Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 01/2007/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ THỜI HIỆU THI HÀNH BẢN ÁN, MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT, GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là BLHS);
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về Điều 55 của BLHS

1.1. Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hành sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

1.2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 55 của BLHS mà người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kề từ ngày phạm tội mới.

Ví dụ: Tại bản án hình sự phúc thẩm số 15/HSPT ngày 10/5/2006, Toà án cấp phúc thẩm xử phạt Nguyễn Văn A hai năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Nguyễn Văn A chưa bị bắt đi chấp hành hình phạt tù. Ngày 20/3/2007, Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy thời hiệu thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 15/HSPT ngày 10/5/2006 là năm năm tính từ ngày 21/3/2007. Còn thời hiệu thi hành bản án đối với tội trộm cắp tài sản được tính từ ngày bản án của Tòa án kết án về tội trộm cắp tài sản có hiệu lực pháp luật.

1.3. Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì căn cứ mức hình phạt để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự là hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất.

Ví dụ: Tại bản án hình sự phúc thẩm số 10/2007/HSPT ngày 15/3/2007, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H và giữ nguyên bản án sơ thẩm số 15/2006/HSST ngày 20/12/2006 của Toà án nhân dân tỉnh T; tuyên bố bị cáo H phạm tội giết người, cố ý gây thương tích và cho vay lãi nặng; áp dụng khoản 2 Điều 93, khoản 1 Điều 104, khoản 1 Điều 163 và khoản 1 Điều 50 của BLHS; xử phạt bị cáo H 12 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 20 triệu đồng về tội cho vay lãi nặng; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo H phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù và 20 triệu đồng... Trong trường hợp này căn cứ mức hình phạt để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 10/2007/HSPT nêu trên là hình phạt chung của hình phạt tù (14 năm tù). Như vậy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 của BLHS thì thời hiệu thi hành bản án phúc thẩm này là mười năm.

1.4. Trường hợp trong bản án có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người cụ thể để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với họ.

1.5. Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ vào mức hình phạt trong mỗi bản án cụ thể để tính thời hiệu thi hành mỗi bản án hình sự cụ thể đó mà không phải căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.

1.6. Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh và cơ quan công an đã có quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu thi hành bản án hình sự tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

“ Cố tình trốn tránh” là cố tình giấu địa chỉ, ẩn náu, thay đổi họ tên, hình dạng... làm cho cơ quan có thẩm quyền thi hành án không biết họ ở đâu hoặc không phát hiện được.

Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh, nhưng cơ quan công an không ra quyết định truy nã hoặc có ra quyết định truy nã, nhưng không đúng quy định tại Điều 161 của Bộ luật tố tụng hình sự (trừ những việc không thể thực hiện được, như phải dán ảnh kèm theo, nhưng không có ảnh), thì thời gian trốn tránh vẫn được tính để xác định thời hiệu thi hành bản án hình sự.

1.7. Trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù và khi hết thời hạn hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù mà Chánh án tòa án đã cho hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù không ra quyết định thi hành án hình phạt tù theo quy định tại khoản 2 Điều 261 hoặc quyết định thi hành án phạt tù đối với phần hình phạt tù còn lại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 262 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc có ra quyết định thi hành án phạt tù, nhưng người bị kết án không trốn tránh, thì cũng được hưởng thời hiệu thi hành bản án. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính kể từ ngày hết hạn hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù và căn cứ vào mức hình phạt từ còn lại mà người bị kết án chưa chấp hành.

2. Về Điều 57 của BLHS

2.1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

- “Lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

- “Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị.

b) Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn luơng, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội... hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được...

c) Được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

2.2. Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) đã được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt được miễn chấp hành hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại, nếu trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt đã lập công và được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại.

“Đã lập công” là trường hợp lập công lớn hoặc người bị kết án có thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

2.3. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt;

b) Cải tạo tốt được chứng minh bằng việc chấp hành nghiệm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập;

c) Được chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

2.4. Người phải thi hành án khoản tiền phạt (hình phạt tiền) được miễn thi hành án khi có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại mục 3 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí”

3. Về Điều 58 của BLHS

3.1. Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hành phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mưới năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với hình phạt tù chung thân;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập;

c) Không vi phạm chế độ, nội quy của Trại giam (Trại tạm giam) (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù);

d) Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ) hoặc cơ quan thi hành án phạt tù (đối với người đang chấp hành hình phạt tù) đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

3.2. Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt

a) Người bị kết án cải tạo không giam giữ thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến chín tháng,

b) Người bị kết án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của Trại giam (Trại tạm giam).

c) Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống ba mươi năm.

d) Mỗi người có thế được giảm thời hạn chấp hành hình phạt nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là một phần hai mức hình phạt đã tuyên hoặc hai nươi năm đối với hình phạt tù chung thân.

đ) Mỗi người mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt một lần. Trường hợp trong năm đó sau khi được giảm thời hạn chấp hành hình phạt mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thế được xét giảm thêm tối đa là hai lần trong một năm.

3.3. Người phải thi hành án khoản tiền phạt (hình phạt tiền) được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí”.

4. Về Điều 59 của BLHS

4.1. Người bị kết án đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt vào thời gian sớm hơn thời gian quy định tại khoản 1 Điều 58 của BLHS hoặc với mức cao hơn so với mức được hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết này,

a) “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.

b) “Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.1 mục 2 Nghị quyết này.

c) “Đã lập công” là trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Nghị quyết này.

4.2. Được coi là thời gian sớm hơn thời gian quy định tại khoản 1 Điềm 58 củc BLHS khi người đang chấp hành hình phạt đã chấp hành được một phần tư mức hình phạt đã tuyên đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười năm đối với tù chung thân.

4.3. Được coi là mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt cao hơn so với mức được hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết ngày khi mức giảm mỗi lần cao nhất là một năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, là bốn năm đối với hình phạt tù, nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân.

4.4. Trong trường hợp đặc biệt khi có sự đồng ý của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn với mức cao hơn so với thời gian và mức được hướng dẫn tại các tiểu mục 4.2. và 4.3 mục 4 này.

5. Về Điều 76 của BLHS

5.1. Điều 76 của BLHS được áp dụng đối với người chưa thành niên tại thời điểm phạm tội.

5.2. Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay không phụ thuộc vào thời gian đã chấp hành hình phạt được một phần tư mức hình phạt đã tuyên hay chưa.

5.3. Người chưa thành niên bị phạt tù, nhưng chưa chấp hành được hai phần năm mức hình phạt đã tuyên, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành phần hình phạt tù còn lại không quá một năm thì được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại.

Trong trường hợp đặc biệt khi có sự đồng ý của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì mức miễn chấp hành hình phạt tù còn lại có thể cao hơn một năm.

6. Về Điều 60 của BLHS

6.1. Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;

Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

6.2. Đối với người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù.

6.3. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Toà án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của BLHS.

6.4. Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp Toà án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt như sau:

a) Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

b) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

Ví dụ: Toà án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tam giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm – 1 năm = 2 năm). Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm x 2 = 4 năm).

c) Trong trường hợp đặc biệt thì Toà án có thể ấn định thời gian ngắn hơn mức được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục 6.4 này, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

6.5. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo; cụ thể như sau:

a) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo (có thể mức hình phạt tù thay đổi) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

b) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

c) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

d) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm bị huỷ để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần sau theo hướng dẫn tại các điểm a, b và c tiểu mục 6.5 này.

6.6. Khi giao người bị xử phạt tù cho hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách, Toà án phải ghi rõ tên, địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức hoặc tên xã, phường, thị trấn; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó và quyết định như sau:

a) Trường hợp người được hưởng án treo là cán bộ, công chức hoặc đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo mà vẫn được tiếp tục làm việc, học tập, thì giao cho cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người được hưởng án treo giám sát và giáo dục;

b) Trường hợp người được hưởng án treo là quân nhân, công nhân quốc phòng mà vẫn được tại ngũ, thì giao cho đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc tương đương trở lên giám sát và giáo dục;

c) Trường hợp người được hưởng án treo là người lao động làm công ăn lương mà vẫn được tiếp tục làm việc, thì giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã nơi họ làm việc giám sát và giáo dục;

d) Trường hợp người được hưởng án treo không thuộc đối tượng được hướng dẫn tại các điểm a, b và c tiểu mục 6.6 này, thì giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được hưởng án treo thường trú giám sát và giáo dục.

Ví dụ 1: Giao Nguyễn Văn A cho Công ty cổ phần Nam Á có địa chỉ tại số 10, đường N, quận Y, thành phố H giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Ví dụ 2: Giao Trần Thế B cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện H, tỉnh N giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

6.7. Người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập;

c) Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giám sát, giáo dục đề nghị bằng văn bản xem xét rút ngắn thời gian thử thách.

6.8. Mức rút ngắn thời gian thử thách

a) Mỗi lần người được hưởng án treo có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách từ ba tháng đến một năm.

b) Người được hưởng án treo có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư.

c) Người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hưởng dẫn tại tiểu mục 6.7 mục 6 này, thì Toà án có thể quyết định miễn chấp hành thời gian thử thách còn lại.

7. Về Điều 61 của BLHS

7.1. Người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hoãn chấp hành hình phạt tù:

a) Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

b) Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu.

c) Là người bị kết tù không phải về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng và là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động).

d) Là người bị kết án về tội ít nghiệm trọng (là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và do nhu cầu công vụ, tức là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó).

7.2. Khi người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này, thì toà án cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù. Toà án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của BLHS mà không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này được hoãn chấp hành hình phạt tù, nhưng phải xem xét rất chặt chẽ.

Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt ba năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý, B bị xử phạt tù lần này là lần đầu, đang nuôi con nhỏ mới 12 tháng tuổi và đang tại ngoại. Theo đề nghị của B, Chánh án đã ra quyết định thi hành án ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với B cho đến khi con của B đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù B lại phạm tội trộm cắp tài sản và bị xử phạt hai năm tù; tổng hợp hình phạt của hai bản án buộc B phải chấp hành hình phạt chung là năm năm tù. Chánh án Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án. B có đơn đề nghị xin được hoãn thi hành án. Trường hợp này phải xem xét rất chặt chẽ. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, B có chồng chăm sóc con thì không cho B hoãn chấp hành hình phạt tù. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, nhưng hay ốm đau, nay B lại đang có thai, thì tuy B có chồng, nhưng vẫn có thể cho B hoãn chấp hành hình phạt tù.

7.3. Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù

a) Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.

b) Người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.

c) Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm.

8. Về Điều 62 BLHS

Các điều kiện để cho người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo hướng dẫn tương ứng tại mục 7 Nghị quyết này.

9. Hiệu lực thi hành

9.1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 2 tháng 10 năm 2007 và có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng công báo.

9.2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sử giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình