Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7556/KL-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2013

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH, ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI KHÁCH BẰNG Ô TÔ, HOẠT ĐỘNG CỦA BẾN XE KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ theo Quyết định 918/QĐ-BGTVT ngày 09/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, hoạt động của bến xe khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Xét Báo cáo kết quả thanh tra số 12/BC-ĐTTr ngày 28/6/2013 của Đoàn Thanh tra và báo cáo giải trình của Sở GTVT Quảng Ninh,

KẾT LUẬN:

Phần 1.

KẾT QUẢ THANH TRA

I. ĐỐI VỚI SỞ GTVT QUẢNG NINH

1. Kết quả đạt được

- Mở tuyến, công bố tuyến; chấp thuận, bổ sung xe khai thác tuyến: Sở GTVT Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là Sở) công bố 02 tuyến vận tải khách cố định (Cái Rồng - Sầm Sơn, Móng Cái - Yên Bái) và chấp thuận, bổ sung xe khai thác tuyến cho 29 đơn vị và 102 xe ô tô khách. Kiểm tra một số hồ sơ cho thấy, Sở thực hiện trình tự, thủ tục mở tuyến, công bố tuyến và chấp thuận, bổ sung xe khai thác tuyến cơ bản theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Cấp phép kinh doanh vận tải khách bằng ô tô; cấp, quản lý phù hiệu xe: Theo báo cáo, Sở đã cấp Giấy phép kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô cho 29 đơn vị vận tải khách tuyến cố định và 48 đơn vị vận tải khách bằng xe taxi. Tại thời điểm thanh tra, có 02 đơn vị vận tải taxi (Công ty TNHH Hùng Dương và Công ty TNHH TM&XD Đầm Hà) không có Giấy phép kinh doanh vận tải và 12 đơn vị vận tải taxi đã ngừng hoạt động. Kiểm tra một số hồ sơ cho thấy, Sở cấp Giấy phép cơ bản theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 91/2009/NĐ-CP và cấp mới phù hiệu cơ bản theo quy định tại Điều 42 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Thời gian biểu chạy xe: Sở đã xây dựng, công bố thời gian biểu chạy xe theo quy định tại Điều 16 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Quản lý, giám sát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT): Theo báo cáo, các phương tiện đã được lắp đặt TBGSHT theo quy định. Trước khi cấp, đổi phù hiệu, Sở có kiểm tra hoạt động của TBGSHT thông qua máy tính, đảm bảo TBGSHT hoạt động theo quy định mới được cấp, đổi phù hiệu.

- Công bố đưa bến xe khách vào khai thác: Theo báo cáo, Sở đã công bố đưa vào khai thác 16/16 bến xe khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: Năm 2012, Thanh tra Sở đã thanh tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định; Sở đã kiểm tra hoạt động của 46 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, qua kiểm tra đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động xe taxi trên địa bàn tỉnh. Năm 2012 và Quý I năm 2013, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 2.458 trường hợp vi phạm của xe khách tuyến cố định, thu 904.640.000 đồng; 167 trường hợp vi phạm của xe taxi, thu 119.410.000 đồng.

2. Các tồn tại:

- Chấp thuận, bổ sung xe khai thác tuyến: Sở không dựa trên hệ số có khách bình quân theo quy định tại khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 12 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT để làm căn cứ chấp thuận khai thác tuyến, bổ sung xe khai thác tuyến.

- Cấp phép kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, cấp phù hiệu xe: Trong một số hồ sơ cấp Giấy phép thiếu tài liệu hoặc nội dung tài liệu không đầy đủ; Sở cấp lại phù hiệu xe nhưng không có các báo cáo quy định tại khoản 1 Điều 41 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT; Sở không lưu trữ phù hiệu cũ trong thời gian 06 tháng.

- Xác nhận, thông báo việc đăng ký màu sơn, logo của đơn vị taxi: Sở chưa xác nhận, thông báo công khai việc đăng ký màu sơn, logo của các đơn vị vận tải khách bằng xe taxi theo quy định tại Điều 33 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Công bố đưa bến xe khách vào khai thác: Nhiều bến xe có một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chí của loại bến xe khi được Sở công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT (danh sách bến xe và tiêu chí bến xe đã được nêu cụ thể trong Biên bản thanh tra tại Sở).

- Kiểm tra, xử lý vi phạm: Kiểm tra 46 doanh nghiệp taxi năm 2012, Sở đã phát hiện một số vi phạm (như không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có bộ phận ATGT, đồng hồ tính tiền không kiểm định...), nhưng Sở không xử lý hoặc chỉ đạo xử lý vi phạm theo quy định.

II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ KINH DOANH BẾN XE

1. Kết quả đạt được

- Đảm bảo các điều kiện hoạt động của bến: Các bến xe đã được công bố đưa vào khai thác theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều tiêu chí của các bến xe phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT; kiểm tra các bến xe Bãi Cháy, Cửa Ông và Cẩm Phả, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong các bến xe được đảm bảo.

- hợp đồng với đơn vị vận tải khách tuyến cố định năm 2013: Công ty TNHH MTV bến tàu - bến xe Quảng Ninh (Công ty bến xe Quảng Ninh) đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xe ra vào bến với 149/149 đơn vị vận tải và Công ty CP Hồng Vân (Công ty Hồng Vân) đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xe ra vào bến với 18/23 đơn vị vận tải được phép hoạt động tại các bến xe.

- Quản lý hoạt động xe ra vào bến: Tại thời điểm kiểm tra, các bến xe có bố trí nhân viên kiểm soát xe ra vào bến, kiểm tra giấy tờ, điều kiện của xe trước khi xuất bến và đóng dấu sổ nhật trình chạy xe.

- Thực hiện chế độ báo cáo: Công ty bến xe Quảng Ninh đã thực hiện chế độ báo cáo cơ bản theo quy định; Công ty Hồng Vân có thực hiện một số báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT.

- Tổ chức các hoạt động kinh doanh tại bến: Các Công ty tổ chức kinh doanh tại bến xe theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT và thực hiện giá dịch vụ tại bến xe cơ bản theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên lịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT.

2. Các tồn tại

- Đảm bảo các tiêu chí theo loại bến xe được công bố: Nhiều bến xe có một số tiêu chí chưa đảm bảo theo loại bến xe được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT (danh sách bến xe và tiêu chí bến xe đã được nêu cụ thể trong Biên bản thanh tra tại từng đơn vị quản lý khai thác và kinh doanh bến xe).

- Ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định: Trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ xe ra vào bến quy định biện pháp xử lý vi phạm đơn vị vận tải bỏ từ 03 chuyến liên tục trở lên hoặc quy định nội dung về hủy bỏ chuyến (nốt) là không đúng thẩm quyền; Công ty Hồng Vân chưa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xe ra vào bến với 05/23 đơn vị vận tải được phép hoạt động tại bến của Công ty.

- Quản lý hoạt động xe ra vào bến: Một số bến xe của Công ty bến xe Quảng Ninh không ghi đủ các nội dung thuộc trách nhiệm của bến xe vào sổ nhật trình trong một số ngày theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT; có trường hợp phương tiện không vào bến xe Cẩm Phả đón trả khách nhưng vẫn được bến xe xác nhận vào sổ nhật trình.

- Thực hiện chế độ báo cáo: Các Công ty không báo cáo hệ số có khách bình quân trên tuyến của doanh nghiệp, HTX theo quy định tại điểm 1 khoản 1 điều 10 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT; Công ty bến xe Quảng Ninh báo cáo tháng không đúng mẫu theo Phụ lục 3 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT; Công ty Hồng Vân không thực hiện đủ báo cáo tháng theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT.

- Tổ chức các hoạt động kinh doanh tại bến xe: Các Công ty chưa kê khai giá dịch vụ cho thuê mặt bằng kinh doanh trong bến theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT; việc truy thu giá dịch vụ xe ra vào bến đối với các xe bỏ chuyến, bỏ nốt là không hợp lý, do các trường hợp này không sử dụng dịch vụ ra vào bến xe.

III. KẾT QUẢ THANH TRA TẠI CÁC ĐƠN VỊ KINH DOANH VẬN TẢI

1. Kết quả đạt được

- Giấy phép kinh doanh vận tải: Các đơn vị được thanh tra có giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT Quảng Ninh cấp.

- Điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải: Công ty TNHH Phúc Xuyên (Công ty Phúc Xuyên), Công ty Liên doanh vận chuyển khách Quảng Ninh (Công ty VCK Quảng Ninh), Công ty CP taxi Móng Cái (Công ty Taxi Móng Cái), Công ty CP Thương mại Vinashin Hạ Long (Công ty Vinashin Hạ Long), Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải Ka Long (HTX Ka Long), Hợp tác xã dịch vụ vận tải Sơn Hà (HTX Sơn Hà) và Hợp tác xã dịch vụ vận tải Thanh Sơn (HTX Thanh Sơn) có người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

- Nơi đỗ xe: Công ty Vinashin Hạ Long, Công ty Taxi Móng Cái, Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Ka Long, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Hồng Vân (HTX Hồng Vân) có nơi đỗ xe cơ bản đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

- Thiết bị giám sát hành trình: Theo báo cáo và kiểm tra xác suất hồ sơ, phương tiện vận tải khách tuyến cố định đã được lắp đặt TBGSHT; thiết bị lắp trên nhiều phương tiện cơ bản theo dõi, trích xuất được các thông tin tối thiểu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ-CP, và điểm 2.1.2 QCVN 31:2011/BGTVT.

- Quản lý phương tiện: Công ty Phúc Xuyên, Công ty Taxi Móng Cái, Công ty Vinashin Hạ Long, Doanh nghiệp tư nhân Tấn Khang (DNTN Tấn Khang), HTX Ka Long, HTX Thanh Sơn, Hợp tác xã Đông Nam (HTX Đông Nam) thực hiện quản lý, điều hành phương tiện của đơn vị để kinh doanh vận tải; Công ty Phúc Xuyên, DNTN Tấn Khang, Công ty Vinashin Hạ Long, Công ty Taxi Móng Cái, HTX Thanh Sơn, HTX Ka Long, HTX Đông Nam, HTX Sơn Hà thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hoặc theo dõi việc sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo điều kiện kỹ thuật phương tiện.

- Quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe:

Các đơn vị vận tải có ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP; có hồ sơ về tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải hành khách, ATGT cho nhân viên phục vụ trên xe, lái xe taxi theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP (trừ HTX Đông Nam).

Công ty Phúc Xuyên, DNTN Tấn Khang, Công ty Vinashin Hạ Long, Công ty Taxi Móng Cái, HTX Ka Long quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để kinh doanh vận tải; HTX Thanh Sơn quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đối với các xe có đăng ký mang tên HTX và Công ty Đức Phúc để kinh doanh vận tải.

- Phương án kinh doanh, chất lượng dịch vụ vận tải: Các đơn vị vận tải có phương án kinh doanh vận tải (trừ Công ty Vinashin Hạ Long), có đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải (trừ Công ty Vinashin Hạ Long, DNTN Tấn Khang) theo quy định tại khoản 2, khoản 7 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP; Công ty Phúc Xuyên, HTX Ka Long niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải tại bến xe và trên phương tiện được kiểm tra cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Công tác theo dõi về an toàn giao thông (ATGT): Các đơn vị vận tải có thành lập bộ phận theo dõi về ATGT theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP. Bộ phận theo dõi về ATGT của Công ty Phúc Xuyên, Công ty Vinashin Hạ Long, HTX Ka Long, Công ty Taxi Móng Cái có thực hiện một số nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ theo quy định.

- Trang thiết bị phục vụ hoạt động taxi: Các đơn vị taxi có trung tâm điều hành hoạt động taxi, có tổng đài, bộ đàm và nhân viên điều hành taxi.

- Kê khai, niêm yết giá cước: Công ty Phúc Xuyên, HTX Ka Long kê khai giá cước vận tải; DNTN Tấn Khang, Công ty taxi Móng Cái, HTX Ka Long, HTX Đông Nam niêm yết giá cước vận tải cơ bản theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT.

2. Các tồn tại:

- Điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải: Hợp tác xã Hạ Long (HTX Hạ Long), HTX Đông Nam, HTX Hồng Vân, DNTN Tấn Khang có người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

- Đăng kýu sơn, biểu trưng (logo) của doanh nghiệp taxi: Các đơn vị vận tải taxi chưa đăng ký màu sơn, biểu trưng (logo) trước khi đưa xe vào khai thác theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Nơi đỗ xe: HTX Hạ Long, HTX Đông Nam, DNTN Tấn Khang không có nơi đỗ xe; Công ty Phúc Xuyên, HTX Thanh Sơn, HTX Sơn Hà có nơi đỗ xe, nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

- Thiết bị giám sát hành trình:

HTX Đông Nam có 01 xe, HTX Hạ Long có 04 xe, HTX Sơn Hà có 10 xe, HTX Thanh Sơn có 04 xe, HTX Hồng Vân có 17 xe, HTX Ka Long có 05 xe, Công ty VCK Quảng Ninh có 09 xe lắp đặt TBGSHT nhưng thiết bị không hoạt động hoặc không đúng QCVN 31:2011/BGTVT; thiết bị lắp trên các xe của Công ty Phúc Xuyên không theo dõi được thời gian đóng mở cửa, không báo cáo vi phạm tốc độ.

HTX Hạ Long, HTX Đông Nam, HTX Hồng Vân và Công ty VCK Quảng Ninh không theo dõi, quản lý thông tin từ TBGSHT; HTX Ka Long, HTX Sơn Hà, HTX Thanh Sơn và Công ty Phúc Xuyên chưa thường xuyên theo dõi, quản lý thông tin từ TBGSHT theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

Cán bộ quản lý vận tải, theo dõi ATGT của HTX Hạ Long không thể tự đăng nhập trang Web để quản lý, theo dõi thông tin từ TBGSHT; hầu hết các lái xe chưa thực hiện đăng nhập/đổi tên lái xe khi điều khiển phương tiện.

- Quản lý phương tiện:

HTX Hạ Long, HTX Hồng Vân không quản lý, sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải; không thực hiện hoặc theo dõi việc sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo điều kiện kỹ thuật của phương tiện.

Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Sơn Hà không trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải; HTX Thanh Sơn không trực tiếp quản lý, sử dụng một số phương tiện của xã viên để kinh doanh vận tải; HTX Đông Nam, HTX Sơn Hà, HTX Ka Long, HTX Thanh Sơn, Công ty VCK Quảng Ninh không có hồ sơ về sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện.

Công ty VCK Quảng Ninh có 03 xe (14B-005.03, 14B-000.18, 14B-007.73) và DNTN Tấn Khang có 02 xe (14N-9564, 14N-9364) không đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP; HTX Hạ Long báo cáo xe 14N-8583 đã ngừng khai thác tuyến, nhưng kiểm tra qua TBGSHT cho thấy xe vẫn đang khai thác tuyến; HTX Thanh Sơn có xe 14B-00477 vi phạm bỏ 03 chuyến (nốt) liên tục trở lên.

Công ty VCK Quảng Ninh có 02 xe, DNTN Tấn Khang có 02 xe, HTX Sơn Hà có 06 xe, Công ty Vinashin Hạ Long có 09 xe, HTX Hồng Vân có 14 xe, HTX Thanh Sơn có 15 xe đã ngừng hoạt động, nhưng đơn vị không thông báo cho Sở GTVT Quảng Ninh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe:

HTX Hạ Long, HTX Sơn Hà, HTX Hồng Vân, HTX Đông Nam không quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; việc ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe là hình thức, chỉ là thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Công ty VCK Quảng Ninh, Công ty Phúc Xuyên, Công ty taxi Móng Cái, HTX Hạ Long, HTX Sơn Hà, HTX Thanh Sơn, HTX Hồng Vân và HTX Ka Long có một số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được kiểm tra qua hồ sơ hoặc kiểm tra tại hiện trường không có hợp đồng lao động; Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Hồng Vân, HTX Đông Nam có một số nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách, ATGT theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

DNTN Tấn Khang, Công ty Phúc Xuyên, Công ty Vinashin Hạ Long, Công ty taxi Móng Cái có nội dung hợp đồng lao động không ghi rõ số giờ làm việc trong ngày hoặc trong tuần theo quy định tại Mẫu số 1 Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH.

Lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định được kiểm tra qua TBGSHT có nhiều lỗi vi phạm về tốc độ, nhưng chưa được các đơn vị vận tải kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo trật tự, ATGT.

- Phương án kinh doanh, chất lượng dịch vụ vận tải:

Công ty Vinashin Hạ Long, DNTN Tấn Khang không đăng chất lượng dịch vụ vận tải theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP; Công ty Vinashin Hạ Long không xuất trình được phương án kinh doanh vận tải; HTX Hạ Long có đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải không đúng mẫu theo Phụ lục 4 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Hồng Vân có một số xe được kiểm tra không thực hiện đúng nội dung cam kết về chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký; Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Đông Nam, HTX Sơn Hà, HTX Hạ Long, HTX Thanh Sơn, HTX Hồng Vân chưa niêm yết đầy đủ nội dung về chất lượng dịch vụ vận tải tại bến xe, trên phương tiện được kiểm tra theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

Các đơn vị được thanh tra chưa có quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị, phản ánh của hành khách và thông tin đại chúng; HTX Đông Nam, Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Sơn Hà, Công ty taxi Móng Cái, HTX Hạ Long, HTX Thanh Sơn, HTX Hồng Vân, HTX Ka Long có đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải chưa thể hiện cụ thể các quyền lợi của hành khách theo quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều 6 và Phụ lục 4 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

- Công tác theo dõi về ATGT:

Công ty VCK Quảng Ninh, DNTN Tấn Khang, HTX Thanh Sơn, HTX Sơn Hà, HTX Hồng Vân, HTX Đông Nam, HTX Hạ Long thành lập bộ phận theo dõi về ATGT là hình thức, chỉ để đủ thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải mà không thực hiện nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT; Bộ phận theo dõi về ATGT của Công ty Phúc Xuyên, Công ty Vinashin Hạ Long, HTX Ka Long, Công ty taxi Móng Cái chưa thường xuyên, duy trì và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao.

Công ty Taxi Móng Cái không có văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi về ATGT quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

- Kê khai, niêm yết giá cước vận tải:

Công ty Vinashin Hạ Long, HTX Đông Nam không kê khai giá cước; Công ty taxi Móng Cái, DNTN Tấn Khang có kê khai giá cước nhưng không có xác nhận của các cơ quan quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT; Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Thanh Sơn, HTX Hạ Long, HTX Sơn Hà, HTX Hồng Vân có kê khai giá cước vận tải nhưng không đầy đủ các chặng, các tuyến.

Công ty Vinashin Hạ Long, Công ty Phúc Xuyên, Công ty VCK Quảng Ninh, HTX Hạ Long, HTX Thanh Sơn, HTX Hồng Vân, HTX Sơn Hà không niêm yết đầy đủ giá cước vận tải tại bến xe, trên một số phương tiện được kiểm tra theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT.

Phần 2.

NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ

1. Đối với Sở GTVT Quảng Ninh: Sở GTVT Quảng Ninh đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe taxi và hoạt động của bến xe khách trên cơ sở các quy định của Nghị định 91/2009/NĐ-CP, Thông tư 14/2010/TT-BGTVT và Thông tư 24/2010/TT-BGTVT. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành của Sở còn có tồn tại, như: Công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải chưa được Sở thường xuyên thực hiện; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra (hoạt động theo đoàn) chưa cao, vi phạm của một số đơn vị kinh doanh vận tải được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chưa được xử lý theo quy định; nhiều bến xe chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định khi được Sở công bố; một số tài liệu trong hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận tải, cấp lại phù hiệu chưa đảm bảo theo quy định.

2. Đối với các đơn vị quản lý khai thác và kinh doanh bến xe: Các bến xe đã được công bố đưa vào khai thác; các Công ty tổ chức các hoạt động kinh doanh tại bến xe, thực hiện giá dịch vụ tại bến xe cơ bản theo quy định; tổ chức bộ phận kiểm tra, kiểm soát xe ra vào bến, xác nhận vào sổ nhật trình; tại thời điểm kiểm tra, tình hình trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ trong bến được đảm bảo, hoạt động của phương tiện và hành khách tại bến thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, các Công ty còn có một số tồn tại, như: nhiều bến xe có một số tiêu chí chưa đảm bảo; có nội dung thỏa thuận với đơn vị vận tải không đúng thẩm quyền; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo; có trường hợp, chưa thực hiện đúng quy định trong việc xác nhận vào sổ nhật trình.

3. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải: Các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải; các đơn vị quản lý, điều hành vận tải tập trung (như: Công ty Phúc Xuyên, HTX Ka Long, HTX Thanh Sơn, Công ty Taxi Móng Cái, Công ty Vinashin Hạ Long) đã thực hiện tương đối tốt các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều đơn vị còn có nhiều tồn tại, thậm chí có vi phạm, như: không quản lý, sử dụng phương tiện, lái xe để kinh doanh vận tải; không đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; bộ phận theo dõi về ATGT không thực hiện nhiệm vụ quy định; chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về đăng ký, thực hiện và niêm yết chất lượng dịch vụ vận tải, kê khai và niêm yết giá cước; nhiều TBGSHT không hoạt động theo quy định; các đơn vị taxi chưa đăng ký màu sơn, logo của đơn vị trước khi hoạt động kinh doanh taxi.

Phần 3.

YÊU CẦU, XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM

I. Đối với các Công ty quản lý khai thác và kinh doanh bến xe

1. Khắc phục ngay các tồn tại đã nêu ở trên và nêu cụ thể tại Biên bản thanh tra của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT với từng đơn vị, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Có lộ trình đầu tư để nâng cấp, bổ sung các tiêu chí chưa đáp ứng được theo loại bến xe được công bố, đảm bảo các bến xe được công bố đáp ứng tiêu chí quy định tại Thông tư 49/2012/TT-BGTVT.

- Thực hiện đầy đủ các báo cáo cho cơ quan quản lý tuyến theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT. Trong đó, có báo cáo hệ số có khách bình quân để làm cơ sở tăng đơn vị, phương tiện hoạt động trên tuyến; báo cáo vi phạm của các đơn vị vận tải trong bến, đặc biệt đối với vi phạm bỏ 03 chuyến, nốt liên tục trở lên.

- Hủy bỏ nội dung cam kết trong hợp đồng cung cấp dịch vụ tại bến xe không thuộc thẩm quyền của bến xe; thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của bến xe trong việc xác nhận vào sổ nhật trình theo quy định.

- Thực hiện kê khai giá dịch vụ cho thuê mặt bằng kinh doanh trong bến xe theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT.

- Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xe ra, vào bến để đón, trả khách với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải được phép hoạt động tại bến xe (Công ty Hồng Vân).

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xe ra vào bến; kiên quyết không cho xe xuất bến khi phương tiện, người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng quy trình kiểm soát, làm thủ tục cho xe ra vào bến; thực hiện các biện pháp nhằm tăng chất lượng dịch vụ của bến, đảm bảo cho phương tiện, hành khách ra vào bến được thuận tiện, an toàn.

Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) và Sở GTVT Quảng Ninh kết quả thực hiện yêu cầu của Bộ GTVT trước ngày 30/9/2013.

II. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải

Khắc phục ngay các tồn tại đã nêu ở trên và nêu cụ thể trong Biên bản thanh tra của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT với từng đơn vị (trừ các đơn vị bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải). Việc khắc phục các tồn tại phải đảm bảo triệt để, tránh hình thức, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

1. Đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải khách theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2009/NĐ-CP.

2. Quản lý chặt chẽ hoạt động phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, đặc biệt kiểm soát hoạt động của phương tiện, lái xe qua TBGSHT, sổ nhật trình chạy xe; yêu cầu lái xe thực hiện đăng nhập tên lái xe khi điều khiển phương tiện; thực hiện tốt công tác sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo điều kiện kỹ thuật của phương tiện.

3. Kiện toàn bộ phận theo dõi về ATGT, đảm bảo bộ phận theo dõi về ATGT thực hiện đầy đủ và thường xuyên nhiệm vụ được giao, trong đó có các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

4. Lắp đặt TBGSHT theo đúng quy định; đảm bảo TBGSHT theo    dõi, trích xuất và lưu trữ đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ-CP và điểm 2.1.2 QCVN 31:2011/BGTVT.

5. Thực hiện đúng các quy định về đăng ký, niêm yết, thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; kê khai, niêm yết giá vé.

6. Xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị của hành khách và phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

7. Thông báo cho cơ quản lý tuyến các xe ngừng khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) và Sở GTVT Quảng Ninh kết quả thực hiện yêu cầu của Bộ GTVT trước ngày 30/9/2013.

III. Đối với Sở GTVT Quảng Ninh

1. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe taxi và hoạt động của bến xe khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đồng thời tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục ngay các tồn tại đã nêu ở trên và nêu cụ thể tại Biên bản thanh tra của Đoàn Thanh tra với Sở GTVT Quảng Ninh, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Rà soát lại hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải để yêu cầu một số đơn vị bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi nội dung tài liệu đảm bảo theo đúng quy định;

- Rà soát các tiêu chí của các bến xe đã công bố để yêu cầu các bến xe có lộ trình nâng cấp, bổ sung các tiêu chí còn thiếu nhằm đảm bảo các bến xe đáp ứng được các tiêu chí theo quy định tại Thông tư 49/2012/TT-BGTVT;

- Thực hiện chấp thuận khai thác tuyến, bổ sung xe khai thác tuyến căn cứ vào tiêu chí hệ số có khách bình quân theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT; thực hiện cấp lại phù hiệu xe đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT;

- Thực hiện việc xác nhận, thông báo công khai việc đăng ký màu sơn, logo của các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi theo quy định tại Điều 33 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT;

- Xử phạt theo quy định đối với các vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe và đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục các tồn tại, đảm bảo các hoạt động kinh doanh của các đơn vị được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tăng cường kiểm tra hoạt động của TBGSHT khi cấp phù hiệu; không cấp mới, không cấp đổi phù hiệu đối với các xe không lắp đặt TBGSHT hoặc có lắp đặt nhưng thiết bị không theo dõi, trích xuất, lưu trữ đủ các thông tin tối thiểu hoặc không đảm bảo các tính năng quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP và QCVN 31:2011/BGTVT.

4. Đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi và chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hùng Dương và Công ty TNHH TM&XD Đầm Hà do không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 31 Nghị định 34/2010/NĐ-CP.

5. Xác định thời gian ngừng hoặc không hoạt động kinh doanh vận tải của 12 đơn vị đã ngừng hoặc không hoạt động để thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định 91/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 93/2012/NĐ-CP).

6. Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo tuyến cố định đối với HTX vận tải Hành khách Hạ Long, HTX dịch vụ vận tải Đông Nam theo quy định tại Điều 21 Nghị định 91/2009/NĐ-CP; chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT Quảng Ninh tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải cho đến khi khắc phục xong các vi phạm đối với HTX Hồng Vân, Công ty VCK Quảng Ninh và DNTN Tấn Khang theo quy định tại Điều 31 Nghị định 34/2010/NĐ-CP.

7. Thu hồi phù hiệu đối với 130 xe, gồm: 48 xe ngừng hoạt động khai thác tuyến; 01 xe vi phạm bỏ ba chuyến liên tục; 05 xe không đủ điều kiện kinh doanh vận tải; 45 xe có TBGSHT không đảm bảo và 31 xe của 02 đơn vị bị đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải (danh sách cụ thể các xe có phụ lục kèm theo). Đối với các xe có TBGSHT không đảm bảo, Sở kiểm tra lại, nêu TBGSHT đã được sửa chữa đảm bảo hoạt động theo quy định thì không thu hồi phù hiệu xe.

8. Thanh tra tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn (trừ các đơn vị đã được Bộ GTVT thanh tra trong năm 2013) trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm, đúng quy định các vi phạm, đặc biệt vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện của phương tiện và lái xe.

9. Yêu cầu các bến xe bố trí vị trí phù hợp tại bến xe theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2010/TT-BGTVT để các đơn vị vận tải niêm yết các nội dung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT; hướng dẫn thống nhất các đơn vị vận tải trong việc niêm yết trên phương tiện, tại bến xe các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT.

10. Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động của phương tiện vận tải khách, hoạt động của taxi dù, nhái thương hiệu; xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra.

Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) bằng văn bản kết quả thực hiện các nội dung nêu trên (gồm cả kiểm tra, xác nhận khắc phục tồn tại của các đơn vị được thanh tra) trước ngày 15/10/2013; kết quả thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải còn lại trước ngày 30/11/2013.

IV. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT:

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Vận tải, Vụ Khoa học công nghệ tham mưu giải quyết các kiến nghị của Đoàn Thanh tra, Sở GTVT Quảng Ninh về các nội dung về sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến hoạt động vận tải, bến xe khách (các kiến nghị chi tiết có phụ lục kèm theo).

2. Thanh tra Bộ GTVT theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này.

Yêu cầu các đơn vị được thanh tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện Kết luận này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (để báo cáo);
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (để báo cáo);
- UBND Tỉnh Quảng Ninh (đề nghị phối hợp chỉ đạo);
- Văn phòng UBATGT Quốc gia;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Các Vụ: VT, KHCN, PC, ATGT;
- Các đơn vị được thanh tra;
- Website Bộ GTVT, Báo GTVT;
- Lưu: VT, TTr (15b).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH THANH TRA BỘ





Nguyễn Văn Huyện

 

PHỤ LỤC

KẾT LUẬN THANH TRA
(Kèm theo Kết luận số 7556/KL-BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ GTVT)

1. Danh sách các xe đề nghị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình (không tính các xe của HTX Hạ Long và HTX Đông Nam)

TT

Đơn vị vận tải

Xe đã ngừng hoạt động kinh doanh vận tải

Xe bỏ 03 chuyến liên tục

Xe có TBGSHT không đảm bảo

Xe không đủ điều kiện KDVT

(1)

(2)

(7)

(8)

(10)

(11)

1

HTX Hồng Vân

14L-7198, 14B-00722, 14L-7570, 14L-9978, 14P-3832, 14L-6706, 14B-00569, 14L-7242, 14B-00524, 14B-00480, 14M-7596, 14L-6784, 14L-7189, 14M-3547

 

14M-7159, 14L-8084, 14B-00529, 14B-00555,14B-00583, 14B-00558, 14L-7570, 14L-9296, 14M-5747, 14M-9293, 14M-4259, 14B-00591, 14M-2355, 14L-9779, 14B-00583, 14M-4295, 14M-9293

 

2

HTX Thanh Sơn

14N-8694, 14B-00418, 14B-00394,14N-5415, 14B-00476, 14B-00477, 14B-00478,14B-00176, 14N-9810, 14N-9623, 14B-00208,14B-00426, 14B-00409, 14B-00406, 14B-00475.

14B-00477

14M-8548, 14B-00176, 14B-00476, 14B-00664

 

3

HTX Ka Long

 

 

14B-00550, 14B- 00588, 14B-00691, 14B-00626, 14B-00668

 

4

Công ty VCK Quảng Ninh

14LD-0131, 14LD-0468

 

14LD-0199, 14B- 00503, 14LD-0568, 14LD-0528, 14LD-0288, 14B-00018, 14B-00773, 14LD-0135, 14LD-0296

14B-00503, 14B-00018, 14B-00773

5

HTX Sơn Hà

14B-00141, 14B-00267, 14M-0603, 14B-00432, 14B-00590, 14L-7595

 

14B-00432, 14B- 00378, 14B-00138, 14L-9325, 14B-00780, 14B-00262,14P-6404, 14B-00425, 14M-3277, 14B-0026

 

6

Công ty Vinashin Hạ Long

14N-0623, 14N-0652, 14N-0651, 14N-0642, 14N-0598, 14N-0697, 14N-0461, 14N-0599, 14N-0680

 

 

 

7

DNTN Tấn Khang

14P-1740, 14N-9474

 

 

14N-9564, 14N-9364

Tổng cộng

48

01

45

5

2. Kiến nghị của Đoàn thanh tra

- Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP, Nghị định 93/2012/NĐ-CP theo hướng coi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt để ban hành các quy định đặc thù mà không phụ thuộc vào sự điều chỉnh bởi các luật khác (như Luật Doanh nghiệp, Luật HTX), trên cơ sở đó quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh vận tải, như:

+ Quy định số lượng phương tiện tối thiểu; quy định về nhân lực, bộ máy tối thiểu của đơn vị vận tải, như: người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải; nhân viên kỹ thuật; nhân viên quản lý, theo dõi thông tin từ TBGSHT; bộ phận quản lý các điều kiện về ATGT (trong đó phải có tối thiểu 01 người làm công tác chuyên trách);

+ Quy định các hành vi cấm trong hoạt động kinh doanh vận tải (như: cấm giao khoán phương tiện; cấm không cho lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải nếu có nhiều vi phạm, gây tai nạn do lỗi chủ quan...);

+ Rút ngắn niên hạn xe kinh doanh vận tải; tăng điều kiện về kinh nghiệm, tuổi, sức khỏe của lái xe, đặc biệt đối với phương tiện, lái xe đường dài.

- Sớm ban hành Thông tư quy định trách nhiệm trong hoạt động quản lý vận tải để làm cơ sở cho việc xử lý tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác quản lý vận tải, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vận tải.

- Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể việc xử lý vi phạm đối với đơn vị vận tải có vi phạm được phát hiện qua TBGSHT theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 91/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 93/2012/NĐ-CP).

- Sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2010/TT-BGTVT, QCVN 31:2011/BGTVT hoặc ban hành văn bản khác có liên quan theo hướng:

+ Phân cấp mạnh cho các Sở GTVT trong công tác quản lý về vận tải, đặc biệt trong việc cấp phép, chấp thuận khai thác tuyến, cấp phù hiệu, sổ nhật trình chạy xe;

+ Hướng dẫn cụ thể về nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ ra vào bến; sổ sách, mẫu biểu để triển khai nhiệm vụ của bộ phận, quản lý các điều kiện về ATGT;

+ Hướng dẫn việc thay đổi phương án kinh doanh, đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải sau khi đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải (thay đổi trong quá trình hoạt động của đơn vị vận tải);

+ Quy định cụ thể vị trí lắp đặt TBGSHT trên phương tiện để đảm bảo dễ kiểm tra và trích xuất dữ liệu của lực lượng chức năng;

+ Quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp TBGSHT; quy định các mẫu biểu thống nhất trong các bảng báo cáo dữ liệu tối thiểu từ TBGSHT;

+ Quy định các trường hợp được bổ sung xe làm xe dự phòng (bổ sung xe không làm tăng tần suất chạy xe).

3. Kiến nghị của Sở GTVT Quảng Ninh

- Vấn đề quyền chủ sở hữu và quản lý hoạt động của phương tiện vận tải và người lái xe hiện nay cũng cần được xem xét và nhìn nhận khách quan bởi hiện nay quy định cho phép các đơn vị vận tải được sử dụng xe đi thuê của tổ chức, cá nhân khác, đối với HTX vận tải thì chỉ cần có cam kết kinh tế giữa xã viên với HTX. Mô hình này cho thấy sự bất cập vì khó quản lý đối với phương tiện vận tải, người lái xe đồng thời thực chất các HTX GTVT hiện nay hoạt động theo kiểu HTX nông nghiệp.

- Xây dựng Thông tư hướng dẫn chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động vận tải; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho ngành vận tải ô tô để làm căn cứ cho việc tính toán giá thành vận tải.

- Quy định rõ ràng, chi tiết hơn về chức năng nhiệm vụ và có hướng dẫn cụ thể đối với tổ chức hoạt động của bộ phận theo dõi ATGT để việc triển khai của các đơn vị được thuận lợi, hiệu quả.

- Cần có chế tài quy định các thành viên trước khi vào HTX và việc thực hiện thuế của HTX đối với Nhà nước; phải kê khai thành viên vào HTX với các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh.

- Công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đạo đức lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ cần có sự thống nhất và nên do cơ quan nhà nước chỉ đạo tổ chức tập huấn.

- Để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương, đề nghị giữ thời gian có hiệu lực của phù hiệu là 01 năm; việc xác nhận sổ nhật trình do cơ quan nhà nước thực hiện.

- Cần xây dựng các Trung tâm quản lý điều hành công cộng tại các địa phương để quản lý hoạt động vận tải xe bus, taxi, xe chở khách tuyến cố định, xe hợp đồng; quản lý, xử lý các dữ liệu từ TBGSHT để phục vụ công tác quản lý; cần có quy định hướng dẫn cụ thể về TBGSHT và cơ quan quản lý TBGSHT.