Hệ thống pháp luật

Lấy lại xe sau va chạm giao thông như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31650

Câu hỏi:

Cho em hỏi là: Tối hôm 2/7 em có bị tai nạn hai xe máy tông vào nhau. Em đi từ lề phải qua đường chạy chậm và quan sát thấy xe ở xa, bên kia chạy thẳng đâm vào xe em. Cả hai đều bị thương và được đưa đi cấp cứu. Công an huyện giữ xe cả hai bên. Hai tuần sau em lên hỏi thì bên công an nói là giải quyết đương sự rồi cả hai bên lên đây làm giấy tờ lấy xe và có nói thêm là lỗi vi phạm do em chứ không phải thấy người ta đâm mình là người ta lỗi. Không có giấy tờ giữ xe và bên kia hiện cũng không chịu lên giải quyết cho đến nay em vẫn chưa lấy được xe ra và không có phương tiện đi lại. Vậy thì em phải làm sao để lấy được xe ra mà không phải phụ thuộc vào bên kia ạ.? em cảm ơn.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo nguyên tắc, khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ thì các phương tiện có liên quan phải được tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, xác minh sự việc. Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm thì phương tiện bị tạm giữ và việc tạm giữ phương tiện được quy định tại  Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

“8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

9. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.”

10. Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giam để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, trường hợp của bạn, bên cơ quan cảnh sát giao thông được phép giữ xe của bạn để xác minh, xử lý vi phạm hành chính là 07 ngày, trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh nhưng tối đã không quá 60 ngày (việc gia hạn thời hạn tạm giữ phải có văn bản). Sau khi hết thời hạn giữ xe thì bạn đến trực tiếp phía cơ quan công an làm thủ tục lấy xe về. Tuy nhiên, để tránh trường hợp phức tạp bạn nên thỏa thuận với bên còn lại để giải quyết lấy xe.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn