Hệ thống pháp luật

Liệt sỹ có được hưởng chế độ người có công với cách mạng khi không còn giấy tờ

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31853

Câu hỏi:

Xin chào luật sư. Gia đình tôi có ông chú hi sinh thời kỳ chống Pháp, có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xa có hài cốt, nhưng các chế độ đều không được hưởng vì không có giấy tờ, không có bằng tổ quốc ghi công, vậy xin hỏi luật sư làm thế nào để được hưởng các chế độ đối với người có công và trình tự làm như thế nào? Xin cảm ơn luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, xin tư vấn về việc trong trường hợp này của bạn làm thế nào đế được hưởng các chế độ đối với người có công?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi đối với người có công với cách mạng thì liệt sĩ thuộc danh sách những người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ là đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công quy định tại Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 này.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, chú của bạn hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trên thực tế không có giấy tờ, không có bằng tổ quốc ghi công nhưng có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xa có hài cốt. Do đó, để được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân của chú bạn (có thể là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ) cần thực hiện thủ tục xác nhận liệt sĩ.

Thứ hai, xin trả lời về trình tự thực hiện việc xác nhận liệt sĩ

Tại Điều 1 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ quy định: “Thông tư này hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ”.

Và Điều 3 Thông tư này quy định về căn cứ xác nhận liệt sĩ như sau:

“1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.

2. Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước”.

Theo các quy định trên, do chú của bạn hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (tức trước ngày 31/12/1991) không có giấy tờ, không có bằng tổ quốc ghi công nhưng có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ có hài cốt, nên việc xác nhận liệt sĩ được thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.

Do thông tin mà bạn cung cấp chưa đầy đủ, nên trong tình huống này, thủ tục xác nhận liệt sĩ sẽ thực hiện theo một trong hai trường hợp su:

Trường hợp 1: Thủ tục xác nhận đối với người hy sinh thuộc lực lượng quân đội, công an.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, trình tự thực hiện như sau:

Bước 1: Đại diện thân nhân người hi sinh làm đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ kèm theo giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1, Điều 3 nêu trên của Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh trước khi tham gia quân đội, công an.

Trường hợp người tham gia quân đội, công an từ các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường thì phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị trước khi tham gia quân đội, công an để Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh làm cơ sở lập hồ sơ.

Trường hợp hy sinh quy định tại Khoản 2 Điều 3 đề cập ở trên thì phải kèm theo giấy xác nhận về phần mộ và thời điểm an táng hài cốt liệt sĩ của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương quản lý nghĩa trang liệt sĩ.

Bước 2: Tiến hành xác nhận liệt sĩ

Sau khi nhận được đơn và các giấy tờ có liên quan của thân nhân người hi sinh, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:

– Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:

Đề nghị Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về việc xác nhận liệt sĩ.

Niêm yết công khai danh sách tại cấp thôn, xóm nơi cư trú của người hy sinh trước khi tham gia quân đội, công an; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để lấy ý kiến của nhân dân.

Thời hạn niêm yết thông báo tối thiểu là 15 ngày. Sau khi hết thời hạn niêm yết thông báo, lập Biên bản kết quả niêm yết công khai.

Căn cứ Biên bản kết quả niêm yết công khai và văn bản tham gia ý kiến của các Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xét duyệt, lập biên bản họp Hội đồng đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp được nhân dân đồng thuận, không có khiếu nại, tố cáo.

Gửi biên bản họp Hội đồng đề nghị xác nhận liệt sĩ, biên bản niêm yết công khai, văn bản tham gia ý kiến của Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi kèm theo đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ, các giấy có liên quan mà thân nhân người hi sinh đã gửi đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (đối với người hy sinh thuộc quân đội) hoặc Công an cấp huyện (đối với người hy sinh thuộc công an).

– Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Công an cấp huyện kiểm tra hồ sơ, xác định tính pháp lý của các giấy tờ làm căn cứ đề nghị xác nhận liệt sĩ; trường hợp đủ điều kiện thì có công văn kèm các giấy tờ, hồ sơ nêu trên gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoặc Công an cấp tỉnh.

– Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, lập phiếu xác minh cấp Giấy báo tử đối với trường hợp hồ sơ đủ điều kiện; có công văn đề nghị xác nhận liệt sĩ kèm theo danh sách, hồ sơ gửi Cục Chính trị Quân khu (đối tượng thuộc quân đội) để xét duyệt, tổng hợp gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; gửi Cục Chính sách, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (đối tượng thuộc công an).

– Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục Chính sách, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ theo thẩm quyền; trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ liệt sĩ về cơ quan đề nghị.

Trường hợp 2: Thủ tục xác nhận đối với người hy sinh không thuộc lực lượng quân đội, công an

Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, trong trường hợp này trình tự thực hiện như sau:

Bước 1: Đại diện thân nhân người hi sinh làm đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ kèm theo giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1, Điều 3 nêu trên của Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh.

Trường hợp hy sinh quy định tại Khoản 2 Điều 3 đề cập ở trên thì phải kèm theo giấy xác nhận về phần mộ và thời điểm an táng hài cốt liệt sĩ của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương quản lý nghĩa trang liệt sĩ.

Bước 2: Tiến hành xác nhận liệt sĩ

– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

Thực hiện các nhiệm vụ tương tự như trường hợp 1. Nếu người hy sinh là Thanh niên xung phong đề nghị có thêm ý kiến bằng văn bản của Hội cựu Thanh niên xung phong hoặc Ban Liên lạc Thanh niên xung phong cùng cấp.

Gửi hồ sơ đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Kiểm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức họp Ban Chỉ đạo xác nhận người có công để xét duyệt từng hồ sơ; lập biên bản xét duyệt.

Căn cứ biên bản xét duyệt của Ban Chỉ đạo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy báo tử đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp giấy báo tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điểm c, d Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.

Chuyển toàn bộ hồ sơ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử quy định tại quy định tại Điểm c, d Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP có trách nhiệm:

Cấp giấy báo tử; có công văn kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Tiếp nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ liệt sĩ; chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện và Ủy ban nhân dâp cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu; bàn giao hồ sơ liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định.

Như vậy, tựu chung lại, dựa vào các phân tích ở trên để được hưởng các chế độ đối với người có công, thân nhân của chú bạn cần tiến hành thục tục xác nhận liệt sĩ. Thân nhân người hi sinh chỉ cần chuẩn bị đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ kèm theo giấy tờ, tài liệu liệt kê ở trên gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người hy sinh. Việc tiến hành xác nhận liệt sĩ thuộc trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn