Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

LUẬT MẪU

VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CỦA ỦY BAN LIÊN HIỆP QUỐC VỀ LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

UỶ BAN CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

(Tài liệu số A/40/17, phụ lục I của Liên Hợp Quốc)

(Ðược Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế thông qua ngày 21 tháng 06 năm 1985)

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG II: THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI

CHƯƠNG III: THÀNH LẬP UỶ BAN TRỌNG TÀI

CHƯƠNG IV: THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA UỶ BAN TRỌNG TÀI

CHƯƠNG V: HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

CHƯƠNG VI: LẬP PHÁN QUYẾT VÀ CHẤM DỨT TỐ TỤNG

CHƯƠNG VII: YÊU CẦU TOÀ ÁN BÁC PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI

CHƯƠNG VIII. CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH PHÁN QUYẾT

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Luật này áp dụng cho trọng tài thương mại quốc tế, theo bất kỳ thoả thuận hiện hành nào giữa quốc gia này với quốc gia khác hoặc các quốc gia.

2. Những quy định của Luật này, trừ các Điều 8, Điều 9, Điều 35 và Điều 36 chỉ áp dụng nếu nơi xét xử trọng tài là tại lãnh thổ của Nước này.

3. Trọng tài là quốc tế nếu:

a. Các bên tham gia thoả thuận trọng tài, tại thời điểm ký kết thoả thuận trọng tài đó, có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau; hoặc

b. Một trong những địa điểm mà các bên có trụ sở kinh doanh sau đây được đặt ở ngoài quốc gia:

i. Nơi xét xử trọng tài nếu được xác định trong hoặc theo thoả thuận trọng tài;

ii. Nơi mà phần chủ yếu của các nghĩa vụ trong quan hệ thương mại được thực hiện hoặc nơi mà nội dung tranh chấp có quan hệ mật thiết nhất;

c. Các bên đã thoả thuận rõ rằng vấn đề chủ yếu của thoả thuận trọng tài liên quan đến nhiều nước.

4. Cũng là trọng tài quốc tế giống như quy định của khoản 3 Điều này:

a.Nếu một bên có nhiều trụ sở kinh doanh thì trụ sở kinh doanh sẽ là nơi có quan hệ chặt chẽ nhất với thoả thuận trọng tài.

b.Nếu một bên không có trụ sở kinh doanh thì nơi cư trú thường xuyên sẽ được dẫn chiếu tới.

5. Luật này không ảnh hưởng đến luật khác của nước này với một số loại tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài hoặc có thể đưa ra trọng tài theo những quy định khác với quy định của luật này.

Điều 2: CÁC ĐỊNH NGHĨA VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC GIẢI THÍCH

Về mục đích của luật này:

a. "Trọng tài" nghĩa là mọi hình thức trọng tài có hoặc không có sự giám sát của một tổ chức trọng tài thường trực;

b. "Ủy ban trọng tài" nghĩa là trọng tài viên duy nhất hoặc hội đồng các trọng tài viên;

c. "Toà án" nghĩa là tổ chức hoặc cơ quan thuộc hệ thống tư pháp của một nước;

d. Khi quy định của luật này, trừ Điều 28, để các bên tự do quyết định một vấn đề nhất định, sự tự do này bao gồm cả quyền của các bên được ủy quyền cho bên thứ ba, kể cả tổ chức, để đưa ra quyết định đó;

e. Nếu quy định của luật này dẫn chiếu đến việc các bên đã thoả thuận hoặc các bên có thể thoả thuận hoặc theo bất kỳ cách nào khác dẫn chiếu đến thoả thuận trọng tài, thoả thuận đó bao gồm cả qui tắc trọng tài được viện dẫn tới trong thoả thuận này;

f.Nếu quy định của luật này, trừ quy định trong Điều 25 (a) và Điều 32 (2) (a) dẫn chiếu đến một đơn kiện, cũng sẽ được áp dụng cho đơn kiện lại, và nếu quy định của luật này dẫn chiếu đến bản bào chữa cũng áp dụng cho bản tự bảo vệ đối với đơn kiện lại.

Điều 3: BIÊN NHẬN VÀ CÁC GIAO DỊCH BẰNG VĂN BẢN

1. Nếu các bên không có thoả thuận nào khác:

a. Bất cứ giao dịch nào bằng văn bản sẽ được coi là đã nhận được nếu nó được chuyển riêng tới người nhận hoặc nếu được gửi đến trụ sở kinh doanh, nơi thường trú hoặc địa chỉ gửi thư của người đó mà các địa chỉ trên không thể tìm thấy sau những nỗ lực hợp lý, các giao dịch bằng văn bản được xem là đã nhận được nếu nó được gửi đến trụ sở kinh doanh, hoặc địa chỉ bưu điện được biết tới cuối cùng của người nhận bằng thư bảo đảm hoặc bằng cách thức khác có ghi nhận về việc chuyển thư đi.

b. Các giao dịch bằng văn bản sẽ được coi là đã nhận được vào ngày nó được chuyển tới.

2. Các quy định của Điều này không áp dụng cho việc giao dịch trong tố tụng toà án.

Điều 4: KHƯỚC TỪ QUYỀN PHẢN ĐỐI

Khi một bên biết rằng bất kì Điều khoản của Luật này có thể bị các bên làm tổn hại, hoặc bất kì yêu cầu nào theo thoả thuận trọng tài chưa được tuân thủ và vẫn tiếp tục tiến hành trọng tài mà không tuyên bố sự phản đối của mình về những việc không chấp hành đó trong thời hạn cho phép thì sẽ xem như đã từ bỏ quyền phản đối của mình.

Điều 5: MỞ RỘNG CAN THIỆP CỦA TOÀ ÁN.

Ðối với những vấn đề do Luật này Điều chỉnh, không có Toà án nào sẽ can thiệp vào trừ khi những trường hợp được Luật này quy định.

Điều 6: TOÀ ÁN HOẶC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN KHÁC VÌ MỘT SỐ CHỨC NĂNG NHẤT ĐỊNHTRONG VIỆC HỖ TRỢ VÀ GIÁM SÁT TRỌNG TÀI

Những chức năng được đề cập tới tại các Điều 11(3) , Điều 11(4), Điều 13(3), Điều 14, Điều 16(3) và Điều34(2) sẽ được thực hiện bởi (Mỗi quốc gia thông qua luật mẫu này ghi rõ toà án, các toà án hoặc những cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện những chức năng này trong toà án).

Chương II

THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI

Điều 7: ÐỊNH NGHIÃ VÀ HÌNH THỨC CỦA THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI

1. "Thoả thuận trọng tài" là thoả thuận mà các bên đưa ra trọng tài mọi hoặc các tranh chấp nhất định phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng. Thoả thuận trọng tài có thể dưới hình thức Điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thoả thuận riêng.

2. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Thoả thuận là văn bản nếu nó nằm trong một văn bản được các bên ký kết hoặc bằng sự trao đổi qua thư từ, Telex, telegrams hoặc các hình thức trao đổi viễn thông khác mà ghi nhận thoả thuận đó hoặc qua trao đổi về đơn kiện và bản biện hộ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. Việc dẫn chiếu trong hợp đồng tới một văn bản ghi nhận Điều khoản trọng tài lập nên thoả thuận trọng tài với Điều kiện hợp đồng này phải là văn bản và sự dẫn chiếu đó là một bộ phận của hợp đồng này.

Điều 8: THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI VÀ ĐƠN KIỆN NỘI DUNG TRANH CHẤP TRƯỚC TOÀ

1. Trước khi việc kiện về vấn đề đối tượng của thỏa thuận được đưa ra, nếu một bên yêu cầu không muộn hơn thời gian khi nộp bản tường trình đầu tiên của mình về nội dung tranh chấp, toà án sẽ chuyển các bên cho trọng tài trừ khi toà án thấy rằng thoả thuận đó là vô hiệu và không có hiệu lực, không tiến hành được và không có khả năng thực hiện.

2. Nếu việc đi kiện được nêu tại khoản 1 Điều này đã đưa ra, tố tụng trọng tài vẫn có thể được bắt đầu và tiếp tục và phán quyết có thể được tuyên trong khi vấn đề đó sẽ tạm đình chỉ trước toà.

Điều 9: THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI VÀ CÁC BIỆN PHÁP TẠM THỜI CỦA TOÀ ÁN

Không có gì trái với thoả thuận trọng tài để một bên trước hoặc trong quá trình tố tụng trọng tài yêu cầu và toà án áp dụng các biện pháp bảo đảm tạm thời và để toà án ra các biện pháp bảo đảm đó.

Chương III

THÀNH LẬP UỶ BAN TRỌNG TÀI

Điều 10: SỐ LƯỢNG TRỌNG TÀI VIÊN

1. Các bên được tự do quyết định số lượng trọng tài viên.

2. Nếu các bên không quyết định, số lượng trọng tài viên sẽ là 3 người.

Điều 11: CHỈ ĐỊNH TRỌNG TÀI VIÊN

1. Không ai bị cản trở để thành trọng tài viên vì lý do quốc tịch, nếu các bên không có thoả thuận nào khác.

2. Các bên có quyền tự do thoả thuận về cách thức chỉ định trọng tài viên hoặc các trọng tài viên, theo quy định của khoản 4 và 5 Điều này.

3. Nếu không có thoả thuận của các bên:

a. Trong trọng tài với ba trọng tài viên, mỗi bên sẽ chỉ định một trọng tài viên, và hai trọng tài viên được chỉ định sẽ bầu trọng tài viên thứ ba; nếu một bên không chỉ định trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu làm như vậy của phía bên kia hoặc nếu hai trọng tài viên không thoả thuận được trọng tài viên thứ ba trong vòng 30 ngày kể từ ngày họ được chỉ định, căn cứ yêu cầu của một bên, toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền được xác định tại Điều 6 sẽ tiến hành chỉ định.

b. Trong trọng tài viên với một trọng tài viên duy nhất, nếu các bên không thể thoả thuận chọn trọng tài viên này, căn cứ vào yêu cầu của một bên, toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền được xác định tại Điều 6 sẽ tiến hành chỉ định trọng tài viên duy nhất này.

4. Khi, theo cách thức chỉ định trọng tài viên được các bên thoả thuận.

a. Một bên không thực hiện như yêu cầu theo cách thức đó, hoặc

b. Các bên hoặc hai trọng tài viên không thể đạt được sự thoả thuận của mình theo trình tự đó, hoặc

c. Bên thứ ba, bao gồm tổ chức, không tiến hành chức năng được ủy thác theo trình tự đó thì bất cứ bên nào cũng có thể yêu cầu toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền được xác định tại Điều 6 tiến hành các biện pháp cần thiết, trừ khi thoả thuận về cách thức chỉ định trọng tài viên đưa ra giải pháp khác về việc đảm bảo việc chỉ định này.

5. Quyết định về vấn đề được ủy thác ở khoản (3) hoặc (4) của Điều này cho toà án hoặc tổ chức có thẩm quyền được xác định tại Điều 6 sẽ không phải là đối tượng để kháng án. Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, trong việc chỉ định trọng tài viên, sẽ phải tôn trọng đúng mực về bất kỳ tiêu chuẩn nào được yêu cầu về trọng tài viên theo thoả thuận của các bên và cân nhắc cần thiết để đảm bảo việc chỉ định trọng tài viên độc lập và khách quan và, trong trường hợp trọng tài viên duy nhất hoặc trọng tài viên thứ ba, cũng phải tính đến có nên chỉ định trọng tài viên có quốc tịch khác với quốc tịch của các bên hay không.

Điều 12: CƠ SỞ TỪ CHỐI

1. Khi một người có khả năng được chỉ định làm trọng tài viên thì người đó cần phải công khai những hoàn cảnh có thể gây ra những nghi ngờ chính đáng về tính khách quan hoặc độc lập của mình. Kể từ khi được chỉ định và trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, trọng tài viên sẽ không được trì hoãn thông báo những hoàn cảnh đã nêu cho các bên biết, trừ khi các bên đã được trọng tài viên này thông báo rồi.

2. Trọng tài viên có thể bị từ chối chỉ khi có hoàn cảnh đem lại sự nghi ngờ chính đáng liên quan đến tính khách quan và độc lập của trọng tài viên này hoặc khi anh ta không có đủ phẩm chất như các bên đã thoả thuận. Một bên chỉ có thể từ chối trọng tài viên do chính mình chỉ định hoặc trong việc chỉ định trọng tài viên mà bên đó tham gia, chỉ vì những lý do mà bên đó biết biết sau khi đã tiến hành xong việc chỉ định.

Điều 13: THỦ TỤC TỪ CHỐI

1. Các bên được tự do thoả thuận thủ tục để từ chối trọng tài viên theo quy định khoản 3 của Điều này.

2. Nếu không có thoả thuận, bên có ý định từ chối trọng tài viên sẽ gửi văn bản nêu rõ những lý do để từ chối ủy ban trọng tài trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo thành lập ủy ban Trọng tài hoặc sau khi biết những hoàn cảnh được nêu tại Điều 12 (2). Nếu trọng tài viên bị từ chối không rút khỏi ủy ban trọng tài hoặc bên kia không đồng ý về việc từ chối này, ủy ban trọng tài sẽ quyết định.

3. Nếu việc từ chối theo thủ tục được các bên thoả thuận hoặc theo thủ tục được quy định tại khoản 2 Điều này không thành công, bên từ chối, trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được quyết định bác việc từ chối, có thể yêu cầu toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền được xác định tại Điều 6 quyết định về việc từ chối này, quyết định này không phải là đối tượng để kháng án, trong khi yêu cầu này bị tạm hoãn, ủy ban trọng tài kể cả trọng tài viên bị từ chối, có thể tiếp tục tố tụng trọng tài và ra phán quyết.

Điều 14: KHÔNG THỰC HIỆN HOẶC KHÔNG THỂ TIẾN HÀNH

1. Nếu một trọng tài viên thực tế không thể thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc vì lý do nào đó không thực hiện được, nhiệm vụ của trọng tài viên này chấm dứt nếu trọng tài viên đó rút khỏi ủy ban Trọng tài hoặc nếu các bên nhất trí với việc chấm dứt đó. Ngược lại, nếu còn có bất đồng về cơ sở của việc chấm dứt này, bất cứ bên nào cũng có thể yêu cầu toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác được xác định theo Điều 6 quyết định về việc chấm dứt nhiệm vụ của trọng tài viên đó, quyết định này không là đối tượng để kháng án.

2. Nếu, theo Điều này hoặc Điều 13 (2) trọng tài viên rút khỏi vị trí của mình hoặc bên đồng ý chấm dứt nhiệm vụ của trọng tài viên, Điều này không hàm ý việc chấp nhận giá trị pháp lý của các căn cứ được dẫn chiếu trong Điều này và Điều 12(2).

Điều 15: CHỈ ĐỊNH TRỌNG TÀI VIÊN THAY THẾ

Khi nhiệm vụ của trọng tài viên chấm dứt theo các Điều 13 hoặc 14 hoặc vì những nguyên nhân khác về việc rút khỏi của trọng tài viên đó hoặc do các bên thoả thuận rút bỏ thẩm quyền của trọng tài viên hoặc trong các trường hợp khác về việc chấm dứt nhiệm vụ trọng tài viên, trọng tài viên thay thế sẽ được chỉ định theo những nguyên tắc được áp dụng cho việc chỉ định trọng tài viên bị thay thế.

Chương IV

THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA UỶ BAN TRỌNG TÀI

Điều 16: THẨM QUYỀN CỦA UỶ BAN TRỌNG TÀI QUI ĐỊNH THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA MÌNH

1. Ủy ban trọng tài có thể quyết định về thẩm quyền xét xử của chính mình, kể cả những ý kiến phản đối về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của thoả thuận trọng tài. Vì mục đích này, Điều khoản trọng tài trở thành bộ phận của hợp đồng sẽ được coi là thoả thuận độc lập với các Điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của ủy ban Trọng tài về hợp đồng bị vô hiệu không làm cho Điều khoản trọng tài bị vô hiệu theo.

2. Ðơn yêu cầu về việc ủy ban Trọng tài không có thẩm quyền sẽ phải đưa ra không muộn hơn với việc nộp bản biện hộ. Không thể ngăn cản bên đưa ra đơn yêu cầu này chỉ vì đã chỉ định trọng tài viên hoặc tham gia việc chỉ định trọng tài viên. Ðơn yêu cầu về việc ủy ban Trọng tài vượt quá phạm vi được ủy quyền phải được đưa ra ngay khi nhận thấy sự kiện được cho là vượt quá thẩm quyền của ủy ban Trọng tài nảy sinh trong quá trình tố tụng Trọng tài. Một trong hai trường hợp này, uỷ ban Trọng tài có thể chấp nhận đơn yêu cầu sau nếu uỷ ban xét thấy sự trì hoãn này là hợp lý.

3. Ủy ban trọng tài có thể quyết định về đơn yêu cầu chỉ ra ở khoản 2 của Điều này như là vấn đề mở đầu hoặc giải quyết tại phán quyết về nội dung tranh chấp. Nếu ủy ban Trọng tài giải quyết như là một vấn đề mở đầu là ủy ban có thẩm quyền xét xử, thì bất kỳ bên nào cũng có thể, trong vòng 30 ngày sau khi nhận được thông báo về quyết định này, đề nghị toà án được xác định tại Điều 6 quyết định vấn đề này, quyết định này không bị kháng án; trong khi yêu cầu đó đang chờ giải quyết thì ủy ban Trọng tài vẫn có thể tiếp tục tiến hành quá trình tố tụng và đưa ra phán quyết.

Điều 17: THẨM QUYỀN CỦA UỶ BAN TRỌNG TÀI RA CÁC BIỆN PHÁP TẠM THỜI

Trừ khi các bên có thoả thuận khác, ủy ban Trọng tài có thể theo yêu cầu của một bên buộc bất kỳ bên nào phải tiến hành biện pháp bảo vệ tạm thời khi ủy ban Trọng tài thấy cần thiết đối với nội dung tranh chấp. Ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu bất kỳ phía nào đưa ra sự bảo đảm thích hợp về biện pháp trên.

Chương V:

HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Điều 18: ÐỐI XỬ CÔNG BẰNG VỚI CÁC BÊN

Các bên phải được đối xử một cách công bằng và mỗi bên phải có cơ hội đầy đủ để trình bày về vụ kiện.

Điều 19: XÁC ĐỊNH CÁC NGUYÊN TẮC VỀ TỐ TỤNG

1. Theo quy định của luật này, các bên được tự do thoả thuận về tố tụng mà ủy ban Trọng tài phải thực hiện khi tiến hành tố tụng.

2. Nếu không có thoả thuận đó, ủy ban Trọng tài có thể, theo quy định của luật này, tiến hành trọng tài theo cách thức mà ủy ban Trọng tài cho là thích hợp. Quyền trao cho ủy ban Trọng tài bao gồm quyền xác định việc thừa nhận, tính hợp lý, sự xác đáng và trọng lượng của chứng cứ.

Điều 20: NƠI TIẾN HÀNH TRỌNG TÀI

1. Các bên được tự do thoả thuận nơi tiến hành trọng tài. Nếu không thoả thuận, nơi xét xử trọng tài sẽ được ủy ban Trọng tài quyết định căn cứ vào hoàn cảnh của vụ kiên, tính tới sự thuận tiện cho các bên.

2. Dẫu có quy định của khoản 1 của Điều này, ủy ban Trọng tài có thể, trừ khi các bên có thoả thuận khác, tổ chức tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc hỏi ý kiến các ủy viên, cho việc mời nhân chứng, chuyên gia hoặc các bên hoặc việc giám định hàng hoá, tài sản khác hoặc văn bản.

Điều 21: KHỞI ĐẦU TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Nếu các bên không có thoả thuận nào khác, tố tụng của ủy ban Trọng tài liên quan đến tranh chấp cụ thể bắt đầu từ ngày đơn kiện gửi tới trọng tài được bị đơn nhận.

Điều 22: NGÔN NGỮ

1. Các bên tự do thoả thuận về ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nếu không thoả thuận, ủy ban trọng tài sẽ quyết định ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng. Thoả thuận này hoặc quyết định này, trừ khi được xác định rõ trong đó, sẽ áp dụng với văn bản của các bên, trong phiên xét xử và trong phán quyết, quyết định hoặc các hình thức giao dịch của ủy ban Trọng tài.

2. Ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu chứng cứ bằng văn bản phải được gửi kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ hoặc những ngôn ngữ mà các bên đã thoả thuận hoặc được ủy ban Trọng tài quyết định.

Điều 23: ĐƠN KIỆN VÀ ĐƠN BIỆN HỘ

1. Trong thời gian do các bên thoả thuận hoặc do ủy ban trọng tài quyết định, nguyên đơn sẽ nêu rõ các sự việc chứng minh cho đơn kiện của mình, những điểm của tranh chấp, những thiệt hại và những yêu cầu của nguyên đơn, và bị đơn sẽ trình bày bản tự bào chữa về những điểm cụ thể này, trừ khi các bên có thoả thuận khác về những điểm cần cho những văn bản này. Các bên có thể nộp bản giải trình của mình cùng với các chứng từ mà họ cho là có liên quan hoặc có thể bổ sung việc dẫn chiếu đến những chứng từ hoặc chứng cứ khác mà các bên đưa ra.

2. Nếu các bên không có thoả thuận nào khác, một trong hai bên có thể sửa đổi hoặc bổ sung đơn kiện hoặc bản tự bào chữa của mình trong quá trình tố tụng trọng tài, trừ khi ủy ban trọng tài cho rằng Điều đó không thích hợp để cho phép việc sửa đổi đó dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình tiến hành việc này.

Điều 24: XÉT XỬ TỐ TỤNG VĂN BẢN

1. Nếu các bên có thoả thuận ngược lại, ủy ban trọng tài sẽ quyết định xem là tiến hành phiên xét xử nói trên để trình bày chứng cứ hay là tranh luận giữa các bên, hoặc tố tụng này sẽ được tiến hành trên cơ sở xem xét chứng từ hoặc tài liệu khác. Tuy nhiên, trừ khi các bên đã thoả thuận không một phiên xét xử nào được tổ chức, ủy ban Trọng tài sẽ tổ chức những phiên xét xử vào những giai đoạn tố tụng thích hợp, nếu nó được một bên yêu cầu.

2. Các bên sẽ được nhận thông báo trước về những phiên xét xử và những cuộc họp của ủy ban Trọng tài vì mục đích giám định hàng hoá, tài sản hoặc chứng từ.

3. Tất cả các bản giải trình, chứng từ hoặc các thông tin khác được một bên cung cấp cho ủy ban Trọng tài cũng sẽ được gửi cho bên kia. Tương tự với các báo cáo của các chuyên gia hoặc các chứng cứ về những vấn đề mà ủy ban Trọng tài dựa vào để đưa ra quyết định sẽ phải được thông báo cho các bên biết.

Điều 25: SỰ VẮNG MẶT CỦA MỘT BÊN

Nếu các bên không có thoả thuận nào khác, nếu, không có lý do chính đáng,

a. Nguyên đơn không trao đổi về đơn kiện của mình theo quy định của Điều 23(1), ủy ban trọng tài sẽ đình chỉ tố tụng;

b. Bị đơn không gửi bản biện hộ theo quy định Điều 23(1), ủy ban trọng tài sẽ tiếp tục tố tụng mà coi việc không có bản biện hộ như là sự chấp nhận những lý lẽ của nguyên đơn.

c. Bất kỳ bên nào không có mặt tại phiên xét xử hoặc đưa ra chứng cứ, ủy ban trọng tài có thể tiếp tục tố tụng và đưa ra phán quyết trên cơ sở những chứng cứ trước đó.

Điều 26: CHUYÊN GIA ĐƯỢC UỶ BAN TRỌNG TÀI CHỈ ĐỊNH

1. Nếu các bên không có thoả thuận nào khác, ủy ban trọng tài

a.Có thể chỉ định một hoặc một số chuyên gia báo cáo cho ủy ban trọng tài về những vấn đề cụ thể do ủy ban trọng tài quyết định;

b.Có thể yêu cầu một bên cung cấp cho các chuyên gia những thông tin có liên quan hoặc đưa ra hoặc cho phép chuyên gia vào, bất kỳ các chứng từ liên quan, hàng hoá hoặc tài sản khác để tiến hành giám định.

2. Trừ khi các bên có thoả thuận khác, nếu một bên có yêu cầu hoặc nếu ủy ban trọng tài thấy cần thiết sau khi chuyển bản báo cáo bằng miệng hoặc bằng văn bản, các chuyên gia sẽ tham dự phiên xét xử để các bên có cơ hội nêu các câu hỏi với chuyên gia và đưa ra những nhân chứng cho chuyên viên để thẩm định những điểm của vấn đề đó.

Điều 27: SỰ GIÚP ĐỠ CỦA TOÀ ÁN TRONG VIỆC THU THẬP CHỨNG CỨ

Ủy ban trọng tài hoặc một bên với sự đồng ý của ủy ban trọng tài có thể yêu cầu toà án có thẩm quyền của Nước này trợ giúp thu thập chứng cứ. Toà án có thể thực hiện yêu cầu đó trong phạm vi thẩm quyền của mình và theo nguyên tắc về thu thập chứng cứ.

Chương VI

LẬP PHÁN QUYẾT VÀ CHẤM DỨT TỐ TỤNG

Điều 28: NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI NỘI DUNG TRANH CHẤP

1. Ủy ban trọng tài sẽ quyết định tranh chấp căn cứ vào nguyên tắc của luật áp dụng cho nội dung tranh chấp mà các bên đã chọn. Bất kì sự chỉ rõ luật hoặc hệ thống pháp lý của nước được chọn sẽ được giải thích trừ khi quy định khác như là sự dẫn chiếu một cách trực tiếp tới luật nội dung của quốc gia đó và không dẫn chiếu đến nguyên tắc xung đột luật của nước này.

2. Nếu các bên không chọn luật, ủy ban trọng tài sẽ áp dụng luật được xác định bởi các nguyên tắc xung đột luật mà ủy ban trọng tài thấy là thích hợp.

3. Ủy ban trọng tài có thể quyết định trên cơ sở lẽ công bằng hoặc tính hợp lý chi khi các bên đã ủy quyền rõ ràng cho ủy ban được làm như vậy.

4. Trong mọi trường hợp, ủy ban trọng tài sẽ quyết định căn cứ vào các Điều khoản của hợp đồng và cân nhắc tới tập quán thương mại áp dụng cho giao dịch đó.

Điều 29: RA QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN TRỌNG TÀI

Trong tố tụng trọng tài gồm nhiều trọng tài viên, nếu các bên không có thoả thuận nào khác, việc

quyết định của ủy ban trọng tài theo nguyên tắc đa số của các thành viên trong ủy ban. Tuy nhiên, vấn đề về tố tụng có thể được quyết định bởi Chủ tịch ủy ban nếu được các bên và các thành viên khác của ủy ban trọng tài ủy quyền.

Điều 30: GIẢI QUYẾT

1. Nếu trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên giải quyết được tranh chấp, ủy ban trọng tài sẽ chấm dứt tố tụng khi các bên có yêu cầu và ủy ban trọng tài không phản đối, và ghi nhận việc giải quyết này dưới hình thức phán quyết trọng tài về các Điều kiện thoả thuận.

2. Phán quyết về Điều kiện được thoả thuận sẽ được lập theo với quy định tại Điều 31 và sẽ được tuyên như là một phán quyết. Phán quyết này có vị trí và hiệu lực tương tự như phán quyết về nội dung vụ kiện.

Điều 31: HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG PHÁN QUYẾT

1. Phán quyết phải được lập bằng văn bản và phải được trọng tài viên hoặc các trọng tài viên ký. Trong tố tụng trọng tài gồm nhiều trọng tài viên, chữ ký của đa số các trọng tài viên trong ủy ban trọng tài là đủ, nếu như có nêu lý do về những chữ ký khuyết.

2. Trừ khi các bên thoả thuận rằng không nêu lý do hoặc phán quyết là phán quyết về các Điều khoản được thoả thuận theo Điều 30, phán quyết phải nêu rõ lý do làm căn cứ để quyết định.

3. Phán quyết này phải nêu rõ ngày và địa điểm lập phán quyết như quy định theo Điều 20(1) Phán quyết sẽ được xem là được lập tại nơi đó.

4. Sau khi phán quyết được lập, một bản được các trọng tài viên ký theo quy định tại khoản 1 của Điều này sẽ được tống đạt cho mỗi bên.

Điều 32: CHẤM DỨT TỐ TỤNG

1. Tố tụng trọng tài sẽ được chấm dứt bởi phán quyết chung thẩm hoặc bởi yêu cầu của ủy ban trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy ban trọng tài sẽ đưa ra yêu cầu chấm dứt tố tụng trọng tài khi:

a. Nguyên đơn rút đơn kiện, trừ khi bị đơn phản đối việc này và ủy ban trọng tài công nhận lợi ích chính đáng của bị đơn trong việc có được một giải pháp cuối cùng về tranh chấp.

b. Các bên đồng ý chấm dứt tố tụng.

c. Ủy ban trọng tài thấy rằng việc tiếp tục tố tụng vì bất cứ lý do nào khác là không cần thiết và không thể được.

3. Trao quyền cho ủy ban trọng tài kết thúc quá trình tố tụng theo quy định tại các Điều 33 và 34(4).

Điều 33: SỬA CHỮA VÀ GIẢI THÍCH PHÁN QUYẾT; PHÁN QUYẾT BỔ SUNG

1. Trừ khi các bên thoả thuận một thời hạn khác, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết:

a. Một bên có thể yêu cầu ủy ban trọng tài sửa trong phán quyết những lỗi về tính toán, đánh máy hoặc lỗi in hoặc những lỗi tương tự, có thông báo cho bên kia biết về Điều này.

b. Nếu các bên có thoả thuận, một bên có thể yêu cầu ủy ban trọng tài đưa ra những giải thích về điểm cụ thể hoặc một phần của phán quyết, có thông báo cho bên kia về yêu cầu này.

Nếu ủy ban trọng tài thấy rằng yêu cầu này là chính đáng, ủy ban trọng tài sẽ tiến hành sửa chữa lại hoặc đưa ra lời giải thích trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Giải thích này là một bộ phận của phán quyết.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết, ủy ban trọng tài có thể chủ động sửa những lỗi đánh máy sai được nêu tại khoản 1 điểm a Điều này.

3. Nếu các bên không có thoả thuận nào khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, một bên có thể yêu cầu ủy ban trọng tài ra phán quyết bổ sung những khiếu nại được nêu ra trong quá trình tố tụng nhưng lại không được nêu trong phán quyết và phải thông báo yêu cầu này cho bên kia. Nếu ủy ban trọng tài cho rằng yêu cầu này là chính đáng thì ủy ban trọng tài sẽ ra phán quyết bổ sung trong thời hạn 60 ngày.

4. Nếu cần thiết ủy ban trọng tài sẽ gia hạn việc sửa chữa, giải thích hoặc ra phán quyết bổ sung theo khoản 1 và 3 Điều này.

5. Những quy định của Điều 31 sẽ chỉ áp dụng về việc sửa chữa hoặc giải thích trong phán quyết hoặc ra phán quyết bổ sung.

Chương VII

YÊU CẦU TOÀ ÁN BÁC PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI

Điều 34: ÐƠN YÊU CẦU HUỶ BỎ PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI LÀ CÁCH THỨC DUY NHẤTĐỂ YÊU CẦU TOÀ ÁN BÁC PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI.

1. Việc yêu cầu toà án bác phán quyết của trọng tài chỉ có thể được tiến hành thông qua đơn yêu cầu toà án hủy bỏ phán quyết phù hợp với quy định tại các đoạn (2) và (3) của Điều này.

2. Một phán quyết chỉ có thể bị toà án theo quy định tại Điều 6 hủy bỏ trong trường hợp:

a.Bên làm đơn yêu cầu đưa ra những bằng chứng khẳng định rằng:

i. Một trong các bên ký kết thoả thuận trọng tài theo quy định tại Điều 7 không đủ năng lực ký kết thoả thuận đó; hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị pháp lý theo luật mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo luật của nước nơi phán quyết được tuyên trong trường hợp mà các bên không ghi rõ; hoặc

ii.Bên phải thi hành phán quyết không được thông báo một cách đầy đủ về việc chỉ định trọng tài viên hoặc tố tụng trọng tài hoặc nói cách khác không thể thực hiện việc tranh tụng của mình; hoặc

iii. Phán quyết giải quyết tranh chấp không được quy định hoặc không nằm trong phạm vi các Điều khoản của thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết, hoặc phán quyết này bao gồm những quyết định về các vấn đề vượt quá phạm vi của thoả thuận trọng tài giải quyết với Điều kiện là những quyết định về các vấn đề đưa ra trọng tài giải quyết có thể tách ra khỏi những vấn đề không được đưa ra trọng tài và chỉ có phần của phán quyết chứa đựng các quyết định về vấn đề không được nêu ra trọng tài giải quyết có thể bị hủy bỏ; hoặc

iv.Thành phần của ủy ban trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận giữa các bên trừ trường hợp thoả thuận này trái với Điều khoản trong luật này mà các bên không thể vi phạm được, hoặc nếu không có thoả thuận đó, không phù hợp với luật này; hoặc

b. Toà án phát hiện rằng:

i. Theo luật của nước đó, vấn đề nội dung tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài được; hoặc

ii. Phán quyết mâu thuẫn với chính sách công của quốc gia đó.

3. Ðơn yêu cầu hủy bỏ phán quyết không được lập muộn quá ba tháng kể từ ngày bên nộp đơn yêu cầu nhận được phán quyết hoặc nếu đơn yêu cầu được tiến hành theo Điều 33 thì tính từ ngày mà yêu cầu đó được ủy ban trọng tài giải quyết.

4. Toà án khi được yêu cầu hủy bỏ phán quyết, có thể, nếu thấy thích hợp và theo yêu cầu của một bên, đình chỉ trình tự hủy bỏ phán quyết trong một thời gian do toà án quyết định để ủy ban trọng tài có cơ hội tiếp tục tiến hành tố tụng trọng tài hoặc tiến hành các hoạt động khác theo ý kiến cuả ủy ban trọng tài sẽ loại trừ cơ sở để hủy bỏ phán quyết.

Chương VIII

CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH

Điều 35: CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH.

1. Phán quyết của trọng tài, bất kể được tuyên ở đâu, sẽ được công nhận có tính ràng buộc và khi có đơn yêu cầu được lập thành văn bản gửi đến toà án có thẩm quyền, sẽ được thi hành theo những quy định tại Điều này và Điều 36.

2. Bên dựa vào phán quyết hay yêu cầu thi hành phán quyết sẽ cung cấp bản gốc hay một bản sao của phán quyết đã được chứng thực hợp lệ cùng với bản gốc của thoả thuận trọng tài theo quy định tại Điều 7 hoặc một bản sao của thoả thuận này đã được chứng thực hợp lệ. Nếu phán quyết hay thoả thuận trọng tài không được lập bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia nơi thi hành phán quyết, bên yêu cầu thi hành sẽ phải cung cấp một bản dịch sang ngôn ngữ đó và phải được chứng thực hợp lệ.

Điều 36: CÁC TRƯỜNG HỢP TỪ CHỐI VIỆC CÔNG NHẬN HOẶC THI HÀNH.

1. Việc công nhận hay thi hành phán quyết trọng tài, bất kể phán quyết này được tuyên ở nước nào, chỉ có thể bị từ chối trong trường hợp:

(a) Theo yêu cầu của bên phải thi hành, nếu bên đó cung cấp được cho toà án có thẩm quyền nơi công nhận hay thi hành phán quyết bằng chứng khẳng định rằng:

i. Bên tham gia thoả thuận trọng tài theo quy định tại Điều 7 không đủ năng lực ký kết thoả thuận đó; hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị pháp lý theo luật mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo luật của nước nơi phán quyết được tuyên trong trường hợp không ghi rõ; hoặc.

ii. Bên phải thi hành phán quyết không được thông báo một cách hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên hoặc về các thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài hoặc ( vì những nguyên nhân chính đáng khác mà) không thể thực hiện được việc tranh tụng của mình; hoặc

iii. Phán quyết được tuyên về một vụ tranh chấp không được quy định hoặc không nằm trong phạm vi các Điều khoản của thoả thuận trọng tài, hoặc phán quyết này chứa đựng những quyết định về các vấn đề vượt quá phạm vi giải quyết nêu ra trong thoả thuận trọng tài; trong trường hợp có thể tách phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu giải quyết tại trọng tài với phần không được quyết định về những vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại trọng tài, thì phần phán quyết có những quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành; hoặc

iv. Thành phần của ủy ban trọng tài hoặc thủ tục giải quyết tranh chấp của trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trong trường hợp không có thỏa thuận đó không phù hợp với luật của nước nơi tiến hành xét xử trọng tài; hoặc

v. Phán quyết của trọng tài chưa có hiệu lực ràng buộc với các bên hoặc phán quyết đó bị hủy bỏ hoặc đình chỉ bởi toà án của nước nơi phán quyết được tuyên hoặc theo luật của nước nơi phán quyết được lập.

(b) Nếu Toà án thấy rằng:

i. Theo luật của quốc gia này, nội dung tranh chấp không thể giải quyết qua thể thức trọng tài; hoặc

ii. Việc công nhận và cho thi hành phán quyết đó sẽ trái với chính sách công của quốc gia này.

2. Trường hợp đơn yêu cầu hủy bỏ hay đình chỉ thi hành phán quyết được gửi đến toà án theo như quy định tại đoạn (1) (a) (v) của Điều khoản này, thì toà án nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết nếu thấy yêu cầu này hợp lệ, sẽ tạm hoãn quyết định cho thi hành của mình và cũng có thể, trên cơ sở có đơn yêu cầu của bên đòi công nhận hoặc thi hành phán quyết ra lệnh cho bên kia đưa ra một sự bảo đảm thích hợp.