Hệ thống pháp luật

Không chấp hành phân công thi giáo viên giỏi có bị xử lý kỷ luật không?

Ngày gửi: 17/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL34410

Câu hỏi:

Tôi là giáo viên dạy cấp THCS và là đảng viên. Năm học 2016-2017 Phòng giáo dục tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhà trường phân công tôi đi thi, tôi đã báo cáo không đi thi được vì một số lí do. Nhưng ban giám hiệu nhà trường vẫn yêu cầu tôi đi thi và lấy tư cách Ban chi ủy phân công nhiệm vụ cho đảng viên, nếu tôi không đi thi sẽ kết luận là đảng viên không thực hiện nhiệm vụ được phân công và bị kỉ luật. Vậy tôi xin hỏi luật sư: 1) Nếu tôi vẫn quyết định không đi thi thì có bị kỉ luật không? nếu bị kỉ luật thì tôi phải nhận hình thức kỉ luật nào? 2) Ban chi ủy làm như vậy là đúng hay sai? làm như vậy có phải là ép giáo viên đi thi giáo viên giỏi không? Điều đó có trái với tinh thần của Bộ giáo dục hay không??

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật viên chức 2010.

2. Nội dung tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Chính vì vậy, có thể căn cứ vào Luật viên chức 2010 để xác định quyền và nghĩa vụ của bạn trong trường hợp này. Theo quy định tại Điều 2 Luật viên chức 2010: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định tại Điều 17 Luật viên chức 2010 như sau:

“Điều 17. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.

2. Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.

3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.

4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:

a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;

b) Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;

c) Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;

d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.

6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, thực hiện tốt công việc, trách nhiệm được giao là một trong những nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Điều 19 Luật viên chức 2010 cũng quy định những điều viên chức không được làm, trong đó có quy định viên chức không được “Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao”. 

Theo tinh thần của Công văn 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD về việc lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, để đảm bảo hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu quả, thiết thực, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các sở giáo dục và đào tạo một số vấn đề trong đó có vấn đề như sau: “Việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức”.

Như vậy việc giáo viên không thể tham gia cuộc thi vì một số lý do chính đáng là hoàn toàn được chấp nhận, Ban giám hiệu nhà trường không được quyền ép buộc, lấy tư cách Ban chi ủy phân công nhiệm vụ cho đảng viên để ép buộc giáo viên đi thi hoặc xử lý kỉ luật nếu giáo viên được phân công không thực hiện trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, Luật viên chức 2010 quy định về quyền của viên chức như sau:

“Điều 11. Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp.

1. Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp.

2. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.

4. Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

5. Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

6. Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

7. Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”.

>>> Luật sư tư vấn xử lý việc không chấp hành lệnh phân công giảng dạy: 024.6294.9155

Như vậy, việc ban giám hiệu nhà trường ép buộc bạn tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện khi bạn không tự nguyện tham gia là trái với quy định của pháp luật và tinh thần của Bộ giáo dục và Đào tạo. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật theo khoản 6 Điều 11 Luật viên chức 2010. Và theo đó, bạn sẽ không phải chịu bất kì một hình thức xử lý kỉ luật nào trong trường hợp này.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn