Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10-CP NGÀY 17-2-1993 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để bảo đảm an toàn các công trình xăng dầu và các công trình lân cận; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân;
Theo đề nghị của Bộ thương mại,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo nghị định này bản quy định về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu.

Điều 2. - Nghị định có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trước đây trái với nghị định này bị bãi bỏ.

Bộ thương mại và Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra các Bộ, các ngành, các địa phương thi hành nghị định này.

Điều 3. - Các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU
(Kèm theo Nghị định số 10-CP ngày 17-2-1993 của Chính phủ)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Quy định này chỉ áp dụng đối với công tác bảo vệ an toàn phạm vi bên ngoài bao quanh các công trình xăng dầu. Việc bảo vệ an toàn bên trong công trình tuân theo các quy định và tiêu chuẩn hiện hành.

Điều 2. - Các công trình xăng dầu nói trong quy định này gồm các kho xăng dầu, bến cảng xuất nhập xăng dầu và đường ống dẫn xăng dầu phục vụ cho việc tiếp nhận, vận chuyển, chứa đựng và bảo quản khi lưu thông và dự trữ xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Quy định này không áp dụng cho các kho xăng dầu của các hộ tiêu thụ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kho và đường ống dẫn khí đốt, khí hoá lỏng và các công trình khai khác, chế biến xăng dầu.

Chương 2:

PHẠM VI BẢO ĐẢM AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

Điều 3. - Đối với kho xăng dầu.

Phạm vi bảo đảm an toàn tính từ các bể chứa xăng dầu, các hành mục công trình có nguy hiểm về cháy nổ trong các kho xăng dầu cấp I (có dung tích chứa từ 50.000 m3 trở lên), kho cấp II (có dung tích chứa từ 10.000 m3 đến 50.000 m3), kho cấp III (có dung tích nhỏ hơn 10.000 m3) đến các đối tượng ngoài kho được quy định:

1. Nhà ở và các công trình công cộng của khu dân cư:

- 150 m đối với kho cấp I

- 100 m đối với kho cấp II

- 60 m đối với kho cấp III.

2. Nhà làm việc và các công trình của cơ quan, xí nghiệp:

- 100 m đối với kho cấp I

- 40 m đối với kho cấp II, III

3. Rừng cây: Rừng cây lá to bản:

- 20 m chung cho các cấp kho.

Rừng cây lá kim, cỏ tranh:

- 100 m đối với kho cấp I

- 50 m đối với kho cấp II, III.

4. Mỏ than lộ thiên, kho chứa vật liệu dễ cháy (gỗ than, bông vải sợi v.v...):

- 100 m đối với kho cấp I

- 50 m đối với kho cấp II, III

5. Đường sắt:

Khu vực nhà ga:

- 100 m đối với kho cấp I

- 80 m đối với kho cấp II, III.

Khu vực sân ga xếp dỡ hàng và đường nhánh:

- 80 m đối với kho cấp I

- 60 m đối với kho cấp II, III.

Đường sắt chính:

- 50 m đối với kho cấp I

- 40 m đối với kho cấp II, III

6. Đường ô tô:

Đường ô tô cấp I, II và III:

- 50 m đối với kho cấp I

- 30 m đối với kho cấp II, III.

Đường ô tô cấp IV, V:

- 30 m đối với kho cấp I

- 20 m đối với kho cấp I, III.

7. Sân bay:

Trong phạm vi phễu bay:

- 2000 m đối với kho cấp I

- 1000 m đối với kho cấp II, III.

Ngoài phạm vi phễu bay:

- 1000 m đối với kho cấp I, II

- 500 m đối với kho cấp III.

8. Cột điện:

Cách tường rào kho bằng 1,5 lần chiều cao cột điện cao nhất chung cho các cấp kho.

Khoảng cách quy định trên đây được tính theo đường thẳng từ các mặt ngoài của kho xăng dầu đến mặt ngoài đối diện của các đối tượng. Riêng đường sắt tính từ tim đường gần nhất.

Điều 4. - Đối với bến cảng xuất nhập xăng dầu:

1. Phạm vi bảo đảm an toàn bến cảng xuất nhập xăng dầu trên biển, hồ đến cầu tầu bốc dỡ hàng khô, cầu tầu khác, quân cảng, khu du lịch và các cầu tầu khác được quy định:

- Cầu cảng xuất nhập xăng dầu loại I (xăng, TC-1...): 200 m.

- Cầu cảng xuất nhập xăng dầu loại II (dầu ma zút, dầu nhờn, dầu hoả, diezen): 150 m.

2. Phạm vi bảo đảm an toàn bến cảng xuất nhập xăng dầu ven sông đặt phía hạ lưu đến các đối tượng được quy định:

- Quân cảng cố định, cảng hàng hoá: 1000 m.

- Cảng, công trình thuỷ điện và công trình lấy nước sinh hoạt: 300 m.

- Các công trình khác: 200 m.

3. Phạm vi bảo đảm an toàn bến cảng xuất nhập xăng dầu ven sông đặt phía thượng lưu đến các đối tượng được quy định:

- Quân cảng cố định: 4000 m

- Cảng, công trình thuỷ điện và công trình lấy nước sinh hoạt: 2000 m

- Các công trình khác: 800 m.

Trường hợp bến cảng xuất nhập xăng dầu loại II thì khoảng cách quy định trong khoản 2 và khoản 3 được giảm 30%. Nếu bến cảng xuất nhập xăng dầu cho các phương tiện vận chuyển có trọng tải dưới 300 tấn thì khoảng cách quy định trong khoản 2 và khoản 3 được giảm 50%. Các khoảng cách trên được tính từ mép ngoài của bến cảng xuất nhập xăng dầu đến mép ngoài đối diện của các đối tượng trên.

Điều 5.- Đối với đường ống chính dẫn xăng dầu.

1. Phạm vi bảo đảm an toàn đường đường ống chính dẫn xăng dầu cấp IV (ống có đường kính nhỏ hơn 300 mm và áp suất làm việc lớn hơn 25 kg/cm2), cấp V (ống có đường kính nhỏ hơn 300 mm và áp suất làm việc lớn hơn 16kg/cm2 và nhỏ hơn hoặc bằng 25kg/cm2), tính từ trục đường ống về hai phía được quy định:

a) Nhà và các công trình trong thành phố, thị xã, thị trấn, làng, khu đông dân cư, bến ô-tô, khu ga và các xí nghiệp công nghiệp:

- 75 m đối với các đường ống cấp IV.

- 30 m đối với đường ống cấp V.

b) Nhà ở riêng biệt, trại chăn nuôi, các kho nông, lâm nghiệp, vùng cây công nghiệp và vườn cây:

- 50 m đối với đường ống cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

c) Đường sắt (phạm vi tính từ tim đường sắt gần nhất).

Khi đường ống chạy song song với đường sắt chính:

- 50 m đối với đường cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống chạy song song với đường sắt phụ:

- 30 m đối với đương cấp IV.

- 15 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía thượng lưu cầu đường sắt chính và phụ:

- 100 m đối với đường ống cấp IV.

- 70 m đối với đường ống V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu cầu đường sắt chính:

- 50 m đối với đường ống cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu cầu đường sắt phụ:

- 30 m đối với đường ống cấp IV.

- 15 m đối với đường ống cấp V.

d) Đường ô tô:

Khi đường ống chạy song song với đường ô tô cấp I, II và III:

- 50 m đối với đường ống cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống chạy song song với đường ô tô cấp IV và V:

- 30 m đối với đường ống cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía thượng lưu cầu với đường ô tô các cấp:

- 100 m đối với đường ống cấp IV.

- 70 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu cầu với đường ô tô cấp I, II, III:

- 50 m đối với đường ống cấp IV.

- 20 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu cầu với đường ô tô cấp IV và V:

- 30 m đối với đường ống cấp IV.

- 15 m đối với đường ống cấp V.

đ) Bến cảng, sông, bến đò, bến ca nô:

Khi đường ống ở phía thượng lưu:

- 100 m đối với đường ống cấp IV.

- 70 m đối với đường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu:

- 75 m đối với đường ống cấp IV.

- 30 m đối với đường ống cấp V.

e) Đập nước nhà máy thuỷ điện, trạm bơm tưới tiêu.

Khi dường ở phía thượng lưu:

- 100 m đối với đường ống cấp IV.

- 70 m đối với dường ống cấp V.

Khi đường ống ở phía hạ lưu:

- 400 m đối với đường ống cấp IV, V.

g) Kênh dẫn nước tưới tiêu, hồ, sông chạy song song với đường ống:

- 50 m đối với đường ống cấp IV.

- 30 m đối với đường ống cấp V.

h) Các điện cao thế trần không chạy song song với đường ống cấp IV, V phải bảo đảm khoảng cách với đường ống ít nhất bằng chiều cao cột điện cao nhất cộng thêm 10 m.

i) Các thông tin ngầm chạy song song với đường ống cấp IV, V phải bảo đảm khoảng cách với đường ống ít nhất bằng 10 m.

2. Đối với đường ống chính dẫn xăng dầu có đường kính và áp suất làm việc khác với đường ống chính dẫn xăng dầu cấp IV và V thì phạm vi bảo đảm an toàn phải được thoả thuận của công an phòng cháy chữa cháy, cơ quan chủ quản và các ngành có liên quan.

3. Trong trường hợp đặc biệt, khi có các biện pháp kỹ thuật tăng cường mức độ an toàn được sự thoả thuận của công an phòng cháy chữa cháy và các cơ quan liên quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì khoảng cách quy định ở khoảng I sẽ được giảm xuống nhưng không giảm quá 30% khoảng cách đã quy định (trừ mục h).

Chương 3:

BẢO VỆ AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH XĂNG DẦU

Điều 6. - Bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu là trách nhệm của cơ quan chủ quản các công trình xăng dầu, của các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có công trình xăng dầu. Mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ an toàn công trình xăng dầu, phát hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn công trình xăng dầu và báo ngay cho các cơ quan nói ở điều 12 kịp thời xử lý.

Điều 7. - Trong phạm vi bảo đảm an toàn công trình xăng dầu, việc sử dụng đất đai, nước vào việc sản xuất, khai thác, thăm dò, tham quan, du lịch... phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực đó và những quy định trong Nghị định này.

Ở những nơi phạm vi bảo đảm an toàn công trình xăng dầu đồng thời thuộc phạm vi an toàn công trình giao thông, khu vực kiểm soát biên phòng, khu vực kiểm soát hải quan... Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền thống nhất với các ngành có liên quan quy định việc sử dụng đất đai, nước thuộc phạm vi bảo đảm an toàn công trình xăng dầu.

Điều 8. - Khi xây dựng các công trình xăng dầu thì cơ quan chủ quản công trình xăng dầu phải xin phép Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về địa điểm, về hướng tuyến... và phải theo đúng những quy định của Chính phủ về việc bảo vệ an toàn cho các công trình do ngành khác quản lý. Xây dựng các công trình xăng dầu ở khu vực đô thị thì phải theo đúng các quy định của Nhà nước về quy hoạch.

Điều 9. - Trong phạm vi đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu theo quy định nêu trên, nếu các công trình xăng dầu đã có, nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng và sử dụng lửa trần cũng như các công việc khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nổ mìn, neo đỗ các phương tiện vận chuyển đường thuỷ. Đối với vùng đất, trong phạm vi đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu được phép canh tác nông nghiệp nhưng chỉ được gieo trồng những cây có thu hoạch ngắn ngày. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng vùng đất, nước vào việc khai thác trong phạm vi trên phải được Chính phủ cho phép.

Điều 10. - Đối với nhà ở, công trình... đã có trước khi xây dựng công trình xăng dầu nhưng nằm trong phạm vi đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu nếu thật cần thiết phải di chuyển thì cơ quan chủ quản công trình xăng dầu cùng với các ngành, địa phương có liên quan bàn biện pháp giải quyết hợp lý đền bù thoả đáng cho người có tài sản để đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu. Kinh phí đền bù ghi vào dự toán xây dựng cơ bản của công trình xăng dầu.

Nếu nhà ở, công trình... xây dựng sau khi đã có công trình xăng dầu thì phải di chuyển đi nơi khác hoặc bị tháo dỡ, huỷ bỏ và người có hành vi vi phạm còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. (Trường hợp nhà ở, công trình đã xây dựng trước khi ban hành Nghị định này thì Bộ Thương mại hướng dẫn và giải quyết cụ thể). Nếu phải đền bù thì tiền đền bù hoạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông của đơn vị kinh doanh xăng dầu. Trường hợp đơn vị có khó khăn về tài chính, Nhà nước xem xét hỗ trợ.

Điều 11. - Căn cứ các tiêu chuẩn quy định trong Nghị định này, cơ quan quản lý công trình xăng dầu có nhiệm vụ đặt các mốc, dấu hiệu, tường rào, phao tiêu, biển báo và xác định phạm vi bảo đảm an toàn công trình xăng dầu các ký hiệu và dấu mốc, phao tiêu, biển báo... về an toàn công trình xăng dầu phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết thực hiện.

Bộ Thương mại tổ chức thanh tra về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu theo quy định của Pháp lệnh Thanh tra Nhà nước.

Điều 12. - Cơ quan chủ quản các công trình xăng dầu phối hợp với các lực lượng cảnh sát nhân dân, thanh tra về an toàn công trình xăng dầu, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan hữu trách khác, có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn công trình xăng dầu.

Khi phát hiện những hành vi đe doạ hoặc xâm phạm đến an toàn của công trình xăng dầu thì Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng cảnh sát nhân dân và thanh tra chuyên ngành về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu có quyền đình chỉ các hành vi ấy.

Điều 13. - Khi có sự cố xảy ra ở các công trình xăng dầu, các ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng công an trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ quản ngành xăng dầu, theo chức năng của mình có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay và tiến hành việc khắc phục sự cố.

Nghiêm cấm những người không có trách nhiệm vào trong phạm vi đảm bảo an toàn các công trình xăng dầu trong thời gian xẩy ra sự cố và khắc phục sự cố.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. - Tổ chức hoặc cá nhân nào có thành tích trong việc bảo vệ an toàn công trình xăng dầu đều được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước và được cơ quan quản lý công trình xăng dầu xét thưởng vật chất tuỳ theo thành tích.

Tổ chức, cá nhân đấu tranh chống vi phạm an toàn các công trình xây dựng mà bị thiệt hại về tính mạng và tài sản riêng thì được cơ quan chủ quản công trình xăng dầu bồi thường.

Điều 15. - Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm những điều khoản ghi trong Quy định này sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo pháp luật hiện hành.