do bệnh viện ban hành treo ở hành lang các khoa, khu vực phòng khám.

- 07/07 bệnh viện đều có thông tin cho phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách thức thực hiện; việc tư vấn về lợi ích của việc NCBSM, cách thức thực hiện NCBSM được các y, bác sĩ thực hiện trong khi khám thai.

- 07/07 bệnh viện đã hướng dẫn và tư vấn cho các bà mẹ cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh.

- 07/07 Bệnh viện có chỉ dẫn và tư vấn trực tiếp cho các bà mẹ cách cho con bú và duy trì nguồn sữa ngay cả khi họ phải xa con.

- 07/07 Bệnh viện có hướng dẫn không cho trẻ sơ sinh ăn, uống bất cứ đồ ăn, thức uống gì khác ngoài sữa mẹ trừ khi có chỉ định của thầy thuốc và nhân viên y tế.

- 07/07 Bệnh viện đã thực hiện để con gần mẹ trong suốt 24 giờ trong ngày (trừ trường hợp phải tách mẹ theo yêu cầu điều trị hoặc mẹ mổ đẻ).

- 07/07 Bệnh viện đã tư vấn, hướng dẫn và khuyến khích các bà mẹ cho con bú theo nhu cầu.

- 07/07 bệnh viện đã huấn luyện cho các thầy thuốc và nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện những quy định về nuôi con bằng sữa mẹ.

1.2 Tồn tại, hạn chế:

- Có bệnh viện chưa cập nhật đầy đủ các quy định về điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ theo Nghị định số 21/2006/NĐ-CP của Chính phủ (Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ);

- Chưa thành lập Ban chỉ đạo NCBSM; Chưa ban hành văn bản quy định về NCBSM để phổ biến cho thầy thuốc và nhân viên y tế (BV đa khoa huyện Thanh Trì).

- Đã thực hiện việc huấn luyện cho các thầy thuốc và nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện những quy định về NCBSM nhưng chưa thường xuyên (BV đa khoa Hà Đông, Đông Anh, Chương Mỹ).

- Việc tư vấn về lợi ích của việc NCBSM có nơi còn hạn chế, tranh ảnh, tài liệu thông tin giáo dục truyền thông về NCBSM còn ít (Bệnh viện đa khoa Quốc tế VINMEC, Bệnh viện đa khoa Hà Đông) hoặc không có (Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì, Chương Mỹ).

- Hầu hết các bà mẹ mổ đẻ, việc thực hiện cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh còn hạn chế, thường ít nhất sau 02 giờ.

- Tại 07 bệnh viện được kiểm tra vẫn còn nhiều bà mẹ cho con ăn sữa bột bằng bình bú với núm vú giả hoặc một số bà mẹ cho con bú chưa đúng cách.

2. Việc thực hiện những điều không được làm đối với thầy thuốc và nhân viên y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh:

2.1 Những mặt tích cực:

Tại 07/07 Bệnh viện được thanh tra ghi nhận các bệnh viện đã cơ bản thực hiện tốt những điều không được làm đối với người đứng đầu và đối với thầy thuốc, nhân viên y tế.

2.2 Tồn tại, hạn chế:

Đối với bệnh viện nằm xen lẫn khu dân cư, việc quản lý đối với hộ kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ gặp khó khăn do tình trạng một số hộ kinh doanh bán sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ qua hàng rào của bệnh viện và việc này ngoài khả năng quản lý của bệnh viện như Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh.

B. Kết quả thanh tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP tại các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh các SPDDDCTN:

Đoàn đã tiến hành thanh tra tại 06 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, trong đó:

- 03 cơ sở nhập khẩu và phân phối sản phẩm: Công ty CP Sản xuất và XNK Đức Nam, Công ty TNHH Thương mại Vạn An và Công ty TNHH Xây dựng Việt Ý.

- 02 cơ sở phân phối sản phẩm: Công ty CP Dinh Dưỡng Tiên Tiến và Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Miền Bắc.

- 01 cửa hàng kinh doanh SPDDDCTN: Hộ kinh doanh Nghi Nga.

1. Những mặt tích cực đã đạt được:

- 05/06 cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có chức năng kinh doanh thực phẩm.

- 06/06 cơ sở đã thực hiện việc công bố sản phẩm đối và Giấy chứng nhận còn hiệu lực.

- 06/06 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh SPDDDCTN có lưu đầy đủ hồ sơ nhập khẩu, các lô hàng đã được cấp Giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu.

- 05/06 cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ sở trong kinh doanh và bảo quản SPDDDCTN.

2. Một số tồn tại:

- 04/06 cơ sở ghi nhãn SPDDDCTN, bình bú với núm vú giả chưa đầy đủ nội dung theo quy định, bao gồm: Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Đức Nam, Công ty TNHH Thương mại Vạn An và Công ty TNHH Xây dựng Việt Ý;

Hộ kinh doanh Nghi Nga, số 184 Tây Sơn, Quận Đống Đa, Hà Nội: Kinh doanh 03 SPDDDCTN và 02 sản phẩm bình bú và núm vú giả ghi nhãn chưa đầy đủ nội dung theo quy định.

- 01/06 cơ sở kho bảo quản chưa đảm bảo vệ sinh và bảo quản sản phẩm chưa đúng quy định (Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Đức Nam).

3. Về đánh giá chất lượng sản phẩm qua kiểm nghiệm mẫu: Đoàn đã lấy 03 mẫu SPDDDCTN của 02 cơ sở để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 02/03 mẫu có một số chỉ tiêu chưa hoàn toàn phù hợp với mức Công ty đã công bố.

C. Kết quả thanh tra tại các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm

Qua thanh tra tại 07 cơ sở bao gồm:

- 03 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm chức năng: Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội; Chi nhánh Công ty CP Liên minh tiêu dùng VN và Công ty TNHH Amkey Việt Nam.

- 04 cơ sở nhập khẩu rượu: Công ty TNHH thương mại DNT; Công ty cổ phần giao nhận kho vận Ngoại Thương; Công ty TNHH TM Tân Bình Minh và Công ty TNHH thương mại Xây dựng Việt Ý - nhập khẩu rượu và SPDDDCTN.

1. Những mặt tích cực đã đạt được:

- 03/03 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh TPCN đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp kinh doanh thực phẩm đã được xác nhận kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

- 07/07 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu đã thực hiện việc công bố sản phẩm và giấy chứng nhận còn hiệu lực.

- 07/07 cơ sở nhập khẩu thực phẩm hoặc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu có lưu đầy đủ hồ sơ nhập khẩu, các lô hàng đã được cấp Giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu.

- 04/07 cơ sở đảm bảo các quy định về vệ sinh cơ sở trong kinh doanh thực phẩm chức năng bảo quản sản phẩm sản phẩm.

2. Một số tồn tại:

- 04/04 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh rượu chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

- 01/03 cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm chức năng (Công ty TNHH Amkey Việt Nam) và 03/04 cơ sở nhập khẩu rượu (Công ty TNHH thương mại DNT, Công ty cổ phần giao nhận kho vận Ngoại Thương và Công ty TNHH thương mại Xây dựng Việt Ý) ghi nhãn sản phẩm chưa đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định.

- 03/07 cơ sở chưa đảm bảo các quy định về vệ sinh cơ sở trong bảo quản sản phẩm sản phẩm (Công ty TNHH Tân Bình Minh, Công ty cổ phần giao nhận kho vận Ngoại Thương và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Việt Ý).

3. Về đánh giá chất lượng sản phẩm qua kiểm nghiệm mẫu: Đoàn đã lấy 05 mẫu sản phẩm thực phẩm nhập khẩu của 03 cơ sở, trong đó có 03 mẫu thực phẩm chức năng và 02 mẫu rượu vang. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 05/05 mẫu sản phẩm phù hợp với mức các cơ sở đã công bố.

III. Kết luận:

1. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh:

07/07 Bệnh viện đã thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về sử dụng SPDDDCTN.

Tồn tại:

- 02 bệnh viện vẫn còn tình trạng một số bà mẹ cho con ăn sữa bột bằng bình bú với núm vú giả và cho con bú chưa đúng cách.

