CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 1993 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 2-CP ngày 26-10-1992 của Chính phủ về việc thành lập Ban Vật giá Chính phủ;
Theo đề nghị của Trưởng ban Vật giá Chính phủ và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban Vật giá Chính phủ là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng nghiên cứu chính sách và giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo về công tác giá trong cả nước.
Điều 2. Ban Vật giá Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1- Nghiên cứu, soạn thảo cơ chế, chính sách và các văn bản quy định việc quản lý Nhà nước về giá, các giải pháp bình ổn giá trình Chính phủ quyết định để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
2- Xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về giá để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành hoặc Chính phủ ban hành theo thẩm quyền. Tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, các chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến chính sách và quy định quản lý giá do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ.
Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ về quản lý giá, việc đăng ký giá, hiệp thương giá và niêm yết giá.
3- Thẩm định các phương án giá do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ trước khi Chính phủ quyết định; được quyết định một số giá hàng hoá, dịch vụ theo sự uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
4- Phối hợp với các ngành, địa phương trong việc điều tra chi phí sản xuất, lưu thông, giá vốn và tỷ giá xuất nhập những hàng hoá và dịch vụ quan trọng; thu thập, phân tích và dự báo chỉ số biến động giá cả thị trường trong và ngoài nước để báo cáo Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời.
5- Tổ chức nghiên cứu khoa học, thông tin về giá, tuyên truyền chính sách, pháp luật và nhưng quy định về quản lý giá; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ về giá. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giá theo quy định của Chính phủ.
6- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về tổ chức bố máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá trên phạm vi cả nước phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cơ sở vật chất được giao.
7- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội về việc chấp hành các quy định về quản lý giá; yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết theo yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về giá; kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý vi pham quy định của Chính phủ về quản lý giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy Ban Vật giá Chính phủ gồm có:
1- Vụ Tổng hợp.
2- Vụ giá tư liệu sản xuất.
3- Vụ giá hàng công nghiệp tiêu dùng và dịch vụ.
4- Vụ giá nông lâm thuỷ sản.
5- Thanh tra giá.
6- Văn phòng (bao gồm cả công tác tổ chức cán bộ).
7- Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả.
Các tổ chức sự nghiệp khác do Trưởng Ban vật giá Chính phủ quyết định sau khi thống nhất với ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan.
Trưởng Ban Vật giá Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban. Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |