Mượn xe bạn đi cắm không trả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41239

Câu hỏi:

Xin chào luật sư cho em hỏi, bạn em mượn xe máy của bạn đi cắm không trả, cộng thêm vay 20 triệu tiền mặt nữa. Giờ bạn của bạn ý gửi đơn ra phường liệu bạn em có bị kết án ngồi tù không ạ và có cách nào để hưởng án treo không ạ? 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

– Bộ luật hình sự 1999

– Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, bạn của bạn mượn xe và mượn tiền có mục đích chiếm đoạt ngay từ đầu, thì người bạn đó có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bố sung năm 2009. 

“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

…."

Theo đó, xét trong trường hợp của bạn bạn thì nếu bạn của bạn có hành vi dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người bạn kia tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động… và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Và giá trị tài sản từ hai triệu đồng trở lên. Ở đây ngoài chiếc xe thì bạn của bạn còn vay 20 triệu đồng (đã lớn hơn 2 triệu đồng). Đồng thời, khi thực hiện hành vi lừa đảo thì bạn của bạn thực hiện với lỗi cố ý và đáp ứng các điều kiện về chủ thể phạm tội thì bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt.

Về mức hình phạt: do bạn không nói rõ giá trị mà bạn của bạn chiếm của người bạn kia là bao nhiêu nên bạn có thể tham khảo quy định nêu trên để biết khung hình phạt mà bạn của bạn có thể phải chịu.

Thứ hai, sau khi mượn xe và tiền, bạn của bạn mới có mục đích chiếm đoạt, thì sẽ có thể cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bố sung năm 2009. Ở đây, bạn của bạn phải xem mình có thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gồm:

– Mặt khách quan: Hành vi phạm tội vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối  hoặc bỏ trốn chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến việc không có khả năng trả lại. Nếu có dấu hiệu gian dối, sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý.

– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Và mục đích bắt buộc của người phạm tội là mong muốn được chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, mục đích này có sau khi người phạm tội có được tài sản thông qua một giao dịch hợp pháp

– Mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. 

Nếu bạn của bạn thỏa mãn các dấu hiệu trên thì bạn của bạn sẽ bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009. Và mức hình phạt mà bạn của bạn phải chịu thì còn phụ thuộc vào giá trị số tiền mà bạn của bạn chiếm được. Cụ thể:

– Nếu giá trị tài sản chiếm được từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm;

– Nếu Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì khung hình phạt mà bạn của bạn phải chịu là bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

– Bạn của bạn sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;…

Trong trường hợp này, việc xác định xem hành vi của bạn bạn có cấu thành tội phạm hay không phụ thuộc vào việc xác minh, điều tra của cơ quan công an. Nếu không có dấu hiệu của tội phạm mà bạn của bạn vẫn không chịu trả xe và tiền thì bạn của bạn có thể sẽ chịu trách nhiệm dân sự trả lại xe và tiền khi người kia là đơn khởi kiện ra Tòa.

Năm 2020, đánh bạc bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Về việc hưởng án treo, phải xem xét bạn của bạn có đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 và hướng dẫn  tại tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP như sau:

– Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì. Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

– Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

– Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự 1999. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

– Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, nếu bạn của bạn đảm bảo được các điều kiện trên thì bạn của bạn sẽ được Tòa án xem xét cho hưởng án treo.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.