- Việc thực hiện cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh của các bà mẹ mổ đẻ còn hạn chế.

- Bảng quy định về nuôi con bằng sữa mẹ tại khu vực khám thai chưa cập nhật đầy đủ các thông tin theo quy định.

2. Đối với các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh SPDDDCTN:

Các cơ sở được thanh tra đã cơ bản thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong nhập khẩu, kinh doanh SPDDDCTN:

- 05/06 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- 06/06 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm trước khi lưu hành.

- 06/06 cơ sở thực hiện tốt việc kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu.

- 05/06 cơ sở thực hiện tốt các quy định điều kiện vệ sinh.

Tồn tại:

- 04/06 cơ sở còn vi phạm về ghi nhãn SPDDDCTN (vi phạm về nhãn còn phổ biến).

- 01/06 cơ sở bảo quản sản phẩm chưa đúng quy định.

3. Đối với các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu:

Các cơ sở đã cơ bản thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm nhập khẩu:

- 07/07 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn sản phẩm trước khi lưu hành.

- 07/07 cơ sở thực hiện đúng quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Tồn tại:

- 04/04 cơ sở nhập khẩu rượu chưa có GCN đủ điều kiện ATTP;

- 04/07 cơ sở vi phạm về ghi nhãn (vi phạm về nhãn còn phổ biến).

- 03/04 cơ sở nhập khẩu rượu bảo quản sản phẩm chưa đúng quy định.

IV. Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng:

Đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 cơ sở, tổng số tiền phạt 177.000.000đ (Một trăm bảy mươi bảy triệu đồng), cụ thể là:

- Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Đức Nam: Kinh doanh SPDDDCTN có nhãn ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, phạt tiền với mức phạt 25.000.000đ;

- Công ty TNHH thương mại DNT: Không thực hiện việc kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm; Kinh doanh thực phẩm có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; Phạt tiền với mức phạt 32.000.000đ đối với 02 hành vi vi phạm nêu trên.

- Công ty cổ phần giao nhận kho vận Ngoại Thương, Công ty TNHH TM Tân Bình Minh, Công ty TNHH thương mại Xây dựng Việt Ý và Công ty TNHH Thương mại Vạn An: Không thực hiện việc kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, phạt tiền mỗi cơ sở 25.000.000đ; Công ty TNHH Amkey Việt Nam phạt tiền với mức phạt 20.000.000đ.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra đã áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở vi phạm theo quy định và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế.

V. Kiến nghị:

1. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong kinh doanh, sử dụng các SPDDDCTN; Cập nhật các quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng SPDDDCTN, bình bú và vú ngậm nhân tạo, có hiệu lực từ 01/3/2015 và thực hiện theo đúng quy định.

- Tăng cường tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ cho con bú sữa mẹ sớm, đúng cách và bú mẹ hoàn toàn, không sử dụng bình bú với núm vú giả cho trẻ ăn.

- Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát tại bệnh viện việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, sử dụng các SPDDDCTN.

- Phối hợp với chính quyền địa phương từng bước có giải pháp ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh bán SPDDDCTN qua hàng rào của bệnh viện (Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh).

2. Đối với các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và thực phẩm nhập khẩu:

- Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn thanh tra chỉ ra trong quá trình thanh tra và thực hiện các quyết định xử lý vi phạm theo các quy định hiện hành, báo cáo kết quả thực hiện với Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 31/3/2015.

- Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng các SPDDDCTN và thực phẩm nhập khẩu.

- Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật có liên quan trong nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, trong sử dụng các SPDDDCTN và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; Thanh tra việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tại Tp.Hà Nội. Chánh Thanh tra Bộ Y tế giao Trưởng đoàn Thanh tra thông báo Kết luận thanh tra đến các đơn vị liên quan theo quy định.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (để b/c);
- Các đối tượng thanh tra (để t/h);
- Sở Y tế TP.Hà Nội (để p/h giám sát sau thanh tra);
- Cục ATTP, Vụ SKBMTE, Vụ Pháp chế (để p/h);
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: TTrB, Đoàn TTra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính